Tản mạn về khía cạnh đạo đức của truyện Kiều

Cảo thơm lần giở trước đèn,
Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh.

Những lúc nhàn rỗi không có gì thú vị bằng được đọc một cuốn truyện hay, nghe ai đó ngâm lên một bài thơ lãng mạn bên tách trà nóng thơm ngon, hay cùng một vài người bạn ngắm hoa quỳnh khoe hương, khoe sắc trong một buổi sáng tinh sương, cái hạnh phúc nó rất đơn giản mà làm lòng người như dịu lại tưởng như mình đang trong một giấc kê vàng.

Tôi say mê truyện Kiều. Ngay từ thuở nhỏ, mỗi lần đọc lại thấy cái hay, cái lạ khác nhau, từ kết cấu câu chuyện, đến cách tả tình, tả cảnh, tả người của cụ Tố Như thật tuyệt vời. Đó là cả một công trình nghệ thuật toàn hảo, ý nghĩa đậm đà, xếp đặt khéo léo, thi vị, mang đầy mầu sắc dân tộc. Không phải ba trăm năm mà cả ngàn năm sau cũng không ai sánh kịp, cũng chẳng phải:

Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.

Tôi nghĩ, cả ngàn năm sau Đoạn Trường Tân Thanh vẫn là quốc hồn quốc túy của dân tộc Việt Nam. Tố Như sừng sững như một cây cổ thụ trong văn học sử, chả thế mà cụ Phạm Quỳnh đã phải thốt ra: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn nước ta còn”.


(Tranh của họa sĩ Mai Trung Thứ)

Từ khi truyện Kiều lưu truyền trong dân gian cho tới nay, người khen truyện Kiều có rất nhiều, truyện Kiều đã được phiên dịch ra hàng chục thứ ngoại ngữ và nhiều người ngoại quốc thán phục. Hơn thế nữa truyện Kiều cũng được mang vào giảng dậy trong chương trình trung học và đại học tại Việt Nam.

Truyện Kiều còn được phổ biến rộng rãi trong giới học giả cũng như bình dân, người ta bói Kiều, lẩy Kiều. Những nhân vật trong truyện Kiều được quần chúng hóa trong đời sống hàng ngày như Tú bà, Sở Khanh, Hoạn Thư.

Cụ Phạm Quí Thích sau khi đọc xong Đoạn Trường Tân Thanh đã phải thốt ra:

Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy,
Tân Thanh đáo để vị thùy thương.


Tài tình mối lụy muôn đời,
Tân Thanh khúc ấy vì ai đau lòng.

Có nhiều người còn cho rằng truyện Kiều là quốc hồn, quốc túy, thánh kinh, hiền truyện của nền văn học Việt Nam. Hơn thế nữa, đứng về phương diện văn chương, nghệ thuật, trong một chừng mực nào đó, truyện Kiều là một kiệt tác trong văn học sử Việt Nam không ai có thể chối cãi được.

Nhưng đứng về phương diện đạo đức, luân lý, truyện Kiều đã từ lâu bị nhiều người chê bai, bỉu mỏ, chẳng qua đây chỉ là một thứ… dâm thư (!) không hơn không kém:

Đàn ông chớ đọc Phan Trần,
Đàn bà chớ đọc Thúy Vân, Thúy Kiều.

Quan niệm đạo đức của các cụ ta ngày xưa rất khe khắt. Đàn bà con gái có một số truyện dâm tình lãng mạn, hoặc gợi cảm, khiêu khích bị cấm đọc đã đành. Đàn ông cũng bị cấm những truyện tình ủy mị, nhu nhược ảnh hưởng tới chí nam nhi:

Làm trai cho đáng nên trai,
Xuống Đông, Đông tĩnh, lên Đoài, Đoài yên.

Truyện Phan Trần là một trong những chuyện các cụ cấm không cho đàn ông đọc vì chàng Phan Sinh chỉ vì quá yêu nàng Trần Kiều Liên mà sinh ra ốm tương tư rồi toan bề tự vận. Làm trai không thể yếu đuối, ươn hèn như vậy!!

Chê bai truyện Kiều trong dòng văn học Việt Nam hàng chục năm qua không phải là truyện mới lạ, phe khen truyện Kiều dù có nhiều bao nhiêu đi chăng nữa thì phe chê truyện Kiều cũng không phải là ít, bên tám lạng, bên nửa cân. Trong phạm vi bài này chúng tôi không phê bình hoặc chê bai truyện Kiều, chỉ xin được tản mạn vài dòng về khía cạnh Đạo Đức của Đoạn Trường Tân Thanh (không dám lạm bàn về khía cạnh văn chương, hay giá trị văn học của một tác phẩm đã được hàng triệu triệu người nâng niu như một viên ngọc quý.)

Ngay như các cụ thời xưa mặc dù xuất thân từ Nho học nhưng đã bị ảnh hưởng nhiều của Tây học cũng vẫn chê bai truyện Kiều về phương diện luân lý, đạo đức. Điển hình là các cụ Ngô Đức Kế, cụ Huỳnh Thúc Kháng và sau này có nhà văn tân học như Thạch Lam.

Chúng ta hãy xét thử những điều đáng trách về truyện Kiều:

1. Truyện Kiều xây dựng một xã hội thối nát

Có thể có người cho rằng tôi nói hơi quá hoặc phóng đại một sự thật để chê bai một đại tác phẩm đã được nhiều người ưa thích, tuy nhiên sự thật vẫn là sự thật, không ai có thể chối cãi được. Mặc dù gia đình Vương Viên Ngoại sống trong một đất nước đang trong thời buổi thanh bình, thịnh trị:

Rằng năm Gia Tĩnh, triều Minh,
Bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng.

Nhưng xã hội đầy rẫy những tệ đoan, phong kiến, thối nát, lừa đảo, vu oan giá họa. Trường hợp Vương gia bị thằng bán tơ vu oan mà không có luật pháp nào che chở hoặc minh oan là một bằng chứng của một xã hội mà luật pháp đã bị đồng tiền mua đứt:

Một ngày là thói sai nha,
Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền.

Trường hợp nàng Kiều bán mình chuộc cha là trường hợp đạo đức, luân lý bị suy đồi. Có nhiều cách để kiếm ra tiền chuộc cha, mà cách bán mình chỉ là… hạ sách! Trong một xã hội văn minh, hay một xã hội mà những quyền căn bản của người dân được tôn trọng, những tệ đoan như mê tín, trộm cắp, mãi dâm, cửa quyền, hối lộ, cờ bạc, rượu chè… phải được trừ khử, phải được đặt ra ngoài vòng pháp luật, không thể đâu đâu cũng nhan nhản những ổ điếm, những băng đảng trộm cắp, những tên giặc bể hoành hành, quấy nhiễu dân chúng như… Từ Hải!

Nếu cụ Nguyễn Du thực sự muốn tìm một cái cớ để cho nàng Kiều đi lưu lạc trong mười lăm năm, nếu cụ chỉ muốn tìm một cái “cớ” để chứng minh thuyết tài mệnh tương đố thì còn nhiều “cớ” khác hay hơn là “cớ” bán mình! Chỉ làm gương xấu cho các thiếu nữ thời sau, nhất là những thiếu nữ con nhà nghèo gặp lúc túng quẫn:

– Đấy Vương Thúy Kiều đẹp tuyệt trần như vậy, con nhà trâm anh thế phiệt như vậy, tài hoa như vậy, mà khi cần tiền còn “dám” bán mình, thì tại sao mình không làm được!

Có nhiều nhà phê bình còn bênh vực cho hành động bán mình của nàng Kiều để lấy tiền chuộc cha là một sự “hy sinh cao cả” thì thật sự ngoài sự hiểu biết và phán đoán của tôi, tôi xin… miễn bàn!

Nếu Kiều đã bán mình được thì chắc chắn đây không phải là trường hợp đầu tiên và duy nhất trong xã hội triều Minh lúc bấy giờ (hoặc xã hội Việt Nam ngày nay). Trước Kiều và sau Kiều đã có và sẽ có hàng ngàn nàng Kiều khác đang ngụp lặn trong giới giang hồ, mỗi người đều có một cái “cớ” khác nhau để bào chữa, để che đậy cho chính mình: “Tại vì thế này, tại vì thế kia” mà tôi phải bán mình, nếu không bây giờ tôi đã học hành xong xuôi, lấy được tấm chồng đàng hoàng làm bà này, bà nọ.

Viện cớ rằng tuy Kiều là một gái làng chơi nhưng luôn luôn lúc nào nàng cũng nhớ tới cha mẹ, em trai, em gái và nhất là mối tình đầu với chàng Kim Trọng (chứng tỏ Kiều chung tình), thì thật ra Kiều cũng chỉ là con người đa sầu đa cảm như bao nhiêu người con gái thường tình khác khi đi xa thì nhớ gia đình, nhớ người tình, đó là một chuyện bình thường, không thể vin vào điểm đó để luận về sự “chung thủy” của Kiều.

Có nhiều người vì say mê truyện Kiều còn bàn rằng tuy về thể xác Kiều thực sự dơ bẩn nhưng chữ “trinh” về tinh thần nàng vẫn vẹn toàn. Trường phái này quá… tự do, ngoài sự hiểu biết của tôi, tôi cũng xin… miễn bàn!

2. Truyện Kiều đi trái ngược với phong tục tập quán của người Việt.

Khi xét một tác phẩm ta phải tự đặt ta vào không gian và thời gian mà tác giả sống và viết tác phẩm đó. Cụ Nguyễn Du sinh năm 1765 tức là năm thứ 28 niên hiệu Cảnh Hưng tại làng Tiên Điền tỉnh Hà Tĩnh đời nhà Lê, và cụ mất năm 1820 đời Minh Mạng, hưởng thọ 55 tuổi. Kim Vân Kiều sống vào năm Gia Tĩnh triều Minh tức là năm 1522.

Phong tục tập quán của ta (hay của Tầu) thời ấy rất nghiêm khắc, con gái phải nghe theo lời cha mẹ, trong tình yêu cũng như trong việc cưới hỏi, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, con gái không thể tự ý muốn yêu ai thì yêu, lấy ai thì lấy, nửa đêm không thể tự ý sang nhà con trai tình tứ, đàn địch, ca hát.

Vậy mà Kim Vân Kiều sang nhà Kim Trọng trong lúc cha mẹ vắng nhà:

Lần theo núi giả đi vòng,
Cuối tường dường có nẻo thông mới rào.
Xắn tay mở khóa động Đào,
Rẽ mây trông tỏ lối vào Thiên Thai.

Đây là một trường hợp bại hoại gia phong không thể nào tha thứ được từ xã hội ngày xưa cho đến xã hội ngày nay. Có nhiều người phóng khoáng hơn, “tân học” hơn cho rằng xã hội ngày nay có thể chấp nhận được, điều đó chưa chắc đã đúng cho lắm, còn tùy nền tảng giáo dục và quan niệm của từng cá nhân.

3. Trong truyện Kiều có nhiều cảnh quá…

Cho dù bào chữa, bênh vực bằng cách nào đi chăng nữa, dù cho cụ Tiên Điền có cố gắng dùng lời thơ nhẹ nhàng, bóng bẩy, thanh thoát, tao nhã cách nào đi chăng nữa, những cảnh này cũng vẫn quá… lồ lộ, không thể không chê trách cho được.

3.1. Cảnh thương lượng giá cả để bán Kiều

Cò kè bớt một thêm hai,
Giờ lâu ngã giá, vàng ngoài bốn trăm.

Nếu dùng ngôn từ của ngày hôm nay thì đây thực sự là vấn đề nhân quyền và nhân phẩm, con người không thể là con vật, hoặc đồ vật để có thể mang ra mặc cả, định giá, “cò kè bớt một thêm hai” như vậy. Trong một xã hội văn minh nhân phẩm con người hay nói một cách khác nhân phẩm phụ nữ phải được tôn trọng, không thể vì cần tiền thì đem rao bán như một… con vật!

3.2. Cảnh động phòng hoa chúc giữa Kim Vân Kiều và Mã Giám Sinh

Tiếc thay một đóa trà mi,
Con ong đã tỏ đường đi lối về.
Một cơn mưa gió nặng nề,
Thương gì đến ngọc, tiếc gì đến hương.


Đêm xuân một giấc mơ màng,
Đuốc hoa để đó mặc nàng nằm trơ.
Nỗi riêng tầm tã tuôn mưa,
Phần căm nỗi khách, phần dơ nỗi mình.

Tám câu trên mặc dù đã được cụ Tiên Điền diễn tả một cách khéo léo, kín đáo, nhưng không giấu được sự thật phũ phàng của một người con gái tuyết sạch giá trong bị kẻ phàm phu dày vò “dập liễu, vùi hoa” để chính nàng Kiều cũng cảm thấy đã sa lầy vào vũng bùn nhơ nhuốc, căm thù kẻ vũ phu. Một khi “con ong đã tỏ đường đi lối về” thì còn gì để tiếc thương nữa. Sau khi họ Mã đã thỏa mãn thú tính để “mặc nàng nằm trơ” giữa những ê chề, đớn đau, tủi hận, tiếc thương của đời người con gái.

3.3. Đoạn tả Thúy Kiều tắm

Buồng the phải buổi thong dong,
Thang lan rủ bức trướng hồng tắm hoa.
Rõ ràng trong ngọc trắng ngà,
Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên.

Tả một người con gái đang tắm như vậy, hơn nữa, cụ Tiên Điền còn cho Thúc Sinh đứng ngay đó để chứng kiến thân hình trần truồng của Kiều:

Sinh càng tỏ nét, càng khen,
Ngụ tình tay thảo một thiên luật Đường.

Lần đầu tiên tôi thấy trong văn học một người con trai làm thơ tả cảnh người yêu đang… tắm! Bài thơ Đường luật tả cảnh người yêu đang tắm của Thúc Sinh có một không hai trong văn học sử, tôi may mắn được đọc nhiều bài thơ Đường luật nổi tiếng của các cụ ta cũng như của các nhà thơ nổi tiếng đời Đường bên Trung Hoa nhưng chưa hề có bài nào lạ lùng đến như vậy, đã thế chàng còn đưa cho Kiều để xin nàng họa lại:

Lòng còn gởi áng mây Hàng,
Họa vần xin hãy chịu chàng hôm nay.

May quá bài thơ bất hủ này không được cụ Tiên Điền chép ra. Nếu bị đọc tôi cũng xin… miễn bàn!

4. Vinh danh một tên hảo hán giang hồ thành một anh hùng

Đường đường một đấng anh hào,
Côn quyền hơn sức lược thao gồm tài.
Đội trời, đạp đất, ở đời,
Họ Từ, tên Hải, vốn người Việt Đông.
Giang hồ quen thói vẫy vùng…

Luận bàn về hai chữ anh hùng thật là khó khăn và nhiêu khê, nhưng chắc chắn người anh hùng không thể là một tên… giặc bể như Từ Hải, đã gọi là “giặc” thì không thể nào là “anh hùng” theo đúng nghĩa của nó. Như vậy những tên hải tặc nào có một chút võ nghệ, làm được dăm ba bài thơ, mưu mẹo, khuấy động biển đông, cướp của, giết người cũng là “anh hùng” được sao???

Đâu có thể nào một tên giặc bể:

Huyện thành đạp đổ năm thành cõi Nam
Binh uy từ đấy sấm ran trong ngoài…

Được vinh danh là… Anh Hùng! Mặc dù hắn được ca tụng là người hào hoa phong nhã, văn hay chữ tốt, oai phong lẫm liệt, gì gì đi chăng nữa giặc bể vẫn là… Giặc Bể!!! (Xem bài: Từ Hải đời thật qua sách Trù Hải Ðồ Biên của Hồ Tôn Hiến)

5. Sĩ phu là những bọn giả đạo đức

Hồ Tôn Hiến chỉ là một trường hợp điển hình của một giai cấp quan lại đạo đức giả, bầy mưu nghĩ kế để dụ Từ Hải ra hàng rồi không giữ lời hứa đem Từ Hải giết. Họ Hồ thành công phần lớn nhờ Kiều, thế mà sau khi Từ Hải chết họ Hồ không cho Kiều về quê như đã hứa mà còn bắt Kiều hầu rượu, đánh đàn, vui chơi thỏa thích, sau đó đem gả Kiều cho thổ quan làm Kiều cay đắng nhẩy xuống sông Tiền Đường tự tử:

Thôi thì một thác cho rồi,
Tấm lòng phó mặc trên trời, dưới sông.
Trông vời con nước mênh mông,
Đem mình gieo xuống giữa giòng tràng giang.

Làm quan là thay mặt triều đình đem tài đức ra trị vì thiên hạ, không thể chỉ vì những thứ vui chơi nhục dục mà quên đi đạo đức làm người, phép trị dân chúng!

6. Xây dựng mẫu người có học nhưng hiếu sắc, sợ vợ

Thúc Sinh một mẫu người trai có ăn học:

Khách du bỗng có một người,
Kỳ Tâm họ Thúc, cũng nòi thư hương.

Nhưng rất hiếu sắc, gặp gái đẹp như Kiều, chàng bị chết mê, chết mệt, không còn biết trời đất là gì, say mê gái đẹp quên cả trở về nhà với gia đình:

Sinh càng một tỉnh mười mê,
Ngày xuân lắm lúc quên về với xuân.


Thúy Kiều chờ Thúc Sinh về nhà sắp xếp, nhưng Thúc Sinh lại không nghe lời Kiều để công khai chuyện muốn nhận vợ bé. (Tranh của nữ họa sĩ Ngọc Mai)

Đã mê gái lại còn sợ vợ là nỗi khổ suốt đời của chàng trai họ Thúc, để rồi Kiều cũng như Thúc sinh đều rơi vào cạm bẫy của Hoạn Thư, trong hoàn cảnh éo le, bất lực, yếu đuối, chàng khuyên Kiều đi trốn:

Liệu mà xa chạy cao bay,
Ái ân ta có ngần này ấy thôi.

Nghe qua đau đớn, não nùng làm sao! Thúc Sinh mặc dù có học nhưng chẳng qua cũng là kẻ… bạc tình!

7. Kim Trọng không thể là một thanh niên lý tưởng của xã hội

Xã hội Việt Nam cũng như xã hội Trung Hoa thời xưa trọng Nho giáo, Khổng giáo, làm trai phải có đạo đức, sống có lý tưởng trong khuôn khổ luân thường, đạo lý. Làm trai không thể mềm yếu vì tình cảm, rên siết, ủy mị như Lương sinh trong truyện “Hoa Tiên” hoặc Phan sinh trong truyện “Phan Trần”, mẫu người lý tưởng của xã hội phải là:

Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt,
Xếp bút nghiên theo việc kiếm cung.

Không thể là một người mới gặp Kiều lần đầu đã si mê, vương vấn, tương tư, ốm o gầy mòn :


Bâng khuâng nhớ cảnh nhớ người,
Nhớ nơi kỳ ngộ vội dời chân di.

(Xem thêm về tật xấu của Kim Trọng trong bài: Về sự bất thường của những nhân vật trong truyện Kiều)

8. Vương Thúy Kiều

Đây là một mẫu người tài hoa, đa tình, đa cảm, yếu đuối, đôi khi có những tư tưởng, hành động không phù hợp với luân lý, đạo đức, để khổ lụy suốt mười lăm năm. Nhân vật chính trong Đoạn Trường Tân Thanh là người đẹp Vương Thúy Kiều, nàng là nguồn gốc của những lời khen tiếng chê làm tốn biết bao giấy mực từ xưa đến nay.


8.1. Vương Thúy Kiều là kẻ không chung tình

Nhiều nhà phê bình cho rằng Kiều là một kẻ chung tình, suốt mười lăm năm lưu lạc lúc nào cũng nhớ tới mối tình đầu với Kim Trọng. Thực sự không đúng như vậy, là một gái giang hồ trong suốt mười lăm năm ngoài những cuộc vui chơi thâu đêm suốt sáng do “nghề nghiệp” bắt buộc với hàng trăm, hàng ngàn người đàn ông khác nhau ta không thể trách nàng được, nhưng sự dính líu, gắn bó, ước hẹn về tình cảm của nàng với Thúc Sinh rồi Từ Hải trong lúc vắng mặt Kim Trọng là điều không thể chấp nhận. Không thể nói nàng là người chung tình được, đâu đó mầm mống phản bội đã có trong đầu óc nàng để chờ cơ hội thực hiện! Ta hãy xem sự mong mỏi của nàng khi ước ao ngày sum họp lâu dài, bền vững với Thúc Sinh:

Sắn bìm chút phận con con,
Khuôn duyên biết có vuông tròn cho chăng?

Hoặc trong khi Từ Hải vùng vẫy ở phương xa, Kiều ở nhà phòng không gối chiếc muôn vàn mong đợi tên giặc bể trở về:

Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm.

Mầm mống phản bội cũng có ở trong Kim Trọng, sau mười lăm năm lưu lạc, khi Kiều trở về, Kim Trọng đã có ý định ruồng bỏ cô em (Thúy Vân) để trở về với cô chị (Thúy Kiều). May mà Kiều không bằng lòng. Nếu giả sử Kiều bằng lòng thì chắc chắn sẽ có thảm kịch cho mối tình tay ba (Thúy Kiều, Kim Trọng, Thúy Vân) .

Theo cụ Ngô Đức Kế và cụ Huỳnh Thúc Kháng: “Nàng Kiều chỉ là một ‘con đĩ’, nàng Kiều không chung tình với Kim Trọng, câu nói ‘chữ trinh còn một chút này’ của nàng đối với chàng, rốt cục chỉ là một sự mỉa mai, một điều vô liêm sỉ.” Các cụ không nhìn nhận cho nàng một chữ trinh nào dù là “trinh tinh thần” cũng vậy! (Nguyễn Du và Truyện Kiều – Nhà xuất bản Thế Giới 1951 trang 179-186)

8.2. Kiều nói dối và “cầm nhầm” chuông khánh:

Tiểu thiền quê ở Bắc Kinh,
Qui sư, qui Phật, tu hành bấy lâu.

Bởi vì Hoạn Thư quá ghen nên Kiều phải bỏ Thúc Sinh đi trốn, khi gặp vãi Giác Duyên nàng không những nói dối về thân phận mình mà còn:

Rày vâng diện kiến rành rành,
Chuông vàng, khánh bạc bên mình giở ra.

Để rồi bị khám phá là đồ ăn cắp:

Giở đồ chuông khánh xem qua,
Khen rằng: “khéo giống của nhà Hoạn nương”.

Cho dù bào chữa cách nào đi chăng nữa, chuyện ăn cắp chuông khánh cũng không thể tha thứ được!

8.3. Kiều trả thù Hoạn Thư khi đắc thế:

Nàng rằng: “Xin hãy rốn ngồi,
Xem cho rõ mặt biết tôi báo thù.”

Khi Kiều lấy được Từ Hải, nàng dựa vào uy danh lừng lẫy của tên giặc bể để báo thù xưa thì nàng chẳng qua cũng là người… thường như biết bao nhiêu người khác, vả lại chuyện yêu đương, ghen tuông chỉ là chuyện… đàn bà:

Rằng: “Tôi chút phận đàn bà,
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình.”


Thưởng thức cái hay, cái đẹp của truyện Kiều là cả một nghệ thuật của các cụ trong những lúc nhàn rỗi trà dư tửu hậu, lâu lâu cùng vài người bạn tri kỷ mang Kiều ra bình phẩm, bàn luận là cái thú thanh tao của các nhà Nho thời xưa, không ai có thể chối cãi được giá trị nghệ thuật siêu đẳng của Đoạn Trường Tân Thanh, nhưng mà:

Rằng: “Hay thì thật là hay,
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào!”

Tôi không phải là nhà phê bình văn học, và cũng không bao giờ mang cái mộng ước đó, chỉ trong một buổi sáng mùa xuân, gió lạnh hiu hiu thổi về, bên tách trà nóng, rảnh rỗi mang truyện Kiều ra đọc chợt thấy lòng se thắt lại, bỗng dưng có một vài ý tưởng ngộ nghĩnh xuất hiện trong đầu đem ghi lại, hy vọng:

Lời quê chắp nhặt dông dài,
Mua vui cũng được một vài trống canh.


Bắc Giang

Đăng lại có chỉnh sửa từ bài viết cùng tên trên truyenkimvankieu.blogspot.com

https://trithucvn.org/van-hoa/tan-man-ve-khia-canh-dao-duc-cua-truyen-kieu.html



Mới hơn Cũ hơn