TIẾNG CƯỜI TRONG KINH THÁNH
Robin Gallaher Branch
Giáo sư Kinh Thánh, Victory University, Memphis
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
chuyển ngữ
“Nỗi đắng cay chỉ riêng lòng mình biết, niềm hân hoan đâu chia sẻ được với người ngoài” – Cn 14, 10. “Tâm trí hân hoan là liều thuốc tốt” – Cn 17,22
Khi đọc sách II Sử Biên Niên, 21,20, ta gặp thấy một đoạn chi chép buồn cười: “Vua Giơhôram lên ngôi khi được ba mươi hai tuổi, và trị vì tám năm ở Giêrusalem. Vua ra đi mà không ai thương khóc. Ông được chôn cất trong Thành Đavít, nhưng không được đặt trong phần mộ các vua”. Thiệt tình mà nói, nhà chép sử đã làm cho cái chết của vị quân vương này bớt căng thẳng. Thực tế là vua Giơhôram chẳng được ai yêu thích. Câu biên tập này chêm một chi tiết khôi hài vào công thức trang trọng đến chán ngắt của sách Biên Niên Sử.
Khi đọc Kinh Thánh chậm rãi, nhiều lúc ta thấy tức cười. Ta cảm nhận được sự khôi hài trong đó. Ta đi từ buồn sầu, thông cảm hay vui mừng khi đồng cảm với các nhân vật gặp thấy qua từng trang sách. Đôi khi ta chợt cười tủm tỉm dù biết rằng nó chứa đựng những nỗi buồn. Ta có thể bắt gặp nhiều câu đoạn, những câu chuyện và ngay cả những cuốn sách trong Kinh Thánh qua lăng kính khôi hài và thật sự nhiều phần trong Kinh Thánh có viết với ý vui và lời đáp trả thích đáng chính là tiếng cười. Vậy thì ta có thể kết luận: Khôi hài là một tiểu đề cơ bản trong Kinh Thánh: cả Cựu Ước lẫn Tân Ước.
Tiếng cười trong Cựu Ước
Chúng ta hãy bắt đầu với câu trích trong sách Giảng Viên 3,4: “Có thời để khóc lóc và có thời để vui cười, một thời để than van, một thời để múa nhảy”. Bản văn Kinh Thánh luôn thực tiễn khi nhìn nhận những cảm xúc của con người và vạch ra giới hạn cho chúng.
Tiếng cười của Thiên Chúa trong Cựu Ước
Và đây là tiếng cười của Thiên Chúa, dù sao Ngài cũng là Đấng tạo dựng mà!
Hãy xem Thánh Vịnh 37,12-13: “Kẻ gian ác mưu hại người công chính, và hậm hực nghiến răng. Nhưng Chúa cười vào nó, vì thấy nó đã đến ngày tàn”. Tiếng cười ở đây cho thấy sự bất lực của kẻ gian ác cũng như sự vô ích trong mưu đồ của họ chống lại những người công chính. Tại sao? Như thánh vịnh đã trả lời, những người tin vào Thiên Chúa sẽ được thừa hưởng đất hứa làm gia nghiệp và kẻ gian ác phải đền tội.
Thiên Chúa cũng cười vào kẻ ngạo mạn hoang tưởng về sức mạnh của mình. Thánh Vịnh 2,2.4 nói rằng khi “Vua chúa trần gian cùng nổi dậy … rập mưu đồ chống lại Đức Chúa, chống lại Đấng Người đã xức dầu phong vương” thì lúc ấy “Chúa ngự trời cao thấy thế bật cười, Người chế nhạo bọn chúng”.
Thế nhưng Sôphônia 3,17 lại minh họa một khía cạnh khác của tiếng cười và tính cách của Thiên Chúa, khác hơn điều được diễn tả suốt trong Kinh Thánh: “Vì ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ, … Vì ngươi, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng”. Niềm vui được thể hiện bằng hoạt động thể lý. Câu này nói lên điều khả thể: sự hoan hỉ làm Thiên Chúa ca hát và nhảy múa!
Ai chịu trách nhiệm?
Một câu chuyện có thể khiến ta bật cười chính là mẫu đối thoại trên núi Sinai giữa Thiên Chúa và ông Môisê. Những người nô lệ Do Thái vừa mới được giải thoát đang phạm tội thờ lạy bò vàng và cho rằng chính thần bò chứ không phải Thiên Chúa đã dẫn đưa họ ra khỏi đất Ai Cập (Xh 32,4-6). Cả Thiên Chúa lẫn ông Môisê đều không muốn những kẻ gây rối vào lúc này. Giống như một củ khoai nóng, trách nhiệm về những người nô lệ trước đây được đùn đẩy qua lại giữa Thiên Chúa và ông Môisê.
Thiên Chúa ném trách nhiệm trước, nói với ông Môisê rằng những người Do Thái hư hỏng kia là “dân của ngươi” (c. 7). Nhưng Môisê đã nhanh chóng bắt bài. Ông phủ nhận liên hệ với họ. Những người này không phải của ông! Hẳn nhiên với giọng điệu kính cẩn và bênh vực, ông Môisê đáp lại: “Lạy Đức Chúa, tại sao Ngài lại bừng bừng nổi giận với dân Ngài, dân mà Ngài đã giơ cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ra khỏi đất Ai Cập” (c. 11). Ông nhắc nhở Thiên Chúa về lời hứa với các tôi tớ Ngài là Abraham, Isaac, và Israel là làm cho dòng dõi họ “đông đúc như sao trên trời” (c. 13). Cảnh khôi hài đã làm dịu nhẹ đi chương này, một chương có cái kết buồn. Tội lỗi của dân Israel đã nhanh chóng đưa đến cái chết của nhiều người ở cuối chương (Xh 32,35). Cấu trúc của chương là sự kết hợp của đối thoại, phản loạn, khủng hoảng và hình phạt.
Khôi hài qua lời bóng gió
Hãy xem lại sách Sáng Thế Ký 18, 10-15, khi Thiên Chúa báo cho ông Abraham và bà Sara rằng họ sẽ có con trai vào “giờ này năm sau” (c. 10). Bà Sara bật cười, nghĩa rằng mình đã cằn cỗi rồi mà giờ lại sẽ phải nếm mùi xác thịt nữa sao (c. 11). Dẫu sao bà cũng đã xấp xỉ 89 tuổi! Còn ông Abraham có lẽ cũng khoảng 99 tuổi. Song ông tin rằng Thiên Chúa có thể ban cho ông và bà Sara có con nối dõi và làm cho họ trở thành cha mẹ dù xét về bản lĩnh đàn ông thì ông “có sống cũng như chết” (Dt 11,11-12). Ý nghĩ làm cha một đứa trẻ ở độ tuổi này khiến ông vui.
Những cuốn sách khôi hài trong Cựu Ước
Toàn bộ những cuốn sách trong Cựu Ước đều có những yếu tố khôi hài mạnh mẽ. Yếu tố khôi hài trong sách Étte là con số những bữa tiệc. Có ít nhất là 10 bữa tiệc và như vậy chúng hình thành nên cấu trúc cũng như chiếm nhiều hoạt động của cuốn sách. Ta cứ nghĩ xem: những nhà lãnh đạo này có làm gì khác hơn là ăn tiệc và uống rượu, mưu đồ và lè nhè?
Chúng ta cười suốt nơi sách Giôna. Ta cười về sự công khai bất tuân thượng lệnh của Giona khi ông đi về hướng tây đến Tácsít trong khi Chúa bảo ông đi về hướng đông bắc đến thành Ninivê (Gn 1,1-3); về chuyện ông Giôna bị “phạt nhẹ” để suy nghĩ về mọi chuyện trong bụng con cá lớn; chuyện ông nhăn nhó, cứng đầu im lặng trong ba ngày khi bị tiêu hóa trong bụng cá; chuyện ông bị cá mửa ra trên đất cạn – một nơi nào đó ở vùng Địa Trung Hải (2,11); chuyện bài giảng cộc lốc của ông chỉ có bảy từ cho dân thành Ninivê (3,4); chuyện ông nổi giận vì sự thành công của bài giảng khiến cả thành phố ăn năn hoán cải (4,1). Nhưng tiếng cười đôi khi thoáng đẫm nét buồn vì Giôna cứ giận và giận mà không bao giờ hiểu được lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho những người không biết đến Ngài và cả súc vật trong thành ấy nữa (4,11). Thật vậy, mọi sự trong sách Giôna – các thủy thủ, con cá lớn, dây bầu, cơn gió nóng và dân Ninivê – đều tuân phục Thiên Chúa. Mọi sự và mọi người đều tuân phục Thiên Chúa chỉ trừ có một: ông Giôna. Thiên Chúa tỏ bày những sắc màu cảm thương và lòng thương xót của Ngài – còn ông Giôna thì bất cần đến chúng.
Khôi hài trong Tân Ước
Tương tự, Tân Ước cũng ngập tràn tiếng cười. Đức Giêsu phải có một cá tính hấp dẫn lắm mới thu hút được sự chú ý của đám đông từ ngày này sang ngày khác cũng như sự trung thành đều đặn của ít nhất mười hai tông đồ trong ba năm. Thêm vào đó, ngoài việc là một thầy dạy hấp dẫn mà lời nói mang lại sự sống, có vẻ như ngài còn là một người khôi hài nổi bật.
Chẳng hạn, một đám đông có đến 5.000 người đi theo ngài vào nơi hoang vắng (Mc 6,30-44). Hẳn nhiên lời dạy của Đức Giêsu khiến họ quên ăn, quên mang theo lương thực hoặc chẳng màng gì đến công việc.
Trong tác phẩm The Humor of Christ (Sự khôi hài của Đức Kitô), Elton Trueblood đã liệt kê 30 đoạn văn khôi hài trong các Tin Mừng Nhất Lãm. Dụ ngôn và những câu chuyện mà Đức Giêsu kể, chúng đều dễ hiểu. Khán giả của Đức Giêsu sẽ cười với hình ảnh những người khua chiêng đánh trống để báo cho người khác biết về những hành động công chính của mình (Mt 6,2) vì nó khá thịnh hành lúc ấy. Đám đông sẽ thấy lố bịch khi các quan chức lãnh đạo tự gọi mình là những người hảo tâm (Lc 22,25) – bởi vì quần chúng lao động biết quá rõ rằng thật ra không phải thế. Chắc hẳn cử tọa sẽ cười thầm khi Đức Giêsu khen bà góa ồn ào, ngỗ ngược khi kiên trì quấy rầy ông quan tòa bất công và đề cử bà như một mẫu gương cầu nguyện thành công (Lc 18,1-8).
Thánh Phaolô sử dụng sự khôi hài trong thư gởi cho giáo hội mới Côrintô (1 Cr 12,12-27). Ngài bàn đến vài vấn đề được báo cáo cho mình. Những vấn đề này - tính tự phụ, loại trừ và thái độ “Tôi bất cần anh” – có thể phá hủy giáo hội mới, vì chúng đi ngược với tình yêu mà Đức Giêsu dạy. Thay vì nêu tên những kẻ gây rối ở Côrintô, ngài nói bóng gió về tình trạng này một cách hài hước, nhẹ nhàng: “Mắt không có thể bảo tay: "Tao không cần đến mày"; đầu cũng không thể bảo hai chân: "Tao không cần chúng mày” (c. 12,21). Phaolô khẳng định các thành phần đều cần thiết và cần phải thống nhất hoạt động, trong thân thể Đức Kitô.
Trong nhà ông Giaia, viên trưởng hội đường, Đức Giêsu đã sử dụng kiến thức thực tiễn để phá vỡ một tình trạng căng thẳng. Cô con gái 12 tuổi của ông Giaia vừa mới chết. Đức Giêsu, ba môn đệ và cha mẹ cô gái vào nơi nó nằm (Mc 5,40). Đức Giêsu cầm tay đứa bé và nói, “Talitha koum!” nghĩa là “Này cô bé, ta nói với cháu đó, hãy chỗi dậy!” (c. 41). Cô bé lập tức chỗi dậy và đi lại quanh căn phòng (c. 42a). Marcô ghi nhận phản ứng của những người ở trong phòng là “kinh ngạc sững sờ” (c. 42b); nói cách khác, có lẽ họ sửng sốt và im lặng. Đức Giêsu mới làm một điều gì đó khá thực tiễn: Ngài bảo họ cho con bé ăn (c. 43). Khi nỗi buồn bổng dưng biến thành một niềm vui bất ngờ như khi một cô gái chết được cho sống lại thì phản ứng tự nhiên của con người là phá cười lớn tiếng hay la to lên. Ở đây, Đức Giêsu nói đùa một câu bằng cách nhắc mọi người rằng cô gái đã bị bệnh, kinh nghiệm được cái chết, rồi bây giờ là một người sống lại đang đói bụng! Hẳn nhiên con bé cần phải ăn! Mọi đứa bé 12 tuổi đều háu ăn! Câu nói tử tế, đúng lúc và thực tiễn này của Đức Giêsu đã phá vỡ mọi căng thẳng, phá mọi nỗi buồn bị dồn nén và sự kinh ngạc hiện diện khắp căn phòng giữa cha mẹ đứa bé và ba môn đệ Đức Giêsu. Và khi Đức Giêsu nói bông đùa một câu thì sự đáp trả đúng đáng hẳn nhiên là những tiếng cười rất vui!