Ngài là người mất trí ? - Mc 3, 20-21

Thứ Bảy tuần II Thường niên

“Khi ấy Chúa Giêsu cùng các môn đệ trở về nhà, và dân chúng đông đảo lại đổ xô tới, đến nỗi Người không dùng bữa được. Những thân nhân của Người hay tin đó, liền đi bắt Người, vì họ nói: "Người đã mất trí" (Mc 3, 20-21)


Chúa Giêsu hôm nay đã trở thành con người của công chúng. Một ngày làm việc của Ngài thật bận rộn, đến mức “Người không dùng bữa được”. Có thể nói, Con Thiên Chúa giờ đây đã ra khỏi cái tôi của mình, không còn sống cho chính mình mà tận tụy sống cho tha nhân. Hình ảnh trên cho thấy, bất cứ lúc nào đám đông dân chúng đổ xô đến thì Ngài sẵn sàng tiếp nhận và giúp đỡ. 

Những tiếng vang ấy dần tới tai giới lãnh đạo ở Giêrusalem và tới tai cả những người thân trong họ hàng. Những người anh em, bà con của Ngài cho Ngài là kẻ mất trí, nên họ tìm cách đưa Ngài trở về làng. 

Chúa có phải là người mất trí khi chọn dân tộc Israel, một dân tộc ngỗ nghịch, thích phản bội hơn trung thành, khởi đầu cho công trình cứu chuộc?

Chúa có phải là người mất trí khi chọn Đavít, một người trẻ không được cha mình yêu thích để làm vua một dân tộc, và là tổ phụ của Ngài?

Chúa có phải là người mất trí khi chọn các tông đồ, từ mọi thành phần, quê mùa, thất học để trở thành những "kẻ lưới người như lưới cá"?

Chúa có phải là người mất trí khi chọn Phaolô là người cầm vũ khí trên tay đi truy lùng và giết hại tất cả những ai bước theo Ngài?

Chúa có phải là người mất trí khi tiếp tục chọn Hội thánh, chọn những con người yếu đuối, thích nuông chiều theo sự cám dỗ của ma quỉ, để làm chứng cho Ngài giữa cuộc đời này?

Và Chúa có phải là người mất trí khi chọn thế gian này để sinh ra, chọn cuộc sống lang bạt, chọn đau khổ,  miệt thị, chê cười, chọn thập giá để chết cho con người của muôn thế hệ?

Chắc chắn là không. Bởi "những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh; những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ diệt những gì hiện có" (1Cor 1, 27-28).

Trước thái độ của những người thân, coi "Người đã mất trí", thánh sử Marcô sẽ cho chúng ta thấy rõ hơn thái độ của Chúa Giêsu khi trả lời với Mẹ của mình. Đây là lúc Chúa Giêsu sẽ có thái độ với họ hàng ruột thịt của mình. Ngài sẽ bước một bước mạnh hơn, từ rẫy những liên hệ máu mủ tự nhiên để gắn bó với một gia đình mới gồm những kẻ tin Ngài. Từ ít lâu nay, nhà của Ngài chẳng còn phải là "căn nhà Nazareth" hoặc nhà những người bà con nữa, mà là nhà của Phêrô - thầy trò cùng nhau về căn nhà ấy sau những chuyến ra đi hoạt động, như đoạn Tin Mừng vừa ghi chú. Những hành vi ấy của Ngài đều là những yếu tố kết dệt nên cuộc Vượt qua của Ngài, cuộc ra khỏi thế gian, chết cho thế gian để bước vào cõi trời. 

Chính cuộc ra khỏi thế gian ấy đã làm cho Ngài trở nên vị Thượng tế cao cả và đã mang lại ơn cứu rỗi cho chúng ta. “Ngài là vị thượng tế của mọi tốt lành tương lai” (Bđ 1). Ngài là vị Thượng tế đã thực hiện cuộc Vượt qua siêu vời, không phải chỉ là bước qua bức màn để vào nhà tạm ở gian thứ nhất hay là gian cực thánh của đền thờ Giêruslem, nhưng là bước ra khỏi thế gian để đến cùng Thiên Chúa qua việc chết cho con người xác thịt. 

Hôm nay Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta nối gót Ngài trong cuộc Vượt qua cứu rỗi ấy. Ơn phúc của Ngài do thánh lễ mỗi ngày chính là phương thế Ngài muốn ta nhận lấy để ta ngày càng giết chết những gì là xác thịt và trần tục nơi ta, hầu ta được đến gần ngưỡng cửa thánh điện cõi trời và phần rỗi đời đời của chúng ta. 

Đại bàng và gà con 

“Ngày xưa, có một ngọn núi lớn, bên sườn núi có một tổ chim đại bàng. Trong tổ có bốn quả trứng lớn. Một trận động đất xảy ra làm rung chuyển ngọn núi, một quả trứng đại bàng lăn xuống và rơi vào một trại gà dưới chân núi. Một con gà mái tình nguyện ấp quả trứng lớn ấy. 

Một ngày kia, trứng nở ra một chú đại bàng con xinh đẹp, nhưng buồn thay chú chim nhỏ được nuôi lớn như một con gà. Chẳng bao lâu sau, đại bàng cũng tin nó chỉ là một con gà không hơn không kém. Đại bàng yêu gia đình và ngôi nhà đang sống, nhưng tâm hồn nó vẫn khao khát một điều gì đó cao xa hơn. Cho đến một ngày, trong khi đang chơi đùa trong sân, đại bàng nhìn lên trời và thấy những chú chim đại bàng đang sải cánh bay cao giữa bầu trời. 

"Ồ - đại bàng kêu lên - Ước gì tôi có thể bay như những con chim đó". 

Bầy gà cười ầm lên: "Anh không thể bay với những con chim đó được. Anh là một con gà và gà không biết bay cao". 

Đại bàng tiếp tục ngước nhìn gia đình thật sự của nó, mơ ước có thể bay cao cùng họ. Mỗi lần đại bàng nói ra mơ ước của mình, bầy gà lại bảo nó điều đó không thể xảy ra. Cuối cùng đại bàng cũng tin điều đó là thật. Rồi đại bàng không mơ ước nữa và tiếp tục sống như một con gà. Cuối cùng, sau một thời gian dài sống làm gà, đại bàng chết.” 

Hình ảnh chú đại bàng trong câu chuyện trên chính là đại diện cho mỗi chúng ta khi đối diện với những thử thách trong cuộc sống. Rõ ràng đại bàng có thể bay nhưng vì những lời xì xào bàn tán của những con gà kia và vì không tin vào chính mình nên đại bàng đã phải sống trong cuộc đời của một con gà. 

Mỗi con người khi sinh ra đều là những chú đại bàng, nhưng chỉ một số ít sống trọn cuộc đời của đại bàng, còn hầu hết mọi người đều an phận làm một chú gà. Đó là vì bạn đã tin rằng bạn chỉ là một người tầm thường và bạn sẽ sống một cuộc đời vô vị như chính bạn đã tin. 

G. Võ Tá Hoàng
Mới hơn Cũ hơn