Good Friday – Thứ Sáu Tuần Thánh

Good Friday – Thứ Sáu Tuần Thánh 

Phụng vụ hôm nay đưa chúng ta đến tâm điểm của đức tin. Mỗi lần chúng ta nghe bài Phúc âm về cuộc thương khó của Chúa Giêsu, chúng ta tự hỏi: chuyện gì đã xảy ra… và tại sao? 

Đêm tiệc ly, Chúa qui tụ các môn đệ của mình. Sự dịu dàng và tình thương của Chúa khiến cho các môn đệ ngạc nhiên… Ngài bảo các ông phải rửa chân cho nhau, phải “yêu thương như Thầy đã yêu thương. Sau hôm đó, Chúa Giêsu bị bắt, bị tống vào ngục (Ga 18, 1-12, 19-24). Đây có phải là hành động của tình yêu? Sáng hôm sau Ngài bị đưa ra xét xử (Ga 18, 28-40). Đó có phải là hành động của tình yêu không? Rồi những người lính ra tay đánh đòn Ngài, họ đặt vương miện bằng gai nhọn trên đầu Ngài (Ga 19, 1-2). Một cuộc tra tấn tàn khốc, đau đớn đến như vậy… nhưng Chúa không nói lời nào, không kêu la vì đau đớn. Họ bắt Ngài vác thập giá đến pháp trường, đi giữa những lằn roi, những lời phỉ báng chê bai (Ga 19, 17-18). Đóng đinh không phải là điều chưa từng nghe thấy, ai cũng biết đó là hình phạt nặng, nhưng giải thích làm sao đây lại là hành động của tình yêu? 

Trong hơi thở yếu nhược khi hấp hối, Chúa vẫn nói lời yêu thương. Ngài biết rằng Mẹ mình, đang ở cạnh mình trong giây phút đó, cần một người chăm sóc, và Ngài đã trao mẹ lại cho người môn đệ được yêu: “Đây là con Bà, và đây là mẹ con” (Ga 19, 26-27). Ngài biết rằng cả hai sẽ cần nhau, cần phải yêu thương và chăm sóc lẫn nhau. 

Tôi khát… đã đến giờ của Ngài. “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19,28, 30). Đây là những lời cuối cùng Chúa Giêsu nói trước khi tắt thở. Đây thực sự là hành động của tình yêu sao?

Điều gì thực sự xảy ra ngày hôm đó? Làm thế nào ngày này có thể được gọi là Good Friday nếu đó là một ngày đau khổ và bi thương đến như vậy? 

Để hiểu được ý nghĩa của những hành động này, chúng ta cần nhìn lại dưới ánh sáng của lời tiên tri Isaia 53, 2-5 : 

Người tôi trung đã lớn lên tựa chồi cây trước Nhan Thánh,
như khúc rễ trên đất khô cằn.
Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong
đáng chúng ta ngắm nhìn,
dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích.

Người bị đời khinh khi ruồng rẫy,
phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật.
Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn,
bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới.

Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta,
đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta,
còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt,
bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề.

Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội,
bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm;
người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an,
đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành. 

Chính vì yêu thương chúng ta, Thiên Chúa đã trao Con của mình cho chúng ta, cho toàn thế giới. Chúa Giêsu đến để mạc khải cho chúng ta tình yêu của Thiên Chúa, và rằng chúng ta được yêu thương. Đối với chúng ta, điều này thật khó hiểu? Dù chúng ta là những người có đức tin vững chắc, nhưng tất cả chúng ta đều có khoảnh khắc đau khổ như Phêrô, khi chúng ta sợ nói lên sự thật về chính mình và nói về Chúa Giêsu cho người khác? Giống như các môn đệ, chúng ta chạy trốn khỏi những tình huống khó khăn thay vì xem đó như cơ hội để yêu thương? Tại sao chúng ta chọn cách tra tấn những người chúng ta không biết, hoặc không hiểu thay vì dành thời gian để lắng nghe câu chuyện của họ và cố gắng yêu thương họ? Tại sao chúng ta dễ dàng tước đi phẩm giá của người khác, đùa cợt với con tim họ, thay vì can đảm giới thiệu họ với trái tim vô biên của Thiên Chúa? 

Trong những thời điểm khác thường này, chúng ta nghe đâu đó nhiều câu chuyện về lòng dũng cảm tuyệt vời đang diễn ra. Mỗi hành động tự hiến là một ví dụ điển hình để chúng ta biết thay đổi cuộc sống mình. 

Hôm nay chúng ta xin Chúa ban cho chúng ta lòng can đảm để nhìn lên Thánh giá Chúa… Xin Chúa giúp chúng ta thấu hiểu được tình yêu vô biên của Chúa trên thập giá, đó là hành động cuối cùng của tình yêu. 

Lạy Chúa 

Xin dùng ân sủng Chúa mà chữa lành con và dạy cho con biết sống hy vọng giữa những lúc tuyệt vọng.

Võ Tá Hoàng
Mới hơn Cũ hơn