Giải đáp phụng vụ : Những Bài Ca Dâng Lễ

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.




HỎI: Có những tiêu chí mới nào cho các bài ca dâng lễ không? Có thể biết về việc này trong tài liệu nào của Giáo hội? Cách đây vài năm chúng tôi được tin rằng các bài ca dành cho phần dâng lễ bao gồm các từ “bánh và rượu, ” nhưng không có nhắc đến những lý do đàng sau chúng. Chỉ dẫn này có đúng không? Đây có phải là điều phải theo về phụng vụ không? Và nó có áp dụng cho những bài ca trong nhiều ngôn ngữ khác nhau không? — C.B., Manila, Philippines

TRẢ LỜI: Bài ca dâng lễ là một trong những lĩnh vực mà một số người có ý kiến về mặt giáo thuyết về những gì phải làm, nhưng hầu như không có nền tảng trong luật phụng vụ phổ quát.

Từ quan điểm luật phổ quát, nguồn quan trọng nhất là cuốn Hướng Dẫn Tổng Quát Về Sách Lễ Rô-ma. Nghĩa là:

Số 48: Bài ca [nhập lễ] này được ca đoàn và cộng đoàn, hay người lĩnh xướng và cộng đoàn, hay chỉ có cộng đoàn hay chỉ có ca đoàn hát. Trong các giáo phận của Hoa Kỳ, có 4 chọn lựa cho bài ca nhập lễ: (1) bài ca trong sách lễ hay bài ca với thánh vịnh của nó trong Sách Ca Tiến Cấp Rô-ma, như được phổ nhạc ở đó hay trong một bối cảnh khác; (2) bài ca và Thánh Vịnh của Sách Ca Tiến Cấp Phổ Thông cho thời gian phụng vụ; (3) bài ca từ một tuyển tập khác các bài ca và Thánh Vịnh đã được Hội Đồng Giám Mục hay giám mục địa phận phê chuẩn, bao gồm các thánh vịnh được sắp xếp dưới dạng xướng đáp hay dạng nhịp điệu; (4) một bài ca phụng vụ khác thích hợp với cử hành thánh, với ngày đó hay với thời gian đó trong năm, cũng được Hội Đồng Giám Mục hay giám mục địa phận phê chuẩn. Nếu không hát trong phần nhập lễ, bài ca ấn định trong sách lễ được các tín hữu, hay một số tín hữu, hay một người đọc lên; nếu không chính vị linh mục đọc nó và thậm chí có thể thích nghi nó như một lời giới thiệu dẫn lễ (xem số 31).

Số 74. Đám rước đem lễ vật lên có bài ca dâng lễ đi kèm (xem số 37b). Bài ca này được tiếp tục ít nhất cho đến khi lễ vật được đặt trên bàn thờ. Quy chuẩn cho cách hát cũng giống như cho bài ca nhập lễ (xem số 48). Việc hát luôn có thể đi kèm các nghi thức trong phần dâng lễ, cho dù là khi không có rước lễ vật.

Các sách chính thức được tham chiếu trong Số 48 là những ấn bản dựa trên một nguồn chính thức khác được gọi là Trình Tự Bài Ca Thánh Lễ. Cuốn sách hầu như hoàn toàn không được biết đến này, xuất bản năm 1970, ấn định mọi quy chuẩn thánh lễ được tìm thấy trong sách lễ hình thức ngoại thường đến sách lễ hình thức thông thường và lịch phụng vụ.

Không như cuốn sách lễ hiện nay, hình thức ngoại thường tiên liệu một bài ca dâng lễ thích hợp cho mỗi thánh lễ. Đây không phải là bản văn tùy chọn mà là thích hợp và cụ thể cho mỗi ngày hay mùa nhất định. Nhìn sơ qua lịch phụng vụ thì thấy rằng bản văn ấn định cho phần dâng lễ thường lấy từ các thánh vịnh. Bản văn ấy thường quy chiếu về ngày lễ được cử hành và rất hiếm khi nhắc đến bánh và rượu.

Thí dụ trong các lễ về Đức Maria, bản văn ấy thường quy về Đức Maria và trong nhiều trường hợp được lấy từ phần đầu của kinh Kính Mừng, hay một câu thánh vịnh có thể áp dụng vào Đức Maria và đôi khi là một bài văn nguyên bản như vào các lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, Đức Maria Nữ Vương và Đức Maria Lên Trời.

Sách Trình Tự Bài Ca Thánh Lễ ấn định một bài ca dâng lễ thích hợp cho lịch phụng vụ. Trong phần dẫn nhập, sách ấy viết:

Số 13. Sau bài ca dâng lễ, các câu ngắn có thể được hát lên theo truyền thống, nhưng chúng luôn có thể bị loại bỏ thậm chí trong bài ca Domine Jesu Christe trong thánh lễ cho người chết. Sau mỗi câu có phần lập lại cái đoạn của bài ca được đánh dấu để lập lại.

Tuy nhiên bởi vì nó là một cuốn sách phức tạp và khó sử dụng, nó bị bỏ quên không dùng đến. Trong những năm gần đây, nó đã được chỉnh sửa cách nào đó bằng việc xuất bản những phiên bản thực tiễn của những quy chuẩn này, như các sách của các thầy dòng tu viện Bê-nê-di-tô Solesmes và cuốn Các Quy Chuẩn Lalemant bằng tiếng Anh của tổ chức Corpus Christi Watershed. Có thể có các phiên bản khác mà tôi không biết.

Do đó ít nhất theo luật phổ quát, không có mấy hậu thuẫn cho ý tưởng rằng bài ca dâng lễ phải luôn nhắc đến bánh và rượu hay các cử chỉ dâng lễ vật.

Về tài liệu của các Hội Đồng Giám Mục, các hướng dẫn năm 2007 về âm nhạc phụng vụ, cuốn “Hát Ca Tụng Chúa” do Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ xuất bản, chỉ đưa ra các tiêu chí tổng quát về thánh ca. Nghĩa là:

Một thánh ca được hát trong mỗi Giờ Kinh Phụng Vụ, vốn là cội nguồn cho đoạn thánh ca trong phụng vụ. Trong thánh lễ, ngoài kinh Vinh Danh và một số nhỏ các đoạn thánh ca trong Sách Lễ Rô-ma và Sách Ca Tiến Cấp Rô-ma, các thánh ca cộng đoàn của một nước hay một nhóm đặc thù, đã được đấng thẩm quyền nói đến trong GIRM (General Instructions of the Roman Missal: Hướng Dẫn Tổng Quát của Sách Lễ Rô-ma) xét là phù hợp, có thể được đón nhận trong Phụng Vụ Thánh. Luật giáo hội ngày nay cho phép tùy chọn sử dụng các thánh ca tiếng bản xứ trong phần nhập lễ, phần chuẩn bị lễ vật, hiệp lễ và kết lễ. Bởi vì những thánh ca phổ thông này thực hiện một vai trò phụng vụ cách thích hợp, đặc biệt quan trọng là chúng phải thích hợp với cử hành phụng vụ. Phù hợp với một lịch sử không gián đoạn gần năm thế kỷ, không có gì cấm việc sử dụng một số thánh ca cộng đoàn phát xuất từ các truyền thống Ki-tô khác, miễn là văn bản của chúng phù hợp với giáo huấn của giáo hội và chúng phù hợp với phụng vụ Công Giáo (số 115).

Đôi khi khó mà tìm thấy các thánh ca “thích hợp” cụ thể cho việc chuẩn bị lễ vật, bởi vì thời điểm này của thánh lễ không được các nhà soạn nhạc hiện đại chú ý nhiều so với nghi thức nhập lễ và hiệp lễ. Hơn nữa các thánh ca tiếng bản ngữ cũ cho thời điểm này là hiếm có.

Cũng đúng là một thánh ca chỉ là một trong nhiều lựa chọn cho giây phút này. Ngoài thánh ca, có thể dùng một khúc hát tiếng La-tinh truyền thống cho ngày hôm đó; một phiên bản tiếng Anh của khúc hát ấy; một khúc hát nhiều bè của ca đoàn; âm nhạc thuần nhạc cũ (bên ngoài mùa Chay); và thậm chí là không có âm nhạc gì cả.

Tuy nhiên, theo gương văn bản chính thức được tham chiếu bên trên, trong việc chọn lựa bản văn “thích hợp”, chúng ta có thể theo hướng dẫn của phụng vụ ngày hôm đó và không có lý do gì để bị giới hạn vào các thánh ca nói đến bánh và rượu.

Bài ngày 25/8/2020 theo đường dẫn: https://zenit.org/2020/08/25/liturgy-qa-songs-for-the-offertory/


Tác giả bài viết: Lê Hải Nam

Nguồn tin: vietcatholic.com
Mới hơn Cũ hơn