Tại sao phụ nữ nhiều nơi mang voan che đầu?
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Một người bạn của con nói rằng theo Kinh thánh, một người phụ nữ nên che đầu trước sự hiện diện của Chúa chúng ta (Thánh Thể / trong Thánh lễ). Trong các nhà thờ của chúng con, điều này đã không được thực hành. Xin cha vui lòng cho con biết làm thế nào và khi nào việc thực hành của phụ nữ che đầu đi đến kết thúc, hoặc đó là chúng ta đang làm điều gì không đúng chăng? - J. M., Doha, Qatar.
Đáp: Bản văn Kinh thánh được đề cập chắc là 1 Cr 11: 4-16:
“Phàm người nam nào cầu nguyện hoặc nói tiên tri mà che đầu, thì hạ nhục Ðấng làm đầu mình. Phàm người nữ nào cầu nguyện hoặc nói tiên tri mà lại để đầu trần, thì làm nhục kẻ làm đầu mình, vì người ấy như thể trọc đầu vậy. Nếu người nữ để đầu trần, thì cứ cắt tóc đi! Nhưng nếu cắt tóc hay trọc đầu là một điều xấu hổ đối với người nữ, thì hãy che đầu lại! Người nam không được che đầu, bởi vì là hình ảnh và vinh quang của Thiên Chúa; còn người nữ là vinh quang của người nam. Thật vậy, không phải người nam tự người nữ mà có, nhưng người nữ tự người nam. Cũng chẳng phải người nam được dựng nên vì người nữ, nhưng người nữ vì người nam. Bởi thế, người nữ phải mang trên đầu một dấu hiệu phục tùng, vì có các thiên thần. Tuy nhiên, trong Chúa, không nam thì chẳng có nữ, và không nữ thì chẳng có nam. Thật thế, như người nữ tự người nam mà có, thì người nam cũng bởi người nữ mà sinh ra, và mọi sự đều tự Thiên Chúa mà có.
“Anh em hãy tự xét xem: người nữ không che đầu mà cầu nguyện với Thiên Chúa thì có xứng hợp không? Chính thiên nhiên lại không dạy anh em rằng người nam mà để tóc dài là điều ô nhục, còn người nữ mà để tóc dài thì lại là vinh dự cho họ đó sao? Là vì Thiên Chúa ban cho người nữ mái tóc làm khăn che đầu. Ngoài ra, nếu có ai nghĩ mình phải cãi lý, thì đó không phải là thói quen của chúng tôi, cũng như không phải là thói quen trong các Hội Thánh của Thiên Chúa” (Bản dịch Kinh Thánh Việt ngữ của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ.)
Một sự thảo luận đầy đủ về bản văn này là nằm ngoài phạm vi của bài hôm nay. Nhưng chúng ta có thể nói rằng đoạn văn trên chứa một số yếu tố, vốn có giá trị thần học lâu đời và các yếu tố khác, vốn phản ánh các tập tục xã hội nhất thời, chỉ áp dụng cho thời kỳ đặc biệt và thành phố Cô-rin-tô.
Chẳng hạn, trong dòng lịch sử, có những lúc người ta thường thấy đàn ông, và thậm chí cả giáo sĩ nữa, để tóc dài; và không ai cảm thấy rằng lời của thánh Phaolô coi việc thực hành này là một sự ô nhục áp dụng cho họ.
Tương tự như vậy, các quy định phụng vụ nói rằng các Giám mục đội mũ sọ (skullcap) trong một số lời nguyện trong Thánh lễ, và các vị có thể đội mũ lễ giám mục (miter) trong khi giảng, mà không rơi vào lời của thánh Phaolô rằng sự thực hành này mang lại sự xấu hổ cho đầu các vị. Tuy nhiên, các quy định yêu cầu các vị cởi mũ ra trong phần Kinh nguyện Thánh Thể và khi chầu Thánh Thể.
Ngoài các Giám mục và một số kinh sĩ, tập tục vẫn quy định rằng tất cả người đàn ông khác nên để đầu trần trong nhà thờ, ngoại trừ khi dự Thánh lễ ngoài trời.
Trong thời thánh Phaolô, người phụ nữ được coi là khiêm hạ khi che đầu, và ngài đã nhấn mạnh điểm này khi họ hiện diện trong cộng đoàn phụng vụ.
Tập tục này được coi là quy phạm và được quy định trong điều 1262.2 của Bộ Giáo luật năm 1917, bên cạnh khuyến nghị rằng nam giới và nữ giới nên ngồi tách biệt trong nhà thờ và đàn ông để đầu trần. Điều luật này đã bị loại bỏ khỏi Bộ Giáo luật mới ban hành năm 1983, nhưng sự thực hành đã bắt đầu rơi vào tình trạng không áp dụng, từ khoảng đầu thập niên 1970. Mặc dù không còn ràng buộc về mặt pháp lý, tập tục che đầu này vẫn được áp dụng rộng rãi ở một số quốc gia, đặc biệt là ở châu Á. Nói chung, nó đã bị bỏ ở hầu hết các nước phương Tây mặc dù phụ nữ, không giống như đàn ông, vẫn có thể đội mũ và voan khi dự lễ, nếu họ chọn.
Các yếu tố xã hội học cũng có thể đã tham gia vào. Sự nhấn mạnh lớn hơn về sự bình đẳng nam nữ có xu hướng hạ thấp các yếu tố, vốn nhấn mạnh sự khác biệt giữa hai phái.
Tương tự như vậy, lần đầu tiên trong nhiều thế kỷ, việc không đội mũ ngoài trời, đặc biệt là đối với nam giới, đã không còn bị coi là thói xấu, trong khi một vài năm trước đó, người ta coi đó là không hợp lẽ khi đi ra ngoài mà không đội mũ.
Việc hai giới giảm bớt sự đội mũ cũng có thể ảnh hưởng đến sự biến mất của phong tục tôn giáo trên.
Một bạn đọc cho biết ông nghe nói rằng Bộ Giáo luật mới không bãi bỏ việc buộc đội mũ và voan, nhưng đơn giản là không đề cập đến nó thôi.
Mặc dù một số chuyên viên giáo luật có thể chấp nhận giả thuyết này, nhưng đó không phải là cách giải thích có thể xảy ra nhất, vì không chắc là nhà làm luật sẽ khiến tín hữu nghi ngờ về sự tồn tại của một việc buộc. Bằng cách không còn đề cập đến tập tục này, nhà làm luật đã loại bỏ nó khỏi lãnh vực buộc, trong khi vẫn giữ nguyên khả năng còn lại của nó như một tập tục ở một số địa phương hoặc bối cảnh.
Một bạn đọc ở Kuala Lumpur, Malaysia, đã đề cập đến một trường hợp đặc biệt: "Chúng tôi có một nhóm nhỏ giáo dân duy truyền thống đến dự lễ với khăn che đầu (đặc biệt là phụ nữ). Trong hầu hết các phần của Thánh lễ, họ đều quỳ khi mọi người khác đứng. Khi rước lễ, họ quỳ gối và sẽ chỉ rước lễ nếu được một linh mục cho họ rước lễ, chứ họ không rước lễ bởi các thừa tác viên giáo dân hay tu sĩ. Có trường hợp họ từ chối rước lễ, vì linh mục cử hành thánh lễ chỉ cho các người đứng rước lễ mà thôi. Điều này dẫn đến việc họ phải di chuyển từ nhà thờ này đến nhà thờ khác, tìm kiếm được các linh mục sẽ cho họ quỳ rước lễ. Quy định của Hội Thánh về việc này là thế nào, thưa cha?"
Một số bạn đọc khác đề cập đến các trường hợp tương tự, khi phụ nữ bị các linh mục chủ động ngăn cản đội mũ và voan, vì chúng "gây lo ra."
Lý do chính khiến thánh Phaolô buộc phụ nữ phải che đầu là vì sự khiêm hạ trong phụng vụ, đặc biệt là vì trong bối cảnh văn hóa của một thời kỳ, mà trong đó một phụ nữ không che đầu truyền đạt một thông điệp của sự vô phép.
Vì sự khiêm hạ là lý do chính, một phụ nữ có thể tự do hoặc che đầu vì sự khiêm hạ, hoặc đơn giản không tôn trọng tập tục lâu đời.
Mặc dù sự khiêm hạ cũng khuyên không nên sử dụng các chiếc mũ và voan cầu kỳ phức tạp, nhằm thu hút sự chú ý đến mình, nhưng không thẩm quyền nào trong giáo luật hay trong các phong tục xã hội thông thường sẽ cho phép cấm dùng màn, hay ngăn cản tất cả các voan che đầu. Linh mục phải đủ linh hoạt để thích ứng với các nhạy cảm tâm linh khác nhau của đàn chiên của họ, ngoại trừ trong trường hợp không tương thích rõ ràng với bản chất của nghi thức thánh.
Một điểm tương tự có thể được đưa ra liên quan đến các người Malaysia duy truyền thống. Các tín hữu này nên được khuyến khích tham gia vào cử chỉ chung của buổi lễ, vốn thể hiện sự hiệp nhất của cầu nguyện và mục đích cầu nguyện.
Mặc dù linh mục nên cố gắng giáo dục họ theo các quy định và lòng đạo đức chân chính của Hội Thánh, nhưng thường được khuyên nên kiên nhẫn và tránh tạo ra sự chia rẽ không cần thiết, về các điểm vốn không phải lúc nào cũng được quy định rõ ràng trong luật phụng vụ.
Đồng thời, Tòa Thánh đã nói rõ rằng ngay cả khi Hội đồng Giám mục đã thiết lập việc thực hành đứng rước lễ như một chuẩn mực chung, các tín hữu nào muốn, có thể quỳ xuống để rước lễ. Tòa Thánh cũng đã nhấn mạnh trong các điều khoản rất rõ ràng rằng không có chuyện tín hữu có thể bị từ chối cho rước lễ, chỉ vì họ quỳ xuống.
Tuy nhiên, các tín hữu như vậy cũng nên cẩn thận, kẻo việc thực hành của họ gây ra bất kỳ sự xáo trộn nào cho dòng người lên rước lễ và nếu cần, chẳng hạn, họ nên đợi cho đến khi gần hết người, họ mới lên để quỳ rước lễ.
Như một phiên bản của câu ngạn ngữ đạo đức cổ điển nói: "Hãy hợp nhất trong những gì cốt yếu, tự do trong những gì chưa chắc, nhưng bác ái trong hết mọi sự" (in necessariis unitas, in dubiis libertas, in omnibus caritas; In important things unity, in less important things liberty, in all things charity; Dans ce qui est nécessaire, unité, dans des choses douteuses. liberté, en toutes choses, charité.) (Zenit.org 22-5 và 5-6-2007)
Tác giả bài viết: Nguyễn Trọng Đa