Học biết sống thinh lặng trong việc cầu nguyện

Học biết sống thinh lặng trong việc cầu nguyện

Đối thoại trong cầu nguyện được hình thành từ sự thinh lặng và lắng nghe. Chúng ta nói chuyện với Chúa, thế nhưng chúng ta cũng cần lắng nghe Ngài.

Linh mục Emmanuel Albuquerque



Chúng ta đang sống trong một thời đại thích thể hiện bản thân. Người ta phô diễn hầu như tất cả mọi thứ. Món ăn mà chúng ta ăn, quần áo chúng ta mặc, quan điểm của chúng ta... tất cả đều trở thành một bài đăng trên mạng xã hội cách dễ dàng. Chúng ta thường phải đối mặt với tình trạng lộn xộn, ồn ào và những thứ đó cứ bủa vây chúng ta. Vì thế mà thinh lặng trở nên ít hơn, rụt rè hơn, lãng quên nhiều hơn. Để lắng nghe cần phải biết thinh lặng. Lắng nghe người khác, Thiên Chúa hay chính mình là một bài tập rất khó, vì nó buộc chúng ta phải rời xa ánh đèn sân khấu, nơi mà chúng ta chỉ thể hiện những gì mà người khác muốn thấy, để bước vào trong thâm sâu của con người mình.

Trong nền văn hóa âm thanh mà chúng ta đang sống, thinh lặng có thể làm chúng ta sợ, bởi vì sống trong thinh lặng là bước vào trong một mối tương quan khác, và điều này có thể ảnh hưởng đến mối liên hệ liên vị với nhau, cũng như ảnh hưởng đến mối quan hệ với Thiên Chúa.

Kinh nghiệm Kitô giáo cho thấy có ba trong số các nền tảng căn bản của cầu nguyện. Cầu nguyện không phải là tùy thích nếu chúng ta muốn trưởng thành trong sự mật thiết với Thiên Chúa, trong việc nhận biết Ngài và chính mình. Cầu nguyện là một thực tại quý báu, nhưng bằng cách này hay cách khác chúng ta đã biết được điều đó. Tuy nhiên, một số người cảm thấy duy trì việc cầu nguyện cách trung thành, cảm thấy cuộc gặp gỡ giữa hai tâm hồn này sao cho được hiệp nhất trong một cuộc đối thoại đầy yêu thương thật khó biết là dường nào.

Thinh lặng, cầu nguyện và đối thoại

Cầu nguyện là đối thoại. Nó phải là như vậy. Chính Chúa Giêsu đã chỉ dẫn về việc này trong Matthêu 6,6 “Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh”. Cầu nguyện là một cuộc gặp gỡ. Chúng ta mong đợi. Trong sự mong đợi này, Chúa muốn đón tiếp chúng ta để thiết lập một cuộc đối thoại, trong đó có người nói, có người nghe.

Trong cuộc gặp gỡ đó điều Chúa Giêsu mời gọi chúng ta làm là hãy cho thấy cách chúng ta có thể sống lời cầu nguyện của mình. “Đóng cửa lại...” Chúng ta nghĩ rằng Chúa nói chuyện với chúng ta từ cánh cửa của căn phòng chúng ta ra vào, nhưng nghịch lý là chúng ta có thể hiểu hành động đóng cửa giống như lời mời đóng cửa tâm hồn. Cái gì vậy? Cầu nguyện với tâm hồn khép kín sao? Rõ ràng là không. Hãy đóng cửa tâm hồn trước những tiếng ồn ào đến từ bên ngoài, trước những lộn xộn đang bủa vây chúng ta. Và hãy bước vào sống trong sự thinh lặng hầu lấp đầy chúng ta bằng sự hiện diện của Đấng đang ở đó đợi chờ chúng ta.

Thinh lặng trong cầu nguyện Kitô giáo không được hiểu như là sự im lặng trống rỗng, hay dẫn chúng ta đến một sự trống rỗng hiện sinh. Chúng ta thấy Chúa Giêsu mời gọi chúng bước vào trong căn phòng đã có sự hiện diện của Chúa Cha ở đó. Thinh lặng trong cầu nguyện Kitô giáo là một sự thinh lặng trọn vẹn và hướng tới việc đưa chúng ta đến một sự viên mãn, bởi vì Thiên Chúa đang ở đó để lắng nghe và nói chuyện với chúng ta.

Thinh lặng để lắng nghe

Đối thoại trong cầu nguyện được tạo ra từ sự im lặng và lắng nghe. Chúng ta nói với Chúa, nhưng chúng ta cũng cần lắng nghe Ngài, và hầu như không xảy ra cách ồn ào hay bạo lực. Hầu như lúc nào cũng được nhận biết qua “một cơn gió thoảng nhẹ nhàng” (1V 19,12). Thinh lặng trong cầu nguyện trở thành một yếu tố nền tảng để có thể lắng nghe điều Thiên Chúa nói với chúng ta. Thường thì không dùng lời lẽ. Lắng nghe là chiêm nghiệm, thinh lặng tạo thành. Tạo ra những mối liên kết khác, nhịp cầu khác.

Để lắng nghe cần phải ở trong thinh lặng. Sống trong thinh lặng để lắng nghe những nỗi đau và nỗi buồn phiền của thế giới bị tổn thương. Hãy lắng nghe những gì đang diễn ra xung quanh cuộc sống của chúng ta. Và thinh lặng cho phép chúng ta lắng nghe vượt ra khỏi những tiếng ồn quanh quẩn để trở thành người sáng tạo, và những gì mà chúng ta nhận được trong sự thinh lặng trở thành chất dinh dưỡng cho lời cầu nguyện của chúng ta.

Học cách sống thinh lặng

Sống giữa một thế giới bị bao trùm bởi những tiếng ồn ào và tiêu khiển, tôi mời gọi các bạn hãy sống một lộ trình thân mật với Chúa. Sự thân mật với Thiên Chúa là con đường để thăng tiến nội tâm, để lắng nghe tiếng Chúa cách rõ ràng và để hiểu biết bản thân.

Chúng ta hiện đang lắng nghe điều gì? Và đâu là chất lượng của việc chúng ta lắng nghe? Làm sao để nuôi dưỡng cuộc đối thoại với Thiên Chúa. Các bạn hãy bước vào căn phòng của mình. Đóng cửa lại và hãy cầu nguyện với Chúa Cha, Đấng đang đợi chờ các bạn. Cùng với Ngài để việc thinh lặng của chúng ta được trọn vẹn. Bởi đó sẽ là kết quả của việc lắng nghe.

G. Võ Tá Hoàng 
Mới hơn Cũ hơn