Chúng ta có nên sợ Thiên Chúa không?



Nuôi dưỡng lòng “kính sợ Thiên Chúa” là thúc đẩy mối quan hệ yêu thương với Thiên Chúa hơn là sợ tiếng sét của Ngài.

Một trong những ơn của Chúa Thánh Thần là “kính sợ Thiên Chúa”. Đó là một trong những ơn có thể gây ra nhiều nhầm lẫn. Thoạt đầu có vẻ chúng ta phải kính sợ Thiên Chúa như thể Ngài là một ông chủ bất công, sẵn sàng đánh phạt đầy tớ nếu làm điều gì sai lỗi.

Ta có thể bị cám dỗ khi thấy Chúa là nhân vật như tương tự thần Zeus, sẵn sàng trừng phạt tội nhân bằng tiếng thét của mình khi ngồi trên ngai. 

Trong bối cảnh này, sống trong sự “sợ hãi” Thiên Chúa nghĩa là liên tục trốn tránh Ngài, sợ cơn thịnh nộ của Ngài. 

Nhưng đây không phải là ý hướng của Giáo hội khi nói về lòng “kính sợ Thiên Chúa”.

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đưa ra một suy tư tuyệt vời về ơn Chúa Thánh Thần trong buổi tiếp kiến chung vào năm 2014, qua đó Ngài giải thích về ý nghĩa đích thực về định nghĩa này: “Ơn kính sợ Thiên Chúa mà chúng ta nói hôm nay, bao gồm bảy ơn của Chúa Thánh Thần. Nó không có nghĩa là sợ hãi Thiên Chúa: Chúng ta biết rõ rằng Thiên Chúa là Cha, Ngài hằng yêu thương chúng ta, muốn cứu rỗi chúng ta và luôn tha thứ cho chúng ta; vì vậy không có lý do gì phải sợ Thiên Chúa cả!”. 

Nỗi sợ Thiên Chúa gây hại hơn là lợi, và đó không phải là điều mà Giáo hội đang đề cập. 

Trái lại, lòng “kính sợ Thiên Chúa là ơn của Chúa Thánh Thần, nhắc cho chúng ta biết rằng chúng ta là những con người nhỏ bé trước mặt Thiên Chúa, trước tình yêu của Ngài và hạnh phúc của chúng ta hệ tại ở việc chúng ta tự bỏ mình với lòng khiêm nhường, với sự kính trọng, phó thác trong đôi tay của Chúa. Đây là kính sợ Thiên Chúa: phó thác cho lòng nhân từ của Cha chúng ta, Đấng luôn yêu thương chúng ta”. 

Kính sợ Thiên Chúa liên quan nhiều đến tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta và lòng từ ái bao la của Ngài. Điều này xem ra có thể mâu thuẫn với định nghĩa trên, nhưng không phải như vậy. Đức Giáo hoàng đã giải thích thêm về cách mà lòng “kính sợ” phát xuất từ mối quan hệ yêu thương với Thiên Chúa: “Khi lòng kính sợ Thiên Chúa tràn ngập trong chúng ta, bấy giờ chúng ta được dẫn dắt để bước theo Chúa bằng sự khiêm nhường, ngoan ngùy và vâng phục. Tuy nhiên, đó không phải là thái độ cam chịu, thụ động, thậm chí là than phiền, nhưng bằng sự ngạc nhiên và vui sướng của người con vốn nhận ra mình được Chúa Cha phục vụ và yêu thương. Vì vậy, lòng kính sợ Thiên Chúa không làm cho chúng ta trở thành người tín hữu rụt rè, dễ phục tùng mà sinh ra nơi chúng ta lòng can đảm và mạnh mẽ. Đó là ơn khiến cho những người tín hữu chúng ta vững tin, nhiệt thành, không đặt mình trước Chúa vì sợ hãi, nhưng vì bị cảm động và bị chinh phục bởi tình yêu của Thiên Chúa. Bị thu phục bởi tình yêu của Thiên Chúa! Và đó là điều rất tuyệt vời. Hãy để cho mình được chinh phục bởi tình yêu này của người cha, người yêu thương chúng ta rất nhiều, yêu thương chúng ta bằng trọn vẹn con tim của mình”.

Chúng ta cần phải hiểu điều này theo nghĩa nhìn thấy nơi Thiên Chúa như một người Cha đầy tình yêu thương và làm mọi sự vì tình yêu.

Lòng kính sợ Thiên Chúa không tạo ra sự lo lắng nơi chúng ta, nhưng thúc đẩy Chúng ta yêu mến Thiên Chúa nhiều hơn và tín thác vào sự quan tâm đầy yêu thương của Thiên Chúa dành cho chúng ta. 
Mới hơn Cũ hơn