Một cặp vợ chồng chưa kết hôn xin rửa tội cho con của họ được không?


Thông thường, tại các giáo xứ, có các cặp vợ chồng chưa kết hôn xin rửa tội cho một đứa trẻ. Chúng ta phải làm gì trong trường hợp này?


Tôi tin rằng ngày nay ở các giáo xứ thường có những cặp vợ chồng đang sống chung, chưa kết hôn, xin phép rửa cho con của họ. Tôi tự hỏi, trong trường hợp này, phải xử lý thế nào cho đúng: chắc chắn vì lợi ích của đứa trẻ, việc rửa tội cho nó là đúng đắn, nhưng cha mẹ không buộc phải cưới nhau sao?

Cha Valerio Maurio, giáo sư thần học bí tích trả lời.

Độc giả tự đặt câu hỏi một cách chính xác, khởi đi từ tính cụ thể của cuộc sống, tự chất vấn về sự phù hợp hay ít ra là xác định hành động mục vụ. Việc các cặp vợ chồng chưa cưới nhau xin rửa tội cho con cái của họ là một thực tế ngày càng phổ biến trong cộng đoàn của chúng ta. Mặt khác, thuộc về kinh nghiệm đức tin của Giáo hội, những người đã rửa tội được mời gọi để sống tình yêu vợ chồng qua bí tích hôn nhân, qua con đường nên thánh và dâng hiến cho nhau trong cuộc sống thường ngày. Ở đây một số lời giải thích ngụ ý được lồng vào trong câu hỏi đã đặt ra, không phải mang tính hình thức mà thực tế. Vì vậy, để đơn giản hóa vấn đề, giả thuyết mà chúng tôi cố gắng đưa ra trước, đó là không có gì ngăn trở đối với bí tích hôn nhân của cặp vợ chồng xin rửa tội cho con cái của mình.

Điểm đầu tiên chắc chắn là vì lợi ích của đứa trẻ, vì đức tin của chúng ta, rửa tội là đúng, nếu thấy có đủ điều kiện để em tiếp tục hành trình đức tin của mình trong cộng đoàn Giáo hội. Việc sống chung với cha mẹ, tự nó không phải là một trở ngại. Cha mẹ có thể đưa ra những bảo đảm phù hợp với tương lai của đứa trẻ, bằng cách trình bày ý muốn dõi theo và đồng hành với con cái trong lộ trình đức tin của nó.

Mặt khác, đúng là tình huống được giả định sẽ đem đến cho vị mục tử và cộng đoàn cơ hội về thực tại rao giảng Tin Mừng mà đôi vợ chồng này hướng đến. Nó cho thấy giá trị của Phép rửa, của những ơn lành và của sự biến đổi cuộc sống mà phép rửa mang lại và đòi hỏi một cơ hội ưu biệt để công bố những nền tảng đức tin. Và thật chính đáng khi giúp cha mẹ của đứa trẻ biết tự vấn về cuộc sống lứa đôi của họ, về tình yêu gắn kết họ và về tương lai mà họ phải tiếp tục xây dựng. Tuy nhiên, có lẽ không thích hợp khi đề nghị họ cử hành bí tích hôn nhân như một điều kiện để rửa tội cho đứa trẻ. Bởi vì chúng ta luôn được kêu gọi sống đức tin theo luận lý về sự đáp trả tự do, giống như một sự đáp trả đầy biết ơn đối với hồng ân mình đã nhận được.

Lòng biết ơn này trưởng thành qua thời gian và qua những cách thức được gắn kết với những câu chuyện cá nhân, kể cả những câu chuyện liên quan đến đôi vợ chồng. Vì vậy, giả thuyết của độc giả cần phải được định hình lại, bằng cách loại bỏ quan điểm về một đòi hỏi đặt ra cho cặp vợ chồng, theo kiểu thúc bách ít nhiều, nhằm biến sự lưu tâm mục vụ hướng tới gia đình đó. Lưu tâm mục vụ sẽ không dừng lại ở việc cử hành bí tích rửa tội, nhưng sẽ tiếp tục theo thời gian, không mỏi mệt, với mục đích khơi dậy nơi cha mẹ lòng khát khao dâng hiến tình yêu của họ và sự sung mãn của họ trong bí tích hôn nhân. Với cách diễn tả rất thần học và rất nhân văn như vậy, điều họ sẽ chọn lựa là chọn một lối sống chấp nhận nhau, bằng cách khám phá ra ơn gọi thông phần vào tình yêu của Chúa Kitô, với tư cách là vợ chồng.

Và tôi muốn khép lại suy tư này bằng những từ ngữ khác có chiều sâu hơn, chúng xác định tầm nhìn mà qua đó chúng ta được mời gọi để hành động như một cộng đoàn Kitô hữu: “Bí tích hôn nhân không phải là một quy ước xã hội, một nghi thức trống rỗng hay thuần túy là một dấu chỉ bên ngoài của sự cam kết. Hôn nhân là một hồng ân để thánh hóa và để cứu rỗi đời sống vợ chồng… Hôn nhân là một ơn gọi vì nó đáp lại lời kêu mời cụ thể để sống tình yêu vợ chồng như dấu chỉ hoàn hảo của tình yêu giữa Chúa Kitô và Hội thánh. Vì thế, quyết định kết hôn và hình thành một gia đình phải là kết quả của sự phân định ơn gọi” (ĐTC Phanxicô, Tông huấn Amoris laetitia, 72).

Giuse Võ Tá Hoàng chuyển ngữ
Mới hơn Cũ hơn