Vào lúc 9g00 tối giờ Roma, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã chủ sự Đêm Vọng Phục Sinh trọng thể tại đền thờ thánh Phêrô.
Nghi thức bắt đầu với việc làm phép lửa, diễn ra ở bàn thờ “confession”, phía sau bàn thờ chính. Từ đây đoàn rước đi ngang qua bàn thờ thánh Giuse tiến đến bàn thờ chính. Vì tình trạng khẩn cấp về sức khỏe đang còn hiệu lực nên việc chuẩn bị nến Phục sinh bị loại bỏ khỏi phụng vụ đêm nay. Đèn bên trong Vương cung thánh đường bật sáng trong khi ca đoàn hát kinh Vinh danh. Thánh lễ hôm nay không cử hành Bí tích Rửa tội như vẫn thường làm trong đêm vọng Phục sinh.
Trong bài giảng lễ, Đức Giáo Hoàng chia sẻ như sau:
Sau ngày Sabát (Mt 28,1) những người phụ nữ đi đến mộ. Tin Mừng của Đêm Vọng này bắt đầu như thế, vào ngày Sabát. Đó là ngày của Tam nhật vượt qua mà chúng ta bỏ sót nhiều nhất, được bén rễ từ cảm giác rung động chờ đợi đi từ thập giá của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh đến Alleluia của Chúa nhật Phục sinh. Tuy nhiên, năm nay chúng ta trải nghiệm hơn bao giờ hết ngày Thứ bảy Tuần thánh, một ngày thinh lặng tuyệt vời. Chúng ta có thể soi mình trong cảm giác của những người phụ nữ trong ngày đó. Giống như chúng ta, hiện diện trong đôi mắt họ thảm kịch về đau khổ, về một bi kịch bất ngờ đã xảy ra quá nhanh. Họ đã thấy cái chết và có cái chết trong lòng. Nỗi đau của họ đi kèm với nỗi sợ hãi: liệu họ có gặp kết cục giống như Thầy của họ không? Và sau đó là những nỗi sợ về tương lai, tất cả mọi thứ phải được xây dựng lại. Ký ức bị thương tổn, niềm hy vọng ngột ngạt. Đó là giờ đen tối nhất đối với họ cũng như với chúng ta.
Nhưng trong tình huống này, những phụ nữ ấy không để cho mình bị tê liệt. Họ không chịu khuất phục trước những thế lực đen tối của sự than thở và hối tiếc, họ không khép mình trong sự bi quan, không chạy trốn thực tại. Họ đã làm một điều đơn giản và phi thường: chuẩn bị sẵn nước hoa trong nhà để xức xác Chúa Giêsu. Họ không ngừng yêu mến: trong bóng tối của tâm hồn họ đã thắp lên lòng thương xót. Đức Mẹ, ngày thứ bảy sẽ được dành riêng cho Mẹ, để cầu nguyện và hy vọng. Giữa những thử thách đau thương, Mẹ đã tin thác vào Chúa. Những người phụ nữ này không biết điều đó, đêm thứ bảy họ đã chuẩn bị cho “bình minh của ngày thứ nhất trong tuần”, ngày đã làm thay đổi lịch sử. Chúa Giêsu, như hạt giống gieo vào lòng đất, đã nảy sinh một cuộc sống mới trong thế giới; và những người phụ nữ, bằng lời cầu nguyện và yêu thương, đã giúp cho niềm hy vọng nảy sinh. Biết bao con người, trong những ngày buồn mà chúng ta đang sống, đã hành động và làm như những người phụ nữ kia, gieo hạt giống hy vọng! Bằng những cử chỉ nhỏ bé của sự chăm sóc, trìu mến, cầu nguyện.
Rạng sáng các bà đi đến mộ. Ở đó các thiên thần nói với họ : “các người đừng sợ. Chúa không còn ở đây, Ngài đã sống lại rồi” (c. 5-6). Trước ngôi mộ họ nghe được lời sự sống.. Rồi họ gặp được Chúa Giêsu, tác giả của niềm hy vọng, xác nhận tin báo và nói: “các bà đừng sợ” (c.10). Các bà đừng sợ, đừng sợ : đó là tin vui của niềm hy vọng. Đó cũng là tin vui cho chúng ta hôm nay. Đây là lời mà Chúa lặp lại cho chúng ta ngay trong đêm mà chúng ta đang trải qua.
Đêm nay chúng ta giành được một quyền cơ bản, sẽ không bị lấy mất khỏi chúng ta: quyền hy vọng. Đó là niềm hy vọng mới, sống động, đến từ Thiên Chúa. Hy vọng đó không chỉ là sự lạc quan, không phải là một cái vỗ vai hay một sự khích lệ vì hoàn cảnh, với một nụ cười thoáng qua. Không phải. Đó là ơn từ Trời cao, ơn mà chúng ta không thể nhận được chỉ riêng cho mình. Mọi thứ sẽ ổn thôi, chúng ta hãy nói điều đó với sự kiên trì trong suốt tuần này, hãy bám vào vẻ đẹp của bản tính nhân loại chúng ta và làm cho những lời khích lệ được dâng trào từ trong tâm hồn. Nhưng khi ngày tháng trôi qua và nỗi sợ hãi tăng dần, ngay cả niềm hy vọng táo bạo nhất cũng có thể bị tan biến. Niềm hy vọng vào Chúa Giêsu thì hoàn toàn khác. Ngài đặt vào trong con tim niềm tin vững chắc rằng Thiên Chúa biết cách biến mọi thứ nên tốt đẹp, bởi vì ngay cả từ ngôi mộ Ngài cũng đã khiến cho sự sống thoát ra.
Ngôi mộ là nơi mà bất cứ ai bước vào thì không thể thoát ra được. Nhưng Chúa Giêsu đã bước ra vì chúng ta, đã sống lại vì chúng ta, để mang sự sống vào sự chết, để làm sống lại một lịch sử mới nơi đã từng bị tảng đá đặt lên trên. Chúa đã lật tảng đá nơi cửa mộ, Ngài có thể di dời những tảng đá đang bịt kín tâm hồn. Vì thế, chúng ta không chịu thua trước sự cam chịu, không đặt một tảng đá nào trên niềm hy vọng. Chúng ta có thể và chúng ta cần phải hy vọng, vì Thiên Chúa là Đấng tín trung. Ngài không để chúng ta mồ côi, Ngài đã thăm viếng chúng ta: đã đến trong mỗi hoàn cảnh, trong đau khổ, đớn đau, trong cái chết. Ánh sáng của Ngài đã chiếu soi vào bóng đêm của ngôi mộ: hôm nay Chúa muốn đi đến những ngỏ nghách tăm tối nhất của cuộc đời.
Anh chị em thân mến, ngay cả khi niềm hy vọng trong tâm hồn bị chôn lấp, anh chị em đừng từ bỏ: Thiên Chúa rất vĩ đại. Tăm tối và sự chết không phải là tiếng nói cuối cùng. Can đảm lên, với Chúa thì không có gì bị diệt vong! Can đảm lên: đó là lời luôn được phát ra từ miệng Chúa Giêsu trong các Tin mừng. Chỉ một lần tin mừng nói khác với lời đó, vì để nói tới một người túng thiếu: “Can đảm lên, đứng dậy, Người gọi anh đấy” (Mc 10: 49). Chính Ngài là Đấng Phục sinh, là Đấng đã nâng đỡ những túng nghèo của chúng ta. Nếu bạn yếu đuối và mỏng giòn trong đời sống, nếu bạn sa ngã, đừng sợ!, Thiên Chúa nắm lấy tay bạn và nói với bạn : “Can đảm lên!”. Nhưng bạn cũng có thể nói như cha Abbondio: “Can đảm, người ta không thể có nó nếu không thể cho đi” (Những lời hứa vợ chồng, XXV). Bạn không thể trao tặng sự can đảm, nhưng bạn có thể nhận được nó như một món quà. Chỉ cần mở lòng cầu nguyện, chỉ cần nâng cao một chút hòn đá được đặt trước cửa miệng tâm hồn để cho ánh sáng của Chúa Giêsu chiếu vào. Chỉ cần mời Chúa: “Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến trong nỗi sợ hãi của con và hãy nói với con : can đảm lên!”. Lạy Chúa, con sẽ chịu thử thách với Chúa, nhưng chúng con không buồn sầu. Và bất cứ nỗi buồn nào cư ngụ trong chúng con, chúng con sẽ cảm thấy cần phải hy vọng, bởi vì Chúa ở với chúng con trong tăm tối của màn đêm: Chúa là sự an toàn trong những bất an của chúng con, Lời Chúa hiện diện trong sự thinh lặng của chúng con, và không có gì có thể lấy đi tình yêu mà Chúa dành cho chúng con.
Đây là tin mừng Phục sinh, tin hy vọng. Lời loan tin đó chứa đựng trong phần thứ hai. Chúa Giêsu nói: “Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó” (Mt 28,10). Và các thiên thần nói: “Người đi Galilê trước các ông” (c.7). Chúa đi trước chúng ta, lúc nào cũng đi trước chúng ta. Thật tuyệt vời khi biết rằng Chúa đi trước chúng ta, để viếng thăm cuộc sống của chúng ta và sự chết của chúng ta Chúa đã đến Galilê trước chúng ta, tức đó là nơi đã gợi lại cho Chúa và các môn đệ của Chúa cuộc sống hằng ngày, gia đình, công việc. Chúa Giêsu muốn mang niềm hy vọng đến đó, trong cuộc sống mỗi ngày. Nhưng đối với các môn đệ, Galilê là nơi có nhiều kỷ niệm, nhất là nơi xuất phát những lời mời gọi đầu tiên. Trở lại Galilê là nhớ rằng chúng ta được Thiên Chúa kêu gọi và yêu thương. Mỗi một người chúng ta đều có Galilê của riêng mình. Chúng ta cần tiếp tục cuộc hành trình, chúng ta cần nhớ rằng chúng ta được sinh ra và được tái sinh từ lời kêu gọi nhưng không của tình yêu, nơi đó, tại Galilê của tôi. Đó là điểm mà từ đó chúng ta luôn bắt đầu lại, nhất là trong những lúc khủng hoảng, những thời điểm thử thách.
Nhưng còn có nhiều Galilê hơn nữa. Galilê là khu vực xa nhất tính từ đó về Giêrusalem. Và không chỉ về mặt địa lý: Galilê là địa điểm xa xôi nhất so với Thành thánh thiêng liêng. Đó là một khu vực đông dân bởi nhiều dân khác nhau đến để thực hành việc thờ phượng khác nhau: đó là “Galilê, miền đất của dân ngoại” (Mt 4,15). Chúa Giêsu đã sai họ đến đó, Ngài yêu cầu hãy bắt đầu lại từ đó. Điều này muốn nói cho chúng ta những gì?
Đó là, lời loan báo hy vọng không bị giới hạn trong các khu vực thiêng liêng của chúng ta, nhưng được mang đến cho tất cả mọi người. Bởi vì mọi người cần được khích lệ và nếu chúng ta không làm, chạm tay đến “Lời hằng sống” (1Ga 1,1), thì ai sẽ làm điều này? Thật vui khi được làm người Kitô hữu, người an ủi, mang lấy gánh nặng cho người khác, là người khích lệ: người loan tin về sự sống trong thời đại của sự chết!. Nơi mỗi Galilê, nơi mỗi miền của nhân loại nơi chúng ta thuộc về và thuộc về chúng ta, bởi vì tất cả chúng ta là anh chị em với nhau, chúng ta hãy mang bài ca của sự sống! Chúng ta hãy làm câm nín những tiếng kêu gào chết chóc, đừng chiến tranh nữa!. Hãy dừng sản xuất và buôn bán vũ khí, vì chúng ta cần lương thực chứ không phải súng đạn. Hãy ngừng phá thai, hành động giết chết sự sống vô tội. Hãy mở lòng của những người giàu có, để lấp đầy đôi tay trống rỗng của những người thiếu thốn điều họ cần.
Cuối cùng, những người phụ nữ “ôm chân” Chúa Giêsu (Mt 28,9), những đôi chân đó đã đi một chặng đường thật dài để đến gặp gỡ chúng ta, kể từ khi bước vào và bước ra khỏi mộ. Họ ôm đôi chân đã dẫm đạp sự chết và mở ra con đường hy vọng.
Chúng con, những người lữ hành tìm kiếm hy vọng, hôm nay chúng con ôm chặt lấy Chúa, lạy Chúa Giêsu Phục sinh. Xin cho chúng con biết quay lưng lại với sự chết và mở lòng ra với Đấng Sự Sống, chính là Ngài.
Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng