Từ việc gọi đúng là "QUI NHƠN" (thay vì "Quy Nhơn"):
CÓ DỊP HIỂU THÊM VỀ CHỮ QUỐC NGỮ & THÊM YÊU TIẾNG (NÓI) VIỆT CỦA NGƯỜI DÂN XỨ ĐÀNG TRONG
* Nhiều người không hiểu phụ âm "Q" (trong bảng chữ cái Tiếng Việt) là một phụ âm "rất đặc biệt", không giống với nhiều phụ âm khác, thành thử họ rơi vào sự giải thích sai lạc.
I
Hiện giờ nếu bạn vào đọc một số trang báo, đọc trên mạng là thấy ngay cách giải thích như ri (ghi nguyên văn): "Địa danh Quy Nhơn có từ năm 1602, khi chúa Nguyễn Hoàng đổi phủ Hoài Nhơn thành phủ Quy Nhơn và coi đây là đơn vị hành chính cấp tỉnh (...)"
Viết như vậy khiến người đọc tưởng ngay rằng "Quy Nhơn" ("y": i dài) là có từ thuở ban đầu. Tưởng vậy là tưởng bở, là bị "gài" vô tiềm thức mà không hay. Quí bạn biết sai chỗ nào không? Thời chúa Nguyễn Hoàng đâu viết bằng chữ Quốc ngữ!
Hồi đó viết bằng chữ Hán, đặt tên địa danh là: 歸 仁 .
II
Vậy, khi xuất hiện chữ Quốc ngữ, địa danh 歸 仁 được viết ra sao?
Theo luận án tiến sĩ của Phạm Thị Kiều Ly, tại Đại học Sorbonne, đề tài "lịch sử chữ Quốc ngữ": từ lúc thành hình bộ chữ Quốc ngữ vào những thập niên đầu thế kỷ 17, phát triển qua thế kỷ 18, cho tới cuối thế kỷ 19 (khảo sát từ năm 1622 đến năm 1877)- suốt mấy trăm năm, địa danh 歸 仁 được viết sang chữ Quốc ngữ là: "QUInhin" => "QUIgnin" =>"QUI NHƠN".
Luôn luôn là 'QUI": i ngắn, chớ không viết y dài.
Chữ "QUI NHƠN" được viết sớm nhứt có lẽ là trong "Dictionarium Anamitico Latinum" (Từ điển Việt-La) của Pigneau de Béhaine năm 1773, ở trang 493: Qui-nhơn (Qui Nhơn) - tên một tỉnh Đàng Trong.
Và trong các từ điển Dictionarium Annamitico - Latinum của Jean-Louis Taberd năm 1838, Dictionarium Anamitico - Latinum của Joseph Theurel năm 1877 đều viết: QUI NHƠN.
Đến thế kỷ 20, trong bộ tự điển nổi tiếng Larousse (in năm 1969) ghi: "QUI NHƠN".
Ở miền Nam VN trong giai đoạn 1954-1975 ghi đúng với truyền thống chữ Quốc ngữ, gọi "QUI NHƠN".
Rồi, cuối thế kỷ 20 gần đây chớ không xa xuôi gì ráo, ông Đào Duy Anh trong cuốn "Đất nước VN qua các đời" (NXB Thuận Hóa, 1994), trang 99 mục "Trấn Quảng Nam" ghi: "Thái tổ Gia dụ Hoàng đế năm thứ 46 (1602) đổi phủ Hoài Nhơn làm phủ QUI NHƠN”.
Thái Tổ Gia Dụ Hoàng đế, tức là Chúa Nguyễn Hoàng (ở phần đầu bài viết này có nhắc đến) đó đa! Trong biên khảo của nhà nghiên cứu nổi tiếng Đào Duy Anh ghi - nhắc lại - "đổi tên thành phủ QUI NHƠN". Ông am hiểu cách viết đúng với chữ Quốc ngữ, chớ không bỗng dưng - vào lúc này (năm 2020) - một số quan chức làm ầm lên phải đổi sang cách viết "Quy Nhơn"!
III
Việc sửa "i" thành "y" được biện minh như ri: với chữ (word) cùng nghĩa, chữ Việt-Hán sử dụng âm tiết "y" còn chữ thuần Việt (thuần Nôm) thì sử dụng âm tiết "i". Chữ 歸, âm Việt-Hán nên viết là "Quy".
Nhưng, một nửa sự thật không phải là sự thật.
Bởi vì 仁 , âm Việt-Hán đọc là "Nhân"; thành thử địa danh 歸 仁 nếu đã biện minh phải viết theo âm Việt-Hán, vậy sao không viết là "Quy Nhân" cho đồng bộ, cho phải phép?
IV
Các vị giáo sĩ cùng với nhiều người Việt cộng tác với nhau để ghi quốc âm (tiếng nói Việt) bằng chữ Quốc ngữ. Chữ 仁 (trong địa danh: 歸 仁) khi viết sang chữ Quốc ngữ là: "Nhơn". Thấy gì? Một sự tôn trọng, viết đúng với cách phát âm của người Đàng Trong!
Trong tiếng thuần Việt, rõ hơn nữa là tiếng của người Việt xứ Đàng Trong chúng ta, bao đời đều gọi là "Nhơn" (chớ không "Nhân") - như "nhơn nghĩa", "nhơn đức"... QUI NHƠN nghĩa là qui tụ nhơn nghĩa (ý nghĩa của địa danh này nơi xứ Nẫu hay ơi là hay).
Vì sao là "QUI" (i ngắn, chớ không y dài) ?
Đây là dịp để chúng ta cùng nhau hiểu thêm về bộ chữ Quốc ngữ, rất thú vị!
V
Trở lại với lý lẽ cho rằng nếu chữ (word) cùng nghĩa, chữ nào xuất phát từ Việt-Hán thì viết bằng âm tiết "y" (chữ thuần Việt viết bằng âm tiết "i"). Ồ, không hẳn! Đây, tỉ như "SĨ nông công thương" 士農工商, SĨ rõ rành là âm Việt-Hán nhưng chúng ta luôn thấy ghi bằng "i" chớ đâu ghi thành "y" (đâu ghi ..."sỹ nông công thương")!
Thành thử 歸 viết thành QUI (không "Quy") cũng hợp lẽ y như chúng ta viết SĨ vừa nói.
Có những người thấy vậy bèn đổi sang cách biện minh khác, như sau:
(5a) Họ đưa ra so sánh: nếu viết "Qui" thì cũng hao hao với cách viết chữ "Cui", dễ gây nhầm lẫn. Họ phân tích:
- "cui": phụ âm "c" + nguyên âm kép "ui" => phát âm là /kui/
- "qui": phụ âm "q" + nguyên âm kép "ui" => vậy, phát âm sẽ là /kwui/ (tiếng miền Bắc), hoặc /wui/ (theo tiếng miền Nam).
Như vậy, theo họ, viết "qui" thì đâu phát âm thành /uy/ được!
(5b) Thoạt đọc, tưởng có lý quá xá. Nhưng, không phải. Mời đọc ví dụ sau:
Chữ "cua" (con cua): "c" + "ua" => phát âm /kua/. Cũng dựa theo "lý lẽ" trên, vậy chữ "qua" (hôm qua): "q"+"ua" => sẽ phải phát âm là /kwua/ chớ còn gì nữa! Nhưng, KHÔNG phải vậy.
Bao nhiêu đời nay, chữ "qua" được người Việt chúng ta phát âm là /kwoa/, hệt như vần "oa" trong chữ "hoa"! Chớ NGƯỜI VIỆT KHÔNG phát âm "qua" thành /kwua/ mà sợ nhầm lẫn với /kua/ của... con cua, hỡi những vị lý lẽ ngang phè như cua!
(5c) Sở dĩ lý lẽ nêu ở 5a bị sai trật là vì không lưu ý đến những đặc điểm kêu bằng là quái chiêu của KÝ TỰ "Q" trong Bảng chữ cái (mẫu tự) của tiếng Việt:
- Nhiều ký tự phụ âm (consonant) đều kết hợp được với ký tự nguyên âm (vowel) để tạo thành "chữ" ("từ", word): tỉ dụ "b" => ba, bo, bu...; tỉ dụ "c" => ca, co, cu... NHƯNG, ký tự Q thì HOÀN TOÀN KHÔNG kết hợp được với bất cứ nguyên âm nào hết ráo để tạo thành "chữ" (chú ý: đây nói về ký tự Q trong tiếng Việt chớ không phải trong tiếng Anh, tiếng Pháp...): không hề có "qa", "qo", "qu", "qe", "qi" như là những chữ (word) độc lập.
- Ký tự "Q" CHỈ được ghi chung với ký tự "u" mà thôi, trở thành ký tự ghép: "qu", và dùng ký tự ghép "qu" này để kết hợp với nguyên âm thì mới tạo thành "chữ" (word) đó đa! Như "qu+a" => "qua", "qu+e"=> "que", "qu+i" => "qui"...
- Do tính chất đặc biệt của ký tự ghép (trong tiếng Việt, "q" và "u" dính chặt như sam, kêu bằng là chỉ có cái chết mới chia lìa lứa đôi "qu" thôi), nên hễ ký tự ghép "qu" kết hợp với nguyên âm thì đều có NHỮNG CÁCH BIẾN ÂM khác nhau!
Thì đây: "qu"+"ê": "quê", phát âm là /kwuê/. Nhưng "qu"+"e": "que" (cây que), lại phát âm là /kwoe/, hệt như vần "oe" trong chữ "loe hoe". Rồi "qu"+"a": "qua" (hôm qua), phát âm thành /kwoa", hệt như vần "oa" trong chữ "hoa".
Cũng tuân theo luật biến âm đa dạng mỗi khi đi với ký tự ghép "qu", mà chúng ta có "qu"+"i": "qui" => được phát âm thành /kwuy/, hệt như vần "uy" trong chữ "huy".
Vì sao có ký tự ghép dính chặt vào nhau là "qu" (mà "q" không đứng mình ên), vì sao lại có những biến âm đa dạng khi dùng với "qu" - đây là những vấn đề chuyên sâu của giới ngôn ngữ. NHƯNG có một điều RÕ RÀNG là: hết thảy người Việt bao đời nay mỗi khi viết "qua" thì đều đọc /kwoa/ (chớ không ai đọc /kwua/), khi viết "qui" thì đều đọc /kwuy/ (chớ không ai đọc /kwui/).
Chỉ có những ai bỗng dưng mất trí nhớ một phần về phát âm tiếng Việt thì ... mới đâm ra lẩn thẩn, tỉ mẩn, rồi lẫn lộn mà thôi.
THAY LỜI KẾT LUẬN
Câu chuyện chữ nghĩa "QUI NHƠN" (không "Quy Nhơn") tạm coi như dứt dạt.
Thiệt sự, qua đây, quí bạn vẫn thấy thấp thoáng cái não trạng bị chi phối bởi cái gọi là "chuẩn" theo âm Việt-Hán!
Bà mẹ ngôn ngữ Việt chúng ta, nói nào ngay, là có hai người con: người con "quốc âm" (tạm gọi là tiếng thuần Việt) và người con "âm Việt-Hán". Phải thương yêu cho đồng.
Sao lại chỉ chăm bẳm vào người con "âm Việt-Hán" mà bỏ bê người con "quốc âm", cái gì cũng lấy âm Việt-Hán để dựa vào?
Tỉ như, "mẫu" (母) là âm Việt-Hán, có soi đỏ con mắt cũng không tìm ra chữ Hán nào được phát âm thành "Mẹ" hết trơn. Có ai đời đi dựa vào âm Việt-Hán để bóp họng không cho gọi "Mẹ" (theo quốc âm Việt) mà phải gọi là "Mẫu" không? KHÔNG.
Vậy mà, hiện nay đang có những kẻ hành xử theo một cách thức tương tự. "Châu", trong "Phan Châu Trinh", bị sửa thành "Chu" (gọi là "Phan Chu Trinh") theo cái lý luận dựa vào âm Việt-Hán làm chuẩn. Gia đình cụ Phan Châu Trinh ở Quảng Nam (tức thuộc Đàng Trong ngày trước) đã phải lên tiếng, yêu cầu một số quan chức & "trí thức triều đình" thời nay không được tùy tiện sửa "Châu" thành "Chu"!
Rồi, người Việt ở Đàng Trong nói "phước" (chớ không "phúc" theo âm Việt-Hán), nói "nhơn" (chớ không "nhân" theo âm Việt-Hán), nói "nhứt, nhì" (chớ không "nhất, nhị"), vân vân, nhiều bộn.
Và rồi... chúng ta đang chứng kiến cái thói "sửa chữ" nơi này nơi kia, đây là biểu hiện THIẾU LƯƠNG THIỆN TRI THỨC đang tràn lan trên đất Việt hiện nay./.
----------------------------------------------
Hình ảnh (dưới): Tiểu chủng viện Làng Sông, nơi ấn bản sách bằng chữ Quốc ngữ giai đoạn đầu tiên - ở Tuy Phước, cách thành phố QUI NHƠN khoảng 20km.
Facebook Nguyễn- Chương Mt