Vài suy tư: Nha Trang – mùa dịch corona

Từ ngày báo chí truyền tin cho biết đã có vài trường hợp bị [nghi ngờ?] nhiễm virus corona từ Vũ Hán, người ta cũng hạn chế đến Nha Trang, bởi phần lớn khách du lịch đến đây là người Trung Quốc.

Thấy dân mạng đăng tải hình ảnh “trống vắng” của thành phố Nha Trang, tôi vội vàng vào xem. Vốn là một địa điểm du lịch nổi tiếng, Nha Trang đã luôn tấp nập người, đặc biệt là những con đường ven biển. Nay thấy vắng ngắt khắp nơi, đường sá thênh thang, tiếng ồn ít lại, bản thân tôi – một người con vùng biển này – thấy là lạ, chẳng biết nên gọi là “bình yên” hay “sợ hãi”.

Từ ngày báo chí truyền tin cho biết đã có vài trường hợp bị [nghi ngờ?] nhiễm virus corona từ Vũ Hán, người ta cũng hạn chế đến Nha Trang, bởi phần lớn khách du lịch đến đây là người Trung Quốc. Tình hình trở nên nghiêm trọng đến độ người ta chẳng dám ra đường, các quán ăn cũng ít khách, các trường học đóng cửa, những nơi công cộng chỉ toàn thấy khẩu trang… Tôi theo dõi từng trang tin, thấy đâu đâu cũng nói về dịch cúm, cảnh tang thương ở Vũ Hán, những lời nguyền rủa dành cho kẻ nào đã phát tán hay che giấu dịch bệnh, rồi có cả những trích dẫn về các lời tiên tri nào đấy về đại hoạ cho nhân loại… Có lẽ đã có quá nhiều điều để nói về tình trạng virus corona này, nhưng bản thân vẫn muốn chia sẻ vài dòng tâm sự.



Hoá ra con người vẫn còn biết sợ chết

Ai cũng biết là mình sẽ chết, chỉ là không biết mình sẽ chết cách nào, khi nào, ở đâu. Người ta có quyền uy cỡ nào, giàu sang thế nào, vẫn sẽ trở nên yếu đuối và thua cuộc trước thân phận hữu hạn và phải chết của mình. Khi cuộc sống đẩy xô người ta mưu sinh để tranh giành vật chất, ít ai nghĩ đến chuyện mình sẽ chết. Cho đến khi có cái gì đó đe mạng sống của mình, họ mới giật mình nghĩ về những cái hư ảo mà mấy lâu nay mình tìm kiếm. Đối diện với cái chết, người ta trở nên hoảng loạn vô cùng.

Con người vĩ đại là thế, nhưng vẫn khiếp sợ trước một con virus nhỏ nhoi. Chỉ vài ngày thôi mà cả thế giới phải náo loạn. Các nhà khoa học phải nỗ lực hết sức để sớm tìm ra thuốc chữa trị. Nơi đâu không có người nhiễm bệnh, ai nấy đều vui mừng. Con người chắc sẽ ít để ý đến sự mau qua của thế giới này, nếu không bị đặt vào hoàn cảnh màn trời chiếu đất như thế.

Mấy ngày qua, bản thân tôi đi đâu, làm gì cũng có chút lo ngại, ho một cái cũng mong rằng đó chỉ là cái ho thông thường. Thấy con người mình sao nhỏ bé quá, tầm thường quá! Tôi không thích con virus corona, nhưng cũng giống như bao tai hoạ khác mà nhân loại đã từng gánh chịu, đại dịch này dường như cũng cảnh tỉnh con người về cái yếu đuối và số phận thụ tạo của họ.

Phải khiêm nhường hơn, phải ý thức hơn, phải biết trân trọng từng hơi thở mà mình đang thụ hưởng, vì biết đâu có lúc mình muốn thở mà không được.

Những điều nơi thâm tâm của con người được tỏ lộ

Bên cạnh những nỗi lo lắng dành cho đại dịch, cư dân mạng còn tỏ vẻ bức xúc trước hiện tượng nhiều tiệm thuốc đã tăng giá khẩu trang.

Người ta luôn tìm cách trục lợi cho bản thân, tận dụng mọi hoàn cảnh để kinh doanh thu tích nhiều lợi nhuận. Nhưng như nhiều người đã bình luận, đồng tiền thu được từ nỗi sợ của người là loại đồng tiền bẩn thỉu, vì nó chà đạp lương tâm của mình, đánh mất đi nhân cách, quên lãng lòng thương xót dành cho đồng loại.

Cơn đại dịch xảy đến một cách bất chợt hoá ra lại làm cho nhân loại chúng ta biết rằng con người thật thâm hiểm, chỉ chực chờ cơ hội để lo cho bản thân mình, bất chấp những giá trị luân thường đạo lý. Sự ích kỷ đó đã ngấm ngầm trong xã hội chúng ta bấy lâu nay. Nó khiến cho con người càng xa nhau mà chẳng mấy ai để ý. Đến bây giờ, trước đại hoạ này, nó mới lộ diện cách rõ ràng hơn. Con “virus ích kỷ” này đâu kém nguy hiểm hơn con “virus corona”. Các nhà khoa học có thể sẽ sớm tìm ra được thuốc chữa trị thể lý, còn những căn bệnh thuộc về nhân cách, thật khó để có thể diệt trừ một sớm một chiều.

Những biến cố xảy đến sẽ giúp phơi bày lương tâm con người ra trước ánh sáng. Chắc là sau đại dịch này, sẽ còn nhiều chuyện phải làm để cuộc sống nhân loại được lành mạnh và trong sạch hơn, miễn nhiễm với mọi loại toan tính bẩn thỉu, ích kỷ nhỏ nhen mà con người đang sống.

“Một con người hoàn hảo là toàn thể nhân loại”

Hình như câu nói này của một triết gia nào đó (Socrates?). Không một con người nào là hoàn hảo, là đầy đủ. Bởi vậy, mới có người khác sống với mình, mới có cái gọi là “cộng đồng nhân loại”, “gia đình nhân loại”.

Lên án, chỉ trích kẻ ác đã gieo rắc tai hoạ cho nhân loại là điều phải làm, nhưng có lẽ chúng ta được mời gọi để ý thức hơn về trách nhiệm chung mình cần phải có với mọi anh chị em khác trong lúc này. Phần lớn những người bị bệnh là người dân vô tội. Họ hoàn toàn không nhúng tay vào việc tạo ra con virus. Họ đáng thương hơn đáng trách. Người Trung Quốc có thể bị kỳ thị vì nhiều chuyện, nhưng không phải người Trung Quốc nào cũng xấu. Đôi khi, cần phải cách ly để đảm bảo an toàn, nhưng đó là vì lý do sức khoẻ, chứ không phải vì ghét bỏ.

Đây là lúc con người phải gieo rắc tình thương chứ không phải thù hận, phải chúc lành chứ không phải nguyền rủa, phải nâng đỡ chứ không phải loại trừ. Cho đến bao giờ con người còn nắm tay nhau thì còn sự sống, buông tay nhau là tự diệt vong.

Tạ ơn Chúa vì vẫn còn đó những con người đã thể hiện một lối sống cao đẹp: biết quên mình, hy sinh bản thân, phục vụ người khác. Những chiếc khẩu trang miễn phí chẳng đáng bao nhiêu nhưng nói lên sự cao quý của tình người, rằng đâu đó giữa vũng lầy của biết bao sự xấu, tình yêu vẫn chiến thắng tất cả. Nhiều bác sĩ, y tá bất chấp tính mạng của mình để phục vụ bệnh nhân. Còn hình ảnh nào đẹp hơn thế!

Nhân loại sẽ không thể nào tránh khỏi tất cả những tai hoạ xảy đến, nhưng thế giới này sẽ trở nên đáng sống hơn biết bao khi con người vẫn để cho những nhân đức tuyệt vời toả sáng, chứ không bị những thói xấu hoành hành.

Nha Trang đang vắng người, những con đường thưa thớt. Tôi liên tưởng đến một sự thanh vắng của con tim. “Bình yên” hay “sợ hãi” là tuỳ ở mỗi người; riêng tôi, tôi chọn sự “bình yên”, vì tôi biết tôi có làm gì, ra sao vẫn không nằm ngoài sự quan phòng và yêu thương của Chúa. Ngay lúc này, tôi cầu nguyện cho mọi người, cầu cho thái bình mau đến trên thế giới, đất nước và thành phố quê hương tôi, một sự thái bình đúng nghĩa và đích thực, từ lòng người toả ra!

Lm. Lê Hoàng Nam, SJ (dongten.net)
Mới hơn Cũ hơn