Hãy học từ nơi Apraham cách cầu nguyện bằng đức tin, đối thoại, tranh luận

Buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 03/06/2020 diễn ra lúc 9g30 tại Thư viện Tông tòa. Trong bài giáo lý hôm nay, Đức Thánh cha Phanxicô tập trung suy niệm về chủ đề lời cầu nguyện của Apraham (St 15.1.3-6). Sau khi tóm tắt bài giáo lý bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, Đức Thánh cha chào thăm các tín hữu. Buổi tiếp kiến kết thúc bằng Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa thánh. 




Anh chị em thân mến!


Có một giọng nói đột nhiên vang lên trong cuộc đời của Apraham. Một giọng nói mời ông dấn thân lên đường mà ông biết rằng nó vô lý. Giọng nói đó thúc đẩy ông từ bỏ quê hương, cội rễ gia đình mình để hướng tới một tương lai mới, một tương lai khác. Và tất cả đều dựa trên một lời hứa, chỉ cần ông tin tưởng. Và lòng tin vào một lời hứa thì không dễ tí nào, cần phải can đảm. Apraham đã tin điều đó. 

Kinh thánh không nói về quá khứ của vị tổ phụ đầu tiên. Lý luận về các sự việc giả thiết rằng ông đã tôn thờ những vị thần khác; có lẽ ông là người khôn ngoan, quen với việc nghiên cứu bầu trời và những vì sao. Thật vậy, Thiên Chúa hứa với ông rằng dòng dõi của ông sẽ đông như sao phủ đầy trời. 

Và Apraham đã rời đi. Ông nghe tiếng Chúa và tin tưởng vào lời của Ngài. Điều này thật quan trọng: đó là tin tưởng vào lời của Chúa. Và với việc ra đi của ông làm nảy sinh một kiểu nhận thức mới trong mối tương quan với Thiên Chúa. Chính vì điều này mà tổ phụ Apraham có mặt trong những truyền thống thiêng liêng lớn của Do thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo với tư cách là một con người hoàn hảo của Thiên Chúa, có khả năng phục tùng Ngài, ngay cả khi ý muốn mạc khải của Chúa thật khó khăn nếu không nói là hết sức khó hiểu. 

Vì thế Apraham là người của Lời Chúa. Khi Thiên Chúa lên tiếng, con người trở thành người lĩnh hội Lời và cuộc sống của con người là nơi mà Lời Chúa muốn được nhập thể. Đây là điều mới lạ tuyệt vời trong hành trình tôn giáo của con người: Cuộc sống của người tín hữu ban đầu được hiểu như là ơn gọi, cụ thể là lời kêu gọi, là nơi lời hứa được thực hiện; và Apraham di chuyển trong thế giới không phải dưới sức nặng bởi những điều bí ẩn, nhưng với sức mạnh của lời hứa mà một ngày nào đó sẽ được thực hiện. Và Apraham đã tin vào lời hứa của Thiên Chúa. Ông đã tin và đã đi mà không biết mình đi đâu – Thư do thái đã nói điều đó (Dt 11,8). Nhưng ông đã tin tưởng. 

Khi đọc sách Sáng thế, chúng ta khám phá ra cách Apraham sống đời cầu nguyện trong sự trung thành liên lỉ vào Lời Chúa, nó xuất hiện cách định kỳ dọc dài lộ trình của ông. Tóm lại, chúng ta có thể nói rằng nơi cuộc đời của Apraham đức tin đã trở thành lịch sử. Thật vậy, bằng cuộc sống của mình, bằng tấm gương của mình, Apraham dạy cho chúng ta con đường này, trên con đường này đức tin làm nên lịch sử. Thiên Chúa không chỉ còn nhìn thấy trong những hiện tượng vũ trụ, như một Thiên Chúa xa vời, có thể gieo rắc nỗi khiếp sợ. Giờ đây Thiên Chúa của Apraham trở thành Thiên Chúa của tôi, Thiên Chúa của lịch sử đời tôi, Đấng hướng dẫn từng bước chân của tôi, không bỏ rơi tôi; Thiên Chúa của ngày đời tôi, là người bạn đồng hành đối với những cuộc phiêu lưu của tôi; Thiên Chúa là Đấng Quan phòng. Tôi tự hỏi mình và tôi hỏi anh chị em: chúng ta có kinh nghiệm này về Thiên Chúa không? “Thiên Chúa của tôi”, Đấng đồng hành với tôi, Thiên Chúa của lịch sử đời tôi, Thiên Chúa là Đấng hướng dẫn từng bước chân của tôi, không bỏ rơi tôi, Thiên Chúa của những ngày đời tôi? Chúng ta đã có kinh nghiệm về Thiên Chúa như vậy chưa? Chúng ta cùng suy nghĩ một chút. 

Kinh nghiệm này của Apraham được chứng thực từ một trong những bản văn nguyên thủy của lịch sử tu đức: Lưu ký của Blaise Pascal. Nó được bắt đầu như sau: “Thiên Chúa của Apraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp, không phải của các triết gia hay những bậc thông thái. Chắc chắn. Tình cảm. Vui sướng. Bình an. Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô”. Lưu ký này được viết trên tấm giấy nhỏ, may bên trong chiếc áo của vị triết gia và được tìm thấy sau cái chết của ông, nó không diễn tả một suy tư trí tuệ mà một con người khôn ngoan như ông có thể hình dung về Thiên Chúa, nhưng là cảm giác sống động, được trải nghiệm về sự hiện diện của Ngài. Pascal còn ghi lại khoảnh khắc chính xác mà ông cảm nhận được thực tại đó, và cuối cùng ông đã gặp được nó: vào đêm 23 tháng 11 năm 1654. Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa trừu tượng hay là một vị Thần vũ trụ. Nhưng đó là Thiên Chúa của một con người, của một tiếng gọi, Thiên Chúa của Apraham, của Isaac, của Giacóp, Thiên Chúa là Đấng chắc chắn, tình cảm và vui mừng. 

“Lời cầu nguyện của Apraham trước hết được diễn tả bằng những hành động: ông là con người thinh lặng, mỗi đoạn đường ông đều xây bàn thờ cho Chúa” (GLCG 2570). Apraham không xây đền thờ, nhưng rải trên đường đi những tảng đá để nhắc nhớ đến đoạn đường Chúa đi qua. 

Một Thiên Chúa làm ngạc nhiên như khi Ngài đến thăm ông trong hình hài của ba vị khách mà ông và Sara đã ân cần đón tiếp, và họ đã loan tin cho hay về sự ra đời của người con trai Isaac (x. St 18,1-15). Bấy giờ Apraham đã 100 tuổi, vợ ông xấp xỉ 90. Và cả hải đã tin, đã phó thác vào Thiên Chúa. Sara vợ của ông đã thụ thai. Bà thụ thai ở tuổi đó. Đây là Thiên Chúa của Apraham, Chúa của chúng ta, Đấng luôn đồng hành với chúng ta.

Và như vậy Apraham đã trở nên quen thuộc với Chúa, có thể tranh luận với Chúa, nhưng luôn luôn trung thành. Ông nói chuyện với Chúa và tranh luận. Cho đến thử thách cuối cùng, khi Chúa yêu cầu ông hiến tế người con của mình là Isaac; người con trai trong lúc tuổi già và là người kế nghiệp duy nhất. Ở đây Apraham sống niềm tin của mình như một bi kịch, lần mò trong đêm tối, dưới bầu trời không có một vì sao. Và nhiều lần điều đó cũng xảy ra cho chúng ta, lần mò trong đêm tối, nhưng với đức tin. Chính Thiên Chúa sẽ ngăn chặn bàn tay của Apraham khi ông đã sẵn sàng hiến tế, bởi vì Ngài đã thấy được toàn bộ tấm lòng quảng đại thực sự của ông. (x.St 22, 1-19).

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy học nơi Apraham cách cầu nguyện bằng đức tin: lắng nghe tiếng Chúa, cùng đi, đối thoại cho đến tranh luận. Anh chị em đừng ngại tranh luận với Chúa! Tôi sẽ kể một điều xem ra có vẻ không chính thống. Nhiều lần tôi nghe người ta nói rằng: “Cha có biết điều này đã xảy ra cho con và con đã nổi giận với Chúa” – “Con mà dám nổi giận với Chúa ư?” – “Vâng, con đã nổi giận” – Nhưng đây là hình thức cầu nguyện, bởi vì chỉ có người con mới có thể nổi giận với cha của mình và sau đó thì gặp gỡ nhau. 

Chúng ta hãy học từ nơi Apraham cách cầu nguyện bằng đức tin, bằng đối thoại, tranh luận, nhưng luôn luôn sẵn sàng đón nhận lời Chúa và đem ra thực hành. Đối với Chúa, chúng học cách nói chuyện như một người con nói với cha: lắng nghe, trả lời, tranh luận. Nhưng rõ ràng như con cái nói với cha. Và Apraham dạy chúng ta cầu nguyện như vậy. 

G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ


Mới hơn Cũ hơn