Hãy để Chúa Thánh Thần thanh tẩy tâm hồn chúng ta và chúng ta sẽ cảm nghiệm được niềm vui trọn vẹn và bình an. Đó là trọng tâm chủ đề của bài giáo lý hôm nay trong buổi tiếp kiến chung, sáng thứ tư 01/04/2020, của Đức Thánh Cha Phanxicô. Giữa đại dịch coronavirus lan rộng khắp thế giới, buổi tiếp kiến hôm nay được thực hiện qua truyền hình tại Thư viện Tông tòa Vatican.
Anh chị em thân mến
Hôm nay chúng ta cùng nhau đọc Mối phúc thứ sáu, một mối phúc cho thấy trước quan điểm của Thiên Chúa và sự trong sạch trong tâm hồn như một điều kiện.
Một Thánh vịnh nói rằng: “Lòng con nhắc lại lời mời gọi của Chúa : “hãy tìm kiếm Thánh Nhan Ta. Con tìm kiếm Thánh nhan Ngài, lạy Chúa. Xin Chúa đừng ẩn mặt (Tv 27,8-9).
Cách diễn tả này bày tỏ khát mong về mối tương quan cá vị với Thiên Chúa, không máy móc, không chút mơ hồ, không: cá vị. Sách Gióp cũng nói về điều đó như dấu chỉ của mối quan hệ chân thành. Sách Gióp nói như sau : “Trước kia, con chỉ được biết về Ngài nhờ người ta nói lại, nhưng giờ đây, chính mắt con chứng kiến” (Gióp 42,5). Và nhiều lần tôi nghĩ rằng đây là lộ trình của cuộc sống, trong mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa. Chúng ta nhận biết Thiên Chúa vì nghe nói lại, nhưng với kinh nghiệm ấy chúng ta tiếp tục, tiến tới và cuối cùng chúng ta nhận biết Ngài cách trực tiếp, nếu chúng ta trung thành… và đây là sự trưởng thành của Thánh Thần.
Làm thế nào để đạt đến được sự thân mật này, làm thế nào để nhận biết Thiên Chúa bằng đôi mắt? Ta có thể nghĩ đến các môn đệ trên đường Emmau, Chúa Giêsu đang đi cạnh họ “nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người” (Lc 24,16). Chúa mở mắt họ khi hành trình kết thúc mà đỉnh điểm là việc bẻ bánh và bắt đầu bằng lời trách móc : “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ” (Lc 24,25). Đó là lời trách móc của sự khởi đầu. Đây là căn nguyên cho sự đui mù của các môn đệ: tâm hồn các ông ngu ngốc và chậm chạp. Và một khi tâm hồn ngu ngốc và chậm chạp thì họ không thấy được điều gì. Họ thấy mọi thứ như đám mây đen. Đây là sự khôn ngoan của mối phúc này : để có thể suy gẫm cần phải bước vào bên trong con người mình và nhường chỗ cho Thiên Chúa, bởi vì như thánh Augustinô nói: “Thiên Chúa thân thiết hơn cả chính bản thân tôi” (Tự thú, III, 6.11). Để nhìn thấy Thiên Chúa, không cần phải thay đôi kính hoặc địa điểm quan sát, hoặc thay đổi các tác giả thần học đang chỉ dẫn theo kiểu : bạn cần phải giải phóng tâm hồn khỏi những dối trá! Đây là cách duy nhất.
Đây là sự trưởng thành mang tính quyết định: khi chúng ta nhận ra rằng kẻ thù tồi tệ nhất của chúng ta thường ẩn náu trong tâm hồn của chúng ta. Trận chiến cao quí nhất đó là chống lại những dối lừa nội tâm đang gây ra tội lỗi cho chúng ta. Bởi vì tội lỗi làm thay đổi cái nhìn nội tâm, thay đổi giá trị của sự vật, khiến chúng ta thấy mọi sự không đúng sự thật, hoặc ít là nó không đúng như vậy.
Do đó, điều quan trọng là phải hiểu "tâm hồn trong sạch" là gì. Để hiểu được điều này, cần phải nhớ rằng đối với Kinh thánh, tâm hồn không chỉ ở những cảm xúc, mà là nơi thân mật nhất của cuộc sống con người, không gian nội tâm nơi một người là chính mình. Đây là nhãn quan theo Kinh thánh.
Chính Tin mừng Matthêu nói: "Vậy nếu ánh sáng nơi anh lại thành bóng tối, thì tối biết chừng nào!" (6.23). "Ánh sáng" này là cái nhìn của con tim, viễn tượng, sự tổng hợp, là điểm mà từ đó chúng ta có thể đọc được thực tại (x. Tông huấn Evangelii gaudium, 143).
Nhưng tâm hồn “trong sạch” nghĩa là gì? Trong sạch trong tâm hồn là sống trước sự hiện diện của Thiên Chúa, bằng cách giữ gìn con tim sao cho xứng đáng với mối tương quan với Thiên Chúa; chỉ bằng cách này ta mới có được cuộc sống “nhất quán”, một đường thẳng, không quanh co nhưng đơn giản.
Do đó, tâm hồn thanh sạch là kết quả của một quá trình liên quan đến giải phóng và từ bỏ. Người có tâm hồn trong sạch không sinh ra như vậy, nhưng là người từng sống đơn giản hóa nội tâm, biết học cách từ chối điều xấu nơi bản thân, là điều mà Kinh thánh gọi là cắt bì tâm hồn (x. Dt 10,16; 30,6; Ez 44,9; Ger 4, 4).
Sự thanh tẩy nội tâm ngụ ý thừa nhận phần mà con tim chịu ảnh hưởng của sự ác – “Cha biết rồi, con cảm thấy như vậy, suy nghĩ như vậy, nhận thấy như vậy và đây là điều tồi tệ” : thừa nhận phần tội tệ, phần bị che mờ bởi sự dữ - để học nghệ thuật luôn để cho mình được dạy dỗ và dẫn dắt bởi Thánh Thần. Một lộ trình từ con tim bệnh hoạn, tội lỗi, không thể nhìn thấy điều tốt nơi sự vật, vì đang sống trong tội lỗi; trước ánh sáng trọn vẹn của tâm hồn đó là công trình của Chúa Thánh Thần. Ngài là Đấng hướng dẫn chúng ta thực hiện lộ trình này. Chúng ta hãy nhìn xem, qua hành trình của tâm hồn này, dẫn chúng ta đến chỗ “ngắm nhìn Thiên Chúa”.
Trong phúc kiến tuyệt vời này ta thấy hiện diện một chiều kích tương lai, chiều kích cánh chung, giống như trong mọi Mối phúc: đó là niềm vui của Nước Trời là nơi chúng ta đang hướng tới. Nhưng cũng còn có một chiều kích khác : ngắm nhìn Thiên Chúa, nghĩa là hiểu được chương trình Quan phòng qua những gì xảy ra với chúng ta, nhận ra sự hiện diện của Chúa trong các Bí tích, nơi anh chị em, nhất là nơi người nghèo, đau khổ và nhận ra Ngài ở nơi Ngài tự biểu lộ (GLCG 2519).
Mối phúc này là kết quả của những mối phúc trước: nếu chúng ta lắng nghe khát mong điều thiện đang hiện diện trong chúng ta và ý thức về việc sống với lòng thương xót, một hành trình giải thoát bắt đầu được kéo dài trong suốt cuộc đời và dẫn đến tận Thiên đàng. Đó là việc làm nghiêm túc, một công việc do Chúa Thánh Thần thực hiện nếu chúng ta nhường chỗ cho Ngài để thực hiện nó, nếu chúng ta mở lòng ra cho hành động của Thánh Thần. Vì thế chúng ta có thể nói rằng đó là công trình của Thiên Chúa nơi chúng ta – trong những thử thách và trong việc thanh tẩy cuộc sống – và công trình của Thiên Chúa, của Chúa Thánh Thần này sẽ mang đến cho chúng ta niềm vui to lớn, bình an đích thực. Anh chị em đừng sợ, hãy mở mọi cánh cửa tâm hồn của mình cho Chúa Thánh Thần, để Ngài thanh tẩy và đưa chúng ta tiến về phía trước trên lộ trình tiến đến niềm vui trọn hảo.
Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ