Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Tibêriô, thời Phongxiô Philatô làm tổng trấn xứ Giuđêa, Hêrôđê làm tiểu vương xứ Galilê, người em là Philip làm tiểu vương xứ Iturêa và Trachonitis, và Lysanias làm tiểu vương xứ Abilene… (Lc 3,1).
Một số người tuyên bố Đức Giêsu Kitô chưa từng tồn tại. Người ta cho rằng cuộc đời của Đức Giêsu và Tin mừng chỉ là những huyền thoại được Giáo hội thêu dệt. Tuyên bố này chủ yếu dựa vào việc tin tưởng rằng không hề có hồ sơ lịch sử nào về Đức Giêsu.
Việc thiếu các bản báo cáo thế tục không gây quá nhiều ngạc nhiên đối với các Kitô hữu đương đại. Đầu tiên, chỉ một phần nhỏ trong số các bản văn ghi chép còn sót lại sau hai mươi thế kỷ. Thứ hai, có rất ít các ký giả ở Palestine vào thời Đức Giêsu. Thứ ba, người Rôma xem dân Do Thái đơn thuần chỉ là một trong số các sắc dân cần được khoan dung. Người Rôma xem thường họ. Cuối cùng, các lãnh đạo Do Thái cũng muốn nhanh chóng lãng quên Đức Giêsu. Các văn sĩ ngoại đạo chỉ chú ý giai đoạn sau khi Kitô giáo trở nên phổ biến và bắt đầu chi phối lối sống của họ.
Mặc dù các bản báo cáo ban đầu về Đức Giêsu có thể hiếm có, nhưng vẫn có một vài tài liệu còn sót lại nhắc đến Ngài. Không quá ngạc nhiên khi những bản báo cáo ngoài Kitô giáo sớm nhất là của người Do Thái. Flavius Josephus, qua đời năm 98, là một sử gia Do Thái làm việc cho Rôma. Ông đã viết những cuốn sách về người Do Thái cho dân Rôma. Trong tác phẩm của mình, cuốn Người Do Thái Cổ đại (Jewish Antiquities), ông từng đề cập đến Đức Giêsu. Trong một lần nhắc đến, ông viết:
"Vào thời này xuất hiện ông Giêsu, một con người khôn ngoan, đã làm nhiều việc lành và nhân đức của ông được người ta thừa nhận. Nhiều người Do Thái và dân các nước khác đã theo làm môn đồ của ông. Philatô đã kết án khiến ông chịu khổ hình và chịu chết. Tuy vậy, các môn đồ vẫn rao giảng về giáo lý của ông. Họ thuật lại rằng ông đã hiện ra với họ vào ngày thứ ba sau khi chịu xử tử trên thập tự; và ông vẫn còn đang sống. Có thể ông chính là Đấng Messiah, người mà các ngôn sứ đề cập đến khi tiên báo các điềm thiêng dấu lạ" [Josephus, Jewish Antiquities, XVIII 3.2].
Mặc dù có một vài hình thức khác nhau của bản văn đặc biệt này được bảo tồn qua hai mươi thế kỷ, chúng đều khớp với bản dịch được trích dẫn kể trên. Bản dịch này được xem xét cẩn trọng để sát với nguyên bản nhất – ít bị nghi nghờ là ngụy bản Kitô giáo nhất. Ở những chỗ khác trong cuốn sách này, Josephus cũng tường thuật việc hành quyết thánh Gioan Tẩy giả [XVII 5.2] và thánh Giacôbê Công chính [XX 9.1], thậm chí xem Giacôbê như “anh em của ông Giêsu, người đã được gọi là Kitô”. Nên lưu ý rằng, thì quá khứ của mệnh đề “ông Giêsu, người đã được gọi là Kitô” cho thấy đây không phải là ngụy bản Kitô giáo, vì một Kitô hữu thích viết “Đức Giêsu, người được gọi là Kitô” hơn.
Sách Talmud, một nguồn Do Thái khác, cũng đưa ra một vài tham chiếu mang tính lịch sử về Đức Giêsu. Theo Từ điển Di sản Hoa Kỳ (The American Heritage Dictionary), sách Talmud là “một bộ sưu tập các tác phẩm cổ của truyền thống Rabbi, bao gồm hai phần Mishnah và Gemara, thiết định nền tảng thẩm quyền tôn giáo cho Do Thái giáo truyền thống”. Dù không nhắc đích danh, các rabbi hậu thời vẫn định danh cho một nhân vật tên Giêsu. Những tham chiếu này về Đức Giêsu thể hiện sự thiếu thiện cảm đối với Ngài cũng như Giáo hội. Hơn nữa, những ghi chép kể trên được người Do Thái lưu giữ qua hàng thế kỷ, vậy nên không thể buộc tội các Kitô hữu giả mạo bản văn.
Sách Talmud chú thích về các phép lạ của Đức Giêsu. Không cố gắng phủ nhận chúng, nhưng cuốn sách quy gán các phép lạ này vào những loại hình ma thuật gốc gác Aicập. Ngoài ra, cuộc khổ hình của Đức Giêsu cũng được đề ngày thống nhất với Tin mừng, đó là “vào đêm trước Lễ Vượt qua” (Lc 22,1tt; Ga 19,31tt). Thêm một điểm tương đồng với Tin mừng (Mt 27,51), sách Talmud ghi chép về trận động đất và bức màn trong Đền thờ xé ra làm đôi khi Đức Giêsu sinh thì. Trong cuốn Cuộc chiến Do Thái, Josephus cũng xác nhận những sự kiện trên.
Vào đầu thế kỷ thứ II, những người Rôma đã viết về các Kitô hữu và Đức Giêsu. Năm 111, Pliny trẻ, khi đang làm thống đốc vùng Tiểu Á, đã viết cho Hoàng đế Trajan một bức thư:
…Họ thường tụ họp vào đúng ngày đã định… trước khi mặt trời mọc, đọc luân phiên một công thức ca tụng Đức Kitô là Chúa và cùng thề hứa với nhau, không phải để gây tội ác, nhưng là hứa không phạm tội ăn trộm, ăn cướp, ngoại tình, lỗi lời hứa, không từ chối góp tài sản khi bị đòi buộc. Sau khi thực hiện xong việc này, họ có thói quen chia tay nhau rồi lại họp nhau để dùng bữa… [Pliny, Thư 97].
Cần đặc biệt lưu ý cụm “Đức Kitô là Chúa”, một lời chứng sơ thời về niềm tin vào thần tính của Đức Kitô (Ga 20,28; P; ,6). Hơn nữa, thật thú vị khi đối chiếu đoạn văn này với Công vụ 20,7-11, một trình thuật về việc cử hành ngày Chúa nhật thuở ban đầu của Kitô giáo.
Kế tiếp, Tacitus, một sử gia người Rôma, được các học giả hiện đại kính trọng vì sự chính xác trong cách viết sử, đã viết vào năm 115 về Đức Kitô và Giáo hội:
"Người sáng lập giáo phái này có danh xưng là Kitô, kẻ bị hành quyết dưới thời hoàng đế Tiberiô bởi Quan khâm sai Phongxiô Philatô[1]. Sự mê tín nguy hại bị ngăn chặn một thời gian, nay lại bùng phát, không chỉ khắp xứ Giuđêa… nhưng còn khắp cả thành Rôma nữa…" [Tacitus, Annals, XV 44].
Dù xem thường đức tin Kitô giáo, Tacitus vẫn xem việc xử tử Đức Kitô như một sự kiện lịch sử, vạch ra những liên hệ với các sự kiện và các nhà lãnh đạo Rôma (x. Lc 3,1tt).
Những bằng chứng lâu đời khác về Đức Giêsu lịch sử có thể kể đến Suetonius với cuốn tiểu sử về Claudius, Phlegan với việc ghi chép lại hiện tượng nhật thực lúc cái chết của Đức Giêsu diễn ra, và thậm chí cả Celsus, một triết gia ngoại giáo. Phải nhớ rằng hầu hết những nguồn này không chỉ lâu đời mà còn chống Kitô giáo. Những tác giả cổ xưa này, kể cả các ngòi bút Do Thái, không hề mong muốn hay có ý định cổ võ Kitô giáo. Trên thực tế, Pliny từng trừng phạt các Kitô hữu vì đức tin của họ. Nếu Đức Giêsu là một huyền thoại, hoặc việc Ngài thụ hình là một trò lừa bịp, thì Tacitus đã phải báo cáo như vậy. Chắc chắn ông ta sẽ không liên kết việc xử tử Đức Giêsu với các nhà lãnh đạo Rôma. Các cây bút khác đều mô tả Đức Giêsu như một nhân vật lịch sử có thật. Việc phủ nhận độ chân thực của những nguồn sử liệu này khi đề cập đến Đức Giêsu sẽ tạo ra sự ngờ vực nghiêm trọng về phần còn lại của lịch sử cổ đại.
Cho đến giờ, những tác phẩm thế tục cổ xưa này không cho thấy Đức Giêus là Con Thiên Chúa hay thậm chí là Đấng Kitô, nhưng đấy không phải là mục tiêu của bài viết này. Những báo cáo này cho thấy có một con người nhân đức mang tên Giêsu đã sống vào đầu thế kỷ thứ nhất, và là người sáng lập một phong trào tôn giáo (ngày nay vẫn tồn tại). Nhân vật này ít nhất còn được gọi là Kitô – tức Mêsia. Các Kitô hữu thế kỷ thứ nhất cũng có xu hướng xem Ngài là Thiên Chúa. Cuối cùng, những tác phẩm này hỗ trợ cho các sự kiện khác được tìm thấy trong Kinh thánh xoay quanh cuộc đời của Ngài. Tuyên bố rằng Đức Giêsu chưa bao giờ tồn tại và cuộc đời Ngài chỉ là một huyền thoại sẽ gây nguy hại cho độ tin cậy của lịch sử cổ đại.
[1] Tacitus thường gọi Pontius Pilate với chức danh quan khâm sai (Procurator). Nhưng chức danh được công nhận rộng rãi nhất là quan tổng trấn (Prefectus), dựa vào một bản văn khắc trên tấm đá vôi để cung hiến ngôi đền vinh danh hoàng đế Tiberius khoảng năm 25-26:
[DIS AUGUSTI]S TIBERIÉUM
[…PO]NTIUS PILATUS
[…PRAEF]ECTUS IUDA[EA]E
[…FECIT D]E[DICAVIT]
Tác giả bài viết: Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ
Nguồn tin: https://www.catholicnewsagency.com