HÃY VUI LÒNG DẠY CON TÌNH YÊU
(Tình yêu trinh khiết và đời tu)
Khi đến gần Đức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì máu cùng nước chảy ra. (Ga 19,33-34)
“Sự khiết tịnh của những người độc thân trinh khiết, biểu lộ một con tim không chia sẻ dâng hiến cho Thiên Chúa (x.1 Cr 7,32-34), là phản ảnh tình yêu vo biên đang nối kết Ba Ngôi Vị Thần Linh trong chiều sâu mầu nhiệm của đời sống Ba Ngôi; tình yêu mà Ngôi Lời Nhập Thể làm chứng cho đến hy sinh mạng sống mình; …” (ĐSTH 21)
Dẫn nhập: Thánh Tâm: “tình yêu” mang chiều kích “nhân bản”:
Khi nói đến tình yêu, cho dẫu đó là loại tình yêu nào: cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn hữu…, thì cảm nhận đầu tiên vẫn là sự ấm áp, ngọt ngào, dịu vợi…, mà hình như chỉ qua hình ảnh của thiên nhiên mới diễn tả đủ đầy: “Tình cha ấm áp như vầng thái dương. Ngọt ngào như giòng nước tuôn đầu nguồn…” (Bài hát “Tình Cha” của Ngọc Sơn); “Tình Mẹ tha thiết như giòng suối hiền ngọt ngào… Tình Mẹ yêu mến như làn gió đùa mặt hồ… (Bài hát |Lòng mẹ” của Y Vân); “Anh anh đi bao núi, Tình em như khe suối; Lưu luyến và nhớ thương chảy theo anh khắp rừng. Anh anh đi xa càng xa; Tình em như cỏ hoa; Âu yếm và thiết tha theo anh dài nương rẫy…” (Bài hát “Tình em” của Huy Du)…
Riêng các ngôn sứ trong đạo Do Thái, đặc biệt ngôn sứ Hôsê, thì lại diễn tả “tình yêu Thiên Chúa” dành cho dân của Ngài thật thân thương, gần gũi qua những cử chỉ hoàn toàn “nhân bản”: “Ta đã dưỡng nuôi Ephraim, Ta đã bồng chúng trên cánh tay Ta mà chúng không biết Ta chăm sóc chúng. Ta đã dùng dây êm ái và mối yêu thương mà tập (cho) chúng đi; Ta đối xử với chúng như người dưỡng nuôi trẻ thơ, Ta đã ấp yêu chúng vào má. Ta nghiêng mình trên chúng và đút cho chúng ăn. Quả tim Ta thổn thức trong Ta và ruột gan Ta bồi hồi…” (BĐ 1 Lễ Thánh Tâm, Năm B). Cho dù vị ngôn sứ nầy hoàn toàn xác tín rằng: Thiên Chúa là Đấng Thánh và không phải phàm nhân: “Ta là Thiên Chúa chứ không phải người phàm; Ta là Đấng Thánh ở giữa ngươi…”.
Phải chăng, Phụng vụ của Hội Thánh muốn đặt Lễ Thánh Tâm, hay, “Lễ Tình yêu Thiên Chúa qua Đức Kitô” trong “chiều kích nhân bản” đó nên đã đón nhận hình ảnh “Thánh Tâm” trong thị kiến của thánh nữ Magarita làm trọng tâm để quy chiếu. Cũng chính từ ý nghĩa nầy, phụng vụ Thánh Tâm muốn nhắc lại chân lý nền tảng sau đây: “tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta và của chúng ta đáp lại” không phải là tình yêu “huyễn tưởng”, lý thuyết, mơ hồ… hay “đầu môi chót lưỡi”…; mà là một “tình yêu đích thực”, sống động, cụ thể…; bằng tất cả con tim và lẽ sống; bằng cái giá được đánh đổi với cả đau thương và cái chết…
Sau đây, chúng ta có thể lần bước theo những gợi ý của các trích đoạn Lời Chúa trong đại lễ Thánh Tâm, đặc biệt, trích đoạn Tin Mừng Gioan, để phần nào hiểu và cảm nhận những “giá trị của tình yêu đích thực” mà Thiên Chúa dành cho chúng ta; cũng như để chúng ta đáp trả lại tình yêu của Ngài.
I. TỪ “VẾT SẸO” CỦA TÌNH YÊU CỨU CHUỘC
1. Thiên Chúa đã yêu như thế:
Trong Phụng vụ lễ Thánh Tâm chu kỳ Năm B, khi Hội Thánh chọn đọc trích đoạn Tin Mừng Thánh Gioan: kể lại sự kiện đau buồn của buổi chiều thứ sáu khổ nạn trên đồi Sọ: “một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người Tức thì máu cùng nước chảy ra”. Chắc chắn, dụng ý của Phụng vụ khi chọn đọc trích đoạn Tin Mừng nầy đó chính là muốn rút ra từ đó một trọng tâm ý nghĩa được qui chiếu vào mầu nhiệm Thánh Tâm: Máu và nước chảy ra theo vết thương bị đâm ở cạnh sườn Chúa Giêsu, nhưng chắc chắn, bắt nguồn từ trong Trái Tim Chúa.
Tại sao nói đến Thánh Tâm, đến tình yêu, Lời Chúa lại quy chiếu vào vết thương, vào cuộc khổ nạn ? Điều nầy muốn nói lên điều gì ?
Câu chuyện nhỏ sau đây có thể là một “minh hoạ” khá rõ nét cho ý nghĩa trên: VẾT SẸO CỦA TÌNH YÊU[1] (Người mẹ vì tha thiết muốn cứu con khỏi nanh vuốt cá sấu đã nắm chặt tay con…; và đã để lại những vết sẹo trên tay con…; và đây mới chính là “vết sẹo” cậu bé không bao giờ quên).
Quả thật, vết sẹo trên cánh tay của người con là dấu chứng nói lên tình yêu muốn cứu đứa con của người mẹ yêu con hết lòng cho dù vẫn biết vết thương đó có làm đau buốt cánh tay con. Tình yêu của những người cha – người mẹ luôn như thế đấy ! Họ yêu đứa con của mình bằng cả trái tim và chấp nhận hy sinh, chấp nhận đau đớn và níu giữ lấy ngay cả những hy vọng nhỏ nhoi, mong manh nhất; chỉ cần đứa con mình được sống, được no đủ và êm ấm…
Và tiêu đích của Lịch sử Cứu độ chẳng phải như thế sao ! Để cứu thoát “con cái là chúng ta” khỏi nanh vuốt của ma quỷ và tội lỗi, Chúa Cha đã hy sinh Con Một của mình và đã chấp nhận để lại những vết thương tích là cuộc khổ nạn trên thân thể của Chúa Con, mà sự kiện “máu và nước tuôn ra từ trái tim” là dấu chỉ rõ nét. Ý nghĩa nầy cũng hoàn toàn thích hợp với thái độ “chấp nhận uống cạn chén đắng” của Chúa Con trước thánh ý Cha (Lc 22,42); thái độ “vâng phục qua nếm trải khổ đau” để “trở nên căn nguyên ơn cứu độ” (Dt 5,8-9); thái độ “chấp nhận bị treo lên” trên cây khổ giá để “kéo mọi người lên” (Ga 12,32), thái độ sẵn sàng “đổ máu để thiết lập giao ước vĩnh cửu” (Dt 13,20).
2. Con người học yêu theo cách của Thiên Chúa:
Điều nầy còn muốn nói rằng: tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu luôn đòi hỏi phải chấp nhận thương đau. Ngài thương yêu chúng ta, muốn cứu chuộc chúng ta, nhưng Ngài cũng đòi hỏi chúng ta phải chấp nhận những “vết đau” để bàn tay Ngài nắm chặt mà kéo lên khỏi nanh vuốt của ma quỷ.
Mừng lễ Thánh Tâm hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng cùng nhớ lại vết thương là cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Giêsu và máu chảy ra từ Trái Tim yêu thương của Ngài, (như cậu bé nhớ lại vết thương trên cánh tay của mình để ghi nhớ mãi tình yêu của mẹ) để chúng ta luôn cảm nhận được tình Chúa yêu ta vô ngần và dành cả cuộc đời để đáp trả tình yêu vô biên đó của Thiên Chúa. Đây lại là điều tối cần thiết nơi đời sống các linh mục. Chính vì thế, hôm nay Hội Thánh gọi mời toàn Dân Chúa cầu nguyện xin ơn thánh hoá các linh mục.
Từ sau biến cố “Trái Tim bị đâm thâu” trên Đồi Sọ cho đến mãi hôm nay, có biết bao nhiêu con người đã chấp nhận mang “vết sẹo tình yêu của Thiên Chúa” in đậm trên cuộc đời mình, để không phải chỉ mỗi riêng mình được cứu thoát mà con để cho hàng muôn ức triệu anh chị em cũng được “kéo lên”.
Từ cuộc tử đạo “đóng đinh ngược đầu trên thập giá” của Tông Đồ Phêrô, rồi Phaolô bị chém trên đồi Vatican, đến Giám Mục Ignatio bị răng thú dữ nghiền nát giữa hý trường Coloseum, hay những vết thương đau tử đạo trên những người thiếu nữ liễu yêu đào tơ như Anê, Agata, Cecilia… hay 14 nhát dao trên người của cô bé Maria Goretti; những nỗi đau của linh mục Maxilien Kolbe khi chấp nhận chết thay cho người anh em tù; những vết đạn trên thân xác của thánh Giám Mục Oscar Romero khi chấp nhận liên đới với người nghèo cô thân cô thế… Vâng, tất cả những “vết sẹo của tình yêu” đó đều có chung một ý nghĩa, một mục tiêu mà có lẽ chính vị Á Thánh trẻ của Việt Nam chúng ta, Anrê Phú Yên, đã “đại diện” để hát to lên trên đường ra pháp trường thành Chiêm khi lãnh trọn 3 nhát dáo đâm và 2 nhát chém trên thân xác mỏng manh của mình: “Hỡi anh em, đối với Chúa Giêsu yêu dấu của chúng ta, chúng ta hãy lấy tình yêu đáp lại tình yêu. Chúa đã chịu chết đau khổ vì chúng ta, nên chúng ta hãy lấy mạng sống đáp đền mạng sống… “Hỡi anh chị em, chúng ta hãy giữ nghĩa cùng Đức Chúa Giêsu cho đến hết hơi, cho đến trọn đời”.
3. Không là “chuyện dễ”:
Thế nhưng, đâu phải nhân loại và trong Giáo Hội đều gồm toàn những thánh nhân như thế. Vâng. có rất nhiều người trong chúng ta cho dẫu biết mình đang bị ma quỷ lôi kéo, đang bị tội lỗi mua chuộc, nhưng vì sợ những vết thương của “cái nắm tay” của Thiên Chúa; sợ “con đường hẹp” của Phúc Âm; sợ những đòi hỏi “về bán hết của cải, bố thí cho người nghèo” của Đức Kitô (Mt 19,16-22); sợ “những khổ đau đang hẹn chờ ở Giêrusalem” (Mt 16,21-23)…. Và chính vì những “nỗi sợ” đó nên cứ mãi quay lưng chối từ Thiên Chúa; chấp nhận “bị buông tay” để rơi vào nanh vuốt của tội lỗi và ma quỷ, thay vì “được kéo lên trong thương đau nhức nhối” để được cứu thoát. “Viên ngọc quý”, “kho tàng quý”, đâu phải chỉ cứ “thò tay vào túi” là “bắt được”; mà phải cất công trèo non lặn suối đi tìm (Mt 13,44-46)…
Cho dù chúng ta có quyền mơ ước và vững tin rằng: Thiên Chúa sẵn sàng dành cho ta một tình yêu “nâng niu dịu dàng” cách diễn tả của sứ ngôn Hô-sê “Ta đã ấp yêu chúng vào má. Ta nghiêng mình trên chúng và đút cho chúng ăn …”; nhưng, như Thánh Phaolô nhắc nhở trong thư gởi giáo đoàn Ê-phê-sô, “để được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái”, hay để “hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu” của tình yêu nơi Đức Ki-tô (Bđ 2), thì chúng ta phải cất bước trở về Đồi Sọ, để chiêm ngưỡng “máu và nước tuôn chảy từ Thánh Tâm Chúa Giê-su”. Chính ngang qua “Vết sẹo tình yêu sâu thẳm nầy” mà thế giới sẽ được cứu độ và loài người mới khỏi rơi vào vực thẳm của chiến tranh, hận thù, tội lỗi và nanh vuốt của quỷ ma.
II. ĐẾN ĐỨC KHIẾT TỊNH CỦA NGƯỜI NỮ TU HÔM NAY
Chúng ta vừa vừa “bắt đầu câu chuyện về tình yêu” với “VẾT SẸO CỦA TÌNH YÊU CỨU CHUỘC”. Bây giờ là lúc bàn chuyện “tình yêu đáp trả của cuộc đời thánh hiến” mà từ chuyên môn của khoa linh đạo gọi là “Đức Khiết Tịnh”.
Trước hết, để mở lối đi vào chuyên đề “khiết tịnh”, nhất là “đức khiết tịnh của người nữ tu”, Thánh Phaolô cách đây gần 2000 năm đã nhận định: "Cũng vậy, đàn bà không có chồng và người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Người cả hồn lẫn xác" (1 Cr 7, 34).
“Thuộc trọn về Chúa cả hồn và xác” là cách diễn tả tình yêu sâu đậm của một con người dành cho Thiên Chúa và nhờ đó dành cho mọi người. Đức khiết tịnh Kitô giáo chỉ được hiểu ngang qua ý nghĩa tình yêu cao đẹp và thánh thiện ấy.
Tuy nhiên, nói đến tình yêu, đó là “chạm” đến một khía cạnh, một huyền nhiệm sâu xa nhất, tế vi nhất và cũng phức tạp nhất trong kiếp sống con người. Thi sĩ Xuân Diệu đã không lầm khi tự hỏi: “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu !”[2] Hay có khi nói “yêu” mà chưa chắc “yêu thật sự”, như bài thơ của Bob Marley:
Em nói em yêu mưa,
Nhưng mỗi lần mưa đến em lại che dù.
Em nói em yêu nắng,
Nhưng mỗi khi nắng lên em lại tìm chỗ trú.
Em nói em yêu gió,
Nhưng mỗi lần gió đến, em lại đóng cửa sổ lại.
Chính vì những điều đó,
Mà anh cảm thấy sợ khi em nói yêu anh[3].
Trong cuộc đời Ki-tô hữu, sống huyền nhiệm tình yêu phải chăng là một thách đố lớn lao nhất, gai góc nhất; nhưng cũng cao cả và giá trị nhất. Bởi vì, “Yêu Thương là điều răn mới” được Đức Ki-tô nhấn mạnh cách đặc biệt (Ga 13, 34-35; 15, 12-13), “Đức Mến” là nhân đức cao trọng trên tất cả (1 Cr 13, 1-13). Cách riêng, trong cuộc đời Thánh Hiến, sống tình yêu, sống đức mến, lại được cụ thể hoá, “pháp chế hoá” qua một sự cam kết công khai, một lời Khấn: Lời Khấn Khiết Tịnh.
Ý nghĩa đặc biệt nầy đã được Đức Thánh Giáo Hoàng G.P. II nêu bật trong Tông huấn Đời sống Thánh Hiến: “Sự khiết tịnh của những người độc thân trinh khiết, biểu lộ một con tim không chia sẻ dâng hiến cho Thiên Chúa (x.1 Cr 7,32-34), là phản ảnh tình yêu vo biên đang nối kết Ba Ngôi Vị Thần Linh trong chiều sâu mầu nhiệm của đời sống Ba Ngôi; tình yêu mà Ngôi Lời Nhập Thể làm chứng cho đến hy sinh mạng sống; tình yêu “đã được đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần” (Rm 5,5), tình yêu thúc bách chúng ta đáp trả với trọn tình thương dành cho Thiên Chúa và anh em” (ĐSTH 21).
Như vậy để giúp mỗi người chúng ta sống phong phú nhân đức "Khiết tịnh", hay tích cực hơn, để chúng ta thanh thản và quảng đại dâng hiến một tình yêu trọn vẹn cho Thiên Chúa và anh em, chúng ta phải “cắp sách đi vào mái trường tình yêu” để cùng “học yêu” với Vị Thầy vĩ đại của Tình yêu là Đức Ki-tô.
1. Đức Kitô “yêu và dạy yêu”.
Trong “nghệ thuật yêu thương” của Đức Ki-tô, chúng ta cảm nhận được điều nầy: Đó là một tình yêu “trọn vẹn cho Thiên Chúa” và “hết tình cho con người”. Phải chăng đó là sự thể hiện trọn vẹn và cụ thể hai điều răn căn bản: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi” (Đnl 6,5; Mt 22,37); và “ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Lv 19,18; Mt 22,38).
1.1. Đức Ki-tô yêu mến Thiên Chúa:
- Tất cả vì Cha, cho Cha, tìm vinh quang Cha, lo cho Cha được vinh hiển: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4, 34). “Điều gì Chúa Cha làm thì Người Con cũng làm như vậy” (Ga 5, 19). “Vì tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng làm theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 5, 30; 6, 38). “Đạo lý tôi dạy không phải là của tôi nhưng là của Đấng đã sai tôi” (Ga 7, 16). “Lạy Cha, Con đã tôn vinh Cha ở dưới đất khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho Con làm” (Ga 17, 4). “Lạy Cha, xin đừng theo ý Con, một vâng ý Cha” (Lc 22, 42).
- Dành cho Thiên Chúa tất cả mà không đòi một điều kiện nào: Thân xác, linh hồn, đắng cay, đau khổ, cuộc đời…
“Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn trong tay Cha” (Lc 23, 46). “Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa đã chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, nầy con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt.10, 5-7).
1.2. Đức Ki-tô yêu thương con người:
Đức Hồng Y F.X Nguyễn Văn Thuận đã cho thấy “nghệ thuật yêu thương con người” của Chúa Giê-su mang các chiều kích sau:
- Yêu thương trước: “Người đã yêu chúng ta trước” (1Ga 4,19; Rm 5,8).
- Yêu thương tất cả mọi người: “Các con hãy là con của Thiên Chúa Cha trên trời, là Đấng làm cho mặt trời mọc lên cho người lành và kẻ dữ…” (Mt 5, 45).
- Yêu thương kẻ thù: “Nếu các con yêu những người yêu các con…nếu các con chỉ chào hỏi anh em mình thôi…ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?…Nhưng Thầy bảo các con: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ bách hại các con” (Mt 5, 46-47.44).
- Yêu thương bằng cách hiến chính mạng sống mình: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu nầy la: hiến chính mạng sống cho các bạn hữu mình” (Ga 15, 13).
- Yêu thương bằng cách phục vụ: “Các con cũng làm như Thầy đã làm” (Ga 13, 15)[4].
2. Từ “tình yêu của Đức Kitô” đến Đức Khiết Tịnh”:
Xuất phát từ “trường dạy yêu thương” của Đức Ki-tô, nhân đức Khiết Tịnh mà những người được thánh hiến cam kết đón nhận và sống, có thể nói được, đồng nghĩa với “Đức Yêu thương”, như Cha Marcello de Cavalho Azevedo đã cắt nghĩa cách dí dỏm nhưng cũng đầy tính thuyết phục: “Không có đức ái, sự trong trắng không có ý nghĩa. Tại sao con giữ mình trong trắng ? - Vì con ích kỷ, không chịu được ai ? - Vì không ai yêu con nổi ? - Hay vì con muốn giữ lòng con để yêu Chúa và yêu tha nhân trọn vẹn hơn ? - Chỉ lý do cuối cùng nầy mới chính đáng”[5]. Và ngài cũng nhận xét thêm: “Yếu tính của Đức Khiết tịnh là: dọc theo dòng lịch sử, Thiên Chúa đã mời gọi một số người hiến thân trọn vẹn cho Tình Yêu. Họ được Chúa ban ơn có thể yêu Ngài hết lòng, mà không cần phải qua trung gian của tình yêu nhân loại. Họ toả chiếu tình yêu ‘miễn phí’ của Ngài ra chung quanh, và khám phá trong những người khác tình Chúa yêu thương họ”[6].
Điều đó có phải là một ảo tưởng không ? Nhất là trong bối cảnh xã hội hôm nay, một xã hội đề cao “tình yêu xác thịt”, “tình yêu chiếm hữu”, tự do luyến ái, kế hoạch hoá vì mục đích thoả mãn tính dục, ly dị, phá thai…; nhất là phong trào “phò LGBT”[7].
Lịch sử của Hội Thánh suốt hai ngàn năm nay đã minh chứng hùng hồn rằng: đó không phải là một ảo tưởng nhưng là một khẳng định, một hiện thực, một chứng tá đầy thuyết phục và rõ nét. Đức Thánh Cha G.P. II đã nói trong Tông huấn Đời sống Thánh Hiến: “Người tận hiến chứng nhận rằng điều mà đa số xem như không thể được, lại trở nên có thể được và thật sự mang lại tự do, nhờ ơn thánh của Chúa Giê-su. Đúng vậy, trong Đức Ki-tô, có thể yêu mến Thiên Chúa với hết cả con tim, đặt Người lên trên mọi mối tình, và yêu thương mọi thụ tạo với sự tự do của Thiên Chúa. Đây là một trong những chứng tá cần thiết cho hôm nay hơn bao giờ hết, chính vì thế giới rất ít hiểu được điều này. Chứng tá nầy dành cho mọi người - cho giới trẻ, cho những người đính hôn, cho những đôi vợ chồng, cho các gia đình Ki-tô giáo - để minh chứng rằng sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa có thể thực hiện những điều phi thường ngay giữa những thăng trầm của tình thương loài người” (ĐSTH số 88).
Chính trên nền tảng nhân bản đích thực đó (yêu Chúa, yêu người), mà trái tim của những người sống đời thánh hiến đích thực luôn nhân từ, rộng mở, cuộc đời luôn tỏa rạng niềm thanh thản tươi vui, cách ứng xử luôn quân bình, tự chủ: “Đời thánh hiến cần phải nêu lên cho thế giới ngày nay những gương sáng của những người nam và người nữ sống đức khiết tịnh mà vẫn quân bình, làm chủ được chính mình, có sáng kiến, trưởng thành tâm linh và tình cảm (…). Chính vì được nhận chìm trong mầu nhiệm (Ba Ngôi) đó, con người tận hiến có khả năng yêu mến triệt để và phổ quát, có sức mạnh để tự chủ và kỷ luật cần thiết để khỏi bị nô lệ giác quan và bản năng. Đức khiết tịnh tận hiến trở thành một kinh nghiệm về niềm vui và tự do. Được soi sáng bởi niềm tin vào Chúa Phục sinh và niềm chờ mong trời mới đất mới (x. Kh 21,1), đức khiết tịnh tận hiến là một kích thích tố quý báu cho việc giáo dục khiết tịnh, cần cho các bậc sống khác nữa” (ĐSTH, số 88).
3. Khiết tịnh: Công trình của Chúa Thánh Thần:
Qua những chỉ dẫn trên, chúng ta hiểu và tin rằng: Người sống đời thánh hiến là những người thuộc về Thiên Chúa và thuộc về anh em trọn vẹn, hết mình trong tình yêu như Chúa Giê-su. Tuy nhiên, chắc chắn không ít lần chúng ta lại phân vân: Làm sao với trái tim nhân loại, với con người mỏng dòn, yếu đuối luôn nghiêng chiều về xác thịt, ích kỷ, đam mê… lại có thể yêu trọn vẹn, yêu cao cả, yêu thánh thiện như thế được ? Xin hãy an tâm. Vì, quả thật, tự sức chúng ta, chúng ta không thể có khả năng để sống khiết tịnh, không có khả năng để yêu thương với kích thước và đòi hỏi của Đức Ki-tô. Nhưng đây là công trình của Chúa Thánh Thần, Đấng được mệnh danh là “Tình yêu của Thiên Chúa”, như lời khẳng định của Thánh Phao-lô Tông đồ: “Thiên Chúa đã đổ tràn tình yêu của Ngài vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5, 5).
Đức Thánh Giáo hoàng G.P. II đã minh giải điều đó như sau: “Cũng như trọn cuộc sống Ki-tô hữu, tiếng gọi sống đời tận hiến có quan hệ mật thiết với hoạt động của Chúa Thánh Thần. Qua các thời đại, chính Thánh Thần luôn luôn thúc đẩy những con người mới nhận ra sức thu hút của một chọn lựa cam go. Dưới tác động của Người, những con người ấy lại trải qua kinh nghiệm của ngôn sứ Giê-rê-mi-a: ‘Lạy Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ" (Gr 20,7). Chính Thánh Thần gợi lên nguyện ước đáp trả trọn vẹn; Chính Người tháp tùng cuộc tăng trưởng của nguyện ước nầy, giúp người ta thuận theo đến cùng và nâng đỡ người ta trung thành thực hiện lời đáp trả; chính Người đào tạo và củng cố tinh thần của những kẻ được gọi, bằng cách làm cho họ nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục, và bằng cách thúc đẩy họ nhận lấy sứ mạng của Người làm của mình. Khi để cho Thánh Thần hướng dẫn hầu tiến đi không ngừng trên hành trình thanh luyện, ngày qua ngày, họ trở thành những con người mang danh Đức Ki-tô, nối dài trong lịch sử sự hiện diện đặc biệt của Chúa phục sinh” (ĐSTH số 19).
Mà nếu Đức Chúa Thánh Thần đã ra tay tác tạo, thì hoa trái của Ngài sẽ là: “Bác ái, hoan lạc, bình an nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5,22-23)[8].
4. Đức Khiết tịnh và đời sống cộng đoàn:
Vâng, cộng đoàn Hội Thánh và các cộng đoàn nhỏ trong Giáo Hội là một “cộng đoàn tình yêu” do chính Đức Kitô thiết lập trên “nền tảng tình yêu” chính là cuộc hiến tế Thập Giá của Ngài ; là cộng đoàn phát sinh do “Máu và Nước chảy ra từ Trái Tim bị đâm thâu”, nên phải phản ảnh đúng tình yêu của chính Đấng “Phu Quân”. Một cộng đoàn không có tình yêu cũng có nghĩa là một cộng đoàn đã đánh mất “căn tính Kitô giáo”, như cách cảm nhận:
Nếu không có tình yêu, bổn phận khiến người ta dễ nóng giận.
Nếu không có tình yêu, trách nhiệm đẩy con người ta tới chỗ bất nhã.
Nếu không có tình yêu, công bằng làm cho con người ta đâm ra tàn nhẫn.
Nếu không có tình yêu, sự thật biến người ta thành kẻ ưa soi mói.
Nếu không có tình yêu, sự khôn ngoan dẫn dắt bạn tới chỗ láu cá.
Nếu không có tình yêu, sự đon đả biến con người thành kẻ giả dối.
Nếu không có tình yêu, sự am hiểu đẩy bạn trở thành kẻ cố chấp.
Nếu không có tình yêu, quyền lực khiến người ta trở thành kẻ áp bức.
Nếu không có tình yêu, danh tiếng làm bạn trở thành kẻ kiêu ngạo.
Nếu không có tình yêu, của cải làm con người ta trở nên tham lam.
Nếu không có tình yêu, lòng tin biến bạn thành kẻ cuồng tín.
Nếu không có tình yêu, trên đời này bạn không là gì cả.
Quả thật nếu không có tình yêu thì cộng đoàn chỉ là “sói ở với nhau” !
Dĩ nhiên, để có được một cộng đoàn “đầy ắp yêu thương” như thế không phải một sớm một chiều; phải là sự “chắp nhặt từng phút giây”, từng những “chi tiết nhỏ”, từng những lời cầu nguyện đan xen những hy sinh mỗi ngày… như chính Chúa Giêsu đã căn dặn: “nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy…”
Vì thế, cho dù mang theo bao nhiêu tính hư tật xấu và yếu đuổi nhỏ nhen, chúng ta không nản lòng. Vì Đức Kitô vẫn còn hiện diện ở giữa lòng Giáo Hội, ở trong Nhiệm tích Thánh Thể như Ngài đã tuyên bố: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Ngài đang hiện diện ở đây, ngay giây phút nầy để dành cho ta lòng khoan dung tha thứ, và để động viên mọi người chúng ta cất bước lên đường tiếp tục ra đi rao giảng và làm chứng tình thương khoan dung của Thiên Chúa và đáp lại bằng chính việc thực thi giới luật yêu thương: “Anh em chớ mắc nợ ai ngoài việc phải yêu mến nhau. Vì ai yêu người, thì đã giữ trọn lề luật” (Rm 13,8).
5. Bảo vệ và phát triển Đức Khiết tịnh:
Có lẽ chúng ta nên dõi theo những chỉ dẫn của cố Hồng Y F.X Nguyễn Văn Thuận trong những kinh nghiệm và kiến thức cao quý của ngài, được ghi lại trong tác phẩm Những người lữ hành trên Đường Hy Vọng: (Xin trích):
TRONG TRẮNG[9]
1. Đóa hoa trinh khiết:
- “Phúc cho ai trong trắng vì sẽ được thấy mặt Thiên Chúa. “Không phải chỉ có tu sĩ, mà cả người đời cũng phải trong trắng theo đấng bậc mình. Sống trong trắng không phải bị ràng buộc, nhưng cần được tự do hơn” (ĐHV 425).
- Bao nhiêu tâm hồn giáo dân trong trắng gương mẫu giữa trần gian. Tâm hồn tận hiến của con phải cảm phục, phấn khởi và vươn cao hơn nữa.” (ĐHV 433).
Thánh Nữ Maria Goretti sinh năm 1890 tại miền Pontins, gần bờ biển, cách thành Roma khoảng 25 cây số. Thuở còn nhi nữ, thánh nhân đã là cô gái nhan sắc mặn mà khiến Alexandre, một thanh niên cùng làm việc trong nông trại với ngài, đã dùng lời đường mật dụ dỗ. Thánh nữ cương quyết chống lại và bảo: “Anh Alexandre, đừng, đừng làm thế, Chúa không muốn anh xuống hỏa ngục đâu”. Và lần khác, thánh nữ đã nói cách dịu dàng với anh ta: “Không, anh Alexandre, Chúa không muốn chúng ta làm điều đó !”. Nhưng chàng trai ấy quá say mê nhan sắc của ngài; vì thế, lúc Goretti mới 13 tuổi đầu, vào ngày 5.7.1902, lợi dụng lúc cả nhà đi làm xa, Alexandre đã dùng võ lực cưỡng bách Goretti. Ngài chống cự mãnh liệt, nhưng vì sức yếu nên cuối cùng phải khuất phục. Và sau đó, vì sợ bị tố cáo, Alexandre đã đâm chết Thánh Nữ. Sáng hôm sau, ngày 6.7.1902, trước khi trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện Nettunô, Thánh nữ Goretti đã thều thào: “Vì tình yêu Chúa Kitô, tôi sẵn sàng tha thứ cho anh Alexandre, và muốn anh cũng được vào Thiên đàng với tôi”.
Năm Thánh 1950, Đức Piô XII đã phong Thánh cho Maria Goretti trước sự hiện diện của bà mẹ già yêu dấu và bên cạnh bà, có cả... anh Alexandre, lúc ấy đã vào dòng tu !
2. Đôi mắt xanh của chị nữ tu:
- Có nhiều thiên thần trong trắng mà lại là ma quỷ của ghen ghét. Vô phúc cho cộng đoàn nào gặp loại thiên thần ấy (ĐHV 426).
- Cha đã gặp nhiều người, thuộc nhiều giới, ở nhiều nước khác nhau, sống độc thân hạnh phúc giữa đời. Bí quyết của họ: “Sống cầu nguyện.” (ĐHV 435).
- Giá trị của thân xác con: - Mua chuộc bằng Máu Thánh Chúa, - Làm đền thờ Chúa Ba Ngôi, - Sẽ vinh hiển muôn đời. Đừng đem bán “xôn”! (ĐHV 450).
- Xem thường không giữ ngũ quan là mở cửa cho địch vào thành. David thắng Goliath khổng lồ nhưng không thắng được mắt mình (ĐHV 455).
Trên khắp các nước, thế chiến đã bùng nổ. Quân Phátxít chiếm cứ khắp nơi. Một viên tướng Phátxít đến một nhà dòng kia, yêu cầu kêu Mẹ Bề trên cho ông ta gặp. Khi vừa dốc cạn ly nước từ tay Mẹ Bề trên, viên tướng Phátxít lập tức vào đề:
- Xin bà cho tôi gặp chị Maria. Bà Bề trên bấm chuông gọi chị ấy ra. Ông tướng vui vẻ hẳn lên và nói cách sổ sàng: “Tôi yêu cầu bà trao ngay cho tôi chị này, tôi say mê chị”. Hai mẹ con nhìn nhau lúng túng; chị Maria vội đỡ lời: “Tôi là một nữ tu tầm thường, nào có gì để ông say mê. Xin ông tìm ở ngoài thế gian, lắm người nhan sắc lộng lẫy...”.
- Không! không ! Tôi yêu chị vì chị có con mắt xanh tuyệt đẹp. Tôi say mê quá !
- Không ! Xin lỗi ông, không bao giờ tôi chấp nhận điều ấy.
- Nếu chị không chấp nhận, nội ngày mai, tôi sẽ ra lệnh tiêu diệt cả nhà dòng này !
Một bầu khí thinh lặng ghê rợn ập xuống phòng khách. Ông tướng đứng lên và bảo: “Tôi cho một đêm suy nghĩ, sáng mai tôi sẽ trở lại. Phải trả lời dứt khoát: nếu không, tôi sẽ...”.
Ngày hôm ấy, cả Nhà Dòng thiết tha cầu nguyện sốt sắng hơn. Thâu đêm chị không thể nào chợp mắt: “Chẳng lẽ vì mình mà cả nhà phải bị tiêu diệt? Không, không thể được! Hay tôi phải bỏ Nhà Dòng, bỏ Tình yêu Chúa Kitô, bỏ đức trinh khiết? Không, không bao giờ như thế !”
Sáng hôm sau, khi chị em còn nguyện kinh, ông tướng Phátxít đã có mặt ở phòng khách, đôi mắt hau háu, nôn nóng, sốt ruột.
Từ đầu hành lang, Chị Maria đang tiến lại, nhưng... bên cạnh lại có một người khác dẫn đi, tay chị cầm một cái dĩa. Viên tướng há hốc mồm, trố mắt kinh ngạc. Chị đã bước vào phòng khách, nhưng ông vẫn không ngớt ngẩn ngơ. Chị Maria khuôn mặt đầy máu me, đang sờ soạng đặt cái dĩa trên mặt bàn và nhỏ nhẹ trình bày: “Thưa ông, vì ông say mê cặp mắt của tôi... nên tôi xin sẵn sàng biếu ông cặp mắt ấy... trên dĩa này. Còn thân xác tôi, đời tôi, tôi đã hiến dâng cho Thiên Chúa”.
Viên tướng Phátxít vừa bàng hoàng kinh ngạc vừa cảm phục. Ông xấu hổ đứng dậy bỏ ra về và không đá động gì đến nhà dòng nữa.
3. Tội lỗi xông mùi:
- Chúa chỉ ban sự trong trắng cho linh hồn khiêm nhượng. Con hãy cầu xin hàng ngày với tâm hồn đơn sơ chân thành, thực sự nhìn nhận sự yếu đuối của con (ĐHV 427).
- Muốn trong trắng, con phải hy sinh; cành huệ trắng tinh, cành mai thơm tho, cành đào xinh đẹp, vì nó đâm rễ sâu vào lòng đất, vì nó cầm cự với mưa bão, vì nó chịu những bàn tay cắt tỉa (ĐHV 431).
- Nhiều thanh niên cười ngạo nghễ mỉa mai, cho là chuyện hoang đường của thời thượng cổ, nếu ai đề cập đến vấn đề sống trong trắng. Nhưng đến phiên họ, họ chọn người bạn trong trắng, họ đánh ghen, họ tự vẫn khi gặp người bạn đồi trụy (ĐHV 434).
- Bại một trận không phải là thua cả cuộc chiến. Chúa muốn dùng mọi sự để làm nên sự lành, kể cả tội lỗi (ĐHV 457). Gioan Boscô và Philipphê Nêri là hai vị Thánh sống đời trinh khiết lạ thường. Hai ngài còn có lòng yêu mến giới trẻ cách đặc biệt. Các vị hoà mình với các thanh thiếu niên, vui vẻ nô đùa với họ, ăn uống với họ, cầu nguyện với họ và yêu mến họ.
Với sự hiện diện đầy thương yêu ấy các ngài muốn phải làm sao cho họ không thể phạm tội được. Nhưng tuổi thanh niên nhiều yếu đuối làm sao khỏi vấp ngã. Nên Thiên Chúa đã ban cho các ngài một đặc ân là hễ gặp linh hồn nào còn mắc tội trọng, các ngài liền cảm thấy một mùi thối tha ghê tởm xông lên, khiến các cậu thanh niên không thể giấu giếm với các ngài một tội nào!
Sau kỳ nghỉ hè, thanh thiếu niên lại tựu trường và đang nô đùa vui vẻ giữa sân. Thánh Gioan Boscô đi đến với chúng, tươi cười thăm hỏi... Nhưng hễ đứa nào mắc tội trọng chưa xưng thì phải chạy trốn ngay vì sợ ngài ngửi được mùi hôi thối. Hơn thế nữa, chúng còn phải lấy khăn che mặt lại vì không thể chịu được cặp mắt của thánh nhân. Ngài nhìn ai như thấu suốt cả tâm hồn.
4. Thánh Giêrônimô chống với ma quỉ:
- Người kiêu ngạo trước sau cũng sa ngã nặng. Họ cậy vào sức riêng mình, không dựa vào Chúa (ĐHV 428).
- Ma quỷ có thể đuổi được, thế gian có thể tránh xa được. Xác thịt con mang theo mãi đến chết (ĐHV 430).
- Con đừng bảo: “Nước không dập tắt được lửa!” - Chỉ vì nước ít lửa nhiều thôi (ĐHV 438).
- Xác thịt là đặc công nằm sẵn trong con, sách báo, phim ảnh, bè bạn xấu là những khí giới ngày càng tối tân hơn. Nếu con không hiện đại hóa khí giới của con: cầu nguyện, bí tích, hy sinh..., nếu con không tỉnh thức canh phòng, nếu con không dẹp ngay mọi mầm mống nổi loạn, nếu con nuôi dưỡng đặc công, nếu bỏ các đồng minh là các thánh, là bạn tốt, con sẽ bị tấn công vũ bão và thảm bại (ĐHV 439).
- Không trong trắng, việc tông đồ không bảo đảm: “Kho tàng con ở đâu, lòng con ở đó.” (ĐHV 442).
- Thần ô uế chỉ sợ ăn chay và cầu nguyện. Con đã làm chưa? (ĐHV 452).
Thánh Giêrônimô sinh năm 340 tại Stridon miền Dalmitie, nước Nam Tư. Ngài là một Đấng thông minh đạo đức, đã được Đức Thánh Cha Đamasô trao cho sứ mệnh dịch toàn bộ Kinh Thánh sang La ngữ. Bản dịch này vẫn còn dùng trong Phụng vụ Giáo Hội: Đó là bản dịch Phổ thông (Vulgata). Ngài đã sang Thánh Địa, vào trong hang Bêlem để ẩn thân cầu nguyện và phiên dịch Kinh Thánh. Thế mà theo lời ngài thuật lại, có những lúc ma quỷ, xác thịt cám dỗ ngài hết sức nặng nề! Chúng làm ngài nhớ lại những quang cảnh xa hoa trụy lạc, những bạn bè xấu nết dâm đảng ngày trước ở thủ đô Roma. Để chống lại ma quỉ cám dỗ, ngài đã chay kiêng hãm mình và cầm đá đấm vào ngực. Với ơn Chúa và ý chí mình, ngài đã chiến thắng. Đức Bonifaciô VII suy tôn ngài lên bậc Tiến sĩ Hội Thánh. Ngài mất năm 420.
5. Thánh không ai ngờ:
- Mađalêna đã chỗi dậy và nên thánh, chừng nào con mới quyết định? (ĐHV 437)
- Ăn uống nhậu nhẹt vô độ là mở cửa cho quỷ dâm dục (ĐHV 440).
- Các thánh cũng yếu đuối như con, có vị yếu đuối hơn con nữa, có thế mới có công nghiệp, mới làm thánh. Họ chỉ khác con là họ quyết tâm (ĐHV 448).
-Đừng bao giờ khinh anh em con, nếu đứng vững đến hôm nay là ơn Chúa, xem chừng kẻo ngày mai con ngã nặng hơn! (ĐHV 454).
Với quyết tâm theo Chúa Giêsu, sống cuộc đời như Chúa Giêsu, cha Charles de Foucauld đã sang bên Thánh địa, vào Dòng Khổ tu Xitô, chịu chức linh mục và làm những việc rất hèn hạ trong nhà, để nên giống Chúa. Tuy thế, ngài vẫn chưa thỏa mãn. Sau đó ít lâu, ngài lại xin phép sang Sa mạc Sahara, cư ngụ trong vùng Touareg, để sống cùng thổ dân Berbères, suốt ngày chầu Thánh Thể, viết sách, làm việc bác ái và rao giảng Tin Mừng cho họ. Cuộc sống của ngài là một cuộc sống khó nghèo, trơ trụi và kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể cách kỳ diệu.
Nhưng nếu ngược dòng lịch sử cuộc đời của ngài, ta thấy tuổi thanh niên của ngài thực xa hoa. Vào trường võ bị Saint-Cyr, Charles de Foucauld là một sinh viên rất thông minh nhưng vô kỷ luật. Mê tán gái và thích ăn nhậu. Có hôm anh rủ bạn bè trốn học cùng nhau đi dạo phố. Để cải trang anh mang bộ râu mép giả. Giữa bữa ăn vui vẻ trong tiệm, bỗng bộ râu của Charles rơi xuống ! Thật là rủi ro! Ông chủ tiệm sinh nghi bèn gọi báo cảnh sát. Cảnh sát ập tới, kiểm soát giấy tờ thì ố hô..., toàn là những anh sinh viên sĩ quan phạm kỷ luật ! Họ chở về trường và cho nghỉ vài hôm trong khám ! Tình nhân của Charles thì hàng tá. Vài cô lại có con với anh. Đến lúc ra trường sĩ quan để nhập đoàn thám hiểm sa mạc Sahara, Charles de Foucauld vẫn tỏ ra vô kỷ luật vì thế việc thăng quan tiến chức của anh thật chậm chạp.
Một hôm được ơn Chúa đánh động mạnh mẽ, anh rời bỏ binh nghiệp và dâng mình cho Chúa. Nghe nói thế, cả gia đình chẳng một ai tin, còn phì cười nữa. Thế nhưng, với sự quyết tâm dũng cảm và ơn Chúa dạt dào, Charles Foucauld đã nên một vị thánh thời danh, được nhiều người thời đại ta tôn sùng, yêu mến.
Cũng như Augustinô, Charles de Foucauld thật là một vị thánh không ai ngờ. …
………
8. Một phương pháp hay:
- Ban thông tin của quỷ dâm ô hấp dẫn lắm, luật sư của xác thịt biện hộ ráo riết lắm. Đừng đối thoại với nó, hãy biết sau chốc lát hưởng lạc, con sẽ cảm thấy chán ngấy, cắn rứt và cô đơn: Con đổi thiên đàng lấy hỏa ngục sao? (ĐHV 451).
- Càng sống trong trắng, chí khí càng vững, vì đã được rèn luyện qua nhiều trận anh dũng (ĐHV 459).
Lạy Chúa, con muốn sửa mình lắm, nhưng sửa hoài chẳng được. Cơn cám dỗ mạnh quá. Mạnh hơn con nhiều cha ạ!
Thánh Philipphê Nêri nhìn chàng thanh niên thiện chí và dịu dàng khuyên bảo: “Hãy can đảm lên, cha đề nghi với con hai điều thôi: mỗi ngày con hãy đọc một kinh “Lạy Nữ Vương và suy niệm đến cái chết; con hãy cố tưởng tượng xác con nằm dưới lòng đất, đôi mắt thối rữa ra, thân mình thì hôi hám, miệng đầy giòi bọ... Rồi con hãy tự nhủ: vì những thú vui xác thịt mà tôi ra như thế và mất nước Thiên đàng !”
Chàng thanh niên nghe lời khuyên của vị Thánh, ngày nào cũng cầu nguyện với Mẹ các kẻ đồng trinh và suy niệm về cái chết. Với sức phấn đấu và ơn Chúa, chàng giữ được lòng trong trắng cho đến hơi thở cuối cùng. (Hết trích).
(Xem thêm câu chuyện “Đức Cha Xerghi” của văn hào Lep Ton-stoi)[10].
Cha Marcello de Cavalho Azevedo đã nêu bật những nét đẹp tuyệt vời trong nhân cách của Đức Trinh Nữ Maria, như là mô hình mẫu trọn hảo của một con người khiết tịnh thật sự:
Chọn lựa sáng suốt
Ý thức rất phong phú về đức nghèo,
Tâm hồn rộng mở đối với Chúa
Luôn sẵn sàng phục vụ người khác
Suy gẫm sâu sắc về thánh ý Chúa
Yêu thương nồng thắm Thánh Giu-se
Can đảm vô cùng khi đứng dưới chân thập giá
Và hiệp thông với Giáo Hội non trẻ mới sinh[11].
Kết: Hãy vui lòng dạy con tình yêu
Giá cao luôn được dành cho của quí. Tình yêu lớn đòi phải hy sinh nhiều. Như câu chuyện ngụ ngôn của Oscar Wide “Con chim hoạ mi và cây hoa hồng”: “Để làm nên quà tặng tình yêu, chim hoạ mi chấp nhận ép tim vào gai nhọn của hoa hồng để cây hoa hút máu tạo nên một cánh hoa hồng đẹp, làm quà tặng tình yêu”. Muốn sống tình yêu đó, muốn có trái tim đó, chúng ta phải khiêm hạ cầu xin và không ngừng “học yêu” trong mái trường của Chúa Giê-su, mái trường “Tin Mừng”, như lời nguyện thâm thuý sau đây của Mẹ Tê-rê-xa Calcutta:
Chúa Giê-su rất yêu mến của con
Chúa đã sinh ra với tình yêu
Chúa đã phục vụ bằng tình yêu
Và bước đi, với tình yêu
Chúa đã được tôn kính, với tình yêu
Chúa đã đau khổ và chết trong tình yêu
Và đã ra khỏi mồ với tình yêu
Con cảm tạ Chúa vì tình yêu Chúa đã cho con
Và tình yêu mà Chúa đem đến cho thế giới
Con xin Chúa hôm nay cũng như mỗi ngày,
Hãy vui lòng dạy con Tình yêu
Để con cũng vậy, con biết yêu.
Amen[12].
[1] Bài viết: VẾT SẸO CỦA TÌNH YÊU; trang web https://dantri.com.vn/tinh-yeu-gioi-tinh/vet-seo-tinh-yeu-1179648561.htm; Hải Ninh đăng ngày 12.7.2017.
[2] XUÂN DIỆU; Trích đoạn bài thơ "Vì Sao": Làm sao cắt nghĩa được tình yêu! Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều. Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt, Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu... .
[3] BOB MARLEY: Nguyên tác: “You said you love rain, but you use umbrella to walk under it. You said you love sun, but you seek shade when it is shining. You said you love wind, but when it comes you close your window. That’s why I’m scared when you say you love me”
[4] ĐHY F.X. NGUYỄN VĂN THUẬN; Chứng nhân hy vọng; tr. 116-121
[5] MARCELLO DE CAVALHO AZEVEDO; Tu sĩ, ơn gọi và sứ mạng; tr. 32
[6] SĐD; tr. 31
[7] LGBT là các chữ cái viết tắt của Lesbian (đồng tính luyến ái nữ), Gay (đồng tính luyến ái nam), Bisexual (song tính luyến ái), Transgender (chuyển giới). Biểu tượng của phong trào LGBT là “Cờ sau sắc cầu vồng”; và họ treo cờ nầy trong tháng 6 !
[8] MARCELLO DE CAVALHO AZEVEDO; Tu sĩ, ơn gọi và sứ mạng; tr. 25
[9] ĐHY F.X. NGUYỄN VĂN THUẬN; Những người lữ hành trên đường hy vọng; mục số 18, TRONG TRẮNG, nguồn: dunglac.org.
[10] LEP TON-STOI, Truyện chọn lọc, người dịch: Nguyễn Hải Hà, Thuý Toàn, nxb Văn Hoá – Thông Tin, Hà Nội, 2000. Tóm lược câu chuyện: “Cha Xerghi nguyên là một sĩ quan trẻ trong quân đội Nga hoàng, anh có tiền đồ rất tươi sáng lại được hoàng thượng sủng ái, anh chuẩn bị kết hôn với một thiếu nữ qúy tộc xinh đẹp. Nhưng rồi anh thất vọng não nề khi nhìn thấy mặt trái của giai cấp mình: cô vị hôn thê ngỡ là trong trắng mà anh tôn thờ kia đã thú nhận cô là tình nhân của ngay vị hoàng đế mà anh cũng rất sùng bái. Xerghi vỡ mộng, phẫn chí và quyết định đi tu. Anh trở thành một tu sĩ nổi tiếng trong sạch, đức độ. Rồi một ngày kia cha Xerghi bị một nữ khách tới tận tu phòng quyến rũ. Cha Xerghi cố gắng chống chỏi với dục vọng của mình, cuối cùng ông phải dùng lưỡi rìu chặt phăng một ngón tay để tập trung ý chí!! Chứng kiến cảnh tượng ghê rợn đó, nữ khách hoảng sợ rút lui. Hối hận vì đã xúc phạm một vị thánh, bà này sau đó cũng quyết định đi tu. Cha Xerghi tiếp tục tu hành và ngày càng nổi tiếng nhờ những lời đồn thổi lan truyền trong dân chúng về phép lạ chữa bệnh của ông. Rồi một nông dân đưa cô con gái bị bệnh ngẩn ngơ đến nhờ ông chữa trị. Lần này một mình đối diện với cô gái trẻ ngây ngô trong phòng riêng, ông không thắng được dục vọng và đã sa ngã. Thất vọng ê chề về chính mình, ông bỏ trốn khỏi tu viện, xóa dấu vết và trở thành một người hành hương nghèo đói đi lang thang khất thực suốt khoảng đời còn lại…”. Nguồn: http://khotailieu.com/luan-van-do-an-bao-cao/van-hoa-nghe-thuat/duc-cha-xerghi.html
[11] MARCELLO DE CAVALHO AZEVEDO; Tu sĩ, ơn gọi và sứ mạng; tr. 28.
[12] SÁCH LƯU HÀNH NỘI BỘ; Cầu nguyện với Mẹ Têrêxa; trang 23.