Vào thời điểm lo lắng và đau khổ này, chúng ta dường như cảm thấy nhiều điều không chắn chắn và có thể đặt vấn đề về sự hiện diện của Thiên Chúa, Ngài ở đâu trong những lúc như thế này. Những nghi vấn về Thiên Chúa tìm thấy lời giải đáp nơi Đấng chịu đóng đinh và sống lại một nền tảng vững chắc cho phép chúng ta không bị chìm. Đó là chủ đề của bài giáo lý hàng tuần ĐTC Phanxicô, sáng Thứ tư Tuần thánh, 08/04/2020, tại Thư viện Tông tòa Vatican.
Anh chị em thân mến
Trong những tuần đầy lo lắng vì đại dịch đang làm cho thế giới phải đau khổ này, qua đó chúng ta đặt ra rất nhiều câu hỏi, cũng có thể là những câu hỏi về Thiên Chúa nữa : Ngài đã làm gì trước những nỗi đau của chúng ta? Chúa ở đâu khi mà tất cả đều sai lầm? Tại sao Chúa không giải quyết những vấn đề như vậy cách nhanh chóng? Đó là những câu hỏi chúng ta dành cho Thiên Chúa.
Trình thuật về Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu sẽ nâng đỡ chúng ta, đồng hành cùng chúng ta trong những ngày thiêng liêng này. Thực ra, ngay cả ở đó, nơi cuộc Khổ nạn, cô đọng rất nhiều câu hỏi. Dân chúng, sau khi đón Chúa Giêsu khải hoàn vào Giêrusalem, họ đã tự hỏi liệu cuối cùng Ngài có giải phóng dân khỏi những kẻ thù của họ không (x. Lc 24,21). Họ đang mong đợi một Đấng Cứu Thế đầy quyền năng, chiến thắng bằng gươm giáo. Trái lại, xuất hiện một người hiền lành, khiêm nhượng trong lòng, kêu gọi hoán cải và lòng xót thương. Và chính đám đông đã từng tung hô Ngài trước đó, giờ đây hét lên: “đóng đinh vào thập giá đi!” (Mt 27,23). Những người đã từng đi theo Ngài thì sợ hãi và bỏ trốn, họ bỏ rơi Ngài. Họ nghĩ : nếu số phận của Chúa Giêsu là như vậy, thì Vị Cứu Tinh không phải là Ngài, bởi vì Thiên Chúa thì mạnh mẽ, bất khả chiến bại.
Nhưng nếu chúng ta tiếp tục đọc trình thuật về Cuộc Khổ Nạn, chúng ta sẽ thấy một sự thật đáng kinh ngạc. Khi Chúa Giêsu đã sinh thì, người lính Rôma, hẳn không phải là một tín hữu, không phải là người Do Thái mà là một người ngoại giáo, đã thấy Chúa Giêsu đau khổ trên thập giá, đã nghe được lời tha thứ cho tất cả mọi người, đã chạm đôi tay vào tình yêu vô biên của Chúa và ông thốt lên rằng : “Quả thực ông này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39). Quả thực ông đang nói ngược lại với những người khác. Ông nói rằng người đó là Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật.
Ngày nay chúng ta có thể tự hỏi: đâu là gương mặt đích thực của Thiên Chúa? Thường chúng ta gán cho Ngài những gì là của chúng ta, với quyền lực tối đa: sự thành công của chúng ta, tinh thần công lý của chúng ta, và ngay cả sự phẫn nộ của chúng ta nữa. Thế nhưng Tin mừng nói cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa không phải như vậy. Ngài hoàn toàn khác và chúng ta không thể biết về Ngài bằng sức mạnh của mình. Vì thế, Ngài đã trở nên gần gũi, đã đến để gặp chúng ta và đã mạc khải hoàn toàn về chính mình qua sự Phục sinh. Và việc Chúa đã mạc khải về mình được hoàn tất ở đâu? Trên thập giá. Ở đó chúng ta học biết được những nét mặt của Thiên Chúa. Anh chị em đừng quên rằng, thập giá là ngai tòa của Thiên Chúa. Chúng ta sẽ được chữa lành khi nhìn lên Thập giá trong thinh lặng và thấy được Ngài là Chúa của chúng ta : là Đấng không hề chỉ tay chống lại bất cứ ai, cũng không chống lại những kẻ đang đóng đinh mình, nhưng giang rộng vòng tay cho tất cả mọi người; không đè bẹp chúng ta bằng vinh quang của mình, nhưng để cho mình bị tước đoạt vì chúng ta; không yêu chúng ta bằng lời, nhưng đã trao mạng sống cho chúng ta trong thinh lặng; không cưỡng ép chúng ta, nhưng giải phóng chúng ta; không coi chúng ta nhưng người xa lạ nhưng nhận lấy nơi bản thân tội lỗi của chúng ta. Ngài làm như vậy là để giải thoát chúng ta khỏi những thành kiến về Thiên Chúa. Chúng ta hãy nhìn lên Đấng chịu đóng đinh, sau đó mở Tin mừng ra. Trong những ngày này, mọi người đều ở trong thời gian cách ly và ở nhà, đóng cửa, chúng ta cầm hai thứ này trong tay : Chúa chịu đóng đinh và hãy nhìn lên Ngài; mở Tin mừng ra. Có thể nói, đối với chúng ta, điều này thật tuyệt vời, nó giống như phụng vụ tại gia, bởi vì trong những ngày này chúng ta không thể đến nhà thờ. Chúa chịu đóng đinh và Tin mừng.
Chúng ta đọc trong Tin mừng và biết rằng, sau khi hóa bánh ra nhiều, mọi người tuôn đến với Chúa Giêsu để tôn Ngài lên làm Vua, nhưng Ngài đã rời đi (x. Ga 6,15). Và khi ma quỉ muốn tiết lộ vẻ uy nghiêm thánh thiện của Chúa, Ngài bắt chúng phải câm miệng (x. Mc 1: 24-25). Tại sao vậy? Bởi vì Chúa Giêsu không muốn bị hiểu lầm, không muốn mọi người lẫn lộn vị Thiên Chúa thực sự, là tình yêu khiêm nhường, với vị thần giả tạo, một vị thần trần tục thích thể hiện và áp đặt bằng vũ lực. Thiên Chúa không phải là ngẫu tượng. Ngài là Thiên Chúa đã nhập thể làm người như mỗi người chúng ta, và tự biểu lộ mình như con người nhưng bằng sức mạnh của thần tính Ngài. Thực ra, khi nào thì căn tính của Chúa Giêsu được Tin mừng long trọng công bố? Khi người lính nói : “Quả thực ông này là Con Thiên Chúa”. Lời này đã được nói ở đó, ngay lúc Chúa vừa phó mạng sống trên thập giá, để người ta không thể nhầm lẫn Ngài thêm nữa, để người ta thấy rằng Thiên Chúa quyền năng trong tình yêu, không theo bất kỳ cách nào khác. Đó là bản tính của Ngài, vì Ngài đã làm như vậy. Thiên Chúa là tình yêu.
Bạn có thể phản đối: "Tôi phải làm gì với một vị Thiên Chúa yếu đuối, đã chết như vậy? Tôi thích một vị thần mạnh mẽ, một vị thần uy quyền! Nhưng bạn có biết, quyền lực thế gian này đang qua đi trong khi tình yêu vẫn tồn tại. Chỉ có tình yêu mà chúng ta có mới bảo vệ được cuộc sống, bởi vì tình yêu ôm lấy những yếu đuối của chúng ta và biến đổi nó. Đó là tình yêu của Thiên Chúa, qua sự Phục sinh, đã chữa lành tội lỗi của chúng ta bằng sự tha thứ của Ngài, đã biến cái chết trở thành lối đi của sự sống, đã biến đổi nỗi sợ hãi của chúng ta trong sự tin tưởng, nỗi buồn phiền của chúng ta trong niềm hy vọng. Sự phục sinh nói cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa có thể làm cho tất cả mọi sự nên tốt đẹp. Cùng với Ngài chúng ta có thể thật sự tin rằng mọi thứ sẽ trở nên tốt hơn. Đây không phải ảo ảnh, đây là sự thật! Bởi vì vào sáng sớm Phục sinh Chúa đã nói với chúng ta : “các con đừng sợ” (x. Mt 28,5). Và những câu hỏi buồn đau về sự dữ không biến mất đột ngột, nhưng được tìm thấy nơi Đấng Phục sinh một nền tảng vững chắc cho phép chúng ta không bị chìm.
Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu đã thay đổi lịch sử bằng cách tự làm cho mình gần gũi với chúng ta và làm cho nó thành lịch sử cứu rỗi, dẫu cho lịch sử ấy còn bị đánh dấu bởi sự dữ. Bằng việc hiến dâng mạng sống mình trên thánh giá, Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết. Từ con tim rộng mở của Đấng chịu đóng đinh, tình yêu của Thiên Chúa hướng đến mỗi người chúng ta. Chúng ta có thể thay đổi lịch sử của mình bằng cách làm cho mình được gần gũi với Ngài, bằng cách đón nhận ơn cứu chuộc mà Ngài đã ban cho chúng ta.
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy mở rộng tâm hồn cho Chúa qua lời cầu nguyện, qua những ngày trong tuần này : với Chúa chịu đóng đinh và Tin mừng. Phụng vụ tại gia chính là đây. Chúng ta hãy mở rộng tâm hồn cho Chúa qua lời cầu nguyện, hãy để Chúa đoái nhìn mỗi người chúng ta và qua đó chúng ta hiểu rằng chúng ta không cô đơn, nhưng được yêu thương, vì Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta và không bao giờ quên chúng ta. Và với những ý nghĩ này, tôi chúc cho chị em một Tuần Thánh và mùa Phục Sinh thánh thiện.
G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ
Nguồn tin: gpquinhon.org