Quan niệm tình yêu truyền thống: Giữ lời hứa


Lời nói ra phải có “tín” – Từ xưa đến nay, đây được coi là chuẩn tắc căn bản nhất của con người. Lời một khi đã nói ra, không chỉ với người trên hay kẻ dưới, giữa đồng nghiệp hay bạn bè, mà trong tình yêu cũng nhất định phải giữ lời hứa.


Trong văn hóa truyền thống, khi nói về chữ Tín, người xưa thường hay kể về điển cố “Vĩ Sinh bão trụ”. “Vĩ Sinh bão trụ” là một câu chuyện tình yêu vừa đẹp vừa thê lương, đồng thời cũng đề cao mỹ đức “thủ tín” của người xưa.

Chuyện kể rằng, Vĩ Sinh là người nước Lỗ, vốn là một nho sinh, tính tình hiền hậu, luôn luôn giữ chữ tín đối với bất kỳ ai. Vĩ Sinh nổi tiếng văn hay.Trong trường, bài của Sinh thường được thầy đem ra bình. Gần trường là nhà viên ngoại họ Triệu có nàng con gái tên Thường Khanh. Giờ bình văn, nàng thường sang trường, đứng sau vách nghe trộm. Sau nhiều lần như thế, trong lòng Vĩ Sinh và Thường Khanh có tình cảm với nhau dù chưa nói ra.

Từ đó, khi Vĩ Sinh mỗi lần đến trường, đi qua vườn hoa của viên ngoại họ Triệu đều nhìn thấy bóng nàng Thường Khanh đang hái hoa. Vĩ Sinh bạo dạn đứng lại, thỏ thẻ xin nàng một cành hoa. Thường Khanh e lệ cười, cầm hoa trao tặng cho Vĩ Sinh.


(Ảnh minh họa: isaac-carbon.info)
Ngày nào cũng thế, mỗi khi Vĩ Sinh sang vườn thì đã có nàng Thường Khanh dường như đã sẵn đón chờ ở đó. Họ tuy không hẹn gặp nhưng lại gặp nhau như đã có hẹn. Một hôm gặp nhau, Vĩ Sinh bạo dạn nói với nàng Thường Khanh sẽ gặp nhau trong đêm bên một đầu cầu phía Tây thôn, để có thời gian trao đổi tâm sự, kết niềm giao ước. Nàng Thường Khanh nghe xong, rất vui vẻ bằng lòng.

Đến tối, chàng Vĩ Sinh đến bên cầu chờ đợi, nhưng không thấy bóng nàng Thường Khanh đến. Thế rồi, bỗng mây kéo đen kịt một góc, trời tối sầm lại. Mưa rơi mỗi lúc càng nặng hơn. Vì giữ chữ tín, Vĩ Sinh vẫn đứng chờ. Chàng xuống dạ cầu để tránh đỡ. Gió giật mạnh từng hồi như muốn xô đổ cây cối. Vĩ Sinh ôm lấy cột cầu chờ đợi. Mưa băng gió quật, nước dưới cầu mỗi lúc một dâng cao. Dòng nước siết chảy như muốn lôi phăng đi tất cả những gì bên cầu.

Tấm thân chàng nho sĩ yếu đuối không chịu đựng nổi trước sự tàn phá hung hãn của tạo hoá trớ trêu, cuối cùng đành chết đuối dưới sông bên cột cầu chờ đợi, thân xác bị cuốn theo dòng.

Câu chuyện về chàng Vĩ Sinh trong “Chiến quốc sách”, “Hán Thư”, “Sử ký”, hay trong rất nhiều lời đàm luận về “thủ tín” của người xưa đều có ghi lại. Có thể thấy rằng, cổ nhân rất coi trọng lời hứa giữa nam và nữ. Vì sao họ lại coi trọng lời hứa đến như vậy?

Chữ Tín trong tình yêu không chỉ có trong văn hóa truyền thống phương Đông,
khi người phương Tây vào nhà Thờ làm lễ thành hôn, cũng là thề nguyện trước Chúa.

Kỳ thực, trong văn hóa truyền thống, người ta cho rằng lời một khi đã nói ra thì Trời Đất đều biết. Một khi giữa nam và nữ có tình cảm với nhau thì người nam nhất định phải có trách nhiệm với người nữ, phải từ đầu đến cuối đối xử tốt với người con gái ấy. Người nam phải làm được như thế thì người nữ mới có thể an tâm phó thác bản thân mình.

Chữ Tín đó cũng nhờ vậy mà thẩm thấu vào hôn nhân. Người nam khi đã là chồng rồi thì phải gánh vác công việc nặng nhọc, đảm đương những điều lớn lao, không chỉ biết lo cho gia đình mà còn biết lo cho xã hội. Song song với việc đó, người nữ khi đã là vợ rồi cũng phải cố gắng phụ giúp chồng mình, đây vừa là trách nhiệm, vừa là tiêu chuẩn đánh giá phẩm đức của người phụ nữ thời xưa.

Thiếu chồng thì nhà không có mái
Thiếu vợ thì nhà không còn là nhà.

An Hòa
Mới hơn Cũ hơn