Nhện xuất hiện hai lần trong Thánh kinh và chúng được dùng để truyền đạt những chân lý thiêng liêng đặc biệt.
Trong số rất nhiều loài động vật được kể trong Thánh kinh, loài nhện không được chú ý nhiều. Chúng chỉ được nói đến hai lần và trong cả hai trường hợp, màng của nó được nối kết với một cái gì đó yếu ớt và mỏng manh.
Đó là số phận của mọi kẻ lãng quên Thiên Chúa,
niềm hy vọng của phường gian ác cũng tiêu tan như vậy.
Nơi tin tưởng của nó như sợi chỉ treo mành,
chỗ an toàn của nó khác chi tấm màng nhện.
Nó dựa vào nhà, nhưng nhà không vững,
nó bám vào nhà, nhưng nhà lung lay (Gióp 8, 13-15).
Trong trường hợp này, màng nhện được xem như thứ gì đó yếu ớt, bởi vì nó có thể dễ dàng bị gỡ bỏ.
Màng nhện cũng được nhắc đến một lần nữa theo cách tương tự, khi củng cố ý tưởng cho rằng một người thực hiện những hành vi xấu xa thì giống như dệt “màng nhện”, không thể che giấu các hành động của họ.
"Chẳng ai theo lẽ công minh mà kiện cáo,
không ai xét xử theo đường chân thật.
Người ta tin tưởng điều hư không và nói lời gian xảo,
cưu mang chuyện xấu xa, đẻ ra điều gian ác.
Chúng ấp trứng rắn, chúng dệt màng nhện:
ai ăn trứng của chúng sẽ phải chết liền,
giả như trứng vỡ, sẽ nở ra rắn con!
Sợi chúng dệt ra, không thể may thành áo,
sản phẩm chúng làm, không thể dùng che thân,
vì sản phẩm chúng làm là sản phẩm của gian ác,
và bàn tay chúng đầy những việc bạo tàn" (Is 59, 4-6)
Biểu tượng thiêng liêng tiêu cực này của loài nhện được củng cố thêm trong nghệ thuật Kitô giáo. Vào thời trung cổ, các tu sĩ đã dùng màng nhện làm biểu tượng cho điều ác. Ví dụ, nhện thường có liên hệ đến những kẻ keo kiệt, hút máu người nghèo giống như cách nó hút chất lỏng của con mồi.
Tuy vậy, những con nhện đã nhận được một liên kết tích cực với thánh Felice, vị thánh bảo trợ của các loài nhện. Thánh Felice đã có thể lẻn vào mà không bị chú ý, vì một số “bạn nhện” đã dệt lên tấm màng để che dấu sự hiện diện của ngài.
G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ
aleteia