Một phương pháp phân tích chữ viết tay mới được phát triển bởi các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Groningen đã giúp con người có thêm những manh mối mới về người ghi chép của các cuộc giấy Biển Chết. Kết quả cho thấy cuộn giấy nổi tiếng này không phải do một mà đến 2 người hoàn thành.
Các cuộn giấy Biển Chết là tập hợp các văn bản của người Do Thái, đây còn được xem là bản sao chép Kinh thánh cổ nhất trong lich sử loài người có niên đại từ thế kỷ thứ 3 TCN. Mặc dù vẫn còn nhiều tranh cãi xoay quanh cuộn giấy này, thế nhưng đây vẫn được xem là một trong những phát hiện khảo cổ quan trọng nhất của thế kỷ 20. Dù đa phần các cuộn giấy Biển Chết được trưng bày tại bảo tàng Israelở Jerusalem, nhưng chính quyền Palestine và Jordan vẫn luôn tranh chấp quyền sở hữu của cuộn giấy này, bởi nơi tìm thấy cuộn giấy là ở Qumran, khu vực bị Israel chiếm giữ trong cuộc chiến năm 1967.
Trong đó phần sách Isaiah là một trong những cuộn giấy Biển Chết được phát hiện đầu tiên vào năm 1946 bởi một cậu bé chăn cừu Bedouin tại hang động Qumran ở phía Tây Jerusalem. Đây cũng được xem là một trong những bản thảo lớn nhất và được bảo quản tốt nhất trong tất cả cuộn giấy tìm thấy. Đồng thời, nội dung của phần này cũng là bản sao lâu đời hoàn chỉnh nhất của sách Isaiah.
Vậy có chính xác bao nhiêu người tham gia vào quá trình ghi chép quyển sách này và các cuộn giấy Biển Chết khác? Từ lâu đây là chủ để được tranh luận gây gắt trong cả giới tôn giáo lẫn học thuật. Vì thế để tìm ra câu trả lời, nhà sử học Mladen Popovic đã dùng đến sự hỗ trợ của các công cụ trí tuệ nhân tạo hiện đại. Popovic đã chọn phần sách Isaiah dài 17 trang để nghiên cứu bởi độ hoàn thiện và bảo quản tốt nhất của nó. Mặt khác, nét chữ trong cuộn giấy cũng đồng đều và giống nhau, rất nhiều khả năng đây là tác phẩm do một người ghi chép hoàn thành. Mặc dù một số học giả cho rằng đây là kết quả của ít nhất 2 người ghi chép. Để làm rõ điều này, các nhà nghiên cứu đã tiến hành nhóm các chữ cái Hebrew aleph lại với nhau. Sau đó bằng cách sử dụng một số kỹ thuật nhận dạng mẫu và cả trí tuệ nhân tạo, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra bắt đầu từ phần nửa bản thảo, một số điểm không tương đồng trong các mẫu chữ viết tay đã xuất hiện. Kết quả là lý thuyết về việc có 2 người ghi chép thực hiện bản thảo này đã được công nhận.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy rằng nét chữ của 2 người này thoạt nhìn trông rất giống nhau, vì thế họ giả thuyết rất có thể cả 2 người ghi chép được đào tạo bởi cùng một nguồn, có thể là một trường học hay cùng một gia đình đứng sau việc tạo ra các cuộn giấy này. “Sự giống nhau về chữ viết tay giữa những người ghi chép khác nhau có thể cho thấy đã có khoá đào tạo diễn ra giữa những người ghi chép, rất có thể là trong bối cảnh trường học hoặc gia đình, nơi mà một người cha đã dạy cho những đứa con viết.”
Kỹ thuật phân tích chữ viết tay mới này cũng được kỳ vọng có thể dùng trong việc nghiên cứu các bản thảo cổ trong tương lai. Popovic chia sẻ: “Điều này thật sự rất thú vị, điều này mở ra một cánh cửa mới về thế giới cổ đại và tiết lộ mối liên hệ phức tạp giữa những người ghi chép cuộn giấy. Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã tìm thấy bằng chứng cho thấy có đến 2 người thực hiện phần sách Isaiah, đây có thể là một gợi ý về nguồn gốc hoặc văn hoá ghi chép. Bước tiếp theo sẽ là nghiên cứu các cuộn giấy khác, để làm rõ và tìm hiểu liệu nguồn gốc và việc đào tạo có thật sự diễn ra ở tất cả hay không.”
Theo New Atalas
Rubi Lee
Tinhte.vn