Nẻo đường của những ân tình

Lm. Giuse Trần Hoàng Thiện (Pháp) 


Mới đó đã giáp một năm, bốn mùa trôi qua với giáo phận Besançon này, nơi chúng tôi được sai đến làm mục vụ, chỉ sau hơn hai năm lãnh nhận chức thánh linh mục tại giáo phận nhà Qui Nhơn. Chúng tôi đã lên đường đến đây mang theo trong tim hai chữ “Ân Tình”, mong đền ơn đáp nghĩa, nói nôm na là “mang ơn và mắc nợ”. 

Lúc còn ở chủng viện, tôi đã ấn tượng với đời sống của các vị thừa sai, qua những trang nhật ký của các ngài. Tôi nhận thấy sự chân tình và khiêm tốn sâu sắc mà các ngài ghi khắc trong trái tim mình như đoạn Tin Mừng: “Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17,10). Tôi xin cúi đầu trân trọng, yêu mến những tấm gương đẹp trong công cuộc truyền giảng Phúc Âm với sự can đảm, phó thác và khiêm nhường của tiền nhân. Tôi còn nhớ mình đã đọc ký sự của linh mục thừa sai Piere Dourisboure qua tập sách có tựa đề Les Sauvages Bahnars (Dân Làng Hồ). Thật là chưa bao giờ tôi có cảm giác thích đọc và say mê với cuộc sống hàng ngày trong bối cảnh cách đây hai trăm năm, dưới chế độ phong kiến có những đợt bách đạo gay gắt, đời sống dân chúng còn nặng hình thức mê tín dị đoan và còn hoang sơ. Thế mà các linh mục người Pháp đã lặn lội vượt đại dương để cập bờ đất An Nam. Tôi tự hỏi, mục đích các cha đến để làm gì? Tại sao phải cơ cực như vậy, trong khi có thể nói sự ra đi truyền giáo của các ngài có thể xác định bằng cả mạng sống mình. Họ đã đối diện như thế nào với tập tục, khí hậu, đồ ăn thức uống và nhất là ngôn ngữ để giao tiếp... Và tôi tin chắc bạn đã biết lý do, đó là vì đem Tin Mừng Chúa Kitô Phục sinh cho chúng ta, từ đó ngọn lửa tông đồ sẽ cháy bừng lên. Đây chính là chìa khóa của mọi chìa khóa dẫn đến sức mạnh sâu xa ấy. 

Giữa những danh tính và dung nhan các vị thừa sai tử đạo tại Việt Nam được tôn vinh ở ngay thủ đô nước Pháp, nơi tòa nhà có tên gọi Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris, có bốn vị thuộc giáo phận Besançon. Trong bốn vị này có hai vị thánh được tôn kính trọng thể tại giáo phận Qui Nhơn: Đức Cha Etienne-Theodore Cuenot Thể (1802-1861) và Cha François-Isidore Gagelin Kính (1799-1833), hai vị từng phục vụ đức tin tại mảnh đất giáo phận chúng tôi cho đến hơi thở cuối cùng. Đây là mối duyên tình giữa hai giáo phận, và vì nhu cầu mục vụ hiện nay tại quê hương các ngài, là lý do mà chúng tôi được sai đến. 

Hiện tại, giáo hội Pháp có khoảng một phần ba linh mục ngoại quốc đến giúp mục vụ. Cách riêng giáo phận Besançon thuộc miền đông nước Pháp này đã có ít nhất sáu linh mục Việt Nam phục vụ trên mười năm nay, hiện tại còn hai anh em. Trong lúc giáo hội Pháp còn thiếu các linh mục, nhưng cộng đoàn tín hữu thì thật sự trưởng thành và mạnh mẽ trong đức tin. Các linh mục ở đây phục vụ rất cật lực, các cha phải coi sóc nhiều giáo xứ, các giáo xứ có thánh lễ Chúa Nhật luân phiên cho mỗi nhà thờ. Tôi nhận thấy bà con giáo dân có cách tổ chức chia sẻ Lời Chúa với nhau trước thánh lễ thật sôi nổi. Các bạn trẻ cũng có buổi họp nhau hàng tuần tại nhà mục vụ giáo phận. Mùa Chay thánh năm nay có một linh mục dòng Phanxicô tới giúp suy gẫm Lời Chúa hàng tuần, dù trong cơn dịch bệnh các bạn vẫn duy trì qua hình thức “online”. Phần tôi, những ngày trong tuần tôi theo học tại một trung tâm ngoại ngữ, còn ngày Chúa Nhật tôi được “học việc” với cha xứ vừa tròn 50 năm linh mục. Cha xứ chúng tôi có giọng nói rõ nét từng chữ, khuôn mặt ngài luôn nở nụ cười. Cha đã giúp tôi rất nhiều, sau mỗi thánh lễ ngài cho tôi bài giảng của ngài, và tôi có thêm bài tập Pháp văn. Tôi đã xúc động và trân trọng tình thân linh mục của cha già dành cho tôi, ít là gần một năm qua. Rồi một ngày Chúa Nhật nọ, chúng tôi nhận tin cha xứ sắp nghỉ hưu. Tất cả mọi người tỏ vẻ trầm lắng hơn sau nốt nhạc cuối cùng của bài ca kết lễ... 

Ở đây cũng có một Đại chủng viện đã từng sinh hoạt sầm uất suốt gần 400 năm, tòa nhà hiện nay vẫn còn lưu lại nét xưa, với những khung hình tập thể của ban giáo sư và các chủng sinh còn đó như một gợi nhớ lịch sử. Đại chủng viện được chuyển sử dụng như trung tâm mục vụ, một phần không gian để chăm sóc các cha hưu, phần khác dành tổ chức các buổi hòa nhạc, các buổi hội thảo của sinh viên, và các sự kiện văn hóa khác... Chính ở đây sau giờ học nửa ngày, tôi dùng cơm chung với các cha già, và tôi đã có “những người bạn” chỉ tôi học từng chữ một: cái muỗng, cái nĩa, con dao... Tôi đã cảm thông và hiểu được phần nào về hoàn cảnh của giáo phận Besançon và hoàn cảnh của riêng tôi. 

Ở đây cũng có sự hiện diện của một nhóm người Việt Nam, là một thành phần trong giáo phận Besançon. Khoảng chừng chục hộ gia đình với các nữ tu cùng ít linh mục Việt, và chúng tôi trở nên một cộng đoàn có thánh lễ tiếng Việt mỗi tháng một lần, là dịp để cùng nhau trò chuyện, thăm hỏi động viên và chia sẻ những món ăn quê hương: nào bánh bột lọc, chả ram, bánh xèo, chè nếp... Đây là cơ hội để thưởng thức hương vị quê nhà làm thỏa lòng thương nhớ. Qua đó, tôi ý thức về sự hội nhập văn hóa người Pháp là điều quan trọng, để học biết nhiều thứ và nhất là lối nghĩ của họ. Thực tế giao tiếp hàng ngày sẽ dạy dần dần cho tôi, vì tôi biết mình chưa biết gì nhiều, và thời gian vẫn kiên nhẫn với tôi. 

“Đường phục vụ” như nhịp điệu dòng chảy thật khác nhau qua những khúc sông, êm ả của tinh mơ, lặng lờ khi chiều về, hay cuồn cuộn của những ngày mưa đông gió bấc. Tựa như thời tiết của thành phố Besançon cổ xưa này có những ngày trời nắng nhẹ trong xanh gió mát; cũng có những ngày đông rét buốt ảm đạm, dưới những cơn mưa làm ướt những mái ngói có hoa văn lạ mắt, và các ống khói nhà xưa vẫn tỏa nghi ngút khói bếp. Tôi thích những cảnh này không phải vì nó đầy thi vị mà còn rất thực tế. Tôi nghĩ rằng mỗi người tín hữu có cách bước đi trên đường phục vụ qua những cung bậc cảm xúc khác nhau của mình, mỗi người giống như một câu văn trong toàn bộ lịch sử Tình Yêu của Thiên Chúa. 

Tôi sẽ kể cho bạn về câu văn của riêng tôi nhưng nó vẫn chưa kết thúc... Để hoàn thành một bài văn, cần có các từ ngữ, các câu được liên kết với nhau, khơi mào mẩu chuyện là “Bonjour” và kết thúc thì đừng quên “Merci et Au revoir”. Câu văn của tôi còn thiếu hụt, bỏ ngỏ, nhiều khi sót đi chủ từ, động từ, danh từ, tính từ hay giới từ... Về việc phát âm cũng vậy, tôi vẫn chưa đọc tốt chữ “Thiên Chúa - Le Dieu” một cách cho đúng nhất và người nghe không phải hiểu lầm. Tôi cố ý mong bạn hiểu một ngữ nghĩa khác ở đây mà tôi thấy mình “mắc nợ”: nợ Chúa, nợ Giáo hội và mọi người. Dẫu vậy, thực sự đã có thử thách tự bên trong tôi. Có những khoảng thời gian tôi cảm nhận sự chênh vênh, rồi hiểu ra niềm vui và bình an không mãi ở đó. Tất cả mọi thứ thật mạnh mẽ, thật phấn khởi ngay từ đầu và cảm nhận ấy không mãi được luôn như vậy! Chính cuộc sống nội tâm, đời sống đức tin là chìa khóa của mọi chìa khóa, tôi đã nhấn mạnh như thế. Để cân bằng mọi cảm xúc trong mọi hoàn cảnh, tôi đã phải hít thở khó khăn như thế nào với cảm giác lạc lõng, chõng chơ. Trong những lúc như vậy, thật tốt là có nhiều sự động viên, thăm hỏi từ giáo phận, gia đình và bạn bè quê nhà. Đồng thời may mắn thay có các anh chị em Việt Nam ở đây, họ là sự khích lệ tinh thần của chúng tôi, cách riêng trong những ngày Tết âm lịch bên trời Tây. Cũng có một vài gia đình giáo dân người Pháp đã hiểu cuộc sống đơn lẻ của tôi ở xa quê, họ lấy làm biết ơn, thương mến và thể hiện qua các bữa ăn tại nhà họ, cùng chia sẻ các dịp lễ kỷ niệm các sự kiện trong gia đình, các ngày lễ phụng vụ trong năm... Những niềm an ủi mà Chúa gởi cho, và chỉ khi trở lại trong Ngài, Đấng phục sinh, Ngài ở đó, Ngài hiện hữu! Cùng lý tưởng, niềm tin, giá trị đời sống còn đó và tôi mạnh mẽ hơn khi nhớ về các vị thừa sai đi trước, thân xác các ngài đã hòa tan trên mảnh đất quê hương tôi như thế nào. Tôi tiếp tục đương mình qua khó khăn hiện tại đang vướng từng bước chân, trên miệng lưỡi và trong một quả tim bằng thịt, với dòng máu đỏ như bao người. 

Vậy thì kiên nhẫn trong mọi sự, tôi tự nhủ đức tin là ở đây. Tôi cần thời gian biết bao cho những bước đầu, và hơn nữa tôi cần năng nhớ mục đích và ý nghĩa đời sống linh mục của mình cho bối cảnh thế giới ngày nay. Tôi biết tôi có niềm HY VỌNG và nhớ đến lời thánh Phêrô đã nhắc bảo: “Đức Kitô là Đấng Thánh, hãy tôn Người làm Chúa ngự trị trong lòng anh em. Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1Pr 3,15). 

Bạn đang ở đâu giữa nhịp sống ngổn ngang của thời đại, giữa cơn dịch bệnh khủng khiếp hoành hành vẫn chưa biết ngày kết thúc. Tôi mong nó sẽ chóng đi khỏi, bạn cùng mọi người được bình an và cuộc sống trở lại bình thường. Tôi cũng đang nỗ lực kiện toàn đời sống thừa tác vụ của mình và nguyện xin cho những ngày đời tôi được ơn Chúa trợ giúp, với tình yêu tới cùng dù ở bất cứ nơi nào. Cuộc sống ý nghĩa là trong bàn tay của Thiên Chúa: “Lạy Chúa, con như người thợ dệt, đang mãi dệt đời mình, bỗng nhiên bị tay Chúa cắt đứt ngay hàng chỉ...” (Is 38,12). Cuộc sống vốn là một bản giao hưởng dở dang, ý tưởng đã được gợi lên như thế. Đại thi hào Victor Hugo cũng nói một kiểu như vậy: “La vie est une phrase interrompue”. Mỗi người sẽ góp phần mình cho bản hòa ca ấy được hoàn chỉnh nhất có thể. Vì chẳng ai biết ngày chung cuộc, chỉ cần biết chu toàn bổn phận trong khiêm tốn. Để ít ra chúng ta biết cộng tác với nhau hoàn thành “đường phục vụ” trong giai đoạn lịch sử hiện thời. 

Cuối cùng, tôi cám ơn bạn đã có thể cùng tôi cảm nhận về những nẻo đường của người tín hữu, và một chút tâm tư của tôi. Tôi sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ cùng bạn để chuẩn bị hành trang tốt nhất đi đến nơi Chúa muốn, nơi Giáo hội đang cần. Chúng ta sẽ không quên mỉm cười khích lệ nhau trên đường đời. 

“Chúa đó!”… Hãy nhảy về phía trước như thánh Phêrô.
Mới hơn Cũ hơn