Mc 1, 6b-11
"Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha".
"Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha".
Khi ấy, Gioan rao giảng rằng: "Có Đấng đến sau tôi, nhưng quyền lực hơn tôi, tôi không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Người. Phần tôi, tôi đã rửa anh em trong nước, nhưng Người, Người sẽ rửa anh em trong Thánh Thần."
Và đã xảy ra là trong những ngày đó, Chúa Giêsu từ Nadarét xứ Galilêa đến và chịu phép rửa bởi Gioan ở sông Giođan. Khi vừa lên khỏi nước, Người liền thấy trời mở ra, thấy Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Và có tiếng từ trời phán: "Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha".
Phụng vụ Giêsu chịu Phép rửa hôm nay chính thức khép lại thời gian Phụng vụ mùa Giáng sinh: thời gian của ánh sáng, ánh sáng của Đức Kitô chiếu dọi vào con người, vào chân trời của nhân loại, đã xua đi bóng đêm của sự dữ và ngu muội. Việc Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giordan đều được bốn tác giả Tin mừng nhắc tới, nhưng với cấp độ khác nhau. Đây là một trong những phần bài giảng của các thánh tông đồ, bởi vì nó là khởi đầu của toàn bộ những lời rao giảng và hành động mà các tông đồ phải làm chứng tá (xc. Cv 1,21-22; 10,37-41). Cộng đoàn các thánh tông đồ coi biến cố này rất quan trọng, bởi vì đây là lần đầu tiên mầu nhiệm Chúa Ba ngôi được mặc khải một cách minh bạch và đầy đủ, đồng thời đây cũng là biểu tượng báo trước toàn thể hoạt động bí tích, qua đó Chúa Cứu thế tác động nhằm đem lại ơn cứu rỗi cho nhân loại.
Các thánh sử không kể nhiều về thời thơ ấu của Chúa Giêsu, bởi vậy, chúng ta không biết nhiều về thời thơ ấu của Ngài ngoài biến cố giáng sinh và năm Chúa lên 12 tuổi, thời điểm đó Ngài khiến cho cha mẹ của mình phải lo lắng. Chắc chắn qua những đoạn trên chúng ta thấy rõ một trong những đặc điểm của Chúa Giêsu: Ngài là một đứa trẻ như bao đứa trẻ khác, được nuôi dưỡng và trưởng thành, nhưng đồng thời cũng rất đặc biệt. Chúng ta cũng thấy rõ điều này qua bài Tin mừng hôm nay: Chúa Giêsu đến sông Giordan để chịu phép rửa như bao người khác, Ngài cho thấy mình là một người trong chúng ta, nhưng cũng rất phi thường.
Tin mừng hôm nay tập trung vào ba điểm:
Trước hết liên quan đến Gioan Tẩy giả, người họ hàng với Chúa Giêsu, đồng thời cũng là vị tiên tri cuối cùng của Cựu ước. Hôm nay Chúa Giêsu đã gặp Gioan Tẩy giả để xin ông làm phép rửa, người mà Chúa đã gặp khi cả hai còn trong bụng mẹ. Vào thời điểm đó, Gioan đã rao giảng : “Có Đấng đến sau tôi, nhưng quyền lực hơn tôi, tôi không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Người. Phần tôi, tôi đã rửa anh em trong nước, nhưng Người, Người sẽ rửa anh em trong Thánh Thần."
Đoạn Tin mừng trên có nghĩa gì? Buộc dây giày là một cử chỉ của người hầu dành cho ông chủ. Gioan đã nhận mình không xứng đáng để cởi dây giày cho Chúa, nghĩa là Gioan tự nhận mình là người thấp bé, không bằng một tên hầu.
Thứ đến trong biến cố này, chúng ta tập trung vào một câu hỏi đơn giản: tại sao Chúa Giêsu lại chịu phép rửa? Nên nhớ rằng phép rửa của Gioan chỉ giúp mọi người thực hành việc ăn năn, một hành động mời gọi mọi người từ bỏ tội lỗi, quay về với Thiên Chúa. Trong khi Chúa Giêsu, Đấng vô tội, nhưng lại chịu phép rửa bởi Gioan, đâu là lý do để Ngài hành động như vậy? Rõ ràng Chúa Giêsu mang bản tính nhân loại nhưng Ngài là Thiên Chúa chắc chắn Ngài không cần phải làm như vậy.
Trong trường hợp này, thánh sử Marcô muốn nói với chúng ta điều gì đó về con người của Chúa Giêsu. Hành động của Ngài trong sự kiện này vượt ra khỏi những luận lý của nhân loại. Ở đời, những người có chức tước thường dành riêng cho mình những đặc quyền, không cần phải xếp hàng khi đi mua sắm, đi máy bay....; trái lại Chúa Giêsu, người có thể có được những điều trên, nhưng Ngài không làm thế.
Hành vi này chính là con đường của Nhập thể, của việc Thiên Chúa hạ mình từ nơi cao nhất tới vực thẳm của âm ty. Ý nghĩa của việc hạ mình của Thiên Chúa chỉ có thể được tổng hợp nơi một từ: Tình yêu, nghĩa là chính Danh Thánh của Thiên Chúa. Thánh Gioan tông đồ đã viết: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” và Ngài đã sai con của Ngài “đến làm của lễ đền tội, vì tội lỗi chúng ta” (1 Ga 4,9-10). Đây là lý do giải thích tại sao hành vi đầu tiên trong sứ vụ công khai của Đức Giêsu là đón nhận phép rửa của ông Gioan, người mà khi nhìn thấy Ngài đã nói: “Ðây là Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29).
Điểm cuối cùng là sứ mạng của Chúa Giêsu trong Ba Ngôi Thiên Chúa. “Khi vừa lên khỏi nước, Người liền thấy trời mở ra, thấy Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Và có tiếng từ trời phán: "Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha". Hôm nay Chúa Giêsu được Chúa Cha xức dầu Thần Khí để sai đi, và chứng thực Ngài là Con của Chúa Cha, là Ngôi Hai Thiên Chúa, Ngôi vị Thần linh, luôn kết hiệp với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Và kể từ lúc này Chúa Giêsu không trở về với mẹ của mình nữa mà bắt đầu đi khắp nơi để rao giảng Tin mừng về Nước Trời, về lòng thương xót của Thiên Chúa, cho nhân loại biết những gì Ngài biết được từ nơi Chúa Cha.
Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa đánh dấu một giai đoạn tuyệt vời của hành trình dấn thân vào lòng thế giới của Con Thiên Chúa. Trong hành trình này Chúa Giêsu dạy cho chúng ta bài học của sự khiêm nhường thực sự, luôn để mình được biến tan để thực thi thánh ý của Chúa Cha trong sức mạnh của Thánh Thần. Phép rửa của Chúa Giêsu cũng nhắc nhở đến phép rửa của mỗi người chúng ta: qua phép rửa chúng ta được trở nên con cái của Thiên Chúa nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần. “Thánh Thần, đã hoạt động từ lúc khởi đầu của việc sáng tạo vũ trụ, đã hướng dẫn Môsê, hướng dẫn dân chúng trong sa mạc giờ đây đã ngự xuống trọn vẹn nơi Chúa Giêsu, mang đến cho Ngài sức mạnh thực thi sứ mạng của mình cho thế gian. Thánh Thần là Đấng làm phép rửa cho Chúa Giêsu và cũng làm phép rửa cho chúng ta. Ngài mở đôi mắt tâm hồn của chúng ta cho chân lý, cho tất cả chân lý. Ngài thúc đẩy cuộc sống chúng ta trên con đường bác ái. Ngài là ân sủng mà Thiên Chúa Cha đã ban cho mỗi người trong chúng ta trong ngày chúng ta chịu phép rửa. Chúa Thánh Thần chuyển thông cho chúng ta sự dịu dàng của tình Chúa thứ tha. Và Thánh Thần còn làm vang lại Lời mạc khải của Cha “Con là con Cha” (c.11)” (ĐTC Phanxicô Angelus 07/01/2018).
Chúa nhật hôm nay mời gọi chúng ta bước ra khỏi chính mình để dấn thân cho một hành trình mới trong ơn gọi làm con Thiên Chúa nhờ bí tích mà chúng ta đã lãnh nhận. Chúng ta hãy khấn xin sự chở che của Mẹ Maria Rất Thánh, để tất cả chúng ta có thể hiểu biết thêm được ơn của Bí tích Rửa tội và cam kết sống bí tích với sự mạch lạc, bằng cách làm chứng cho tình yêu của Chúa Cha, Con và Thánh Thần.
G. Võ Tá Hoàng