Lợi ích của việc tham dự thánh lễ trực tuyến

Chỉ một con virus Corona bé tí xíu mà có sức mạnh đến độ tàn phá cả thế giới và hủy diệt biết bao sinh mạng con người.

Riêng tại Việt Nam khi bệnh nhân thứ 204 được công bố nhiễm Sars CoV- 2, thì cùng lúc Thủ tướng chính phủ ra chỉ thị 16 về việc thực hiện cách ly trên phạm vi toàn quốc trong thời gian 2 đến 3 tuần. Bắt đầu ngày 01/04/2020 đình chỉ mọi hoạt động xã hội và hoạt động tôn giáo.

Về phía Giáo hội Công giáo thì Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng như các Giám mục giáo phận đều gởi thư cho cộng đồng dân Chúa về việc tạm dừng cử hành các thánh lễ tập trung, khuyên giáo dân tham dự thánh lễ trực tuyến tại nhà theo sự hướng dẫn của Ủy ban Phụng tự về những lưu ý khi tham dự.



Với sự phát triển nhanh chóng của Công nghệ thông tin thì việc tham dự thánh lễ trực tuyến trở nên quá dễ dàng, có thể mở smartphone, Ipad, Lapptop, compurter, Smarttivi đều được. Khi tham dự thánh lễ trực tuyến với chiếc tivi thông minh, ta có thể cảm nhận được chất lượng âm thanh trung thực, hình ảnh sống động và màu sắc rõ nét. Trong khi dự lễ tại nhà thờ, có lúc âm thanh hú như tiếng còi, có khi rẹt rẹt như chạm điện, có khi bên nữ nghe được và có khi chỉ có bên nam… Khi đi lễ nhà thờ, tâm lý ai cũng muốn tìm chỗ mát để ngồi, còn dự lễ trực tuyến tại nhà chẳng những đủ quạt mát mà có khi còn mở thêm hệ thống máy lạnh nữa. Tại nhà là một không gian yên tĩnh để dự lễ thay vì phải chịu đựng sự ồn ào, lộn xộn của các em nhỏ theo bố mẹ, hoặc những tiếng xì xào với nhau, thi thoảng lại nghe những cuộc điện đàm rõ to của một số giáo dân ngồi dự lễ bên ngoài nhà thờ. Sống ở đời, ai cũng thích mới lạ, thích thay đổi, thích tìm hiểu, thích học hỏi…hôm nay tham dự thánh lễ ở giáo phận này, ngày mai lại dự lễ ở giáo phận kia; hôm nay thánh lễ do Giám mục chủ tế thì ngày mai thánh lễ có linh mục đồng tế… Có tới 26 giáo phận tha hồ mà dự lễ trực tuyến, lắm lúc còn qua tới tận Vatican dự lễ luôn. Tham dự lễ trực tuyến ở nhà, không ai đi ra đường cho nên giảm bớt chi phí xăng dầu và tránh được cả tai nạn giao thông nữa. Thậm chí không xảy ra tình trạng xoi mói người khác: Ồ! Chị này thời trang ghê, bà kia ăn mặc không đứng đắn, anh này đi lễ trễ quá, ông nọ để chuông điện thoại quá lớn… Vì tất cả đều tập trung vào cung thánh, vào chủ tế nên chẳng có giáo dân để bàn tán.

Được biết tại gia đình nọ, chị vợ siêng đi lễ ngày thường nhưng anh chồng thì chỉ giữ lễ Chúa nhật còn con cái thì bận học. Vậy mà nhờ có lễ trực tuyến cả nhà chị ngày nào cũng tham dự lễ, thậm chí rủ thêm gia đình của người chị ruột cạnh bên cùng dự nữa. Tham dự thánh lễ tại nhà thật vui, vì sau lễ, mọi người ngồi lại với nhau thời sự, cùng dùng bữa với nhau như vậy là quá hiệp thông trong gia đình còn gì. Chưa kể sự hiệp thông trên cả nước vì số người tham dự lễ trực tuyến rất đông. Thống kê con số người tham dự trực tuyến vào tuần Thánh, nhất là Tam nhật Vượt Qua và Đại lễ Phục Sinh lên tới trăm ngàn lượt xem, rồi đến tuần Bát Nhật Phục Sinh cũng trên vài chục ngàn lượt.

Nếu nhìn thoáng qua thì thánh lễ trực tuyến cũng đem lại nhiều lợi ích thiết thực, chỉ thiếu một điều có sức ảnh hưởng đến đời sống thiêng liêng đó là rước lễ. Rước lễ là rước chính Mình Thánh Chúa vào trong thân thể chúng ta, kết hiệp chính Người với linh hồn chúng ta cách mật thiết nhất. Sách Giáo lý giải thích: “Việc cử hành hy tế Thánh Thể hoàn toàn hướng đến sự hiệp nhất mật thiết của các tín hữu với Đức Kitô qua việc rước lễ. Rước lễ là lãnh nhận chính Chúa Kitô, Đấng đã tự hiến vì chúng ta”. Vì vậy, “việc tham dự trực tuyến không phải là việc tham dự phụng vụ đúng nghĩa, nhưng chỉ là sự hiệp thông mang tính đạo đức”[1]. Ủy ban phụng tự cũng đã lưu ý: các phương tiện trực tuyến có thể đánh mất tính linh thánh của cử hành phụng vụ.

Thánh lễ trực tuyến chỉ là giải pháp tạm thời. Trong hoàn cảnh hiện tại ít ra nó cũng đem lại nhiều lợi ích thiêng liêng cho người tín hữu. Chỉ có Thánh lễ thật sự có sự hiện diện của những con người thật, một cộng đoàn được qui tụ và được cử hành bởi các giám mục, linh mục diễn ra tại nhà thờ, nhà nguyện… tức là một sự hiện diện thể lý mà trong đó mọi người được lắng nghe lời Chúa và được nuôi dưỡng bởi Mình Máu Chúa Kitô, mới đem lại hiệu quả đích thực cho đời sống đức tin người tín hữu, được lớn lên trong ân sủng và bảo đảm sự sống muôn đời.

[1] Hướng dẫn cử hành phụng vụ Tuần thánh của ĐGM Giáo phận Qui nhơn, ngày 02 tháng 04 năm 2020

Tác giả bài viết: Trần Mộng Hằng
Mới hơn Cũ hơn