Giáo phận Qui Nhơn viết i ngắn hay y dài?

Ngày 25-8, báo chí đồng loạt đưa tin về việc tỉnh Bình Định đề nghị điều chỉnh tên gọi TP Qui Nhơn thành TP Quy Nhơn (i thành y). Trong khi, Giáo phận Qui Nhơn từ ngày thành lập đến nay vẫn sử dụng tên gọi là Giáo phận Qui Nhơn. Vậy thực chất viết “i” ngắn hay “y” dài là đúng?




Trong tình trạng chính tả viết bát nháo giữa “i” và “y”, tôi cũng không mấy quan tâm địa danh Qui Nhơn viết như thế nào. Vì trước đó đọc tài liệu mỗi nơi một kiểu, chẳng biết đâu mà lần! Thế rồi, một lần đến Qui Nhơn…

Giáo hội dùng i ngắn, chính quyền viết y dài

Năm 2018, tôi được Cha Phêrô Võ Tá Khánh (Thi sĩ Trăng Thập Tự) mời ra Toà Giám mục Qui Nhơn dự lễ trao giải Viết văn đường trường (tôi chỉ đi giao lưu chứ không biết viết văn). Trò chuyện với cha và các vị trong Ban Văn hoá của Giáo phận tôi mới biết thì ra tại ngay nơi được mang tên Qui Nhơn này có hai “trường phái” viết. Phía chính quyền thì viết y dài. Bên Giáo hội thì vẫn viết theo chữ i ngắn thống nhất từ khi thành lập Giáo phận đến nay.

Nghe đâu nhiều lần phía chính quyền có đề nghị với Đức Giám mục Giáo phận Qui Nhơn Matthêô Nguyễn Văn Khôi đổi thành “Quy, y dài” cho thống nhất cả đạo và đời. Đương nhiên là lời đề nghị ấy không thế chấp nhận được vì nhiều lẽ mà chúng tôi sẽ trình bày.

Đến nay thì UBND tỉnh Bình Định chính thức có công văn gửi các Bộ Nội vụ, Công an, Kế hoạch & Đầu tư xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh tên đơn vị hành chính đã công bố là TP Qui Nhơn (Bình Định) thành TP Quy Nhơn (Báo Pháp luật TPHCM)

Cũng theo UBND tỉnh Bình Định, năm 1986 khi nâng cấp từ thị xã lên thành phố thì Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng ghi là Thành phố Quy Nhơn. Thế nhưng đến năm 2004, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định ban hành bảng danh mục và mã số các đơn vị hành chính Việt Nam thì lại ghi là Thành phố Qui Nhơn.

Tìm lại những chữ viết đầu tiên

Theo Cổng thông tin điện tử Thành phố Quy Nhơn, năm 1602, lần đầu tiên trong lịch sử, địa danh Quy Nhơn xuất hiện khi chúa Nguyễn Hoàng đổi tên phủ Hoài Nhơn thành phủ Quy Nhơn và coi đây là đơn vị hành chính cấp tỉnh (đoạn này chúng tôi ghi bằng y dài theo Cổng thông tin).

Như chúng ta biết, năm 1602 khi địa danh này được chúa Nguyễn Hoàng đặt tên thì chữ Quốc ngữ chưa có. Do đó, không có chuyện i ngắn hay y dài trong tên gọi nguyên thuỷ. Lúc đó, địa danh này được ghi bằng chữ Nho có âm đọc là “Qui Nhơn” với ý nghĩa mong muốn quy tụ về đây những con người hiền tài, nhân nghĩa.

Phải đến gần 20 năm sau, năm 1621, những chữ Quốc ngữ đầu tiên mới xuất hiện khi các Giáo sĩ Dòng Tên có mặt ở chính mảnh đất này. Qui Nhơn, hay cụ thể là Nước Mặn (một thành phố xưa ở phía Bắc Qui Nhơn chừng 20 cây số) cùng với Thanh Chiêm của Quảng Nam là hai cái nôi hình thành nên chữ Quốc ngữ. Lại càng đáng tự hào khi “Qui Nhơn” là một trong số rất ít chữ đầu tiên được ghi bằng mẫu tự Latin.

Theo cuốn Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620-1659 của Linh mục Đỗ Quang Chính, SJ, thì người đầu tiên ký âm địa danh Qui Nhơn bằng mẫu tự Latin là Cristoforo Borri.

Borri đã tới Nước Mặn từ năm 1618 đến 1623. Trong thời gian từ năm 1620-1621, Borri đã viết một cuốn sách bằng tiếng Ý có xuất hiện nhiều chữ Quốc ngữ. Đặc biệt có địa danh Qui Nhơn được ghi bằng chữ i ngắn: Quignin.

Năm 1626, trong bản tường trình hàng năm gửi cho Bề trên Cả Dòng Tên ở La Mã, Gaspar Luis cũng đề cập đến địa danh Qui Nhơn, cách ghi hơi khác với Borri, nhưng cũng dùng chữ i ngắn: Quinhin.

Cũng trong năm 1626, một tài liệu của Linh mục Antonio de Fontes ngoài nhiều chữ Quốc ngữ khác cũng xuất hiện chữ Quinhin.

Năm 1647, Linh mục Alexande d’Rhode trong một tài liệu hầu hết ghi các địa danh, trong đó có nhắc đến Qui Nhơn. Cách ghi của ông tiến bộ hơn những người đi trước là đã tách rời hai chữ ra: Qui nhin.

Có thể thấy, cách viết chữ Qui Nhơn của các nhà truyền giáo có khác nhau ở chỗ tách âm hay không tách âm, âm “nhờ” lúc thì ghi là “gn” lúc thì ghi là “nh”, nhưng vẫn thống nhất ở chỗ trong âm “Qui” các ngài đều dùng chữ i ngắn.

Trong cuốn Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620-1659, Linh mục Đỗ Quang Chính, SJ đã rút ra nhiều từ vựng chữ Quốc ngữ được hình thành từ những năm 1620. Khi thực hiện bài viết này chúng tôi chỉ chăm chú việc khảo cứu chữ Qui Nhơn. Việc này cho thấy, 100% các chữ viết này xuất hiện đều duy nhất được viết bằng chữ i ngắn. Do vậy, không có chuyện nhập nhằng tranh chấp giữa i ngắn và y dài trong cách viết địa danh này.

Cũng vậy, trong các tiếng châu Âu (Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha) hầu như không có chữ “quy” cũng như những từ bắt đầu bằng vần “quy” mà chỉ có “qui”.

Thay đổi là đi ngược lịch sử

Cho dù Thành phố Qui Nhơn được ghi bằng i ngắn hay y dài thì ý nghĩa việc đặt tên ban đầu của chúa Nguyễn Hoàng vẫn không thay đổi. Qui Nhơn hay Quy Nhơn vẫn có nghĩa là quy tụ những con người hiền tài, nhân nghĩa.

Tuy nhiên, một cách ghi đã ổn định ngay từ những ngày chữ Quốc ngữ hoài thai, sau này cũng đã sử dụng phổ biến bằng chữ i ngắn thì việc chính quyền đề nghị thay bằng y dài là việc làm thừa thãi và đang đi ngược lại lịch sử.

Ảnh chụp Trường Nữ Trung học Qui Nhơn năm 1965

Đến đây có thể thấy, việc Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi không đồng ý với đề nghị thay đổi là có lý do.

Lịch sử hình thành Giáo phận Qui Nhơn gắn liền với lịch sử sáng tạo và phát triển chữ Quốc ngữ. Trải dài lịch sử, từ thời các giáo sĩ Dòng Tên, đến sau này là các giám mục Thừa sai Paris, các Văn bản Hiệp ước giữa Việt – Pháp và các văn bản của Triều đình Huế… đều thể thiện chữ Qui Nhơn ghi bằng i ngắn.

Gần nhất là thời Việt Nam Cộng hoà, các văn bản hành chính và nhiều trường học vẫn sử dụng chữ i ngắn. Chẳng hạn như Trường Trung học Cường Để Qui Nhơn, Trường Nữ Trung học Qui Nhơn, Văn bản ký ngày 20-2-1975 của Trưởng ti Văn hoá Giáo dục – TN…

Tóm lại, việc đổi chữ Qui Nhơn từ i ngắn qua y dài là một việc đi ngược lại với lịch sử và không sinh ích gì cho xã hội. Nếu có chuyện Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng năm 1986 ghi là “Thành phố Quy Nhơn” thì hãy coi đó là lỗi chính tả, lỗi đánh máy. Không thể vì một lỗi nhỏ sai với lịch sử mà tỉnh lại tiếp tục kiến nghị thay đổi.

“Sổ liên lạc” Trường Trung học Cường Để Qui Nhơn 

Văn bản do Trưởng ty văn hoá Giáo dục và TN Bình Định Qui Nhơn ký.


Tác giả bài viết: HOÀNG MẠNH HÀ
Mới hơn Cũ hơn