Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Phụng vụ Thánh tại nhà thờ chính tòa Thánh Giuse của Baghdad

Lúc 6 giờ chiều ngày thứ Bẩy 6 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Phụng vụ Thánh theo nghi lễ Chanđê tại Nhà thờ Thánh Giuse, là nhà thờ chính tòa của Công Giáo nghi lễ Chanđê ở Baghdad.

J.B. Đặng Minh An


Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói: Hôm nay lời Chúa nói với chúng ta về sự khôn ngoan, chứng tá và những lời hứa.

Ở những vùng đất này, sự khôn ngoan đã được tìm kiếm ngay từ xa xưa. Quả thực việc tìm kiếm sự khôn ngoan luôn thu hút nhân loại. Tuy nhiên, thông thường, những người có nhiều phương tiện hơn có thể thu thập được nhiều kiến thức hơn và có nhiều cơ hội hơn, trong khi những người có ít phương tiện hơn bị gạt ra ngoài lề xã hội. Sự bất bình đẳng như vậy - đã gia tăng trong thời đại của chúng ta - là không thể chấp nhận được. Sách Khôn Ngoan làm chúng ta ngạc nhiên khi đảo ngược quan điểm này, và cho chúng ta biết rằng “người phận nhỏ được thương tình miễn thứ, kẻ quyền thế lại bị xét xử thẳng tay”. (Kn 6: 6). Trong mắt thế giới, những người chẳng có bao nhiêu là những kẻ bị loại bỏ, trong khi những người giầu có là những người được ban đặc ân. Đối với Thiên Chúa thì không như vậy: những người quyền lực hơn phải chịu sự xét xử gắt gao, trong khi những người rốt cùng lại là những người được Thiên Chúa chúc phúc.

Chúa Giêsu, là hiện thân của sự Khôn Ngoan, đã đưa sự đảo ngược này đến mức viên mãn trong Tin Mừng, và Người làm như vậy với bài giảng đầu tiên của mình, với các Mối Phúc Thật. Sự đảo ngược là hoàn toàn: những người nghèo, những người than khóc, những người bị bắt bớ đều được gọi là những người có phúc. Sao có thể như thế được? Đối với thế giới, những người giàu có, quyền thế và nổi tiếng mới là những người có phúc! Những người có của cải và phương tiện mới là những người được trọng vọng! Nhưng đối với Thiên Chúa thì trái lại: Những kẻ giàu có không phải là những người cao trọng, mà chính là những người nghèo trong tâm hồn; không phải những người có thể áp đặt ý muốn của mình lên người khác, mà là những người hòa nhã với tất cả mọi người. Không phải những người được đám đông tung hô, mà là những người thể hiện lòng thương xót đối với anh chị em của họ. Đến đây, chúng ta có thể tự hỏi: nếu tôi sống như Chúa Giêsu yêu cầu, tôi được cái gì nào? Chẳng lẽ như thế không phải là mạo hiểm để người khác chiếm đoạt sao? Lời mời gọi của Chúa Giêsu là đáng giá hay là một nguyên nhân gây ra thua thiệt? Thưa: Lời mời đó không phải là vô giá trị, mà là khôn ngoan.

Lời mời gọi của Chúa Giêsu là khôn ngoan bởi vì tình yêu, là trọng tâm của các Mối Phúc, cho dù nó có vẻ yếu đuối trước mắt người đời, trên thực tế tình yêu luôn chiến thắng. Trên thập tự giá, tình yêu tỏ ra mạnh mẽ hơn tội lỗi, trong ngôi mộ, tình yêu đã chiến thắng sự chết. Cũng chính tình yêu đó đã làm cho các vị tử đạo chiến thắng trong thử thách - và có bao nhiêu vị tử đạo trong thế kỷ qua, thậm chí nhiều hơn trong quá khứ! Tình yêu thương là sức mạnh của chúng ta, là nguồn sức mạnh cho những anh chị em của chúng ta, những người ở đây cũng đã phải chịu đựng những thành kiến và phẫn nộ, ngược đãi và bắt bớ vì danh Chúa Giêsu. Tuy nhiên, trong khi quyền lực, vinh quang và sự phù phiếm của thế gian qua đi, tình yêu vẫn còn. Như Tông đồ Phaolô đã nói với chúng ta: “Đức mến không bao giờ mất được” (1 Cô 13: 8). Vì vậy, sống một cuộc sống được định hình bởi các Mối Phúc là làm cho những điều đã qua trở thành vĩnh cửu, là đưa thiên đàng xuống trái đất.

Nhưng chúng ta thực hành các Mối Phúc như thế nào? Các Mối Phúc không yêu cầu chúng ta làm những điều phi thường, những kỳ công vượt quá khả năng của chúng ta. Các Mối Phúc yêu cầu chứng tá hàng ngày. Phúc cho những ai sống hiền lành, biết tỏ lòng thương xót ở bất cứ nơi nào họ đến, phúc cho những người có tấm lòng trong sạch ở bất cứ nơi nào họ sống. Để được chúc phúc, chúng ta không cần thỉnh thoảng trở thành anh hùng, nhưng phải trở thành chứng nhân hết ngày này qua ngày khác. Làm chứng là cách thể hiện sự khôn ngoan của Chúa Giêsu. Đó là cách thế giới được thay đổi: không phải bởi quyền lực và sức mạnh, mà bởi các Mối Phúc. Vì đó là điều Chúa Giêsu đã làm: Ngài đã sống cho đến cùng những gì Ngài đã nói từ đầu. Mọi sự tùy thuộc vào việc làm chứng cho tình yêu của Chúa Giêsu, đó cũng chính là lòng bác ái mà Thánh Phaolô đã diễn tả một cách tuyệt vời trong bài đọc thứ hai hôm nay. Chúng ta hãy chú ý cách thức ngài trình bày điều đó.

Đầu tiên, Thánh Phaolô nói rằng “Đức mến thì nhẫn nhục” (câu 4). Chúng ta thường không mong đợi tính từ này. Tình yêu thương dường như đồng nghĩa với lòng tốt, sự hào phóng và những việc lành phúc đức, tuy nhiên Thánh Phaolô nói rằng đức mến trên hết là sự kiên nhẫn. Kinh thánh nhắc đến đầu tiên và trên hết về sự kiên nhẫn của Thiên Chúa. Trong suốt lịch sử, nhân loại liên tục tỏ ra bất trung thành với giao ước cùng Thiên Chúa, rơi vào cùng những tội lỗi cũ. Tuy nhiên, thay vì ngày càng mệt mỏi và bỏ đi, Chúa luôn trung thành, tha thứ và bắt đầu lại. Sự kiên nhẫn bắt đầu đi bắt đầu lại như thế là phẩm chất đầu tiên của tình yêu, bởi vì tình yêu không phải là cáu kỉnh mà luôn là bắt đầu lại từ đầu. Tình yêu không mòn mỏi và chán nản, mà luôn thúc đẩy phía trước. Đức mến không nản lòng, nhưng vẫn sáng tạo. Đối mặt với cái ác, tình yêu không bỏ cuộc hay đầu hàng. Những người yêu thương không khép mình lại khi mọi việc xảy ra sai trái, nhưng đáp lại điều ác bằng điều thiện, trong khi nghĩ đến sự khôn ngoan khải hoàn của thập tự giá. Những nhân chứng của Thiên Chúa là như thế: không thụ động hay phó mặc cho định mệnh, để mình tùy thuộc vào những diễn biến, những cảm xúc hay những sự kiện tức thời. Thay vào đó, họ không ngừng hy vọng, bởi vì họ được đặt nền tảng trong tình yêu thương “tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (câu 7).

Chúng ta có thể tự hỏi mình: chúng ta nên phản ứng thế nào trước những tình huống không như ý? Đối mặt với nghịch cảnh, luôn có hai cám dỗ. Đầu tiên là bỏ chạy: chúng ta có thể bỏ chạy, quay lưng lại, cố gắng tránh xa tất cả. Thứ hai là phản ứng bằng sự tức giận, bằng cách phô trương vũ lực. Trường hợp của các môn đệ trong vườn Giệtsimani là một ví dụ: trong sự bối rối của họ, nhiều người bỏ chạy còn Thánh Phêrô thì cầm gươm lên. Tuy nhiên, cả bỏ chạy và cầm lấy thanh kiếm đều không đạt được gì. Trái lại, Chúa Giêsu đã thay đổi lịch sử. Bằng cách nào? Thưa: Bằng sức mạnh khiêm tốn của tình yêu, với chứng tá kiên nhẫn của mình. Đây là những gì chúng ta được gọi để thực hiện; và đây là cách Thiên Chúa thực hiện những lời hứa của Ngài.

Những lời hứa. Sự khôn ngoan của Chúa Giêsu, thể hiện trong các Mối Phúc, mời gọi các chứng tá và đưa ra phần thưởng chứa đựng trong các lời hứa của Thiên Chúa. Ngay sau mỗi Mối Phúc là một lời hứa: ai thực hành chúng thì sẽ được nước Trời, được an ủi, được toại nguyện, được diện kiến thiên nhan Chúa… (x. Mt 5, 3-12). Những lời hứa của Thiên Chúa bảo đảm niềm vui không gì sánh được và không bao giờ thất vọng. Nhưng chúng được thực hiện như thế nào? Thưa: Thông qua những nhược điểm của chúng ta. Thiên Chúa ban phước cho những ai đi trên con đường nghèo khó nội tâm của họ cho đến cùng.

Đây là con đường; không có con đường nào khác. Chúng ta hãy nhìn vào Tổ Phụ Áp-ra-ham. Thiên Chúa đã hứa cho ngài con cháu đông đúc, nhưng ông và bà Sarah hiện đã già và không có con. Tuy nhiên, chính trong tuổi già kiên nhẫn và trung thành của họ, Thiên Chúa đã thực hiện điều kỳ diệu và ban cho họ một đứa con trai. Chúng ta cũng hãy nhìn vào Môisê: Thiên Chúa hứa rằng Ngài sẽ giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ, và để làm điều đó, Ngài yêu cầu Môisê đi nói với Pharaôn. Mặc dù Môisê nói rằng ông nói năng không thuyết phục, nhưng chính qua lời nói của ông, Thiên Chúa sẽ thực hiện lời hứa của Ngài. Chúng ta hãy nhìn lên Đức Mẹ, người mà theo Lề Luật không thể có con, nhưng đã được mời gọi để trở thành một người mẹ. Và chúng ta hãy nhìn vào Thánh Phêrô: thánh nhân chối Chúa, nhưng thánh nhân là người được Chúa Giêsu mời gọi để củng cố anh em của mình.

Anh chị em thân mến, có lúc chúng ta cảm thấy mình bất lực và vô dụng. Chúng ta đừng bao giờ chao đảo vì điều này, bởi vì Thiên Chúa muốn thực hiện những điều kỳ diệu một cách chính xác thông qua những nhược điểm của chúng ta.

Thiên Chúa thích làm điều đó, và đêm nay, tám lần, Ngài đã nói với chúng ta từ ţūb'ā [phúc thay], để làm cho chúng ta nhận ra rằng, với Ngài, chúng ta thực sự được “chúc phúc”. Tất nhiên, chúng ta trải qua những thử thách, và chúng ta thường xuyên sa ngã, nhưng chúng ta đừng quên rằng, khi có Chúa Giêsu, chúng ta được chúc phúc. Bất cứ điều gì thế gian lấy đi của chúng ta không là gì so với tình yêu dịu dàng và kiên nhẫn mà Chúa thực hiện qua các lời hứa của mình.

Anh chị em thân mến, có lẽ khi nhìn đôi bàn tay có vẻ trống rỗng của mình, có lẽ anh chị em cảm thấy chán nản và không hài lòng với cuộc sống. Nếu vậy, đừng sợ: Các Mối Phúc là dành cho anh chị em. Vì anh chị em là những người đang đau khổ, những người đói khát công lý, những người bị bắt bớ. Chúa hứa với anh chị em rằng tên của anh chị em được ghi khắc trong lòng Ngài, được viết trên trời!

Hôm nay tôi cảm tạ Chúa cùng với anh chị em và cho anh chị em, bởi vì ở đây, nơi mà sự khôn ngoan đã phát sinh trong thời cổ đại, rất nhiều chứng nhân đã xuất hiện trong thời đại của chúng ta, thường bị bỏ qua bởi tin tức, nhưng rất quý giá trong mắt Chúa. Những nhân chứng, bằng cách sống các Mối Phúc, đang giúp Thiên Chúa thực hiện lời hứa hòa bình của Ngài.


Vietcatholic News
Mới hơn Cũ hơn