Lòng từ bi không sợ hãi trong đại dịch qua chuyện Thánh Roch

Đại dịch không chỉ mang đến đau thương, mà còn là cơ hội cho con người một lần nữa mặc khải về những điều cao quý nhất trong cuộc đời này. Đó là lòng dũng cảm, sự thiện lương, là chính nghĩa, là đức tin chân chính, là những giá trị thường xuyên bị cười cợt và quên lãng trong cuộc sống vật chất, nhưng lại là những điều mang con người vượt thoát khỏi đại nạn.

Đây không phải là lần đầu tiên nhân loại phải đối mặt với nỗi sợ hãi của một đại dịch sẽ cướp đi hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu nhân mạng. Cái Chết Đen đã từng khủng bố châu Âu vào thế kỷ 14, giết chết khoảng hơn 20 triệu người, và tiếp tục hoành hành trong các đợt bùng phát ở những phạm vi nhỏ hơn, mãi cho đến đầu thế kỷ 19.

Con người thời đó đã đối mặt với nỗi sợ hãi trong đại dịch như thế nào? Hầu hết đã lấy đức tin của mình làm nguồn an ủi. Một vài người lại lấy chúng để hợp pháp hóa việc đàn áp tín ngưỡng. Và cũng có những con người vĩ đại hơn, sử dụng đức tin làm nguồn sức mạnh của sự từ bi không sợ hãi trong đại dịch.

Tiến sĩ Lịch sử Nghệ thuật Louise Marshall viết về đức tin phổ biến tại châu Âu vào thời điểm ấy như sau: “Trong đại dịch, đối với nhiều thành phố thì các vị Thánh bảo trợ là lá chắn bảo hộ đầu tiên. Tại phiên tòa trên Thiên giới, các vị Thánh trở thành một sứ giả truyền tin, dựa vào sức mạnh và sự thành tín của cộng đồng cư dân mà xin Thiên thượng bảo hộ trong đại dịch.”

Vì thế, các tín đồ trong cơn hoạn nạn đều sám hối, đều cầu nguyện trước Chúa và các Thánh. Trong đại dịch Cái Chết Đen, có một số vị Thánh bảo hộ được đặc biệt nhắc tới như Thánh Sebastian, Thánh Rosalia hay Thánh Roch. Trong đó, Thánh Roch là một vị Thánh đặc biệt, dùng sức mạnh của đức tin để đi khắp nơi chữa trị cho con người, dù phải chịu rất nhiều cay đắng.

Bức tranh mô tả đại dịch tại Naples, Ý, vào năm 1656. 
Họa sĩ Domenico Gargiulo. (Tranh qua Wikipedia)

Theo cuốn “Cuộc đời các Thánh” (Lives of the Saints), Thánh Roch sinh ra ở Montpellier, trên biên giới giữa Pháp và Ý. Mẹ của ngài là một phụ nữ quý tộc bị hiếm muộn, nhờ cầu nguyện với Đức Mẹ Đồng Trinh mà sinh ra ngài. Khi sinh ra, Thánh Roch đã mang một cái bớt hình chữ thập và từ rất nhỏ tuổi đã là một con chiên sùng đạo.

Cha mẹ qua đời khi ngài 20 tuổi, lúc đại dịch đang hoành hành tại Ý. Thánh Roch đã cho đi hết của cải và bước vào hành trình giúp đỡ người đau yếu vì bệnh dịch. Ngài đi từ thành phố này sang thành phố khác, cứu vớt con người bằng cách cầu nguyện, làm dấu thánh giá, rồi chạm tay vào người bệnh, khiến bệnh tật biến mất.

Thánh Roch cứu chữa người bệnh tại một nhà thương. Họa sĩ Jacopo Tintoretto vẽ năm 1549. 
(Tranh qua Wikipedia)

Sau khi Thánh Roch đi qua một số thành phố, một Thiên Thần xuất hiện để báo với ngài rằng chính ngài cũng sẽ mắc phải Cái Chết Đen. Những người dân trong thị trấn Piacenza, Ý đã vì thế mà trục xuất ngài. Thánh Roch phải sống khổ nhọc trong một khu rừng kế cận, trong một túp lều bằng cành cây và lá đơn sơ. Tuy vậy, ngài vẫn đều đặn dành thời gian để cầu nguyện trong hạnh phúc.

Một con suối kỳ diệu đã xuất hiện để ngài có nước uống. Một con chó sống gần đó thường xuyên mang thức ăn tới và liếm vết thương cho ngài. Sau đó, trong một chuyến đi săn, Bá tước Gothard đã được con chó dẫn tới, và trở thành môn đồ của Thánh Roch.

Sau khi có thể đi lại được, dù đang mang bệnh, Thánh Roch vẫn lên đường tiếp tục sứ mệnh của mình. Ngài đi đến một thành phố gần đó để chữa lành cho các bệnh nhân. Không lâu sau, khi ngài cầu nguyện, Chúa chữa lành bệnh cho ngài.

Thánh Roch trở về quê hương, nơi đang xảy ra chiến tranh. Ngài bị chú của mình bắt giam vì không nhận ra, và nghi ngờ ngài là gián điệp. Thánh Roch đã bình tĩnh chấp nhận ngồi tù và dành thời gian những năm trong tù để tiếp tục cầu nguyện.

Một Thiên Thần đến với Thánh Roch trong tù. 
Họa sĩ Jacopo Tintoretto vẽ năm 1567. (Tranh qua Wikipedia)

5 năm qua đi, khi ngài cận kề cái chết, một luồng sáng xuất hiện bên trong nhà giam. Lời nguyện cầu cuối cùng của Thánh Roch chính là nếu có ai cầu nguyện với Ngài nhân danh Chúa thì sẽ được giải thoát khỏi bệnh dịch. Sau khi ngài tạ thế, một Thiên Thần đã đặt một chiếc bảng bằng vàng dưới đầu ngài. Chiếc bảng vàng này ghi lại lời nguyện cầu lúc hấp hối của ngài, cùng với danh tính thực sự, để thế nhân biết ngài là ai.

Nhiều năm qua đi, Cái Chết Đen vẫn chưa biến mất khỏi châu Âu khi Peter Paul Rubens, một tín đồ sùng đạo, vẽ bức tranh thờ về Thánh Roch tại Bỉ, dành cho hạt Aalst. Đây là một bức tranh mang thật nhiều hàm nghĩa.

Chúa sai Thiên Thần mang chiếc bảng vàng đến, trên đó có ghi “Eris In Peste Patronus” – “Ngươi là vị Thánh bảo hộ dịch bệnh”. Ở bên dưới, những người bệnh hướng về phía Thánh Roch như trông đợi, cầu xin. (Tranh qua Pixels)

Suốt đỉnh điểm của Cái Chết Đen, nỗi sợ hãi đã khiến nhiều người bỏ rơi cả những người thân và gia đình bị nhiễm bệnh của họ. Câu chuyện về Thánh Roch gợi cho chúng ta thông điệp gì về đức tin, về sự dũng cảm, thiện lương, về sự cứu rỗi bên trong đại dịch?

Trong thời khắc sinh tử, con người nghĩ tới bản thân mình, đó là điều dễ hiểu. Nhưng chúng ta cũng nên nhớ rằng đừng để nỗi sợ hãi ngăn cản chúng ta quan tâm tới người khác.

Đức tin và lòng từ bi là điều chúng ta học được từ câu chuyện của Thánh Roch. Một đức tin chân chính, kiên định, một lòng từ bi không sứt mẻ, không vì bản thân. Bởi vậy, dù ngài đã ra đi trong nhà ngục, nơi không một ai biết đến ngài, nhưng 700 năm sau, chúng ta vẫn nhắc lại câu chuyện về cuộc đời Thánh Roch.

Và điều đặc biệt trong bức tranh của Peter Paul Rubens là ở chỗ, vị Thiên Thần là người duy nhất đang nhìn vào chúng ta, ánh mắt của ngài như nói với chúng ta rằng “Thiên thượng không quên các vị”. Với những con người có thể thực sự sám hối, thực lòng xem xét lại những ác niệm trong cuộc đời của bản thân, thực tâm quy chính, quay lại với lương tri và chính nghĩa, không thờ ơ trước cái ác, thì chắc chắn họ sẽ được cứu chuộc.

“Thiên thượng không quên các vị”.

Trong nỗi sợ hãi mình có thể là người mắc bệnh tiếp theo, hãy luôn nhớ rằng lòng trắc ẩn và lương tri sẽ khiến bạn trở nên mạnh mẽ.

Quang Minh
Trithucvn
Mới hơn Cũ hơn