Nơi diễn ra cái ôm cuối cùng giữa hai vị thánh Phêrô và Phaolô



Trên đường Ostiense, nối liền Rôma cổ đại với thành phố cảng Ostia, giữa số 106 và số 108 có một tấm bảng kỷ niệm gắn bức phù điêu bằng đá cẩm thạch họa lại cuộc gặp gỡ cuối cùng giữa Thánh Phêrô và Thánh Phaolô.

Một cái ôm thắm tình huynh đệ trước khi hai vị chia tay và chịu tử đạo. Sau khi đi chung một đoạn đường, họ đã chia tay nhau, từng người ra đi đón nhận cái chết của riêng mình: Phaolô ở Acque Salvie, nay là Tre Fontane, Phêrô tại hí trường Nêrô, ngày nay là Vatican.

Ở nơi đặt bức phù điêu hiện nay là một nhà nguyện được gọi là nhà nguyện Chia Tay, gần như nằm giữa Porta San Paolo (Cổng Thánh Phaolô, một trong những cánh cổng thuộc thời trung cổ được bảo tồn tốt nhất ở Rôma), và đền thờ thánh Phaolô ngoại thành.

Theo thời gian, nhà nguyện này không may bị phá hủy để cải tạo, nâng cấp đường Ostiense, ngày nay nơi này là một trong những khu sầm uất ở Rôma.




Thánh Phêrô và Phaolô gặp nhau bao nhiêu lần?

Mặc dù hai vị thánh được mừng kỷ niệm cùng ngày 29 tháng 6, cùng được đọc chung trong kinh cầu các thánh, nhưng thánh Phêrô và Phaolô chỉ gặp nhau hai lần: một lần tại Antiôkia, trong một dịp tranh cãi, và lần khác ở Rôma vào thời của Nêrô.

Hai vị không chịu tử đạo cùng ngày, cùng năm, và lễ phụng vụ của hai vị có lẽ là nhớ đến việc di chuyển thánh tích của họ trong thời kỳ bách hại.

Vậy tại sao hai vị luôn xuất hiện cùng nhau?

Thánh Phêrô

Ngay cả thánh Phêrô được Chúa Giêsu kêu gọi như vậy, nhưng ngài không phải là người vững vàng lắm; trái lại - những thôi thúc trong lòng ngài rất ngắn: ngài muốn đi trên biển nhưng lại bị chìm, ngài là người cuối cùng rời bỏ Chúa Giêsu nhưng lại là người đầu tiên chối Chúa.

Tuy nhiên, điều chắc chắn nhất nơi Phêrô là đức tin của ngài. Đức tin như một đặc sủng, không đến từ xác thịt cũng không từ huyết thống, nhưng đến từ Chúa Cha.

Và vì thế, chúng ta có thể hiểu “chìa khóa nước trời” như thế nào: quyền bính của Phêrô và những người kế vị ngài thật cần thiết để gìn giữ Hội thánh trong chân lý và trong sự duy nhất.

Thánh Phaolô

Tương tự như thế, sự tự do của thánh Phaolô thật cần thiết để giữ cho Hội thánh trong sự mới mẻ của Chúa Thánh Thần, một làn gió không thể đoán trước được trong một thế giới đang đổi thay. Nếu không có sự táo bạo của thánh Phaolô, lòng trung thành có nguy cơ trở thành kiêu căng, để rồi tự làm cho mình thành xơ cứng, tính duy nhất có nguy cơ trở thành đồng dạng.

Tuy nhiên, nếu không có sự cảnh giác của Phêrô, ngay cả sự khác biệt cũng có thể bị biến thành kiêu căng, khi đó lại trở nên bất đồng.

G Võ Tá Hoàng chuyển ngữ










Mới hơn Cũ hơn