Giáo lý - “Chữa lành thế giới”: 5. Tình liên đới và đức tin
Anh chị em thân mến
Sau nhiều tháng chúng ta lại tiếp tục buổi gặp gỡ diện đối diện và không dùng màn hình nữa. Điều này quả là tuyệt vời! Đại dịch hiện nay đã nhấn mạnh đến sự phụ thuộc lẫn nhau của chúng ta: tất cả đều được liên kết với nhau, người này với người kia, dù xấu hay tốt. Tuy vậy, để thực sự thoát ra khỏi cơn khủng hoảng này, chúng ta phải liên kết cùng nhau. Cùng hợp lòng với nhau chứ không phải một mình. Bởi vì, một mình chúng ta không thể làm gì được. Không thực hiện cùng nhau thì không làm gì được. Chúng ta phải cùng nhau thực hiện trong sự liên đới. Đây là điều tôi muốn nhấn mạnh hôm nay: tình liên đới.
Là gia đình nhân loại, chúng ta có chung một nguồn gốc là Thiên Chúa. Chúng ta có một ngôi nhà chung, một khu vườn-hành tinh, trái đất nơi Thiên Chúa đã đặt chúng ta vào; và chúng ta có một đích điểm chung là Chúa Kitô. Nhưng khi chúng ta quên hết mọi điều này, sự phụ thuộc của chúng ta trở thành lệ thuộc vào những người khác – chúng ta đánh mất nét hài hòa của sự phụ thuộc lẫn nhau và tình liên đới – làm gia tăng sự bất bình đẳng và gia tăng việc gạt bên lề xã hội; cơ cấu xã hội bị suy yếu và môi trường xấu đi. Nó luôn là một hành động duy nhất.
Do đó, nguyên tắc liên đới lúc này cần thiết hơn bao giờ hết, như Thánh Gioan Phaolô II đã dạy (xem thông điệp Sollicitudo rei socialis, 38-40). Trong một thế giới nối kết với nhau, chúng ta cảm nghiệm được đâu là ý nghĩa cuộc sống trong chính “ngôi làng toàn cầu”. Cách diễn đạt này rất hay: thế giới rộng lớn không có gì khác hơn ngôi làng toàn cầu, vì tất cả đều được nối kết với nhau. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng làm cho sự phụ thuộc lẫn nhau này thành liên đới. Sự phụ thuộc lẫn nhau và liên đới là một lộ trình dài. Tính ích kỷ - cá nhân, chủ nghĩa dân tộc và các nhóm quyền lực - và ý thức hệ xơ cứng “nuôi dưỡng cấu trúc tội lỗi”. (ibid., 36).
Từ “tình liên đới” đã hơi cũ và đôi khi bị hiểu một cách hạn chế, nhưng nó chỉ về một cái gì lớn hơn là một ít hành vi quảng đại lẻ tẻ. Nó muốn chỉ về việc tạo ra một não trạng biết nghĩ đến cộng đồng và vị trí ưu tiên của sự sống vượt lên trên việc chiếm hữu của cải bởi một số ít người. (Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, 188). Đây là ý nghĩa của từ liên đới. Không chỉ là vấn đề giúp đỡ người khác – đây là việc tốt nên làm, mà còn hơn thế nữa: - đó là sự công bằng (x. GLCG 1938-1940). Để sự phụ thuộc lẫn nhau được liên đới và mang lại kết quả, cần có cội rễ vững chắc nơi con người và thiên nhiên do Thiên Chúa tạo dựng, cần có sự tôn trọng về mọi mặt và đối với trái đất.
Ngay từ đầu, Kinh thánh đã cảnh báo chúng ta. Chúng ta hãy nghĩ về câu chuyện Tháp Babel (xem St 11, 1-9), mô tả những gì xảy ra khi chúng ta cố gắng đạt đến thiên đàng – mục đích của chúng ta – bỏ qua mối ràng buộc của chúng ta với nhân loại, với thụ tạo và với Đấng Tạo hóa. Đó là một cách nói: điều này xảy ra mỗi khi có người muốn leo lên mà không nghĩ đến người khác, chỉ nghĩ đến bản thân.
Chúng ta hãy nghĩ đến các tòa tháp. Chúng ta xây tháp và và các tòa nhà chọc trời, nhưng chúng ta phá hủy cộng đồng. Chúng ta thống nhất các tòa nhà và ngôn ngữ, nhưng chúng ta giết chết nền văn hóa phong phú. Chúng ta muốn trở thành chủ nhân của trái đất, nhưng chúng ta lại hủy hoại sự đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái. Tôi đã kể cho anh chị em về những ngư dân đến từ San Benedetto thành Tronto, trong năm nay họ đến nói với tôi: “Chúng tôi đã thải 24 tấn rác ra biển, một nửa trong số đó là nhựa”. Anh chị nghĩ xem! Họ có tinh thần đánh bắt cá, đúng, nhưng họ cũng từ chối dọn dẹp rác để làm sạch biển. Nhưng [sự ô nhiễm] làm hư hại trái đất, không còn liên đới với trái đất, vốn là một món quà, và sự cân bằng sinh thái.
Tôi nhớ đến một câu chuyện thời trung cổ kể về “hội chứng tháp babel”, đó là khi không còn sự liên đới. Câu chuyện thời trung cổ này kể rằng, trong quá trình xây dựng tòa tháp, có một người rơi xuống – chắc là nô lệ - và người đó đã chết nhưng chẳng ai nói điều gì cả: “Thật tôi nghiệp, anh ấy đã phạm sai lầm và đã ngã xuống”. Trái lại, nếu một viên gạch rơi xuống, tất cả mọi người sẽ trách móc. Và nếu ai đó là thủ phạm thì sẽ bị trừng phạt! Tại sao? Tại vì một viên gạch làm ra thật đắt tiền, nó phải được chuẩn bị và nung. Mất nhiều thời gian và công sức để làm nên một viên gạch. Một viên gạch đáng giá hơn mạng người. Mỗi người trong chúng ta có thể suy nghĩ về những gì đang xảy ra hôm nay. Thật không may, ngay cả thời nay những điều như thế này vẫn có thể xảy ra. Khi cổ phiếu thị trường tài chính suy giảm và tin tức được đăng tải trên các cơ quan thông tấn. Hàng nghìn người chết vì đói, vì nghèo và chẳng có ai nói gì đến họ.
Trái ngược hoàn toàn với Babel là lễ Ngũ Tuần, chúng ta đã nghe điều đó ngay từ đầu buổi tiếp kiến (x. Cv 2, 1-3). Chúa Thánh Thần hiện xuống dưới hình gió và lửa, đổ đầy sức mạnh của Thiên Chúa trên cộng đoàn đang đóng kín trong phòng tiệc ly, thúc giục họ ra đi, rao giảng Chúa Giêsu cho tất cả mọi người. Chúa Thánh Thần tạo nên sự hiệp nhất trong sự khác biệt, tạo nên sự hòa hợp. Trong câu chuyện Babel không có sự hòa hợp nào cả; ở đó chỉ có lao đầu để giành lợi lộc. Ở đó con người chỉ là công cụ, chỉ là “sức mạnh-lao động”, nhưng ở đây, trong lễ Ngũ Tuần, mỗi một người trong chúng ta là một khí cụ, nhưng là một khí cụ cộng đồng tham gia hết mình vào việc xây dựng cộng đồng. Thánh Phanxicô Assisi biết rõ điều này, được Thần Khí linh ứng, ngài đã đặt tên cho tất cả mọi người, đúng hơn là cho các thụ tạo, là anh chị em (x. Laudato Sì 11; xem thánh Bonaventura, Legenda maior , VIII, 6: FF 1145).
Với lễ Hiện Xuống, Thiên Chúa hiện diện và khơi dậy đức tin của cộng đoàn hiệp nhất trong sự đa dạng và liên đới. Sự đa dạng và liên đới được kết hiệp trong sự hài hòa, đây là cách thức. Một sự đa dạng trong tình liên đới sở hữu “những kháng thể” để cái cá biệt của mỗi loài – vốn là món quà, duy nhất và độc nhất vô nhị - không bị mắc bệnh chủ nghĩa cá nhân và ích kỷ. Sự đa dạng trong tình liên đới cũng sở hữu những kháng thể để chữa lành cấu trúc và quá trình xã hội bị biến dạng thành các hệ thống bất công, áp bức (xem Bản tóm tắt Học thuyết Xã hội của Giáo hội, số192). Vì vậy, ngày nay liên đới là con đường để hướng tới một thế giới hậu đại dịch, hướng tới việc chữa lành các căn bệnh xã hội và cá nhân của chúng ta. Không có cách nào khác. Hoặc chúng ta tiến tới trên con đường liên đới hoặc mọi thứ sẽ tồi tệ hơn. Tôi muốn lặp lại với anh chị em: người ta không bước ra từ cuộc khủng hoảng giống như trước đây. Đại dịch là một cuộc khủng hoảng. Bước ra từ cuộc khủng hoảng hoặc tốt hơn hoặc tồi tệ hơn. Chúng ta phải chọn cho mình. Và tình liên đới thực sự là một con đường để thoát ra cuộc khủng hoảng tốt hơn, không phải bằng những thay đổi hời hợt, với một lớp sơn mới để tất cả mọi thứ trông như rất ổn. Không. Phải tốt hơn!
Giữa cuộc khủng hoảng, tình liên đới được đức tin dẫn dắt cho phép chúng ta dịch chuyển tình yêu của Thiên Chúa vào trong nền văn hóa toàn cầu của chúng ta, bằng cách không tiếp tục xây dựng những tòa tháp hay tường thành – biết bao nhiêu tường thành người ta đang dựng lên ngày nay, chúng dùng để chia cắt, nhưng sau đó bị sụp đổ - nhưng bằng cách dệt nên cộng đoàn và nâng đỡ các tiến trình phát triển con người thực sự và bền vững. Vì vậy tình liên đới sẽ giúp làm việc này. Tôi đưa ra đây một câu hỏi: tôi có nghĩ đến những nhu cầu của người khác không? Mỗi người tự trả lời trong lòng.
Giữa những khủng hoảng và bão tố, Thiên Chúa chất vấn chúng ta, Ngài mời gọi chúng ta hãy thức tỉnh và kích hoạt tình liên đới có khả năng mang lại sự vững chắc, nâng đỡ và mang lại ý nghĩa cho những phút giây khi mà mọi thứ dường như bị phá hủy.
Nguyện xin Chúa Thánh Thần sáng tạo khích lệ chúng ta tạo ra những hình thức mới của lòng hiếu khách thân thuộc, của tình huynh đệ hữu hiệu và tình liên đới phổ quát.