Đừng để ma quỉ thừa cơ lợi dụng !

Thế giới sẽ không bao giờ trở lại như cũ sau khi đại dịch kết thúc. Mỗi thế hệ ít nhất phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lớn xảy ra : khủng bố 11/9; khủng hoảng tài chính 2008; sóng thần, động đất… mỗi sự kiện xảy ra ít nhiều để lại cho con người cảm giác hụt hẫng, âu lo, sợ hãi. Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra cần phải giải quyết: liệu hệ thống kinh tế tư bản toàn cầu mà thế giới đang theo đuổi có an toàn cho tất cả chúng ta chăng? Những sở hữu trí tuệ bậc nhất của nhân loại có làm cho bao nhiêu người ngã xuống trong những tháng qua được phục sinh không?… Ngoài ra chúng ta còn đặt ra nhiều câu hỏi cho chính mình và cho cả thượng đế, giống như những điều ĐGH Phanxicô đã chia sẻ trong bài giáo lý sáng Thứ tư Tuần thánh 08/04/2020 : “Vào thời điểm lo lắng và đau khổ này, chúng ta dường như cảm thấy nhiều điều không chắn chắn và có thể đặt vấn đề về sự hiện diện của Thiên Chúa, ngài ở đâu trong những lúc như thế này?”. Hoặc như ĐHY Đức Hồng Y George Pell đã chia sẻ trong thông điệp Phục sinh 2020 sau 13 tuần bị tù oan : “Ai cũng khổ. Không ai lúc nào cũng trốn thoát được khổ đau. Mọi người đều phải đối diện với một vài câu hỏi. Tôi nên làm gì trong tình huống này? Tại sao có quá nhiều sự ác và đau khổ? Và tại sao điều này lại xảy ra với tôi?”. Và hôm nay đây, một lần nữa chúng ta đang đối diện với đại dịch thật khủng khiếp đang gây ra đau khổ cho biết bao gia đình và làm đảo lộn các hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội. 

Đại dịch Covid-19 đã đưa ra hàng loạt thách thức cho cuộc sống của chúng ta. Nhưng có một điều cần phải lưu ý, trong những thử thách mà chúng ta đang có, ma quỉ rất khôn ngoan và sắc sảo, chúng dùng bất kỳ chiến thuật nào để đánh lạc hướng, lôi kéo chúng ta theo chúng. Tuy nhiên, Chúa Kitô Phục sinh bằng cái chết của mình đã đánh bại sự chết, đánh bại những mưu kế xảo quyệt của ma quỉ. Vì thế, để chiến thắng được sức mạnh của sự dữ, đòi hỏi chúng ta phải gắn kết với Chúa trong đức tin, hy vọng và tình yêu. 




Đức tin: Nhờ đức tin, chúng ta tin vào Chúa Kitô và mọi điều Ngài đã nói cho chúng ta. Các vị thánh là những người trung thành với đức tin mà chúng ta cần bắt chước. Nếu chúng ta bị buộc phải ở nhà, chúng ta có thể nhìn vào chính cuộc sống của các ngài để bắt chước, để thấy được các thánh đã sống niềm tin của mình như thế nào trước những khủng hoảng. Sống niềm tin của mình bằng cách phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa. Nếu chúng ta tin rằng có một Cha Trên Trời biết được các nhu cầu của chúng ta trước khi trình bày với Ngài (Mt 6,8), thì chúng ta có thể tin rằng Chúa sẽ ở với chúng ta trong những giây phút khó khăn này ngay cả những lúc chúng ta cảm thấy ê chề và thất vọng. 

Hy vọng: Hy vọng ngăn cản chúng ta khỏi bị nản lòng, và đó là phẩm chất của người Kitô hữu để gắn chặt linh hồn mình với Chúa Kitô. Trong những lúc thất vọng tràn trề, chúng ta nên đặt hy vọng vào Thiên Chúa toàn năng. "Chúa Kitô không để chúng ta mồ côi, Ngài đã thăm viếng chúng ta: đã đến trong mỗi hoàn cảnh, trong đau khổ, đớn đau, trong cái chết. … Anh chị em thân mến, ngay cả khi niềm hy vọng trong tâm hồn bị chôn lấp, anh chị em đừng từ bỏ: Thiên Chúa rất vĩ đại. Tăm tối và sự chết không phải là tiếng nói cuối cùng. Can đảm lên, với Chúa thì không có gì bị diệt vong!” (Đức Giáo hoàng Phanxicô trong bài giảng đêm Vọng Phục sinh 2020).

Thật vậy, xuyên suốt lịch sử đã có vô số thảm họa do con người cũng như tự nhiên đã xảy ra, nhưng Thiên Chúa chưa bao giờ quên chúng ta. Hơn nữa chúng ta cũng đừng quên rằng, chúng ta được tạo ra cho thế giới này, được tạo ra cho Thiên Chúa, và nếu chúng ta sống hy vọng trong thế giới này chắc chắn chúng ta sẽ đạt được niềm hy vọng lớn lao hơn trong Nước Trời. 

Tình yêu: Trong vô số bài học mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta qua thập giá của Ngài, có hai điều đặc biệt quan trọng : 

- Trước hết, Chúa cho chúng ta thấy rằng tình yêu được thể hiện bằng hành động. Có rất nhiều người xung quanh chúng ta đang cần giúp đỡ : những người vô gia cư, nghèo túng, các bệnh nhân … Đó cũng là chứng từ của tình yêu mà chúng ta có thể làm được cho tha nhân trong thời điểm này. “Chúng ta là anh em với nhau trong Chúa Kitô. Đó không phải là hành vi quảng đại một chiều, bởi vì khi chúng ta cho những người Kitô hữu khác trú trọ, chúng ta đón tiếp họ như món quà được gửi tặng chúng ta [….] Chúng ta có thể và phải làm chứng rằng không chỉ có sự thù địch và dững dưng mà đối với Chúa mỗi một người thật quý giá và được Ngài yêu thương” (ĐTC Phanxicô, tiếp kiến chung 22/01/2020). Đây cũng là thước đo mà chúng ta sẽ được đo. 

- Chúa Kitô đã cho chúng ta thấy tình yêu của mình qua sự tự hiến trên thập giá. Chúa đã yêu thương nhân loại đến tận cùng, qua sự vâng phục, từ lúc nhập thể cho đến chết trên thập giá. Thánh Gioan nói: "Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu” (Ga 15 ,13). Tình yêu là nền tảng của đức tin Kitô giáo. Và trong lúc này chúng ta có thể làm chứng cho đức tin bằng cách yêu Chúa và tha nhân. 

Sống gắn bó với đức tin, hy vọng và yêu thương đời sống của chúng ta sẽ đâm rễ sâu hơn vào Chúa Kitô Phục sinh, Đấng đã chết vì chúng ta. Mọi chiến thắng của chúng ta trước cám dỗ của ma quỉ tất cả được đặt nơi mối tương quan khắn khít với Chúa Kitô. Không biết đại dịch này sẽ phát triển và kết thúc ra sao, điều duy nhất chúng ta cần làm là : "Hãy ký thác đường đời cho CHÚA, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay" (Tv 37,5). 

CHÚA là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi,
tôi còn sợ người nào?
CHÚA là thành luỹ bảo vệ đời tôi,
tôi khiếp gì ai nữa? (Tv 26,1)

G. Võ Tá Hoàng
Mới hơn Cũ hơn