"Yêu thương bản thân" thực sự nghĩa là gì

Chúng ta đều biết yêu thương bản thân là việc quan trọng. Nhưng yêu thương và chăm sóc bản thân thật sự nghĩa là gì?



Đối với một số người, yêu thương bản thân là chăm sóc thân thể, chẳng hạn như thư giãn trong bồn tắm, mát-xa hoặc chăm chút cho bộ móng tay của mình. Nhưng “yêu thương bản thân” mà chúng tôi đề cập ở đây mang nghĩa sâu xa hơn so với những việc mà bạn có thể “làm” cho chính mình.

Yêu thương bản thân là tìm thấy sự bình yên trong chính mình, thoải mái thật sự trong sâu lắng của chính con người chúng ta. Có thể chúng ta tìm thấy sự thư thái tạm thời khi làm gì đó để chăm sóc bản thân. Nhưng bình an trong sâu thẳm tâm hồn đòi hỏi sự tu dưỡng nhất định trong cách nhìn nhận bản thân – thái độ ấm áp và vun bồi với những trải nghiệm bên trong nội tâm.

Những đề xuất trong bài viết này được chắt lọc dựa theo viện quốc tế Focusing được phát triển bởi giáo sư Eugene Gendlin. Đôi khi được gọi là tư duy tập trung, nó đơn giản là thái độ tử tế không phán xét, tập trung vào hiện tại và để tâm đến các trải nghiệm mà chúng ta có.

Giáo sư Gendlin từng nói: “Thái độ và phản ứng của mỗi người đối với các cảm xúc nội tâm cần phải giống như một nhà trị liệu để tâm tới bệnh nhân của mình.” Chúng ta cần phải có sự cảm thông và tích cực vô điều kiện đối với những điều xảy ra trong nội tâm.

Hãy yêu thương và nhẹ nhàng với bản thân

Tử tế và mềm mỏng với người khác luôn dễ hơn là với chính mình. Tiếng nói phán xét từ quá khứ có thể đã để lại nỗi hổ thẹn vô hình khiến chúng ta không tôn trọng, thậm chí phớt lờ cảm xúc thật mà chúng ta cảm nhận được.

Mềm mỏng với chính mình nghĩa là tiếp nhận và thoải mái hơn với những cảm xúc nảy sinh trong chúng ta. Việc con người cảm thấy buồn khổ, tổn thương và sợ hãi là rất đỗi bình thường. Đó chính là dấu hiệu của sức mạnh chứ không phải yếu đuối, để chúng ta lưu tâm nhiều hơn và cởi mở tiếp nhận những cảm xúc này.

Khi đối phương nhận thấy trong lòng họ các cảm giác khó chịu, tôi sẽ hỏi: “Bạn có chấp nhận được cảm giác hiện tại này không? Bạn có thể tiếp nhận một cách mềm mỏng và để tâm đến nó không?” Tôi sẽ giúp họ tạo ranh giới với những cảm xúc đau khổ để họ không bị chúng lấn át.

Biết cách chấp nhận nhẹ nhàng với các cảm xúc, chúng ta sẽ có thêm không gian ở quanh chúng. Chúng ta có thể “ở chung” với các cảm xúc thay vì bị chúng lấn át.

Nhà trị liệu tâm lý Laury Rappaport đưa ra một số câu hỏi tinh tế về cảm xúc trong cuốn sách “Liệu pháp nghệ thuật” định hướng vào khả năng tập trung.
  • Bạn có thể thân thiện với cảm xúc của mình? Bạn có thể nói lời chào với cảm xúc đó bên trong?
  • Hãy tưởng tượng mình đang ngồi cạnh chúng. Bạn có thể chấp nhận sự tồn tại của chúng như thể chúng là những đứa trẻ yếu ớt không?
Chấp nhận tử tế với những cảm xúc tồn tại trong bạn chính là liều thuốc xóa bỏ nỗi hổ thẹn vô hình. Điều này tốt hơn so với việc đấu tranh nội tâm hay cố gắng sửa đổi bản thân mình.

Chúng ta sẽ có được sự bình yên trong tâm hồn chỉ bằng cách đơn giản là tiếp nhận các trải nghiệm nội tâm khi chúng lộ diện.

Cho phép các trải nghiệm nội tâm được triển hiện

Khi tôi mở lời muốn đối phương chú ý đến cảm xúc của họ, đôi khi họ hỏi ngược lại: “Tại sao tôi cần phải cảm nhận điều đó?” Tôi giải thích rằng khi chúng ta chối bỏ cảm xúc của mình, chúng thường sẽ trở nên dữ dội hơn. Hoặc chúng sẽ khiến chúng ta gây hại đến chính mình hoặc người khác, ví dụ như uống rượu bia, các cách khác để làm tê liệt bản thân hoặc chuyển nỗi đau sang cho người khác bằng cách nổi giận hay đổ lỗi.

Yêu thương bản thân là đối mặt và tiếp nhận thành thực các cảm xúc. Trong nhiều trường hợp, chúng ta cố đẩy xa những cảm xúc không vui và bám víu lấy những gì vui vẻ. Nhưng theo giáo lý nhà Phật, nếu cứ bám vào những cảm xúc vui vẻ, ghét bỏ cảm giác đau đớn thì chúng ta chỉ càng tạo ra nhiều khổ đau hơn cho chính mình.

Thường thì một nỗi sợ hãi và xấu hổ mơ hồ có thể ngăn cản chúng ta thừa nhận những trải nghiệm trong thế giới nội tâm. Ví dụ, nếu chúng ta cảm thấy (hoặc thể hiện) cảm xúc buồn đau, tổn thương hay lo lắng, ta có thể cho đó là biểu hiện của sự yếu đuối. Hoặc có lẽ chúng ta tự đưa ra thông điệp cho mình rằng không được có cảm xúc đó, chúng ta sợ bị người khác đánh giá.
Sự khôn ngoan của việc “không biết”

Khi thành thật với chính mình, có thể chúng ta sẽ nhận ra mình thường không hiểu rõ cảm xúc mà bản thân đang có là gì. Chúng thường rất mờ nhạt và không rõ ràng. Nếu chúng ta có thể cho phép mình dừng lại, cho phép sự mơ hồ và kiên nhẫn chào đón, khám phá cảm giác không rõ ràng đó, thì dần dần chúng sẽ hiện ra rõ nét hơn (ở đây tôi dùng thuật ngữ “lấy nét” – focusing).

Giả dụ, ẩn sau cơn giận dữ của chúng ta với người khác là một điều gì đó mà ta chưa biết rõ. Chúng ta chỉ nhìn thấy được bề nổi của tảng băng, nhưng nếu muốn biết cái gì nằm bên dưới thì cần phải quan sát kỹ hơn.

Xã hội chúng ta luôn đánh giá cao kiến thức và sự quyết đoán. Nhưng thường thì chúng ta lại không rõ cảm xúc thật sự mà mình trải nghiệm là gì. Các chính trị gia nếu không có tài hùng biện, không có ý kiến rõ ràng về một vấn đề thì sẽ bị xem là thiếu chính kiến. Để nói được câu “Tôi không chắc về việc này. Để tôi xem lại.” quả thực phải có năng lực và trí huệ .

Cảm xúc của con người là một món quà đáng để đón nhận. Chúng ta cần tìm cách hòa hợp với chúng để biến chúng thành đồng minh chứ không phải kẻ thù. Các xúc cảm như đau buồn cho phép chúng ta giải tỏa nỗi đau để có thể bước tiếp về phía trước. Còn các cảm giác về thể lý khác có thể hơi mơ hồ như: bụng đau quặn hay ngực thắt lại.

Khi chúng ta có một thái độ mềm mỏng tiếp nhận các cảm xúc của mình, chúng ta sẽ cảm nhận được chúng có liên kết với điều gì đó quan trọng, có lẽ là chúng ta đã không xem trọng bản thân hay sợ tỏ ra ngốc nghếch trước mặt người khác.

Cảm xúc thường hàm chứa các thông điệp tinh tế, chỉ cần chúng ta biết cách giải mã nội hàm của chúng. Và nếu chúng ta có thể nuôi dưỡng một thái độ ấm áp và thân thiện với các cảm xúc của mình, chúng sẽ trở thành những bạn đồng hành với chúng ta trên đường đời. Điều này sẽ mang tới các ý nghĩa mới, hiểu biết mới, cơ hội mới giúp cuộc sống của chúng ta trọn vẹn hơn.

Tác giả: Tiến sĩ John Amodeo/Psychologytoday.com (đăng tải với sự cho phép)
Thúy Anh biên dịch
trithucvn
Mới hơn Cũ hơn