Bạn đã yêu mến Chúa như thế nào - Mc 3, 7-12

Thứ Năm tuần II thường niên 

Mc 3, 7-12 

Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ lui về bờ biển, đám đông từ Galilêa theo Người, và từ Giuđêa, Giêrusalem, Iđumê, bên kia sông Giođan, miền Tyrô và Siđon, nhiều kẻ đến cùng Người, khi nghe biết tất cả những việc Người đã làm. Vì đông dân chúng, nên Người bảo các môn đệ liệu cho Người một chiếc thuyền, kẻo họ chen lấn Người. Vì chưng, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, nên bất cứ ai mắc bệnh tật gì đều đến gần để động đến Người. Và những thần ô uế vừa thấy Người, liền sụp lạy và kêu lên rằng: "Ngài là Con Thiên Chúa", nhưng Người nghiêm cấm chúng không được tiết lộ gì về Người.


Thật tuyệt vời khi suy gẫm về lòng yêu mến của rất nhiều người dành cho Chúa Giêsu. Trong đoạn Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu bảo các môn đệ của mình chuẩn bị một chiếc thuyền để đám đông khỏi chen lấn Ngài. Vì Ngài đã chữa lành nhiều bệnh nhân, và vì thế đám đông hiếu kỳ càng chạy đến với Ngài để được chạm vào Ngài và được chữa lành.

Cảnh tượng này cung cấp cho chúng ta một minh họa về những gì đã xảy ra bên trong đời sống nội tâm của mình đối với Chúa. Có thể nói dân chúng đã nhất tâm sùng mến Chúa và lòng thiết tha khao khát Chúa nằm trong con tim của họ. Có thể nói khao khát đó phần nào được thúc đẩy bởi sự ích kỷ cá nhân, là mong muốn mình được chữa lành về bệnh tật thể lý cho mình và cho người thân của họ, nhưng dù sao, sự lôi cuốn của Chúa Giêsu đối với họ là có thật và rất mạnh mẽ, để rồi họ chỉ tập trung vào Ngài mà thôi.

Việc Chúa Giêsu chọn cách xuống thuyền và cách xa đám đông một chút là một hành động yêu thương. Tại sao vậy? Bởi vì hành động này cho phép Chúa giúp họ tập trung vào sứ mạng sâu xa hơn của Ngài. Mặc dù Chúa đã làm phép lạ vì lòng từ bi và để biểu lộ quyền năng tối cao của Ngài, trọng tâm chính vẫn là mời gọi họ và dẫn dắt họ đến với chân lý đầy đủ của sứ điệp mà Ngài rao giảng. Vì vậy, bằng cách tách mình ra khỏi họ, họ được mời lắng nghe Lời Ngài hơn là chỉ chạm vào Ngài vì phép lạ chữa lành thể chất. Đối với Chúa Giêsu, đời sống thiêng liêng trọn vẹn mà Ngài muốn ban cho dân chúng có ý nghĩa lớn hơn nhiều so với bất kỳ sự chữa lành về thể xác nào.

Trong cuộc sống của chúng ta, lắm khi chúng ta đến với Chúa trong thánh lễ chỉ để nghe cha giảng, nghe ca đoàn hát hay tìm kiếm một thứ gì đó để thỏa mãn giác quan hơn là tìm kiếm đời sống nội tâm sâu xa, trong cuộc gặp gỡ thiêng liêng với Chúa.

Tương tự, thường chúng ta đi tìm cái gì đó chỉ đáp ứng cho điều chúng ta muốn: cơm áo gạo tiền mà quên rằng nếu không có Thiên Chúa tạo thành chắc chắn những điều chúng ta cần đó chỉ là con số không.

Ngày hôm nay chúng ta cùng suy gẫm về lòng yêu mến của chúng ta dành cho Chúa như thế nào. Thiên Chúa không ở nơi những nhu cầu vật chất, bởi mọi thứ sẽ biến tan dưới ánh mặt trời. Thiên Chúa ở trong sâu thẳm của con tim, chúng ta chỉ gặp được Ngài khi biết mở lòng để đón nhận. Bình an là khi ta gặp được Chúa trong tâm hồn mình. 

Câu chuyện tìm kim 

Nỗi đau khổ duy nhất của con người là mãi nhìn ra ngoài, mong đợi và kiếm tìm. Làm sao ta có thể tìm được cái gì đó bên ngoài, bởi đơn giản là nó không có ở đó. 

Một chiều nọ, Rabiya – nhà thần bí thuộc giáo phái Sufi nổi tiếng – đang tìm một cái gì đó trên con đường phía trước túp lều nhỏ của bà. 

Mặt trời đang chầm chậm di chuyển xuống phía sau đường chân trời. Bóng tối mỗi lúc thêm dày đặc. Một vài người tụ tập gần đó. Họ hỏi bà: "Bà đang tìm gì vậy? Bà đánh rơi vật gì à?". 

Bà trả lời: "Tôi đánh mất cây kim". 

Một trong số họ nói tiếp: "Bây giờ mặt trời đang xuống, tìm một cây kim rất khó. Chúng tôi sẽ giúp bà. Chính xác là cây kim bị rơi ở chỗ nào? Con đường thì lớn mà cây kim rất nhỏ. Nếu biết chính xác nó rơi ở đâu, chúng tôi sẽ tìm rất nhanh". 

Rabiya nói: "Tốt hơn hết là các bạn đừng hỏi tôi câu đó, vì cây kim bị rơi trong nhà chứ không phải rơi ngoài đường". 

Mọi người bắt đầu cười phá lên. Họ nói với bà: "Tôi quả quyết rằng bà không bình thường! Nếu cây kim rơi trong nhà, sao bà lại có thể tìm nó ở ngoài đường chứ?". 

Rabiya trả lời: "Chỉ là logic thôi, rất đơn giản: trong nhà không có ánh sáng, trong khi bên ngoài thì vẫn còn trông thấy được chút ít". 

Mọi người lại cười và bắt đầu giải tán. Rabiya gọi họ lại và nói: "Các bạn hãy nghe đây! Chuyện tìm cây kim của tôi cũng chính là những gì mà các bạn đang làm; tôi chỉ đưa ra một ví dụ vậy thôi. Các bạn tìm kiếm niềm vui bình an ở thế giới bên ngoài mà không đặt câu hỏi quan trọng và đầu tiên là: Bạn đã đánh mất nó ở đâu? Tôi nói rằng các bạn đã đánh mất nó từ bên trong. 

Các bạn cố gắng tìm kiếm nó ở bên ngoài vì theo suy luận thông thường là mọi cảm giác của bạn đều hướng ra bên ngoài chỉ vì nơi đó vẫn còn ánh sáng. Đôi mắt của bạn nhìn ra bên ngoài, đôi tai của bạn nghe ngóng âm thanh bên ngoài, bàn tay của bạn nắm lấy những cái ngoài bản thân bạn; đó là lý do tại sao bạn cứ vướng phải những cái nằm ngoài nội tâm mình. 

Ngược lại, bằng những trải nghiệm cá nhân, tôi nói thật, bạn có đánh mất cái gì ở bên ngoài mình đâu? Tôi cũng từng tìm kiếm mọi thứ ở bên ngoài rất nhiều; một ngày kia, tôi sửng sốt nhìn sâu vào nội tâm của mình. Không cần phải mong cầu điều gì cả; bản ngã thực sự luôn ngự trị bên trong con người chúng ta". 

Niềm an lạc nằm tận đáy tâm hồn ta. Rất có thể ta xin được khoái lạc ở người khác và trở thành nô lệ của họ. Trong khi đó, sự an định giúp ta làm chủ chính mình. An lạc không phải là cái xảy ra cho ta, mà là cái ta đã có từ lâu. 

Tìm kiếm khoái lạc khiến bạn đánh mất sự trong sáng của mình; đánh mất cái tâm trong sáng là đánh mất tất cả. Chúa Giêsu nói: Hãy nên như trẻ thơ để được vào Nước Trời. Ngài đã đúng. 

Những ai thích tìm khoái lạc thì không bao giờ giữ được bản tính ngây thơ cả. Anh ta phải rất tinh ranh, xảo quyệt, thủ đoạn chỉ vì nhất quyết phải thắng trong cuộc đấu tranh sinh tồn với thế giới xung quanh. Mỗi người đều hòa đồng với người khác, trong khi ta lại không hề sống giữa những người bạn. Thế giới không thể hòa hợp nếu chúng ta không từ bỏ ý tưởng đấu tranh này. 

Bất cứ điều gì mà bạn sở hữu được từ thế giới này đồng nghĩa với việc bạn lấy đi cơ hội của người khác; nó được đổi bằng giá trị lạc thú của người khác. Điều đó quá rõ ràng. Nếu bạn thực sự không muốn gây thù chuốc oán với bất kỳ ai trên thế giới, hãy từ bỏ ý định sở hữu cái gì đó. 

Hãy tận dụng mọi thứ xảy ra với bạn trong khoảnh khắc sống này, nhưng đừng cố sở hữu nó. Đừng khư khư tuyên bố rằng nó là của riêng bạn. Không có gì là của bạn cả, tất cả đều thuộc về đời sống bao la.
Mới hơn Cũ hơn