Âm nhạc Việt không chỉ có thang âm ngũ cung. Ngoài thang âm này ta có thang âm nhị cung (do sol do, do fa do), tam cung (ngũ cung khuyết, do fa sol do, do re sol do, do fa sib do), tứ cung (do fa sol sib do, do re fa sol do, do mib fa sib do, do re sol la do), thất cung (như thất cung đều nhau trong âm nhạc Huế). Tuy nhiên nước Việt nằm trong vùng có nhạc ngữ ngũ cung nên thang âm này là nổi trội hơn cả. Vả lại tuy ta có đủ bảy âm nhưng nó chỉ xuất hiện trong các bài bản có sử dụng chuyển hệ (métabole). Chuyển hệ là một đặc điểm trong nhạc Việt, không giống chuyển cung (transposer) như trong âm nhạc Tây phương.
Trong tác phẩm La musique vietnamienne traditionnelle, giáo sư Trần Văn Khê viết:
“Theo M. Courant, thang âm cung thương giốc chủy vũ được dùng dưới đời nhà Chu (1766 – 1154 trước CN). Vào khoảng 10 thế kỷ trước CN cũng thấy có thang âm thất cung, nghĩa là thêm vào ngũ cung hai âm biến cung và biến chủy. Hai âm này hiện ra trong chu kỳ khi người ta cho quãng 5 tiếp tục phát triển, sinh thêm âm thứ 6 và 7 (đối với khởi điểm fa). Đầu thế kỷ 13, có một thang âm thất cung khác du nhập vào đất Trung Hoa do người Mông Cổ (nhà Nguyên) đem đến: Ho Sse Yi Chang Tch’eu Kouang Fan Liou You (hị xự y xang xê cống phan liu ú, fa sol la sib do re mi fa sol). Liou và You là quãng 8 của hò và xự… Do đó dưới đời nhà Nguyên (1280 – 1368), người Trung Hoa dùng thang âm thất cung. Đến đời nhà Minh (1368 – 1644) chỉ có thang âm ngũ cung là được thông dụng”.
Ở Việt Nam, thời vua Lê Thái Tông (1434 – 1442) đã bắt đầu việc chấn hưng âm nhạc. Do chịu ảnh hưởng của âm nhạc Trung Hoa, kể cả âm nhạc Chăm, thang âm Đại Việt lúc này đã là hò xự xang xê cống liu u.
1. Ý nghĩa của các âm bậc trong thang âm Đại Việt
Hò (viết theo chữ Hán là hợp): đây là âm bậc mở đầu cho việc kết hợp các âm thanh để trở thành một hệ thống thang âm. Hò có thể tương đương với âm do3 trong âm nhạc Tây phương nhưng cũng có thể là âm khác, như fa chẳng hạn. Vì vậy trong nhạc Việt có các tên gọi là dây hò nhứt, dây hò nhì, dây hò ba, dây hò tư, dây vọng cổ… tùy theo âm hò (chủ âm) được chọn từ một âm bậc nào đó.
Xự (tứ): nghĩa là âm thanh thứ tư, tương đương với re3, là bậc trầm của re4, re5. Âm re5 là âm thanh thứ tư của chu kỳ quãng 5, sau fa-do-sol. Và xự là âm bậc được dịch xuống hai quãng 8 của re5.
Xang (thượng): nghĩa là âm trên cao, trên hết, nguồn gốc xa xưa. Xang ở đây là fa3, âm thanh gốc của chu kỳ quãng 5.
Xê (xích): có nghĩa là cây thước đo, trước kia có tên là thương và thái thốc. Tên này được chọn như một âm bậc với ý nghĩa giữ mãi hình bóng cội nguồn: đường thẳng của cây thước là hình ảnh của mũi tên to (thái thốc). Xê tương đương với sol3.
Cống (hay công): tức là công cụ, công dụng tức là âm bậc dùng để chuyển cung, đổi điệu hay chuyển hệ sang một thang âm khác. Cống ở đây là la3, đôi khi nó biến thành sib ở trường hợp có chuyển hệ. Vì vậy nó được xem như công cụ để chuyển sang thang âm khác.
Líu (lục): tương đương với do4, là âm bậc thứ 6 của thang âm do3. Ta thấy có mối liên hệ giữa hò và líu, tức là người xưa muốn dùng líu để nhắc lại vị trí đứng đầu của hò để nhấn mạnh sự kết hợp âm thanh quanh âm bậc xang mà không hàm ý một quãng 8.
Ú (ngũ): tương đương với re4, là âm bậc thứ 5 của thang âm gốc: xang (fa).
Nhìn lại tên các âm bậc trong thang âm Đại Việt, ta thấy chúng có liên quan hỗ tương, sự kết hợp giữa chúng tạo nên tính chất riêng biệt và công dụng đặc thù.
Thang âm Đại Việt có 6 âm bậc chia làm hai tam liên âm, các bậc 1,2,3 gọi là tam liên âm hạ; các bậc 4,5,6 là tam liên âm thượng. Từ một điệu Bắc ta nhấn bậc 2 và bậc 5 thì có điệu Nam; bậc 2 và 5 gọi là bậc định thể. Xự, cống xác định điệu Bắc; xư, phàn (còn có tên là oan) xác định điệu Nam.
Đăng đàn cung – Quốc thiều nhà Nguyễn – Thang âm ngũ cung
2. Các loại dây hò
Trong việc truyền bá âm nhạc, ông cha ta thường áp dụng lối truyền ngón, truyền miệng cụ thể trên từng loại nhạc cụ hơn là việc dạy dỗ bằng lý thuyết thuần túy. Do đó việc lưu truyền âm nhạc truyền thống của chúng ta có thể nói đi từ thực hành đến lý thuyết chứ không phải ngược lại. Vì vậy để tìm hiểu các loại thang âm, trước hết cần nói đến các dây hò. Cụ thể có thể tìm hiểu thông qua việc lên dây trên cây đàn nguyệt (kìm) với 9 phím, theo kiến giải của cụ Minh Lương, như sau:
a) Dây hò nhứt (còn gọi là dây Bắc): nếu hai dây buông, dây lớn là tồn (fà2), dây nhỏ là tang: hò (do3), hai dây tạo thành một quãng 5. Thang âm của nó như sau:
Như vậy dây hò nhứt cho ta thang âm điệu Bắc.
b) Dây hò nhì: dây lớn vẫn là tồn (fà), dây nhỏ hạ xuống một cung là oan hay phàn (sib), hai dây tạo thành một quãng 4. Thang âm của nó như sau:
Như vậy dây hò nhì cho ta thang âm điệu Nam.
c) Dây hò ba: tức dạng 1 của cung hoàng chung; hai dây tạo thành một quãng 5, dây nhỏ lấy phím thứ 3 làm hò.
d) Dây hò tư (còn gọi là dây oán): hai dây tạo thành một quãng 4. Dây này dùng để đàn các bài oán nên được gọi là dây oán. Dây nhỏ lấy phím thứ tư làm hò. Các âm bậc của nó cho ta thang âm như sau (trùng hợp với dạng 3 của cung hoàng chung: tam liên âm Bắc + tam liên âm Nam):
Cần phân biệt dây oán với hơi oán. Khi diễn tấu những bài có nét u buồn, thường nhấn xự và xê thành xư và xế. Như vậy thang âm của hơi oán là:
Đây là dạng 5 của cung hoàng chung (la do re fa sol la).
e) Dây vọng cổ (hay là dây Bắc – oán): dùng dây hò nhứt làm nền, nghĩa là giữ nguyên dây nhỏ là bậc tang (do), dây lớn cho cao thêm một cung, tức là tồn (sol). Hai dây tạo thành một quãng 4 tồn – tang (sol – do). Đối chiếu với các dây trên, ta thấy dây vọng cổ là tổng hợp của dây hò nhứt (Bắc) và dây hò tư (dây oán). Thang âm của nó là:
Tuy nhiên các loại dây hò trên còn khác nhau tùy theo cách mắc dây cho từng loại nhạc cụ cũng như không hẳn được áp dụng cho các vùng miền mà mỗi nơi có cách mắc dây khác nhau. Chẳng hạn ở miền Trung, dây hò nhứt được xếp đặt như sau: hai dây tạo thành một quãng 4 (không phải quãng 5 như ở trên).
3. Các loại thang âm ngũ cung
Thang âm ngũ cung Đại Việt có nhiều dạng khác nhau nhưng đều dựa trên cái sườn cơ bản với những âm bậc trụ cột là hò xang xê líu (do fa sol do). Trụ cột này tạo thành hai quãng 4 ở hai đầu (hò – xang, do – fa) (xê – líu, sol – do), ở giữa có bản lề là một quãng 2 ổn định (xang – xê, fa – sol). Kiến trúc cơ bản sẽ bị thay đổi khi có chuyển hệ, tức là bước sang một thang âm khác, một số âm bậc mới xuất hiện thay thế cho những âm bậc cũ. Chẳng hạn trong thang âm điệu Bắc gồm hò xự xang xê cống liu (do re fa sol la do), khi ta nhấn xự thành xư, nhấn xê thành xế thì ta đã chuyển sang điệu Nam gồm hò xư xang xế oan liu (do mib fa sol sib do). Hò là âm bậc khởi đầu thang âm, tập hợp các âm bậc khác thành một hệ thống từ thấp lên cao (từ hò lên liu) của thang âm đó, vì vậy hò có vai trò của chủ âm. Song để giữ vai trò này, hò được sự hỗ trợ vững chắc của hai âm bậc trụ cột là xang, xê tạo thành dạng thức quãng âm quân bình là hò xang xê liu; vì vậy xang, xê là hai âm bậc định cung. Ngoài ra ta có hai âm bậc xự, cống tạo nên tính chất, sắc thái cho giai điệu nên xự, cống là hai âm bậc định thể.
Khi nắm được kiến trúc cơ bản của thang âm ngũ cung Việt Nam như vậy, chúng ta dễ dàng nhận ra sự đa dạng, phong phú của các loại thang âm ngũ cung có thể tìm thấy trên khắp mọi miền nước Việt (không kể đến các loại thang âm tam cung, tứ cung cũng xuất hiện không ít trong các câu hát dân gian của ta).
Các ca nương thuộc giáo phường Ca Trù Thăng Long biểu diễn hòa tấu Đàn Tranh & Tỳ Bà bài nhạc chèo TÒ VÒ tại ngôi nhà cổ Hà Nội (số 87 phố Mã Mây) cuối Xuân 2012. (Ảnh do tác giả cung cấp) |
Nếu tìm hiểu âm nhạc dân gian trên khắp các vùng miền của đất nước ta, có thể sơ bộ đúc kết một số loại thang âm ngũ cung như sau (để dễ hiểu xin chuyển sang cách gọi các âm bậc theo nhạc Tây phương, chỉ tương đối vì trong nhạc Việt cao độ còn thay đổi tinh tế do kỹ thuật luyến láy, nhấn, rung… để có âm bậc non, già):
Tuy vậy nhạc Việt phong phú không chỉ ở chỗ có nhiều loại thang âm ngũ cung như trên mà còn ở chỗ trong mỗi thang âm ngũ cung còn có nhiều dạng khác nhau nữa.
Nguyễn Phú Yên
Tác giả gửi Trí Thức VN
Nguồn trithucvn