Tại sao Đức Giêsu chết ở độ tuổi ba mươi?Đức ông Charles Pope
Tại sao Đức Giêsu không chết ở độ tuổi lớn hơn ba mươi? Như vậy sẽ cho phép Ngài có nhiều thời gian hơn để giảng dạy và sắp xếp tổ chức Giáo Hội của Ngài. Thánh Tôma đã trả lời cho câu hỏi này như sau đây:
Đức Kitô chết trẻ vì ba lý do. Trước hết, điều này càng chứng minh Tình yêu của Ngài bằng cách từ bỏ sự sống mình cho chúng ta khi Ngài ở trong trạng thái hoàn hảo nhất của đời sống. Thứ đến, để thân xác Ngài không suy tàn theo tự nhiên hay đối tượng cho bệnh tật…. Thứ ba, khi chết và sống lại ở độ tuổi trẻ trung, Đức Kitô thể hiện trước trong chính con người mình tình trạng tương lai của những người sống lại. Vì thế, có lời chép rằng (Thư Êphêsô 4,13), “cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người hoàn hảo, tới độ tuổi viên mãn của Đức Kitô” (Summa Theologica III, 46, 9 ad 4).
Những suy tư như thế này khiến nhiều người cho rằng hoàn toàn có tính tùy tiện. Những người khác thì xem lý luận này là lập luận biện minh: Đức Kitô đã chết ở tuổi 33, vì thế cứ làm sao cho phù hợp.
Tuy nhiên, Thánh Tôma không dựa trên suy tư bừa bãi. Có những cơ sở cho lý luận của ngài.
Trước hết, có tiền đề rằng Thiên Chúa không làm điều gì tùy tiện và chúng ta hãy để cho những chi tiết dường như nhỏ nhất trong Kinh Thánh dạy dỗ chúng ta.
Một tiền đề khác dựa trên bản tính của sự hoàn hảo. Sự hoàn hảo có thể bị tổn hại do thái quá hay thiếu sót. Hãy xét về trường hợp tuổi tác: Một người trẻ có thể thiếu sự chín chắn về thể lý cũng như trí thức (tuổi trẻ là “thiếu sót” trong tuổi tác), nhưng sẽ đến một thời gian mà tuổi tác trở thành vấn đề trong một hướng khác khi thời gian làm tổn hại đến thân xác và trí óc trở nên kém sắc bén đi (tuổi già là “thái quá” trong tuổi tác). Như vậy, có một thời gian mà tuổi của một người ở trong độ “hoàn hảo”: không bị tổn hại bởi thái quá hay thiếu sót.
Trong thời gian của Thánh Tôma, độ tuổi ba mươi của một người được xem như hoàn hảo. Điều này vẫn hợp lý dù rằng ngày nay dường như cần có thời gian lâu hơn để đạt được sự chính chắn về trí thức và cảm xúc.
Thánh Tôma lưu ý rằng Đức Giêsu chết ở thời kỳ hoàn hảo nhất trong cuộc sống của mình thì sự hy sinh càng lớn lao hơn. Ngài không có bất kỳ bệnh tật hay bất toàn thể lý nào, điều này làm cho hy tế của Ngài nên lớn lao hơn. Đây là mẫu gương cho chúng ta. Chúng ta phải trao ban điều tốt đẹp nhất cho Thiên Chúa chứ không phải thứ bỏ đi hay những điều mà ta có thể nói: “Cái này cũng được mà!”. Qua ngôn sứ Malakhi, đã có lần Thiên Chúa than thở:
Khi các ngươi tiến dâng một con vật mù để làm lễ tế, đó chẳng phải là xấu sao? Và khi các ngươi dâng một con vật què hay bệnh tật, đó chẳng phải là xấu sao? Hãy dâng con vật ấy cho tổng đốc của ngươi, liệu nó có bằng lòng với ngươi chăng? Hay nó có sẵn sàng đón nhận ngươi không? (Ml 1,8).
Và vì thế, điều đối với người nào đó dường như là chi tiết không đáng để ý (tuổi của Đức Giêsu) thật sự đã cung cấp những giáo huấn quan trọng cho một tâm hồn nhạy cảm. Đức Giêsu đã trao ban tất cả của Ngài, điều tốt đẹp nhất của Ngài – và Ngài đã làm thế khi ở độ tuổi tươi đẹp hoàn hảo nhất trong đời sống. Chúng ta cũng được mời gọi để gia tăng sự hoàn hảo của mình.
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ