Nỗi đau của thánh Tôma


Khi Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra không có Tôma. Ông không vui khi người khác vui. Nỗi đau bị lãng quên, một nỗi đau thực sự. Nhưng Chúa Giêsu đã hiểu được môn đệ mình, Người đã đến để cho ông biết rằng Người luôn yêu những ai thuộc về Người. 



Có những khoảnh khắc trong cuộc sống chúng ta không ở đúng nơi, đúng chỗ. Chúng ta không có mặt khi có một điều gì đó quan trọng xảy ra. Và sau đó chúng ta phàn nàn. Thánh Tôma đã trải qua kinh nghiệm này. Khi Chúa hiện ra Tôma không có ở đó. Lúc cần trải nghiệm tình yêu của Chúa Giêsu, cần chạm vào vết thương của Chúa, cần nghe lời của Người, nhận bình an của Người thì Tôma lại vắng mặt. Tôma thật đau đớn. Có lẽ ông cảm thấy đau khổ trước một Thiên Chúa đã hiện diện và không cảm thấy sự thiếu vắng của ông; một Thiên Chúa xuất hiện không đúng thời điểm; một Thiên Chúa đã đến mà không chịu tìm gặp ông. Mọi thứ đã xảy ra khi ông vắng mặt.

Vấn đề của Tôma không đến nỗi để ông không tin rằng Chúa Giêsu đã sống lại, nhưng điều đó xảy ra không phù hợp với thực tế, bởi vì Chúa Giêsu hiện ra mà không có sự hiện diện của ông, bởi vì ông không thể thấy người khác vui mà mình không vui. Ở điểm này có lẽ chúng ta cần phải học cách thoát ra khỏi chính mình và học cách chia sẻ niềm vui của người khác; chúng ta cần phải học cách cám ơn những điều tốt đã xảy ra cho người khác, ngay cả khi chúng ta không tham dự, hoặc không xảy ra do sự giúp đỡ của mình.

Tiếc thay, Tôma đã không có khả năng đó. Vết thương thật đau và thật sâu. Tại sao nó lại xảy ra khi ông không ở đó? Hay do mình không xứng đáng!? Khó khăn biết bao khi đối diện với sự thờ ơ, và thật đau khổ khi chẳng ai nhớ đến mình.

Tám ngày trôi qua kể từ khi Chúa Giêsu xuất hiện lần thứ nhất, những ngày đó Tôma cảm thấy mình bị loại trừ khỏi niềm vui của các anh em. Ông phải đóng cửa tâm hồn và tự cô lập mình. Nếu Chúa Giêsu không hiện ra có lẽ sẽ thích hơn, nhưng thật buồn và đáng ghen tị vì điều đó đã xảy ra ngược lại.  

Các môn đệ đã nói với Tôma : “Chúng tôi đã thấy Chúa”. Các môn đệ muốn chia sẻ với ông những gì họ đã thấy, đó là niềm vui của họ. Các môn để đã kể lại với tất cả lòng nhiệt thành, có lẽ họ không hiểu Tôma đã đau đến mức nào.

Thế nhưng, Tôma không tin tưởng người khác. Ông muốn chạm vào Chúa Giêsu. Kinh nghiệm của người khác không đủ cho ông. Ông muốn trở thành người giống như thế, muốn tận tay chạm vào vết thương của Chúa. Nhưng khi ông muốn thì Chúa Giêsu không có ở đó. Tôma đã từ bỏ mọi thứ để theo Chúa Kitô. Ông yêu mến Chúa, ông rất cần Chúa, Chúa không có mặt ông không biết phải làm gì. Cuộc sống không còn ý nghĩa, trong khi ngày càng có nhiều người nói rằng họ đã nhìn thấy Chúa.

Tôma không thể tin vào chính mình. Đó là tám ngày khó khăn nhất trong cuộc đời của ông. Ông cảm thấy cô đơn. Trước hết, từ khi Chúa Giêsu chết cho đến giây phút này, ông đã chia sẻ nỗi sợ hãi, sự thiếu vắng bình an với các môn đệ. Tuy nhiên, giờ này, niềm vui của họ đã gây cho ông nỗi buồn phiền. Không ai hiểu ông. Ông muốn bằng tất cả sức mạnh để tin và ở với Chúa Giêsu.

Và rồi Chúa Giêsu trở lại. Người luôn làm cho chúng ta điều ngạc nhiên. Tám ngày sau, Tôma có mặt. Mọi người đều ở đó và Chúa Giêsu đã trở lại bởi vì Chúa yêu ông. Chúa nhìn ông với đôi mắt hiền từ, Người biết rằng ông thật mong manh.

Phía sau sự cứng lòng tin, Chúa Giêsu đã thấy được sự lo lắng của Tôma khi ở với Chúa. Người đã thấy được Tôma cần đến Ngài biết bao. Ngài đã thấy được nhu cầu cần được chạm vào để tin – không chỉ là tin vào sự phục sinh – mà còn tin vào tình yêu của Ngài.

Tôma đã thỏa mãn được đòi hỏi đó. Và rồi ông cũng đã được chạm đến Chúa, đã đặt tay vào cạnh sườn và đã nhận ra được những vết thương của Ngài. Cuối cùng ông cũng đã thốt lên với Chúa những lời vừa ngạc nhiên vừa tin tưởng : 'Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của tôi'.

Tâm trạng của Tôma cũng chẳng khác gì tâm trạng của mỗi người chúng ta. Thật khó tin khi chúng ta không được chứng kiến, không được sờ mó, đụng chạm đến điều ta muốn biết. Chúng ta nghi ngờ và đòi hỏi Chúa phải làm cho chúng ta mọi thứ. Nếu chúng ta không cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa bằng đôi mắt đức tin chắc chắn chúng ta sẽ sa ngã và mãi mãi không bao giờ đến được với Chúa. Trái lại, dù con người có là gì, Thiên Chúa luôn kiên nhẫn và luôn làm những điều ngạc nhiên. 

Hôm nay Giáo hội kính nhớ Lòng Thương Xót của Chúa, tuôn chảy từ trái tim yêu thương con người không ngừng nghỉ. Lòng Thương Xót Chúa là nguồn mạch của ơn cứu rỗi con người. Chạy đến với Chúa chúng ta sẽ ngụp lặn trong đại dương của ân sủng Chúa, sẽ được tẩy rửa mọi tội lỗi và cuối cùng chúng ta sẽ đụng chạm được Đấng Phục sinh đang chờ đợi chúng ta trên thiêng đàng.

Lạy Chúa Giêsu xin thương xót chúng con.

G. Võ Tá Hoàng
Mới hơn Cũ hơn