Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Giờ Kinh chiều cộng đoàn có thể được đọc như một phần của/trong Nghi thức Sám hối chung không? - J. B., Cincinnati, Ohio, Hoa Kỳ.
Đáp: Các nghi thức sám hối, nói chung, là một hỗn hợp của các hành động phụng vụ bí tích (hòa giải), và các hoạt động có thể được xếp là một phần của lòng đạo đức bình dân. Chúng thường tạo thành một phần trong phần thứ hai của Nghi thức Hòa giải. Các quy định tổng quát cho nghi thức này là như sau:
“B. Nghi thức sám hối chung và giải tội riêng
“22. Khi một số hối nhân tập hợp cùng một lúc để nhận sự hòa giải bí tích, điều thích hợp là họ chuẩn bị cho bí tích bằng một việc cử hành lời Chúa. Những ai sẽ nhận bí tích vào một thời điểm khác cũng có thể tham gia vào nghi thức này. Việc cử hành cộng đoàn cho thấy rõ hơn bản chất giáo hội của việc sám hối đền tội. Các tín hữu cùng lắng nghe lời Chúa, vốn tuyên bố lòng thương xót của Chúa, và mời họ hoán cải; đồng thời, họ kiểm tra sự phù hợp của cuộc sống của họ với lời Chúa, và giúp đỡ lẫn nhau thông qua việc cầu nguyện chung.
Sau khi mỗi người đã xưng tội của mình và nhận sự tha tội, tất cả cùng nhau ca ngợi Thiên Chúa vì bao việc tuyệt vời của Ngài thay cho các người mà Ngài đã giành được cho mình, nhờ Máu của Con Ngài. Nếu cần thiết, một số linh mục nên ngồi ở các nơi thích hợp để nghe thú tội riêng và hòa giải các hối nhân.
“Nghi thức dẫn nhập
“23. Khi các tín hữu tập họp, nên hát bài thánh ca phù hợp. Sau đó, linh mục chào họ, và, nếu cần, ngài hoặc một thừa tác viên khác giới thiệu ngắn gọn về việc cử hành và giải thích thứ tự nghi thức. Tiếp theo, ngài mời tất cả cầu nguyện, và sau một khoảnh khắc thinh lặng, hoàn thành lời nguyện (khai mạc).
“Cử hành Lời Chúa
“24. Bí tích giải tội nên bắt đầu bằng việc nghe lời Chúa, bởi vì qua lời Chúa, Chúa kêu gọi con người ăn năn và dẫn họ đến một sự hoán cải thực sự của tâm hồn. Một hoặc nhiều bài đọc có thể được chọn. Nếu có nhiều hơn một bài đọc, một thánh vịnh, một bài hát phù hợp khác hoặc một khoảng thời gian thinh lặng nên được chèn vào giữa chúng, để lời của Chúa có thể được hiểu sâu sắc hơn, và tâm hồn đồng ý với lời Chúa. Nếu chỉ có một bài đọc, tốt nhất là nên lấy từ Tin Mừng.
Các bài đọc nên được chọn để minh họa các điều sau đây:
“a) tiếng Chúa kêu gọi con người sự hoán cải, và nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô hơn;
“b) mầu nhiệm hòa giải của chúng ta qua cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô, và qua hồng ân của Chúa Thánh Thần;
“c) sự phán xét của Thiên Chúa về điều thiện điều ác trong cuộc sống con người, như một sự giúp xét mình.
“25. Bài giảng, lấy chủ đề từ bài Kinh Thánh, nên dẫn các hối nhân đến việc xét mình, từ bỏ tội lỗi và trở về với Chúa. Bài giảng nên nhắc nhở các tín hữu rằng tội lỗi hoạt động chống lại Thiên Chúa, chống lại cộng đồng và chống lại tha nhân, và chống lại chính tội nhân nữa. Vì vậy, bài giảng sẽ là tốt khi nhắc lại:
“a) lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, lớn hơn tất cả tội lỗi của chúng ta, mà qua đó kêu gọi chúng ta trở về với Chúa;
“b) sự cần thiết phải sám hối nội tâm, mà qua đó chúng ta thực sự chuẩn bị để đền bù tội lỗi;
“c) khía cạnh xã hội của ân sủng và tội lỗi, mà qua đó hành động của các cá nhân ở một mức độ nào đó ảnh hưởng đến toàn bộ Hội Thánh;
“d) bổn phận đền tội, vốn có hiệu quả vì công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô và đặc biệt, ngoài việc đền tội, đòi hỏi việc thực thi đức ái thực sự đối với Thiên Chúa và tha nhân.
“26. Sau bài giảng, nên cho phép một khoảng khắc thinh lặng thích hợp để xét mình và ăn năn tội thực sự. Linh mục, phó tế hoặc một thừa tác viên khác nên giúp tín hữu với các nhận dịnh ngắn hoặc một kinh cầu, tùy theo tầm mức hiểu biết, tuổi tác của họ... Nếu được đánh giá là phù hợp, việc xét mình tập thể và sự ăn năn tội này có thể thay thế bài giảng. Nhưng trong trường hợp này, cần phải rõ ràng dựa trên văn bản của bài Kinh Thánh vừa được đọc.
“Nghi thức hòa giải
“27. Theo lời mời của phó tế hoặc một thừa tác viên khác, tất cả quỳ xuống hoặc cúi đầu và nói một hình thức xưng tội chung (thí dụ, tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng…). Sau đó, họ đứng lên và tham gia vào một kinh cầu hoặc bài hát phù hợp, để bày tỏ sự thú nhận tội lỗi, sự ăn năn chân thành, cầu nguyện cho sự tha thứ, và tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa.
“Cuối cùng, họ đọc kinh Lạy Cha, vốn không bao giờ được bỏ qua.
“28. Sau Kinh Lạy Cha, các linh mục đi đến những nơi được chỉ định để giải tội. Các hối nhân nào muốn xưng tội đi đến vị linh mục theo sự lựa chọn của họ. Sau khi nhận được việc đền tội thích hợp, họ được ngài tha tội với hình thức cho sự hòa giải của một hối nhân cá nhân.
“29. Khi việc xưng tội đã xong, các linh mục trở lại cung thánh. Vị linh mục chủ sự mời gọi tất cả mọi người thực hiện một hành động tạ ơn và ca ngợi Chúa vì lòng thương xót của Ngài. Điều này có thể được thực hiện trong một thánh vịnh, thánh ca hoặc kinh cầu. Cuối cùng, linh mục kết thúc nghi thức bằng lời cầu nguyện, ca ngợi Chúa vì tình yêu vĩ đại mà Chúa đã ban cho chúng ta.
“Giải tán
“30. Sau lời kinh tạ ơn, linh mục ban phép lành cho các tín hữu. Sau đó, phó tế hoặc chính linh mục giải tán mọi người.”
Ngoài các tiêu chuẩn chung này, ‘Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân’, được Thánh Bộ Phượng Tự và Kỷ luật Bí tích công bố, đưa thêm điều sau đây về việc cử hành bí tích sám hối:
“267. Đối với nhiều tín hữu, việc viếng thăm một đền thánh là một dịp thuận lợi để tận dụng Bí tích Sám hối. Tuy nhiên, điều cần thiết là khuyến khích các yếu tố cấu thành khác nhau của Bí tích Sám hối:
“-vị trí cử hành: ngoài các tòa giải tội truyền thống đặt trong nhà thờ, mong muốn rằng một nhà nguyện xưng tội được cung cấp cho việc cử hành Bí tích Sám hối, và trong đó có không gian để chuẩn bị cho cộng đoàn đông người và cho cử hành xưng tội. Các điều này phải luôn tôn trọng các chuẩn mực quy điển liên quan đến Bí tích Giải tội, cũng như sự riêng tư cần thiết cho việc xưng tội. Nó cũng nên cung cấp một số khả năng để đối thoại với cha giải tội.
“-chuẩn bị cho Bí tích: đôi khi, các tín hữu cần sự giúp đỡ trong việc chuẩn bị xưng tội, đặc biệt là hướng tâm hồn và tâm trí lên Thiên Chúa thông qua một sự hoán cải chân thành, 'vì bản chất của Sám hối bao gồm điều này.' Sách nghi thức Sám hối (Ordo Paenitentiae) cung cấp cho buổi cử hành, được thiết kế để hỗ trợ việc chuẩn bị xưng tội, thông qua việc cử hành Lời Chúa hiệu quả; hoặc ít nhất là một số hình thức của tài liệu chuẩn bị phù hợp được đặt tại chỗ cho tín hữu sử dụng, để chuẩn bị cho họ, không chỉ để xưng tội, mà còn cho một sự sửa đổi chân thành cuộc sống.
“-chọn hành động nghi thức, để dẫn tín hữu khám phá bản chất giáo hội của việc Sám hối; về mặt này, Nghi thức hòa giải của nhiều hối nhân với việc xưng tội và giải tội cá nhân (nghi thức thứ hai của Sám hối), được chuẩn bị và tiến hành tốt, không nên là ngoại lệ, nhưng là một nghi thức bình thường của Bí tích Giải tội đặc biệt vào các thời điểm đặc biệt của Năm phụng vụ. ‘Việc cử hành cộng đoàn cho thấy rõ hơn bản chất giáo hội của việc sám hối đền tội’. Hòa giải mà không có sự xưng tội cá nhân và tha tội cá nhân là một hình thức hoàn toàn đặc biệt và ngoại thường của Bí tích Giải tội, và có thể không được coi là có thể hoán đổi với hình thức Bí tích thông thường của Bí tích. Việc sử dụng sự tha tội chung không thể được biện minh chỉ bằng sự hiện diện của số lượng lớn tín hữu, như xảy ra vào các ngày lễ lớn và ngày hành hương.
Thư luân lưu Paschalis Sollemnitatis, cũng từ Thánh Bộ Phượng Tự và Kỷ luật Bí tích, nói về việc cử hành Mùa Chay và lễ Phục Sinh thấy như sau:
“37. Mùa Chay là thời điểm thích đáng để cử hành các sám hối cá nhân, cũng như toàn thể cộng đoàn tín hữu, nhằm chuẩn bị cho họ tham dự các mầu nhiệm Vượt Qua cách tích cực và sốt sắng. Tuy nhiên, các cử hành sám hối nên được tổ chức trước Tam Nhật Vượt Qua, và không được tổ chức vào buổi chiều ngay trước Thánh Lễ Tiệc Ly” (Bản dịch Việt ngữ của Hội Đồng Giám mục Việt Nam.)
Có một số nguồn tuyệt vời có sẵn trực tuyến cho các nghi thức sám hối này, thí dụ, Ủy ban Phượng tự của Hội đồng Giám mục Anh và xứ Wales cung cấp một loạt các hình thức có giá trị cho các nghi thức này, với các đề cương đa dạng, gợi ý Kinh Thánh và các kinh nguyện khác.
Không có tài liệu nào trên đây đề cập đến việc cử hành Các Giờ Kinh Phụng Vụ, mặc dù nhiều yếu tố được đề xuất cho việc cử hành Lời Chúa được lấy cảm hứng từ cấu trúc của Thần vụ.
Do đó, mặc dù không có sự cấm đoán rõ ràng nào đối với việc đọc Giờ Kinh Phụng Vụ trong một nghi thức Sám hối chung như vậy, nhưng chắc chắn rằng các tài liệu của Giáo hội, và đặc biệt là Nghi thức Hòa giải, không coi đó là hiệu quả của mục vụ trong bối cảnh này. Thay vào đó, các tài liệu yêu cầu chuẩn bị một nghi thức cử hành Lời Chúa phù hợp với đặc tính sám hối và hòa giải của dịp này.
Sau khi tôi trả lời vào tháng 10-2019 về khả năng vị trí ổn định của nến Phục sinh, người hỏi câu này đã gửi thêm văn bản để làm rõ hơn. Bạn viết:
“Phần Giới thiệu chung về Nghi thức tang lễ Kitô giáo (Order of Christian Funerals), trong đoạn 35, liên quan đến ‘Nến Phục sinh và các loại nến khác’, nói:
“Nến Phục sinh nhắc nhở các tín hữu về sự hiện diện bất diệt của Chúa Kitô ở giữa họ, về chiến thắng của Ngài trên tội lỗi và sự chết, và về sự chia sẻ của họ trong chiến thắng này nhờ vào sự khởi xướng của họ. Nến nhắc nhớ lại Đêm Vọng Phục Sinh, đêm khi Giáo hội chờ đợi sự Phục sinh của Chúa, và khi ánh sáng mới cho người sống và người chết được thắp lên. Trong phụng vụ tang lễ và cả trong canh thức, khi được cử hành trong nhà thờ, nến Phục sinh có thể được đặt phía trước, gần vị trí mà quan tài sẽ chiếm giữ khi kết thúc rước quan tài. Theo phong tục địa phương, các ngọn nến khác cũng có thể được đặt gần quan tài trong phụng vụ tang lễ, như một dấu hiệu của sự tôn nghiêm và trang trọng.’
“Tôi tự hỏi có bao nhiêu linh mục biết rằng nến Phục sinh không cần được đặt gần quan tài, và rằng Cây nến Requiem truyền thống vẫn còn được phép sử dụng.
“Hơn nữa, tôi ghi nhận rằng Nghi thức Rửa tội cho Trẻ em (ICEL, 1969) và Nghi thức Khai tâm Kitô giáo cho người lớn (ICEL, 1974) có ghi chú, trong đoạn 25 của phần Giới thiệu chung của Nghi thức Khai tâm Kitô giáo cho người lớn, rằng 'Sau mùa Phục sinh, nến Phục sinh nên được giữ một cách cung kính trong Cung rửa tội (baptistery), và như thế nó có thể được thắp sáng khi có nghi thức rửa tội, và nhờ đó, các nến cho người mới được rửa tội có thể dễ dàng được thắp sáng tử nến Phục sinh.’
“Điều này dường như đã được làm dịu đi đáng kể bởi ngôn ngữ của Quy Chế Tổng quát Sách lễ Rôma, vốn được trích dẫn trong điện thư gốc.
“Cũng không hại gì khi trích dẫn điều 34 của cùng tài liệu, trong đó nêu rõ, ‘Tính đến hoàn cảnh hiện tại và các nhu cầu khác, cũng như mong muốn của tín hữu, thừa tác viên nên sử dụng đầy đủ các tùy chọn khác nhau được cho phép trong nghi thức.'
“Mặc dù loại hướng dẫn này khiến một số linh mục tin rằng cá nhân họ nên sử dụng tất cả các tùy chọn vào nhiều thời điểm khác nhau, tôi tin chắc rằng chứng tâm thần phân liệt không phải là bắt buộc. Tuy nhiên, tôi e rằng nhà lập pháp, có lẽ vô tình, làm cho thừa tác viên trở thành một người quản lý cho ý thích bất chợt của tín hữu, chứ đừng nói đến ủy ban phụng vụ giáo xứ.
“May mắn thay, cùng một hướng dẫn dành chỗ cho các linh mục là không bị cản trở bởi việc sử dụng các tùy chọn truyền thống có sẵn cho họ trong sách Nghi thức.
“Tôi càng nghiên cứu nhiều, tôi càng tự cho rằng tùy chọn đặt nến Phục sinh ở một cố định là hợp pháp.
“Nhân tiện, xin hỏi có các vương cung thánh đường ở Rôma với nhiều chân nến Phục sinh không? Tôi nghĩ về chân nến to lớn ở Nhà thờ thánh Phaolô Ngoại Thành. Chắc phải có một chân nến nhỏ hơn gần giếng rửa tội. Tôi tự hỏi liệu đó là một lựa chọn cho các nhà thờ giáo xứ chăng: có hai chân nến, nhưng chỉ có một nến.”
Mặc dù tôi không hoàn toàn đồng ý với bạn về một số điểm, tôi tin rằng bạn cũng đã đề xuất một giải pháp cho vấn đề thực tế về nơi đặt ngọn nến Phục sinh.
Trước hết, không có ngôn ngữ nào được sử dụng tuyệt đối đến nỗi một linh mục sẽ phạm phải một loại tội nhẹ trong phụng vụ nếu ngài, chẳng hạn, không để ngọn nến thường xuyên trong cung rửa tội, bởi vì ngài cử hành nhiều thánh lễ an táng hơn là rửa tội.
Các quy định nêu ra các ưu tiên phụng vụ liên quan đến giá trị biểu tượng, nhưng không cố gắng giải quyết tất cả các câu hỏi xây dựng cơ sở nhà thờ, vốn có thể xảy ra trong các tòa nhà của nhà thờ Công Giáo có kích thước, hình dạng và phong cách khác nhau.
Do đó, tôi tin rằng rõ ràng rằng vị trí ưu tiên của nến Phục sinh ngoài mùa Phục sinh là Cung rửa tội, và việc sử dụng nến này là cân thiết khi rửa tội. Tuy nhiên, có thể có các lý do thực tế tốt cho một vị trí thay thế, và không có luật buộc nào nói nến Phục sinh phải được nhìn thấy cả năm, nếu không đặt trong cung rửa tội.
Tôi sẽ không đồng ý với bạn rằng không bắt buộc phải đặt cây nến gần quan tài trong lễ an táng. Sức nặng của nhiều tài liệu trích dẫn đều giả định sự hiện diện của nó. Ngay cả việc sử dụng từ ngữ “có thể, ‘may’” trong số 35 của Nghi thức tang lễ Kitô giáo dường như đề cập đến khả năng đặt nến “phía trước, beforehand”, chứ không nói liệu có đặt hay không. Khi nói về các cây nến khác, tài liệu nói rằng “cũng có, also” các nến ấy ngoài cây nến Phục sinh.
Bạn đã phân biệt giữa nến và chân đỡ nến, và ở đây tôi tin rằng có bí quyết cho hầu hết các giải pháp thực hành. Biểu tượng Kitô giáo là ngọn nến, chứ không phải là chân đỡ nến, và không có khó khăn gì cho một nhà thờ để có một chân nến đỡ công phu cho cung thánh trong Mùa Phục sinh và một cây nến lớn, dễ di chuyển hơn cho phần còn lại của năm. Thật vậy, nhiều giáo xứ áp dụng giải pháp này.
Cũng không có yêu cầu để lại chân nến công phu trong cung thánh. Trừ khi nó ở một chỗ được cố định hoặc có giá trị nghệ thuật cao, nó có thể được lưu trữ trong phòng thánh trong gần hết cả năm.
Chân nến Phục sinh bằng đá cẩm thạch cao 5,6 mét trong Nhà thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành ở Rôma được điêu khắc vào khoảng năm 1170, và là một kiệt tác của nghệ thuật Romanesque. Cây nến được đặt trên đỉnh chân nến trong mùa Phục sinh. Mặt khác, nó được đặt trên một chân nến nhỏ hơn nhiều trong cung rửa tội, vốn không thể được nhìn thấy từ thân chính của vương cung thánh đường.
Cung rửa tội của Vương cung thánh đường Thánh Gioan Lateran là một tòa nhà lớn, hoàn toàn riêng biệt, vốn thực tế là một nhà thờ. Cung rửa tội của nhà thờ Đức Bà Cả nằm cạnh nhà thờ và cũng rất rộng. Cung rửa tội của Đền thờ Thánh Phêrô là nhà nguyện đầu tiên, sau khi đi vào phía Tin mừng (bên trái khi người ta nhìn về phía bàn thờ) đối diện với tượng Pieta. Trong mọi trường hợp, nến Phục sinh được để lại trong cung rửa tội. Do tình hình đặc biệt của các nhà thờ này, thánh lễ an táng thường ít cử hành hơn trong các nhà thờ này, mà chủ yếu là ở các nhà thờ giáo xứ. (Zenit.org 18-2-2020)
Nguyễn Trọng Đa
https://zenit.org/articles/vespers-and-penitential-services/
VietcatholicNews