Mạch nước vọt lên sự sống đời đời Ga 4, 5-42


Ga 4, 5-42 

"Mạch nước vọt đến sự sống đời đời". 



Đoạn Tin Mừng của Chúa nhật III Mùa Chay tường thuật câu chuyện gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ tại giếng Giacóp thuộc thành phố Sicar ở Samari. Ở đây có hai điều cần lưu ý. Trước hết nơi gặp gỡ là thành Samari, và tiếp đến là câu chuyện gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ.

Samaria là một khu vực nằm giữa Giuđêa và Galilê. Vào năm 721 trước Công nguyên, người Assyria đã trục xuất những người Samari, thay thế họ bằng những người Babylon và Aramaeans, những sắc dân này mang theo tôn giáo và việc thờ phượng tà thần nhập vào xứ Samaria. Theo thời gian, việc pha trộn văn hóa tạo nên một tổng hợp chủng tộc và tôn giáo, đến mức người Dothái không bao giờ muốn coi người Samari là anh em huyết thống của họ. 

Chúa Giêsu nói chuyện với một người phụ nữ. Điều này gây kinh ngạc cho các môn đệ của Người. Bởi lẽ, theo truyền thống tâm lý lúc bấy giờ, một người đàn ông không nên lãng phí thời gian với người nữ. Thế nhưng, việc Chúa Giêsu dừng lại để nói chuyện với người phụ nữ Samari tại Sicar cho chúng ta biết được rằng, trước mặt Chúa, mọi người đều có phẩm giá như nhau. 

Khi bắt đầu sứ vụ công khai của mình, từ Giuđê đến Galilê, Chúa Giêsu đi theo con đường xuyên qua núi, ngang qua Samari. Chúa Giêsu dừng lại ở một giếng nước, gọi là giếng Giacóp, và ở đó Ngài tiếp xúc với người phụ nữ ra múc nước. Cái khát ập đến sau một hành trình dài, Chúa Giêsu xin người phụ nữ một chút nước để uống. Không ai từ chối yêu cầu của người khác chỉ vì một ly nước; nhưng sau đó người phụ nữ nhận ra rằng người xin mình nước là người Do thái chứ không phải là Samaria. Cô ta cũng ngạc nhiên vì điều đó. Và chính từ đây nảy sinh câu chuyện giữa con người với Đấng sẽ đem lại cho con người thứ nước không bao giờ khát. 

Để đổi lấy một chút nước để làm thỏa mãn cơn khát hiện tại, Chúa Giêsu hứa sẽ ban “Nước Hằng Sống”. Đó là thứ nước tuôn ra từ trái tim bị đâm thâu của Chúa Giêsu, đem lại sự sống đời đời, khác với thứ nước chúng ta vẫn thường uống, rồi cũng sẽ phải uống nữa. "Ai uống nước giếng này sẽ còn khát, nhưng ai uống nước Ta sẽ cho thì không bao giờ còn khát nữa”.

Bài đọc I hôm nay đã đề cập đến nước này. Khi Môsê than phiền với Chúa vì dân quở trách ông. Chúa nói với Môsê: “Này đây, Ta sẽ đứng trước mặt ngươi, trên tảng đá Horeb, ngươi sẽ đánh lên tảng đá, từ tảng đá nước sẽ chảy ra cho dân uống" (Xh 17,6). Tảng đá đó tượng trưng cho Chúa Kitô bị đóng đinh, máu và nước tuôn chảy từ cạnh sườn bị đâm thâu, một biểu tượng của ân sủng và ơn cứu rỗi. Bài đọc thứ hai hôm nay cũng nói về nước này: "Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta" (Rm 5: 5). 

Nước là biểu tượng của ân sủng và sự thanh tẩy. Sau khi gặp gỡ, đối thoại với Chúa Giêsu, người phụ nữ đã nhận ra được đâu là nguồn nước sự sống, cô cũng nhận ra rằng mình cần phải được được thanh tẩy. Cô vui mừng, vội vàng chạy đi giới thiệu với mọi người về Đấng cô đã gặp đến độ quên cả vò nước. Hành động để lại bình nước ở giếng là một dấu hiệu cho thấy cơn khát của cô đã được giải tỏa sau cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Cô không còn khát nữa, ít nhất là về mặt tâm linh. 

Hôm nay chúng ta cùng nhau suy gẫm về mục đích những cơn khát, những cuộc kiếm tìm của chính mình trong đời sống mỗi ngày. Những điều đó đã dẫn chúng ta đến đâu, có giúp chúng ta thỏa mãn hoàn toàn những khát vọng?. Một điều thật quan trọng đó là nhận ra Chúa Giêsu là nguồn mạch sự sống, là Đấng sẽ ban cho chúng ta một thứ nước giải tỏa mọi khát vọng, Nước Hằng Sống, sẽ không bao giờ khát nữa. 

G. Võ Tá Hoàng



Mới hơn Cũ hơn