Vào ngày 28 tháng 1, Giáo hội Công giáo Rôma cử hành lễ nhớ thánh Tôma Aquinô, một thần học gia của thế kỷ 13, người đã cho thấy đức tin Công giáo có sự hòa hợp với triết học cũng như với tất cả các ngành tri thức khác.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, vào năm 1998, trong thông điệp “Đức tin và Lý trí”, xác nhận thánh Tôma “đã có công lớn là đặt lên hàng đầu sự hòa hợp giữa đức tin và lý trí”, khi ngài chắc chắn rằng “cả ánh sáng lý trí lẫn ánh sáng đức tin đều phát xuất từ Thiên Chúa; do đó, chúng không thể mâu thuẫn nhau”[Đức tin và Lý trí, số 43].
Thánh Tôma chào đời năm 1225 trong một gia đình quý tộc, có họ hàng với những người đang cai trị Thánh Đế quốc Rôma. Thân phụ ngài là Landulph, bá tước thành Aquinô; mẹ ngài là Theodora, Nữ Bá tước xứ Teano. Lên 5 tuổi, thánh Tôma được gửi đến học tại Monte Cassino, một tu viện do thánh Bênêđictô thành lập.
Thiên phú trí tuệ và tính cách nghiêm túc của cậu bé đã gây ấn tượng cho các đan sĩ, những người đã thúc dục cha ngài đưa ngài vào một trường đại học khi ngài mới 10 tuổi. Tại Đại học Naples, ngài học triết học và hùng biện, trong khi vẫn có sự quan tâm đến việc bảo vệ quan điểm luân lý của mình để chống lại sự suy đồi của các sinh viên khác.
Người ta đồn rằng, có một vị ẩn sĩ, trước khi thánh Tôma sinh ra, đã nói với Theodora rằng bà sẽ có một người con trai, cậu sẽ gia nhập Dòng Đaminh “và kiến thức lẫn sự thánh thiện của cậu sẽ vĩ đại đến nỗi, trong thời của mình, chẳng có ai được sánh ví bằng”. Thời thanh niên, tình bạn giữa thánh Tôma và một thầy dòng Đaminh đã thúc đẩy cậu gia nhập dòng này.
Tuy nhiên, gia đình của ngài không thể nào hình dung ra việc một chàng trai danh gia vọng tộc lại có thể trở thành một nhà giảng đạo nghèo khó và độc thân. Anh em của ngài đã bắt cóc ngài về từ dòng Đaminh, nhốt ngài trong lâu đài của gia đình, và thậm chí có thời điểm còn đưa một phụ nữ vào cám dỗ ngài – người mà Tôma đã đuổi ra ngoài bằng cách vung thanh cời lửa từ lò sưởi.
Dưới áp lực từ cả phía Giáo hoàng lẫn Hoàng đế của Thánh Đế quốc, anh em của ngài đã đồng ý để ngài thoát khỏi cảnh giam cầm. Ngài du hành đến Rôma và nhận sự chúc lành của Giáo hoàng cho ơn gọi của mình. Không lâu sau, chính biến cố này đã dẫn đưa ngài đến với Pari để thụ huấn với vị thần học gia, người sau này được phong thánh, thánh Albertô Cả.
Phong thái điềm tĩnh của Tôma khiến cho các sinh viên khác đặt cho ngài biệt danh là “con Bò Câm”. Tuy nhiên, thánh Albertô phát hiện chàng thanh niên này là một nhà tư tưởng lỗi lạc, và tuyên bố: “Chúng ta gọi cậu ấy là con Bò Câm, nhưng bằng kiến thức của mình, cậu sẽ rống lên, và toàn cõi đất này sẽ nghe thấy”.
Khi được 23 tuổi, thánh Tôma đã giảng dạy bên cạnh người thầy thông thái [thánh Albertô Cả] của mình tại đại học Cologne. Trong năm 1248, ngài công bố những chú giải đầu tiên của mình về Aristote, một triết gia Hylạp tiền Kitô giáo, người có được sự hiểu biết sâu sắc về tự nhiên, logic, và siêu hình học – những nét chính yếu trong cách tiếp cận của Tôma đối với thần học Công giáo.
Khoảng giữa thế kỷ 13 [1251!], thánh Tôma được truyền chức linh mục, một thiên chức mà ở đó, thánh nhân đã thể hiện lòng sùng kính sâu xa đối với phụng vụ, và sự điêu luyện trong vai trò người thuyết giảng. Để phù hợp với đặc sủng giảng thuyết của dòng Đaminh, ngài đã cố gắng hướng gia đình mình đến một thực hành đức tin chân chính, và đã phần nhiều thành công.
Thế nhưng những thành tựu được biết đến nhiều nhất của thánh Tôma là các tác phẩm thần học. Những tác phẩm này bao gồm Tổng luận Chống Dân ngoại, Thần học Giản yếu, và bộ Tổng luận Thần học vĩ đại – tác phẩm đã được đặt trên bàn thờ cùng với Kinh thánh vào thế kỷ thứ 16 khi Công đồng Trentô diễn ra để dễ dàng tham khảo trong các cuộc thảo luận.
Tuy nhiên, vào tháng 12 năm 1273, nhà kinh viện tuyên bố ngài không thể viết được thêm, theo một kinh nghiệm thần bí mà trong đó, ngài nói rằng ngài đã “thấy những điều làm cho những gì ngài viết chẳng khác nào rơm rạ”. Nhưng ngài đồng ý với yêu cầu tham dự Công đồng Lyon để giúp cho việc tái hiệp nhất giáo hội Latinh và Hylạp.
Tuy vậy, trên đường đến tham dự, thánh Tôma mắc bệnh và phải dừng lại ở một tu viện dòng Xitô. Các đan sĩ đã đối đãi ngài với lòng tôn kính, và đáp lại, ngài đã đọc cho họ viết lại công trình thần học cuối cùng của ngài: bộ chú giải về một tác phẩm Cựu Ước – sách Diễm ca.
Tuy nhiên, thánh nhân đã qua đời trước khi tác phẩm chú giải này hoàn thành. Khi sắp qua đời, ngài xưng tội lần cuối và xin được rước Mình Thánh Chúa. Trước Thánh Thể Chúa, ngài cất lời: “Con thờ lạy Ngài, lạy Thiên Chúa, Đấng Cứu chuộc của con… vì vinh danh Ngài, con đã học tập và cần lao, đã thuyết giáo và giảng dạy”.
“Con ước rằng mình chưa từng đưa ra bất kỳ giáo lý nào như Ngài dạy, mà con lại chưa được học biết về nó từ Ngài”, ngài thưa với Chúa trước khi rước lễ lần cuối. “Nếu vì ngu muội mà làm sai lệch, con xin hủy bỏ tất cả chúng, và đặt toàn bộ những gì con viết trước sự phán xét của thánh Giáo hội Rôma”.
Những lời cuối cùng của ngài được gửi cho một trong các đan sĩ dòng Xitô, người đã xin ngài một lời khuyên về đàng tâm linh. “Hãy chắc chắn rằng anh ta sẽ luôn bước đi trung thành trong sự hiện hiện (của Chúa), luôn sẵn sàng trình bày với Ngài mọi chuyện anh ta làm, anh ta sẽ không bao giờ tách lìa khỏi Ngài bởi sự ưng thuận về đàng tội lỗi.
Thánh Tôma qua đời ngày 7 tháng 3 năm 1274. Ngài được phong hiển thánh vào năm 1323, và được tôn làm Tiến sĩ Hội Thánh vào năm 1567. Vào năm 1965, Công đồng Vatican II đã dạy rằng, các chủng sinh cần học tập “dưới sự hướng dẫn của thánh Tôma”, để “để khai sáng các mầu nhiệm cứu rỗi cách thật đầy đủ”[Công đồng Vatican II, Sắc lệnh về Đào tạo Linh mục, số 16] .
Người dịch: Grêgôriô Võ Trần Nhựt
Nguồn: https://www.catholicnewsagency.com/saint/st-thomas-aquinas-130