Cổ nhân cho rằng để sáng tác ra một nhạc khúc chân chính thì người sáng tác phải hội đủ những điều kiện nhất định về đạo đức, bởi vì phẩm hạnh của người sáng tác có thể được nhìn thấy từ âm nhạc của họ. Không chỉ vậy, từ thứ âm nhạc được ưa thích, người ta còn có thể biết được sự thịnh suy của quốc gia. Điều này rất có đạo lý, ngay cả ở thời hiện đại, nếu nhìn vào âm nhạc của một vài vùng đất hay quốc gia ở thời điểm “vong quốc” xung quanh ta, thì có thể thấy điều đó rất rõ ràng.
Âm nhạc có nguồn gốc từ rất lâu, tựa hồ như khi con người sinh ra thì âm nhạc cũng liền theo đó mà xuất hiện. Người cổ xưa cho rằng, âm nhạc khi chân chính hình thành rồi thì đầu tiên được dùng để ngợi ca chư Thần, Trời Đất và vạn vật. Nội hàm của âm nhạc bấy giờ phản ánh lòng kính sợ Trời đất Thần linh, mong muốn thuận theo tự nhiên, ca ngợi trật tự vũ trụ. Qua đó âm nhạc mang trong mình lòng biết ơn, hân hoan, vui sướng được sống tường hòa trong trời đất.
Các bậc thánh vương thời cổ đại vô cùng coi trọng âm nhạc, hầu như các bậc minh quân khi mới lên ngôi đều sửa sang lại Lễ Nhạc. Đó là bởi vì âm nhạc có thể khơi gợi tâm kính ngưỡng Thần linh của con người, gửi gắm tình cảm của con người đối với đấng siêu nhiên. Cũng vì âm nhạc hợp với Đạo của Trời đất, có tác dụng truyền cảm sâu sắc và nhanh chóng nhất, nên được dùng để “giáo hóa” dân chúng, khiến cho dân chúng an cư lạc nghiệp.
Sự bình hòa trong âm nhạc là từ Đạo mà sinh ra. Muốn có được điều ấy thì tâm của người sáng tác phải bình hòa, thanh thản, nếu có cảm xúc quá mạnh mẽ thì cũng phải biết khắc chế, đây là điều mà Nho gia gọi là “vui mà không dâm, buồn mà không thương tâm”. Do vậy người sáng tác và biểu diễn âm nhạc cần có sự tiết chế, không thể tùy tiện phóng túng cảm xúc.
Vua Kiệt nhà Hạ, vua Trụ nhà Ân là hai vị vua vong quốc, thời bấy giờ các nhạc khúc thịnh hành trong triều đình và trong dân chúng là loại âm nhạc buông thả, đem những gì xa hoa cho là tốt đẹp tráng lệ, truy cầu sự hưởng lạc quá độ, không tuân thủ pháp tắc. Nhà Hạ, nhà Ân đều sụp đổ trong thứ âm nhạc như vậy.
Vào thời kỳ Chiến Quốc, nước Tống, nước Sở, nước Tề, đều lần lượt xuất hiện những nhạc khúc và những nhạc cụ kỳ quái. Mặc dù có nhiều thể loại âm nhạc phong phú, nhưng người xưa lại đánh giá rất thấp âm nhạc của họ, cho là thứ nhạc băng hoại. Tống, Sở, Tề cũng đều dần dần vong quốc.
Âm nhạc là có mức độ, có loại phóng túng buông thả, có loại ngay chính đứng đắn, có loại mà lời của nó đều mang hơi hướng dâm tà, kích thích dục vọng con người. Những người có tài đức, sáng suốt nhờ vào âm nhạc ngay chính mà hưng thịnh quốc gia. Trái lại, những hôn quân vô đạo thì âm nhạc mà họ dùng đã báo hiệu trước sự diệt vong của họ.
Chuyên Húc là một trong Ngũ Đế, là một người trầm tĩnh, uyên bác, có mưu lược, làm gì cũng thấu tình đạt lý. Tương truyền rằng ông thuận theo thiên lý để lập ra lễ nghĩa, thuận theo thời tiết bốn mùa và ngũ hành để giáo hóa muôn dân. Ông thông hiểu mọi việc, biết chăm sóc mọi vật, sử dụng đất đai, ghi chép lịch pháp, chú trọng việc giáo hóa và định ra các pháp tắc cai trị.
Chuyên Húc Đế khi vừa lên ngôi thì lệnh cho người sáng tác nhạc khúc “Thừa Vân”. Nhạc khúc này chứa đựng những thanh âm trong trẻo tuyệt vời nội dung ca ngợi vẻ đẹp của vạn sự vạn vật trong giới tự nhiên và khung cảnh tươi đẹp sống động của trời đất vào mùa xuân, vì vậy được dùng để cúng tế Trời.
Đế Khốc cũng là một trong Ngũ Đế thời cổ đại. Khi lên ngôi, ông lệnh cho người sáng tác nhạc, trong đó có “Cửu Chiêu”, “Lục Liệt”, “Lục Anh”... Đồng thời, ông cũng lệnh cho chế tác ra một số loại nhạc khí như trống, chuông, bàn thạch, khèn… Mỗi khi diễn tấu lại có chim phượng hoàng, chim trĩ từ trên trời bay xuống nhảy múa. Đế Khốc dùng âm nhạc để ca ngợi công đức của Thiên đế.
Sau khi Vua Nghiêu lên ngôi, đã lệnh cho vị nhạc sư rất nổi tiếng tên là Quỳ chế tác âm nhạc. Vị nhạc sư này dựa vào thanh âm của giới tự nhiên, tiếng suối chảy trong rừng… để mô phỏng lại mà làm thành các nhạc khúc. Quỳ rất tinh thông âm luật, đặc biệt có tài về đánh khánh. Khánh là một loại nhạc khí hình dạng giống thước cuộn được làm bằng ngọc hoặc đá. Chỉ cần khánh được Quỳ đánh lên, thì muông thú sẽ theo tiết tấu đó mà nhảy múa không ngừng. Về sau Quỳ lại sáng tác ra nhạc khúc lấy tên là “Đại Chương” để hiến tế Trời.
Khi Vua Thuấn lên ngôi thì rất quý trọng tài năng của Quỳ này nên quyết định phái ông đi khắp nơi để chỉnh đốn âm luật, truyền bá âm nhạc. Có người lo chỉ với một mình nhạc sư Quỳ thì khó mà hoàn thành nhiệm vụ nặng nề, nên đã kiến nghị với vua Thuấn nên tìm thêm vài vị nhạc sư nữa.
Vua Thuấn nghe qua lắc đầu nói rằng: “Cái gốc của âm nhạc, quý ở chỗ hoà. Người tinh thông âm nhạc như ông Quỳ, một mình là đủ.” Quả nhiên thông qua âm nhạc, Quỳ đã đem giáo hóa của vua Thuấn truyền ra khắp nơi. Về sau, Vua Thuấn lại lệnh cho nhạc sư Quỳ sửa chữa khúc “Cửu Chiêu”, thể hiện rõ ràng hơn ân đức của Thiên Thượng.
Dưới thời Chuyên Húc, Đế Khốc, Đế Nghiêu, Đế Thuấn âm nhạc luôn được chú trọng ở mức cao nhất. Âm nhạc thời ấy luôn chứa đựng sự chân chính, phản ánh ra đạo đức cao đẹp của con người, cách sống thuận theo tự nhiên, ca ngợi và biết ơn Thiên Thượng. Bởi vậy người xưa mới giảng rằng âm nhạc tương hợp với Trời, tương hòa với Đất và tương thông với con người.
An Hòa biên tập
https://trithucvn.org/van-hoa/am-nhac-quy-di-va-nhac-cu-ky-quai-la-dau-hieu-suy-vong-cua-mot-quoc-gia.html