Các sœurs chăm sóc bệnh nhân phong ở Qui Hòa
(Năm 1930)
NHÀ THƯƠNG QUI HÒA
T. Long
Lời Thăm, số 175, 1 Avril 1930, tr. 207-211
Tôi được hầu cha Quản lý Lời Thăm vào Qui Hòa viếng cha Maheu và tôi được hân hạnh thấy tận mắt địa cảnh, công cuộc bài trí của cha đang tạo lập nhà thương, thì tôi không dám làm thinh, nên xin kể ra đây để chư quý vị xem mà đem tình chiếu cố.
Qui Hòa là một làng nhỏ cách thành phố Qui Nhơn gần 6 trụ kilômét, là nơi nhà nước chọn lập nhà thương nuôi bịnh phung bây giờ. Nghe danh hiệu nhà thương phung, tự nhiên ai nấy đều cho là nơi tử địa mạc kiếp, là chốn đày chung thân những người mắc bịnh ghê gớm ấy, cũng như Côn-nôn, Lao-bảo. Tưởng như vậy có sai ít nhiều.
Ai là người có tính thích ngắm cảnh thì mới hiểu được chỗ Qui Hòa là làm sao? Thật Qui Hòa là một cảnh tượng thiên nhiên rất tuyệt vời khéo léo. Ba phía có núi cao xanh bao phủ, còn một phía biển bọc. Chu vi Qui Hòa không lấy gì làm rộng lớn, độ 8 trụ cây số là cùng. Gần biển hướng Đông chỗ đang lập nhà thương, ít người ở, động cát với cây mọc lúp xúp, mà dựa mé núi phía Tây Nam, có nhà cửa nhiều, vườn tược khá, cau dừa tốt, chính giữa là ruộng.
Dân cư làng này non vài trăm, toàn là những người lương thiện chí thú làm ăn, không gian tham trộm cướp. Bề sinh nhai ở đây: làm ruộng, bắt cá, đốn củi đốt than. Củi than tuy là vật nhỏ mọn, song cũng lắm tiền, vì ở ngoài Qui Nhơn họ mua cao giá.
Qui Hòa khí hậu tốt, nước hiền, ăn ngon ngủ được, ít có ngọn gió bấc thổi vào. Đức khâm sứ Tòa Thánh, người Tây ở Qui Nhơn và mấy tay du lịch vào đây, đều cho là chỗ tốt đẹp lạ lùng. Ban ngày hoặc ban đêm lúc trời thanh biển lặng, đứng bãi cát ngó phía tả thấy đèn điện, nhà cửa, lầu đài thành phố Qui Nhơn, ngó xuống hướng Đông là biển, cùng đèn pha Cù lao Xanh nháy chớp soi đường tàu chạy, xem qua tay hữu có vài cù lao nho nhỏ. Tàu khói ghe buồm chạy ngoài, thấy được rõ ràng lắm. Nhất là ngắm cảnh lối năm giờ sáng thì lấy làm ngoạn mục vô hồi: thấy ánh sáng mặt trời đang lấp ló, thấy ngư ông chèo thuyền thả lưới, thấy buồm ghe đương lượn theo luồng sóng ngoài khơi, coi cảnh ấy, ắt phải thầm khen tài trí Đấng Tạo Hóa đã dựng nên bức tranh thiên nhiên rất hữu tình nói không xiết được. Chừng nhà nước đắp con đường xe điện chạy vào đây và nhà cửa làm hoàn toàn, thì Qui Hòa càng được mỹ miều biết là bao.
Bây giờ tôi xin thuật công cuộc nhà thương to lớn làm sao và những người ở đó thể nào.
Việc cha Maheu đang lo là một việc to tát lưu danh hậu thế. Cách tám tháng nay, chỗ này là cát với cây lúp xúp, mà rày đã khoản khoát, nhà cửa cất tạm cũng bộn bàng. Chu vi nhà thương dài hơn hai cây số. Nhà cửa cha đang xây là một nhà nuôi bịnh nặng nghèo, dài 250 thước tây, một nhà bịnh bậc sang, một nhà các cô giúp; đã cất rồi một nhà quan Đốc-tơ (bác sĩ) khám bịnh và cho thuốc; sau còn cất nhà cho bà phước tây, nhà cha quản lý, nhà thờ, nhà điện và nhiều nhà khác nữa, toàn là ngói với đá núi, xi-măng đúc. Ngoài chu vi ấy lại còn cất sáu bảy chục nhà tranh để cho những người bịnh đủ gia thất được ở ngoài làm ăn thong thả; lại cha sẽ lập một cái chợ nữa.
Cái họa đồ của cha bài trí về công cuộc này, theo như lời một quan tây kia khen là họa đồ trí khôn (le plan génial) thì rất đúng vậy.
Sở phí ước trên mấy vẹo. Công việc đại sự mà tiền bạc kém sút, nên trong tháng Février (tháng Hai) cha phải giao việc cho kẻ khác, đi vào Sàigòn diễn thuyết mà xin bạc thêm, vì người xứ này giàu có, đại độ rộng rãi hay cúng thí làm việc phước đức.
Ai thấy cha Maheu đã già 61 tuổi mà tế lễ mạng sống để làm việc cả thể tông đồ, là việc không ai dám kê vai gánh, thì đều thương ra tay trợ lực. Người tây, nhất là quan sứ, quan thầy thuốc, quan lục lộ và nhiều quan khác năng tới lui thăm viếng: người Annam, ba quan tỉnh mà nhất là quan phủ Tuy Phước là Trần Văn Bang có công lắm, năng ra vô thăm viếng giúp đỡ cha mọi việc; lại có khi cha đi khỏi xa, thì ngài chẳng nệ công khó, gớm ghê mà vào coi thế cho cha. Thật là vì ngài có lòng kính Chúa yêu người mà thôi.
Tôi thấy tình cha đối với bịnh nhân, thì phải thầm mến. Cha thương người bịnh, lo lắng cho người bịnh trong mọi việc một cách lạ lùng, cha mẹ thương lo cho con không bằng. Cha hằng tới lui giải khuyên an ủi, lời nói dịu dàng, bộ hiền hậu đáng mến thương. Ban ngày coi làm việc, tối ngồi tòa làm phước, vừa nghe tin có người bịnh gần chết, liền mau chân đến hoặc an ủi hoặc làm phép Rửa tội cho.
Tôi được xem lễ Chúa Nhật tại đây một lần, tôi thấy lòng sốt sắng cha, tôi tự nhiên ứa nước mắt; để tôi xin kể cho ai nấy nghe. Cha làm lễ; khi sang Evang rồi, cha rao lịch, đọc Evang, giảng; giọng rao lịch, đọc Evang của cha, mấy ông biện, mấy thầy nên bắt chước rõ ràng chậm rải, ăn nhịp theo vần theo tiếng. Bài giảng vắn tắt mà ý nghĩa cao sâu. Lễ rồi cha đọc một đoạn Cứu thế ngôn hành, gẫm chung. Thật là một vị linh mục hết lòng với Annam ta đó.
Tại nhà thương bây giờ có hai cô trợ giúp lo thuốc men, dạy dỗ người bịnh, một người địa phận Sàigòn, một người về địa phận Nam-vang; hai chị nhà tập Gò Thị cùng nhiều người khác. Đáng khen mấy bà, vì đạo Chúa, vì tình thương anh em đồng loại, đành bỏ cha mẹ ở xứ sở cùng sự mình yêu chuộng cho được hiến mình lập công trọng. Xin Chúa trả công vô cùng đời này và đời sau cho mấy bà.
Hiện thời ở nhà thương này có 60 người bịnh (sau mới lãnh nhiều) mà đã chết bốn rồi, cả thảy đều chịu phép Rửa tội; ấy là kết quả sự lập nhà thương.
Tôi xem thấy bịnh nhân kẻ thì cùi chân tay, kẻ phải lở lói thúi tha, kẻ lại nằm rên xiết, mà thầm sa nước mắt; vì cũng đồng nòi, đồng giống, đồng một Cha chung, đồng nhờ ơn Cứu Chuộc, mà phải lâm bịnh ghê gớm, đến nỗi dầu vợ con, cha mẹ cũng không dám ngó đến, cũng liều bỏ cho khuất mắt; khác nào thánh Gióp xưa bị lở lói, mọi người chê bỏ, phải ngồi dựa gốc cây lấy miếng sành gạt dòi vậy.
Hỡi anh em đồng nòi, đồng đạo, hãy suy gẫm, âu là Chúa để cho những kẻ này gánh bớt sự khốn khó bởi tội lỗi cho ta, hầu cho ta được sức khỏe, đặng vui thú cùng vợ con, với anh em nghĩa thiết ta đó chăng?
Vậy xin ai nấy bất kỳ người giáo lương, hãy rộng tay cúng giúp bạc tiền hầu đỡ anh em mình bớt phần khốn khó. Đó là đức yêu thương rất lớn, đó là nghĩa vụ, đó là tình thương người đồng loại. Của cải mình giúp vào đây, thì không khi nào mất, vì Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhơn; Chúa công bình, dầu một bát nước lã, cũng không bỏ qua.
Vậy xin ai nấy suy lấy.