Bài giáo lý trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần của ĐTC Phanxicô tại thư viện tông tòa Vatican, sáng thứ tư 10/06/2020
Giáo lý - 6. Lời cầu nguyện của Giacóp
Anh chị em thân mến,
Chúng ta tiếp tục bài giáo lý của mình về đề tài cầu nguyện. Sách Sáng thế, qua những sự kiện liên quan đến đàn ông và phụ nữ ở những thời đại xa xôi, kể cho chúng ta về những câu chuyện để từ đó chúng ta có thể suy gẫm trong cuộc sống của mình. Trong hàng loạt câu chuyện về các tổ phụ, chúng ta thấy chuyện một người đàn ông đã biến sự ranh mãnh thành năng khiếu nổi bật nhất của mình: Giacóp. Trình thuật Kinh thánh nói cho chúng ta về mối tương quan khó khăn giữa Giacóp và anh của mình là Esau. Ngay từ thuở bé đã có sự cạnh tranh với nhau, điều mà sau này họ vẫn không bao giờ khắc phục được. Giacóp là người con thứ - họ là anh em sinh đôi – nhưng bằng mánh khóe đã giật lấy phúc lành và quyền thừa kế từ cha mình là Isaac (x. St 25, 19-34). Đó mới chỉ là lần đầu trong hàng loạt các mưu mẹo mà người đàn ông vô đạo đức này có thể làm. Ngay cả cái tên “Giacóp” có nghĩa là kẻ lừa gạt trong việc đổi chỗ của mình.
Vì buộc phải trốn xa anh trai, cuộc sống của Giacóp dường như gặp may mắn trong mọi việc. Giacóp có khả năng trong việc buôn bán: ông trở nên giàu có, trở thành chủ sở hữu của một đàn cừu đông đúc. Với tính cần cù và kiên nhẫn ông may mắn kết hôn với cô gái đẹp nhất trong các cô gái ở Laban, người mà ông thực sự yêu thương. Giacóp – chúng ta nói bằng ngôn ngữ hiện đại – là một người “tự xoay sở một mình”, bằng tài năng và khôn khéo, ông đã đạt được tất cả mọi điều ông ước muốn. Nhưng ông vẫn thiếu thứ gì đó. Ông thiếu mối tương quan sống động với nguồn cội của mình .
Và một ngày nọ ông cảm thấy thương nhớ quê nhà, quê hương xưa kia của ông, nơi mà Esau vẫn đang sống, là người anh mà ông luôn có mối quan hệ không tốt. Giacóp lên đường và thực hiện một hành trình dài với một đoàn gồm nhiều người và súc vật, cho đến trạm dừng cuối cùng tại sông Jabbok. Ở đây sách Sáng thế cung cấp cho chúng ta một trang đáng nhớ (St 32, 23-33). Sách kể rằng, sau khi đưa đoàn người lội qua sông cùng với toàn bộ thú vật, vị tổ phụ ở lại một mình bên đất khách. Và ông nghĩ : điều gì đang chờ đợi ông ngày mai? Anh trai Esau, người mà ông cướp quyền thừa kế sẽ có thái độ thế nào đối với ông? Đang khi Giacóp quay cuồng trong suy nghĩ… lúc ấy trời chợp tối, đột nhiên một người lạ tóm lấy ông và bắt đầu vật lộn với ông. Sách Giáo lý Công giáo giải thích: “Truyền thống linh đạo của Hội thánh, qua câu chuyện này, xem biểu tượng của cầu nguyện như một cuộc chiến đức tin và chiến thắng dành cho người kiên trì ( x. St 32,25-31; Lc 18,1-8).
Giacóp đã vật lộn suốt đêm, không buông tay trước đối thủ. Cuối cùng ông đã chiến thắng nhưng bị đối thủ đánh vào khớp xương hông, và từ đó ông phải đi khập khiễng suốt đời. Người lực sĩ bí ẩn đó hỏi tên của tổ phụ và người đó nói với ông: “Người ta sẽ không gọi tên ngươi là Giacóp nữa, nhưng là Israel, vì ngươi đã đấu với Thiên Chúa và với người ta, và ngươi đã thắng”(c.29). Như muốn nói rằng: ông sẽ không bao giờ là người đi khập khiễng như vậy mà là một người đi thẳng. Ông thay đổi tên, thay đổi cuộc đời và thay đổi thái độ. Ông được gọi là Israel. Rồi Giacóp cũng hỏi người đó: “xin cho tôi biết tên ngài”. Người đó không tiết lộ cho ông biết, nhưng thay vào đó đã chúc phúc cho ông. Sau đó Giacóp nhận ra rằng mình đã gặp được Chúa “diện đối diện” (x. 30-31).
Vật lộn với Chúa: phép ẩn dụ của việc cầu nguyện. Lần khác, Giacóp cho thấy mình có khả năng nói chuyện với Chúa, ông cảm thấy Chúa hiện diện như một người bạn và rất gần gũi. Nhưng trong đêm đó, qua cuộc chiến kéo dài ông thấy gần như chịu thua, vị tổ phụ đã thay đổi. Đổi tên, đổi cách sống và đổi tính cách. Vì một khi không còn làm chủ được tình hình – sự khôn lanh của ông chả giúp gì được, ông không còn là chiến lược gia và không còn là người biết tính toán. Thiên Chúa đưa ông trở về với sự thật phàm trần của ông khiến ông run rẩy và sợ hãi, bởi vì trong cuộc chiến Giacóp đã sợ hãi. Vì lần đó Giacóp không có cái gì khác để trình bày với Chúa ngoài sự yếu đuối và bất lực của mình, kể cả tội lỗi của ông. Nhờ đó Giacóp đã nhận phúc lành từ nơi Thiên Chúa, ông khập khiễng bước vào miền đất hứa: dễ tổn thương và bị tổn thương, nhưng với một trái tim mới. Có lần tôi nghe một ông cụ – ông là người tốt, người kitô hữu tốt, nhưng là người tội lỗi, ông đã phó thác vào Chúa thật nhiều – ông nói: “Thiên Chúa đã giúp tôi; Ngài không bỏ tôi một mình. Tôi sẽ bước vào thiên đàng, dù khập khiễng, nhưng tôi sẽ vào”. Trước kia ông là một người tự tin, tin tưởng vào sự khôn khéo của mình. Ông là một người không để cho ân sủng thấm nhập, bướng bỉnh trước lòng thương xót; ông không biết lòng thương xót là gì. “Tôi đang ở đây tôi đang ra lệnh”, ông không nghĩ rằng mình cần đến lòng thương xót. Nhưng Thiên Chúa đã cứu chuộc những gì đã hư mất. Ngài đã làm cho ông hiểu rằng ông bị giới hạn, ông là người tội lỗi và cần lòng thương xót, Ngài sẽ cứu chữa ông.
Tất cả chúng ta đều có một cuộc hẹn trong đêm với Chúa, trong đêm với cuộc sống của chúng ta, trong nhiều đêm với cuộc đời của mình. Trong những khoảnh khắc mờ mịt, tội lỗi, mất phương hướng, ở đó luôn có một cuộc hẹn với Thiên Chúa. Ngài sẽ làm cho chúng ta ngạc nhiên những lúc chúng ta không mong đợi, những lúc chúng ta thấy mình thực sự cô đơn. Trong chính đêm ấy, đang khi chiến đấu chống lại vô tri, chúng ta sẽ nhận ra rằng mình chỉ là những người nghèo – cho phép tôi nói là “những kẻ đáng thương” – thực sự, trong giây phút đó chúng ta thấy mình là những kẻ đáng thương. Nhưng không có gì phải sợ: bởi vì chính lúc đó Chúa sẽ ban cho chúng ta một cái tên mới, nó chứa đựng ý nghĩa trọn vẹn đời sống chúng ta. Ngài sẽ thay đổi con tim chúng ta và sẽ tuôn đổ phúc lành cho những ai để cho Ngài biến đổi. Một lời mời gọi tuyệt vời đó là hãy để cho Chúa biến đổi. Thiên Chúa biết cách làm điều đó, bởi vì Ngài biết rõ từng người chúng ta. “Lạy Thiên chúa, Chúa biết rõ con”. Mỗi người trong chúng ta đều có thể nói : “Lạy Thiên chúa, Chúa biết rõ con”.
G. Võ Tá Hoàng