Tại Việt Nam, ít ai biết được rằng 150 năm trước khi thi hào Nguyễn Du qua đời (1820), văn chương Công giáo đã có một tác phẩm lục bát bằng chữ Nôm đạt mức tuyệt tác: Tác phẩm Sấm Truyền Ca (1670), diễn ca 5 quyển đầu của Cựu ước, do cha Lữ Y Đoan, một trong những linh mục thế hệ đầu của địa phận Đàng Trong. Cũng chính năm 1820 tác phẩm được phiên âm sang chữ quốc ngữ.
Sau một vận mệnh hẩm hiu suốt hơn ba trăm năm, cuối thế kỷ XX chỉ còn hơn 1/5 tác phẩm sống sót: Sách Sáng Thế Ký (Tạo đoan kinh) và 21 chương đầu của sách Xuất Hành (Lập quốc kinh). Năm 1993 một số trí thức Công giáo đã thực hiện hồ sơ “Về các tác giả Công giáo thế kỷ XVII-XIX”, do Khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Tp. HCM ấn hành. Quyển sách đã giới thiệu tác phẩm Sấm Truyền Ca đến công chúng.
Giáo sư Nguyễn Văn Trung đã có công bảo tồn, đưa bút tích sang Canada. Ông và các cộng sự viên đã có công nghiên cứu đối chiếu, thực hiện bản văn hiệu đính mang tính khoa học và năm 2000 Tập san Y Sỹ ở Montreal đã xuất bản tập 1: Tạo Đoan Kinh.
Tháng 8/2020, nhóm phụ trách Tủ sách Nước Mặn của Giáo phận Qui Nhơn chợt nhận thấy cần ấn hành lại quyển sách để chào mừng tròn 350 năm của tác phẩm và giới thiệu với độc giả trong nước. Tại Việt Nam, ấn bản Canada của quyển sách hết sức họa hiếm. May thay cuối cùng, đã tìm được một bản photocopy ở Thư viện Học viện Đa Minh, Gò Vấp, và một ấn bản gốc ở Thư viện Mân Côi Bùi Chu.
Tại Giáo phận Qui Nhơn, từ năm 2012 đã có truyền thống họp mặt các tác giả Công giáo vào ngày 21-22/9. Năm 2020, do phòng ngừa đại dịch, dịp ấy chỉ có hơn 20 tác giả từ Tp. Quy Nhơn và phụ cận họp mặt tại Chủng viện Làng Sông. Trong lúc chưa kịp hiệu đính để ấn hành phiên bản mới, Ban Tổ chức đã photocopy một phần quyển sách theo ấn bản Canada, trao tay các tham dự viên để giới thiệu và đánh dấu chào mừng kỷ niệm 350 năm việc biên soạn tác phẩm. Sau lễ Giáng sinh, ấn bản 2020 của Tủ sách Nước Mặn hoàn thành. Tối ngày 01/01/21, trong lễ ra mắt Ban Văn hóa Giáo phận Hà Tĩnh tại hội trường Giáo xứ An Nhiên, phiên bản 2020 của tác phẩm được trao tay các tham dự viên để một lần nữa đánh dấu sự kiện mừng 350 năm.
Cha Lữ Y Đoan không những để lại một thành tựu của Thế kỷ XVII về thơ lục bát tự sự rất hồn nhiên trong sáng mà còn đi trước thời đại chúng ta 300 năm trên bước đường Việt hóa và hội nhập văn hóa cả về phong tục và triết học.
XIN CÙNG TÌM KIẾM
Thưa quý độc giả,
Trân trọng kính mời quý độc giả thưởng thức thi phẩm SẤM TRUYỀN CA, tập 1, trong file PDF đính kèm. Đây là tập thứ nhất trong bộ sách diễn thơ năm quyển đầu của Kinh Thánh Cựu Ước, do linh mục Lữ Y Đoan (1613-1678) thực hiện trước năm 1670, cách nay 350 năm hơn. Sách viết bằng chữ Nôm và năm 1820 được chuyển sang chữ quốc ngữ. Trước đây sách chưa hề được in, chỉ được chép tay truyền lại giữa tình cảnh bị bách hại và kể như bị thất lạc. Nhờ ơn Chúa Quan Phòng, năm 1870, có người đào được tại Cái Nhum (Chợ Lách, Vĩnh Long) một hầm vô chủ, có nhiều sách vở về đạo thánh, trong đó có bộ Sấm Truyền Ca, giấy đã mục nhiều. Lúc đó có ông Nguyễn Văn Thế đã chịu khó chép lại và truyền ra cho nhiều người biết. Tới giữa thế kỷ XX, tòa soạn báo Tông Đồ còn giữ được một bản sao nhưng cơn bão 1952 khiến tòa báo bị sập, tác phẩm bị ngập trong nước chỉ còn giữ được tập đầu (sách Sáng Thế, là bản Tạo Đoan Kinh đính kèm đây) và gần một nửa tập thứ hai (21 chương đầu sách Xuất Hành, được đặt tên là Lập Quốc Kinh).
Vị có công bảo tồn hai phần sót lại nói đây là học giả Hoàng Xuân Việt nay đã qua đời. Vị thứ hai là Giáo sư Nguyễn Văn Trung đã ôm ấp sang Canada. Năm 2000, quyển Tạo Đoan Kinh được ấn hành lần đầu tại Canada và cuối năm 2020 được Tủ sách Nước Mặn của Giáo phận Qui Nhơn tái bản mừng kỷ niệm 350 năm tác phẩm được biên soạn.
Cụ Nguyễn Văn Trung nay ngoài 90 tuổi. Bà Trung vừa qua đời trong tháng 12/2020. Vị giáo sư hiện rất yếu, không nhớ được 21 chương Lập Quốc Kinh được cất giữ ở đâu. Dù vậy cụ vẫn hy vọng, không riêng 21 chương này mà cả những phần khác của SẤM TRUYỀN CA vẫn còn tồn tại đâu đó. Trong một lá thư viết vào tháng 4/2002, cụ ngỏ lời mời gọi một số Tòa Giám mục liên quan, trong đó có Tòa Giám mục Qui Nhơn, huy động mọi người tìm kiếm. Lá thư chưa được gửi. Nó vẫn nằm trong đống tư liệu của một tòa soạn. Mãi cuối tháng 9/2020, qua những trao đổi để tái bản tập đầu của SẤM TRUYỀN CA, nhân viên tòa soạn tìm thấy lá thư và đã chia sẻ cho chúng tôi một bản sao. Phải chăng chỉ là tình cờ, hay một lần nữa ơn quan phòng của Thiên Chúa đang dẫn dắt để chúng ta lại được những phần bị thất lạc của một báu vật vô giá?
Tác phẩm SẤM TRUYỀN CA ra đời trước Truyện Kiều gần 150 năm, viết bằng thơ lục bát hồn nhiên, trong sáng, với phong cách hội nhập văn hóa cả về phong tục và triết học. Nó là một tác phẩm rất quý của nền văn học Việt Nam nói chung và của nền văn chương Công giáo nó riêng. Vì thế, nếu tìm lại được toàn văn tác phẩm thì hết sức quý.
Ước mong quý độc giả, Công giáo cũng như ngoài Công giáo, cùng quan tâm tìm kiếm để đưa ra ánh sáng những đóng góp quý giá của tiền nhân.
Cụ thể, nếu quý vị có cơ may biết được tác phẩm còn tồn tại đâu đó, hoặc nếu quý vị tìm thấy những bản chép tay, những bản in cổ, bằng quốc ngữ hoặc Hán Nôm mà trong nhà chưa đánh giá được,… xin vui lòng dùng điện thoại sao chụp lại (ít là một số trang đầu và một số trang cuối) gửi về Tòa Giám mục Qui Nhơn hoặc qua email <tusachnuocman@gmail.com>. Ban quản trị Tủ sách Nước Mặn sẽ nhờ người đọc để báo lại cho quý vị biết nội dung của tư liệu. Nếu đó là những tư liệu liên quan đến đời sống và lịch sử Dân Chúa, chúng tôi sẽ trao đổi với quý vị để cùng tìm cách bảo tồn.
Xin chân thành cảm tạ.
Qui Nhơn, ngày 12.01.2021
Lm. Trăng Thập Tự
Phụ trách Tủ sách Nước Mặn