Các bậc làm cha mẹ có thể đến bên con cái để hàn gắn lại những đổ vỡ trong tâm hồn chúng.
Tình yêu đầu tiên thường xảy ra cách bất ngờ như một cơn lốc và những cảm xúc có thể vượt khỏi tầm kiểm soát. Ban đầu, chàng thiếu niên có thể ngạc nhiên về những cảm xúc mãnh liệt của bản thân, tiếp đó là xác tín rằng mình đã tìm thấy được tình yêu đích thực cho cuộc đời. Thế nhưng một ngày nọ, cậu ấy bị “người tình của mình” ruồng bỏ, bi kịch ập đến và bất cứ ai hoài nghi về đau khổ tột cùng này sẽ bị chối từ một cách tàn nhẫn. Vậy làm sao có thể giúp con của bạn vượt qua quãng thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời mình?
Những sai lầm nên tránh
Trước tiên, bạn cần hiểu rằng đây là một trải nghiệm thực tế và sâu sắc đối với con của bạn. Những lời động viên chẳng hạn như: “Biển còn rất nhiều cá mà lo chi” và “Con sẽ ổn, rồi con sẽ nhận ra thôi” đều phản tác dụng trong việc chữa lành nỗi đau rất thật này. Còn với những lời mỉa mai hoặc những lời khiến con của bạn cảm thấy tội lỗi như: “Con còn quá trẻ để hiểu tình yêu thực sự là gì”, “Cha mẹ đã cảnh báo con rồi, con cứ muốn chơi trò người lớn rồi lại bị bỏ rơi” – điều đó cũng chỉ làm tình trạng thêm tồi tệ.
Vai trò căn bản của cha mẹ trong tình huống này là cứ để con bộc lộ sự thất vọng cay đắng, niềm hy vọng bị vỡ tan, suy sụp, cảm giác tức giận và thiếu lòng tự trọng của một người cảm thấy bị tình yêu từ chối, không nhận được sự yêu thương.
Thay vì để con của bạn gặm nhấm nỗi đau một mình, hãy đề nghị con ra ngoài, xem phim với bạn (hoặc với người khác) hay đổi sang những thú vui tiêu khiển khác nhau sẽ khiến con thấy dễ chịu hơn, ngay cả khi ban đầu con không nhận ra điều gì. Khi thời gian và tâm trạng ổn định, bạn cũng có thể đề xuất những ý tưởng mà cậu ấy có thể nghĩ tới như: “Con có biết rằng chúng ta có thể đem lòng yêu ai đó nhiều hơn một lần và yêu mãnh liệt hơn lần đầu không? Biết đâu ngoài kia có ai đó đợi con rồi sẽ lại yêu con. Nếu người đó không yêu con, không phải vì con không tốt”.
Cẩn thận với những triệu chứng trầm cảm
Con của bạn cần tiếc thương cho tình yêu mà nó đã mất, nhưng miễn là nó sống trong niềm hy vọng có thể quay lại, còn không thì không có cách nào vượt qua được điều này. Bạn phải giúp cậu ấy biết buông bỏ. Một điều quan trọng không kém là nhận ra rằng con của bạn đang tìm thấy một người biết lắng nghe cậu ấy bằng trái tim chân thành.
Tại sao không thử đề nghị cậu ấy giúp ai đó kém may mắn hơn (lúc đó hãy cẩn thận những khó khăn không áp đảo được cậu ấy)? Và nếu nỗi tuyệt vọng lắng xuống, nếu cậu ấy tỏ dấu hiệu trầm cảm hoặc nói về tự tử, bạn đừng bao giờ coi thường – hãy tìm đến sự giúp đỡ chuyên nghiệp hơn.
Khuyến khích thay đổi
Hãy khuyên con giải bày trải nghiệm của nó: “Con có biết rằng những gì con vừa trải qua vô cùng phong phú không? Con vừa học được rằng tình yêu có thể là nguồn vui lớn và cũng là nguyên nhân của sự đau khổ tột cùng, vậy nên con có thể thấy điều quan trọng là đừng để bất cứ ai đùa giỡn với trái tim của con và con cũng thế, đặc biệt là khi cả hai đều chưa đủ trưởng thành để làm chủ được tình cảm của mình. Con có thể tự hỏi bản thân một vài câu hỏi giúp cho chính con sau này: “Tại sao không có một kết thúc tốt đẹp? Có phải vì con quá ích kỷ, quá trẻ con? Hay vì con đã gây ra quá nhiều áp lực cho người khác?” (Tình yêu có thể chỉ nở hoa khi không ràng buộc).
Bạn cũng có thể yêu cầu con mình cố gắng để trở thành một người bạn tinh thần của một người mà một ngày nào đó cậu ấy sẽ đem lòng yêu thương. Vết thương lòng này có thể trở nên cơ hội tuyệt vời cho sự trưởng thành.
Dù thế nào đi nữa, để vượt qua cảm giác trống rỗng vì mất đi tình yêu mà người trẻ chịu đựng, điều cần nhất là môi trường gia đình ấm áp, yêu thương và thấu hiểu. Được bao bọc bởi một thái độ dịu dàng, tôn trọng mà không chút xâm phạm, con của bạn sẽ tự khám phá ra được tình yêu thực sự là gì. Tình yêu này tương tự như tình yêu thiêng liêng, thà chấp nhận chịu đau khổ vì lợi ích của người khác còn hơn là khiến họ phải đau khổ.
Denis Sonet/Aleteia.org
Sao Nguyễn chuyển ngữ