NHỮNG SUY TƯ DO THÁI GIÁO VỀ CỨU CHUỘC VÀ CỨU RỖI
NHÂN DỊP CÁC KITÔ HỮU CỬ HÀNH LỄ GIÁNG SINH
Trong Kinh Thánh, những quan niệm trung tâm của đức tin đối với người Israel và cả Kitô giáo là cứu thoát - cứu chuộc (redemption - geulah) và cứu rỗi (salvation - yeshuah).[1] Trong khi hai từ này thường được dùng lẫn lộn nhau, có sự phân biệt đáng lưu ý trong truyền thống Do Thái giáo. Trong khi “salvation” là sự giải thoát một con người khỏi sự áp bức của một một người khác (Xh 14,13; Tv 14,7), hay sự áp bức vốn có trong thân phận con người (Tv 62,2), thì “redemption” dường như ám chỉ đến sự quay trở về một tình trạng lý tưởng trong quá khứ đã bị sa sút hay mất đi. Trong sách Lêvi 25, từ geulah được áp dụng cho sự trả lại hay chuộc lại tài sản đối với chủ nhân nguyên thủy. Điều này củng cố nhãn quan của người Do Thái về một xã hội lý tưởng mà trong đó đất đai hay tài sản được phân chia đồng đều giữa các gia đình để đủ sống. Trong cách hiểu của người Do Thái, cứu thoát hay cứu chuộc (redemption), mặc dù cơ bản nó đến từ Thiên Chúa, nhưng đòi hỏi những nỗ lực cộng tác của Thiên Chúa và nhân loại. Thiên Chúa mạc khải cho ông Môisê ý định cứu thoát con cái Israel khỏi đất Ai Cập và phục hồi sự tự do cho họ (Xh 6, 6), song chương trình này cũng đòi hỏi ông Môisê khích lệ dân Do Thái rời khỏi miền đất nô lệ.
Trái lại, “salvation” (cứu rỗi) là một mạc khải hay hành động của Đấng Tạo Dựng mà trong đó người Do Thái phải đặt niềm tin và hy vọng vào đấy. Sách Talmud (b. Shabbat 31, a) nói về 6 câu hỏi mà vị thẩm phán trên trời sẽ hỏi mỗi người Do Thái khi chết. Một trong những câu hỏi ấy là: bạn có tin hay chờ đợi sự cứu rỗi của Thiên Chúa không? Nên lưu ý rằng sự cứu rỗi phải được trông đợi trong khi sự cứu thoát phải được tích cực theo đuổi.
Ý niệm về một đấng cứu thế được xức dầu để tiến hành các chương trình của Thiên Chúa cũng được tỏ lộ ở đây. Trong vài cách giải thích của Do Thái giáo, chương 11 của sách Isaia là đề cập đầu tiên trong Kinh Thánh nói về một đấng cứu thế tương lai xuất hiện khi nói về một vị vua của dân Israel. Vị vua này được xem như hậu duệ của vua Đavít, và là người sẽ cai trị trong thời gian công bình và sự hiểu biết phổ quát về Thiên Chúa. Trong chương tiếp theo, Isaia nói về sự cứu rỗi. Trong những đoạn này, có sự liên hệ thâm sâu giữa hai từ mashiach và yeshuah (đấng cứu thế và ơn cứu rỗi).
Theo thời gian, suy tư về cứu thế đã kết nối cả ý nghĩa của cứu rỗi (salvation) và cứu chuộc (redemption). Nó được bàn cãi trong Do Thái giáo trước và sau thời Đức Giêsu. Vài đoạn văn trong Các bản cuộn Biển Chết (Dead Sea Scrolls) nói đến nhiều đấng cứu thế (e.g., 1QS 9.10-11), và một đoạn duy nhất nói đến một đấng cứu thế phục sinh kẻ chết (4Q521). Sách Talmud trình bày nhiều ý kiến về sự xuất hiện của nhân vật này (b. Sanhedrin 98, b). Khi các Kitô hữu chuẩn bị cử hành ngày sinh hạ của Đức Giêsu Nadarét, thật đáng để nhắc lại tên của Ngài chắc chắn được rút ra từ Yeshua, có nghĩa là “Thiên Chúa cứu thoát” và những ý nghĩa cứu rỗi của nó. Thật vậy, qua nhiều thế kỷ, vấn nạn về Đấng Cứu Thế đã đến rồi hay vẫn còn được chờ đợi đã phân chia người Do Thái và các Kitô hữu thành những trận địa đối nghịch nhau. Những rào cản hiểu lầm được dựng lên. Các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội thúc đẩy mối liên hệ thù hận giữa họ với kết quả là thật sự có rất ít sự khích lệ để tìm kiếm một con đường đối thoại, nơi chỉ có tình yêu Thiên Chúa và con người phải được tìm kiếm, ngay cả trong sự bất hòa.
Trong thời đại chúng ta, như Đức Phanxicô đã nói, một “hành trình thân hữu” mới giữa hai cộng đồng đã bắt đầu nhờ sắc lệnh Nostra Aetate và những nỗ lực liên tục của những người cật lực làm việc để biến đổi tài liệu này thành thực tại sống động.
Bây giờ chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau rằng, trong những cách khác nhau của mình, người Do Thái và Kitô hữu đều chờ đợi sự trọn vẹn của ơn cứu rỗi dành cho mọi thụ tạo. Từ nhãn quan Do Thái giáo, ý niệm “cứu chuộc” (redemption) đòi hỏi và buộc cả hai phải làm việc cùng nhau để chỉnh sửa những gì đang đi lệch, với sự trợ giúp của Đấng Vĩnh Cửu. Hẳn nhiên, cơn đại dịch toàn cầu, những khủng hoảng kinh tế, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chia rẽ đang lan rộng, nạn đói và vô gia cư, tất cả đều đòi hỏi chúng ta phải tìm cách “cứu chuộc” tình trạng, phải làm việc để phục hồi thế giới theo ý định của Thiên Chúa dành cho nó. Trong cách hiểu này về tiến trình cứu chuộc, con người đóng một vai trò tích cực, vì theo Các Hiền Triết, khi hành động với sự công chính và ngay thẳng họ sẽ trở thành những cộng tác viên của Thiên Chúa trong việc hoàn thành công cuộc tạo dựng vũ trụ (b. Shabbat 10 , a; 119, b).
Mặc dù tôi là người Do Thái không chia sẻ khẳng định của Giáo Hội về Đức Giêsu Kitô, tôi vẫn cầu nguyện rằng cử hành Ngày Giáng Sinh của Ngài có thể gợi lên một linh đạo cứu chuộc góp phần vá lại thế giới. Một lời chúc mừng Giáng Sinh chân thành gởi đến các anh chị em Kitô hữu, buon Natale!
[1] Để tìm hiểu sâu hơn về các từ “Cứu chuộc? Cứu rỗi? Cứu độ?”, xin xem bài phân tích của cha Stêphanô Huỳnh Trụ. Link: http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/MucVu/65CuuChuoc-CuuRoi-CuuDo.htm
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ