Mọi người đều là anh em của tôi
Ed 9, 1-7; 10, 18-22; Mt 18, 15-20
“Mọi người đều là anh em của tôi”, đó là tiêu đề của thông điệp được Giáo hoàng Phaolô VI công bố nhân ngày hòa bình thế giới 1/1/1971, trong thông điệp đó có những điều khoản được trích dẫn từ tuyên ngôn ngày thế giới về nhân quyền, cụ thể: “Tất cả mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền lợi; họ được ban cho lý trí và lương tâm và phải được cư xử với nhau như anh em”. Tuy nhiên, những nguyên tắc được coi là phổ quát và chuẩn mực phần nào đó không còn được tôn trọng và gìn giữ trong xã hội này. Trong một môi trường người ta phải tranh giành, soi mói, lừa gạt, dìm nhau để sống thì ý thức về lòng khoan dung, yêu thương và tha thứ là cái gì đó lỗi thời và xa xỉ….. Con người không còn đối xử với nhau bằng tình thương, trái lại họ xem nhau như kẻ thù. Chính những điều đó trở thành nguyên nhân cho biết bao cuộc tương tàn nơi các gia đình giữa cha mẹ - con cái, vợ - chồng, anh chị em và các mối tương quan khác trong cuộc sống.
Trở về với Tin mừng hôm nay, sau lời kêu mời các môn đệ trở nên giống như trẻ nhỏ để được phần thưởng nước trời, Chúa Giêsu dạy các môn đệ cách cư xử khoan dung với những người lầm lỗi, bằng mọi cách hết sức có thể, kể cả hy sinh lợi ích của bản thân, để đưa người đó trở về với cộng đoàn, vì cộng đoàn là một gia đình, là giáo hội, thân thể của Chúa Kitô và mọi người là anh em với nhau.
Khác với những gì đã xảy ra với tiên tri Êzêkiel trong thời lưu đày Babylon năm 597 (BĐI) , vì khinh thường và quá cố chấp không đón nhận những lời cảnh tỉnh của vị ngôn sứ để từ bỏ hành vi gian ác và lối sống xấu xa của mình, hậu quả cuối cùng mà dân Israel phải chịu là một sự trừng phạt khủng khiếp: "Đừng đưa mắt xót thương, đừng tha thứ: già lão, trai tráng, gái trinh, trẻ con, phụ nữ, hãy giết cho hết" (Ez 9, 5-6).
Và hôm nay để lề luật được đổi mới triệt để, lòng thương xót của Thiên Chúa được thể hiện trên tất cả mọi người, Chúa Giêsu đề nghị một giải pháp nhẹ nhàng, mở ra nhiều cơ hội cho những người lầm lỗi quay về hiệp thông với cộng đoàn. Trong bối cảnh này chúng ta tìm hiểu một chút về đời sống của cộng đoàn Do thái trong Tin mừng Matthêu.
Trước hết, đoạn Tin mừng hôm nay là diễn từ dành cho những người bị phân biệt, bị loại trừ, hay dưới cái nhìn của thánh sử Matthêu họ là “những người bé nhỏ”.
Vậy ai là người bé nhỏ? Trong cộng đoàn của Matthêu, phần lớn các Kitô hữu xuất thân từ Do thái giáo, những người nhỏ bé là những người thuộc thành phần khác, một số ít người ngoại giáo không biết rõ luật pháp Môsê và vì thế dễ phạm luật hơn. Theo nghĩa rộng hơn, chúng ta có thể coi những người nhỏ bé như người tội lỗi, những người có xu hướng làm những điều sai lỗi trong cộng đoàn. Họ được gọi là người nhỏ bé để qua họ các mục tử phải quan tâm đến họ nhiều hơn, kiên nhẫn hơn để giúp họ vượt qua những khó khăn và cảm thấy mình hoàn toàn thuộc về cộng đoàn Kitô hữu.
Bài Tin Mừng hôm nay đặc biệt dừng lại ở thái độ chấp nhận đối người anh em trong cộng đoàn khi mắc lỗi. “Nếu anh em con lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó”. Trong một số các bản văn khác Chúa Giêsu nói: “Nếu anh em con phạm tội chống lại con, hãy đi sửa dạy nó..."
Dựa trên truyền thống Môsê, cộng đoàn của Matthêu có một thói quen rất cụ thể là tôn trọng phẩm giá những người trong cộng đoàn khi họ phạm lỗi. Cho nên, giai đoạn đầu tiên là thực hành việc sửa chữa cá nhân. Nếu nỗ lực sửa chữa cá nhân thành công, thì ta có được một người anh em, mối quan hệ trở nên bền chặt hơn. Nhưng nó còn mang tính “kỹ thuật” liên quan đến việc phát triển cộng đoàn Kitô hữu: giữa cái được và mất đi một tín hữu, một người được xem như con cái nước trời.
Nếu người đó không nghe thì dẫn theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết theo lời của hai hoặc ba nhân chứng. Giai đoạn thứ hai nghiêm trọng hơn nhiều và dựa vào luật Môsê: người ta cho gọi các nhân chứng, không chỉ một, mà ít nhất là hai, để tội lỗi được công nhận một cách chính thức và để tội nhân nhận ra mức độ nghiêm trọng đối với hành vi tội lỗi của mình.
Giai đoạn thứ ba là công bố tội phạm trước toàn thể cộng đoàn Kitô hữu, tức Giáo hội. Nếu tội nhân không chịu lắng nghe cộng đoàn, không muốn thừa nhận tội lỗi của mình trước cộng đoàn Kitô hữu thì vạ tuyệt thông sẽ được thực hiện. Họ được kể là người ngoại và thu thuế: hai hạng người được nói đến trong Tin mừng không được phép tham gia vào cộng đoàn Kitô giáo.
Vấn đề sửa lỗi cho nhau xem ra kết thúc ở đây. Thế nhưng nếu đi sâu thêm bước nữa chúng ta có thể thấy Chúa Giêsu muốn các môn đệ của mình thể hiện lòng thương xót và tha thứ cho đến tận cùng, vượt qua những qui định của việc phán xử, khi người anh em từ chối việc hoán cải, là hãy cầu nguyện cho họ. Vì đối với Chúa con người là quan trọng. Ngài đã từng bỏ lại 99 con chiên để chỉ đi tìm một con chiên lạc, bất chấp chuyện gì xảy ra, cứ như thế cho tới khi tìm được. Ngài đã từng tha thiết cầu xin Cha tha thứ và hiệp nhất mọi người nên một trước sự cứng lòng, kém tin của nhân loại.
Thật vậy, để giải quyết tốt mọi vấn đề trong cộng đoàn, cách giải quyết hiệu quả nhất đó là cầu nguyện. Bởi vì khi có sự đồng tâm nhất trí trong cầu nguyện, chính Chúa sẽ hiện diện và phán xử giữa cộng đoàn. Cho nên, khi đặt tính hiệu lực của lời cầu nguyện như thế vào trong văn mạch sửa lỗi cho anh em, chắc chắn Chúa Giêsu nhắm đến không chỉ việc tiến hành sửa lỗi cho anh em theo ba giai đoạn, như một phương pháp giúp tội nhân quy hồi, nhưng còn phải cầu nguyện cho anh em lỗi phạm nữa, để nhờ ơn Chúa người anh em nhận ra và sửa lỗi để cộng đoàn không phải mất bất cứ người anh em nào.
Đối với Chúa Giêsu tình huynh đệ giữa con người được thể hiện rất mạnh mẽ, nó bao gồm cả kẻ thù (Mt 5,44). Bởi vậy, tha thứ là một trong những đòi hỏi của Chúa Kitô nơi mỗi người chúng ta. Tha thứ không phải là nhắm mắt quên đi lỗi lầm của người khác mà là khởi sự từ lòng thương yêu và kính trọng đối với họ. Tha thứ cho người đã từng làm tổn thương mình là một việc rất khó, vì bị người khác làm tổn thương là một cảm giác không hề dễ chịu. Trước những lỗi lầm của người khác, bao dung và tha thứ có sức thuyết phục hơn nhiều so với trừng phạt.
Trong đời sống của Giáo hội, mọi Kitô hữu có quyền đòi hỏi nơi các vị chủ chăn sự thông hiểu và tha thứ giống như Chúa. Nếu trong cuộc sống thường ngày, một chuyên gia tâm lý có thể xoa dịu trạng thái tinh thần của bệnh nhân; bác sĩ tâm thần, qua việc chăm sóc y tế, có thể đánh bại chứng rối loạn nội sinh của bệnh nhân, thì đối với các linh mục cũng có thể xoa dịu vết thương do tội lỗi hoặc những xúc phạm của người tín hữu bằng lòng trắc ẩn, tha thứ, yêu thương và cầu nguyện cho họ. Vì hơn bao giờ hết đôi tay của linh mục trong mọi bí tích được cử hành đều thực hiện bí tích của lòng thương xót và yêu thương của Chúa Kitô.
Cuối cùng qua bài Tin mừng hôm nay chúng ta tự hỏi, có bao nhiêu con chiên, bao nhiêu linh hồn bị tổn thương, đã rời bỏ Giáo hội, rời bỏ đức tin vì những lần chúng ta không đủ kiên nhẫn, không đủ khiêm nhường, không đủ yêu thương và tha thứ để giúp họ duy trì đời sống đức tin trong cộng đoàn của mình.
G. Võ Tá Hoàng