AĐAM VÀ EVÀ CÓ PHẢI LÀ CHA MẸ TỒI?
BÀI HỌC CŨ VỀ CÁCH LÀM CHA MẸ HIỆN ĐẠI
Kevin Weiss
The Harrowing of Hell (Sự đau đớn của Hỏa ngục)
Tranh của Fra Angelico, khoảng năm 1450
Museo di San Marco, Florence
Ađam và Evà có phải là cha mẹ tồi? Câu hỏi có vẻ kỳ cục song thách đố của việc làm cha mẹ đang gây khó cho nhiều người Công giáo đang cố gắng nuôi dạy con cái mình trong Giáo Hội. Cứ mùa Thu đến, cha mẹ đưa con cái đến trường, cầu xin Thiên Chúa giữ chúng tham dự thánh lễ thường xuyên. Nhưng khi trẻ thành niên bắt đầu lãng tránh hay thậm chí từ chối Đức tin thì đôi khi cha mẹ chúng bắt đầu tự hỏi: Mình đã thất bại rồi chăng?
Khi đối mặt với thách đố này, chúng ta phải tìm kiếm sự hướng dẫn của mạc khải (2 Tm 3,16-17: “Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành”). Từ nguyên thủy, Kinh Thánh đã nói nhiều về việc làm cha làm mẹ. Sách Sáng thế ký chương 1–4 trình bày các trình thuật về Ađam, Evà và ba người con, gồm cả câu chuyện đồi bại của Cain và Aben. Đọc lại những đoạn này với cái nhìn vào những tương quan của họ, tôi tin rằng có thể rút ra được một bài học từ cuộc sống của cặp cha mẹ đầu tiên dành cho các bậc cha mẹ ngày nay. Suy tư này không cung cấp một bản thiết kế hay kịch bản, chỉ là tìm kiếm để phát hiện ra một chiều kích dễ dàng bị bỏ qua của trình thuật tạo dựng. Hy vọng rằng chú giải ngắn gọn này có thể đem lại sự an ủi và hướng đi khi đối mặt với một bổn phận khó khăn như thế.
Trái táo không rơi xa khỏi cây
Ađam và Evà, từng được bao bọc trong vinh quang, đã bị tách ra khỏi sự vô tội của mình khi rơi vào cạm bẫy của Satan. Họ đã không vâng lời Thiên Chúa trong vườn Địa Đàng và vì thế lời nguyền của tội nguyên tổ đã ập đến trên toàn thể nhân loại. Chúng ta biết, tội nguyên tổ không phải là tội lỗi cá nhân mà ta phạm phải cách nào đó trước khi được sinh ra; đúng hơn, nó nói lên sự thừa kế mất mát của ân sủng và để lại cho chúng ta sự rối loạn trong tinh thần. Họ lập tức nhận thấy mình trần trụi, sự trơ trụi trong thân xác lẫn tinh thần. Con cái họ được sinh ra với cùng khiếm khuyết như thế.
Cain và Aben thừa hưởng từ cha mẹ mình một bản tính đã bị tội lỗi làm hư hỏng, mất đi sự thánh thiện mà lẽ ra họ có được do quyền lợi. Song, dù có sự kết án này, Thiên Chúa vẫn gần bên họ. Sau khi đã đi cùng với cha mẹ họ “trong cái gió hiu hiu thổi buổi chiều hôm” (Stk 3,8), Ngài đã tiếp tục đi với các con cái họ trong tâm hồn. Khi Cain bắt đầu bực tức với Aben vì lễ vật của em được chấp nhận, Thiên Chúa đã nói với Cain, khuyến khích anh rằng: “Nếu ngươi hành động tốt, có phải là ngươi sẽ ngẩng mặt lên không?” (Stk 4,7).
Giống như cha mẹ mình trước đó, Cain từ chối sự hướng dẫn yêu thương của Thiên Chúa để đi theo hoạch định ganh tị của riêng mình. Nếu có ân sủng mà nhẻ ra mình đã nhận được trong trạng thái nguyên thủy của con người, liệu ông có nhận lấy thất bại không? Vì thế, liệu có phải lỗi của cha mẹ mình mà ông không có sức mạnh riêng để làm điều đúng? Chính sự thất bại của Ađam và Evà đã đưa đến cái kết của Cain chăng? Chắc chắn rằng không (xem Êd 18).[1]
Ađam và Evà đã truyền lại một bản tính mang thương tích, nhưng đó không phải là tất cả những gì họ đã để lại. Tiềm ẩn trong các câu chuyện của Sáng thế ký là Ađam và Evà không chỉ sinh ra các con mình, nhưng họ còn yêu thương và nuôi dạy, hướng dẫn chúng trong đức tin nguyên thủy. Ađam và Eva dạy các con mình cầu nguyện và sống đời sống đức tin tốt, mặc dù Cain đã chọn cách né tránh nó (Kn 10,1–3;[2] 1 Ga 3,2).
Chúng ta cũng có thể thấy những dấu hiệu tương tự trong đời sống của Sét. Chúng ta hầu như không biết gì về ông ngoại trừ việc “từ lúc ấy, người ta bắt đầu kêu cầu danh Đức Chúa” (Stk 4,26). Chính Sét và gia đình mình đã cầu nguyện và thờ lạy Thiên Chúa trong sự công chính, trung thành với Thiên Chúa và bắt đầu hình thành những nhân vật thánh thiện như Ênốc, Nôê, và Abraham (xem Hc 49,16[3]). Qua gia đình được chọn này, Thiên Chúa đã thiết lập giao ước với dân Người để dẫn dắt và thánh hóa các dân tộc (Stk 22,18[4]).
Từ những điều mà ta gom góp được ở trên, Ađam và Evà thật sự đã là những cha mẹ tốt. Vâng, họ đã phạm tội và đánh mất sự thánh thiện nguyên thủy dành cho cả nhân loại. Nhưng khi họ biết đầy đủ về sự yếu đuối của con người và lòng thương xót bao la của Thiên Chúa, họ đã nuôi dạy các con cái mình phải có sự liên hệ với Thiên Chúa. Một truyền thống xa xưa nói rằng, sau khi đã sống hết phần còn lại của những ngày chết chóc để ăn năn tội lỗi mình, họ đã là những người đầu tiên trong Hỏa Ngục (Sheol) chào đón Đức Kitô vinh quang, Ađam Mới đã đạp nát đầu con rắn (Stk 3,15).[5]
Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa (Gs 24,15)
Rốt cuộc, vấn đề không phải là “Ađam và Evà có phải là cha mẹ tồi?” nhưng là “Ta có thể học hỏi được gì về hôn nhân và cách làm cha làm mẹ qua câu chuyện của họ”. Có ba nguyên tắc chính trong đánh giá này: bản tính của việc làm cha mẹ, phẩm giá của tự do con người, và ơn làm nghĩa tử của chúng ta trong Đức Kitô.
Trước hết, con cái lãnh nhận từ cha mẹ nhiều điều hơn là màu mắt. Tình yêu thương giữa vợ và chồng là một trong những chứng từ lớn nhất cho khả năng yêu thương và thương xót trước tội lỗi và sự yếu đuối.[6] Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo khẳng định: “Tình yêu vợ chồng còn phong phú nhờ những hoa quả của đời sống luân lý, tinh thần và siêu nhiên được cha mẹ truyền cho con cái qua việc giáo dục” (CCC 1653). Giống như Ađam và Evà, cha mẹ yêu thương và trung thành với nhau, cũng như siêng năng đồng hành cùng con cái mình cách dịu dàng để chúng trưởng thành trong sự thánh thiện. “Vì thế vợ chồng là người nhắc nhở thường xuyên cho Giáo Hội về điều đã xảy ra trên thập giá; với nhau và cho con cái, họ là những chứng nhân cho sự cứu rỗi mà trong đó bí tích đã khiến họ trở nên những người chia sẻ”.[7]
Các cha mẹ lo sợ cho cuộc sống tốt đẹp của con cái đừng bận tâm quá nhiều vì chính tội lỗi của riêng mình nhưng hãy bận tâm vì mình đã thấy nó trong con cái của mình. Có lẽ thật là khó khăn khi họ thấy con cái mình chiến đấu với cùng lỗi phạm mà mình đã hay đang phạm phải và cảm thấy lúng túng khi giúp đỡ chúng. Dù mọi sự giống nhau về nhân tính và những năm tháng sống thân mật trong gia đình, mỗi người vẫn duy trì khả năng tự chọn con đường của riêng mình. Phẩm tính con người ăn sâu trong việc chúng ta giống với Chúa qua ân phúc của lý tính và tự do, và chính bởi những sức mạnh này mà chúng ta lựa chọn để phục vụ Thiên Chúa hay không. Nếu Thiên Chúa cho phép chúng ta phạm tội vì tình yêu thương dành cho chúng ta trong sự tự do của chúng ta thì tất cả các cha mẹ cũng phải như vậy. Trong cũng tinh thần ấy, họ cũng phải bắt chước Thiên Chúa Cha chờ đợi chúng trở về với niềm hy vọng và lòng thương cảm (xem Lc 15,20).
Thứ ba, chúng ta không chỉ thú nhận rằng con người thừa hưởng cái chết trong ông Ađam nhưng còn tuyên xưng rằng chúng ta lấy lại sự sống qua Ađam Mới (1 Cr 15,22[8]). Trong Đức Giêsu, chúng ta được nhận làm nghĩa tử của Thiên Chúa Cha Hằng Hữu “là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất” (Ep 3,15). Như cha mẹ đau khổ khi thấy con cái mình đau khổ, Thiên Chúa Cha trên trời cũng trông mong chúng tìm được sức mạnh và sự nâng đỡ trong Ngài. Qua tạo dựng và ân sủng, Ngài đã thâu nhận chúng ta vào trong sự mật thiết lớn hơn và thích nghi chúng ta với Ngài qua Đức Tin, Đức Cậy và Đức Ái. Là Đấng Tạo Hóa, Đấng Cứu Chuộc, Đấng Thánh Hóa của chúng ta, chỉ mình Ngài đời đời ôm ấp lấy chúng ta. Các cha mẹ quan tâm đến ơn cứu rỗi của con cái mình phải nhìn nhận sự Quan Phòng của Ngài và nhu cầu chúng ta phải kết hiệp với ân sủng của Ngài. Sự can thiệp kiên nhẫn nối kết chúng ta với hình ảnh Người Cha chờ đợi mỗi người chúng ta đáp trả Ngài và rời bỏ con đường tội lỗi và sầu buồn.
Kinh Thánh chứa đầy những mẫu gương và bài học về cách làm cha mẹ: Abraham và Sarah, Tobit và Anna, Maria và Giuse, các dụ ngôn của Đức Giêsu, và những lời khuyên của Thánh Phaolô. Truyền Thống cũng tán dương vô số những bậc cha mẹ thánh thiện đã chiến đấu với những thành viên thiếu đức tin trong gia đình, đặc biệt là những người mẹ như Thánh Monica và Thánh Rita. Trong khi đó, các thánh Louis và Zélie Martin đã nuôi dạy năm nữ tu thánh thiện, gồm cả “Bông hoa nhỏ” (Thánh Têrêsa Hài Đồng). Giáo Hội Đông phương đặc biệt tôn kính gia đình các thánh Macrina và Basil Cả (thánh Macrina là bà nội của thánh Basil Cả), mà ông bà cha mẹ của các ngài, con cái các ngài đều được tán dương như là những mẫu gương đức tin và đạo đức trong gia đình.
Hiển nhiên, các vị thánh này hằng cầu bàu cho mọi gia đình trở nên chốn cư ngụ của Chúa Thánh Thần. “Các đôi vợ chồng và bậc cha mẹ Kitô giáo càng trưởng thành trong ý thức rằng “giáo hội tại gia” của mình tham gia vào trong đời sống và sứ vụ của Giáo Hội hoàn vũ, thì con cái họ càng có thể được giáo dục trong “cảm thức của Giáo Hội” và sẽ nhận ra mọi vẻ đẹp của việc hiến dâng mọi năng lực của mình để phục vụ Nước Trời”.[9] Nơi mà đời sống của những kẻ bất trung, tham lam, kiêu căng, và thờ ơ dạy con trẻ những đường lối hư hỏng thì căn nhà của sự cầu nguyện, khiêm tốn, chuyên cần và yêu thương sẽ hiến dâng những mảnh đất phì nhiêu để sự thánh thiện lớn mạnh lên.
Bất cứ hoàn cảnh nào, sự đau đớn mà cha mẹ cảm thấy khi con cái xa rời Thiên Chúa sẽ luôn là một thánh giá thật sự, và không thể nói gì nhiều để làm dịu nỗi đau này. Như một trong những nhân vật sâu sắc nhất của nữ nhà văn Sigrid Undset (giải Nobel văn học năm 1928) đã mường tượng ra hình ảnh những đứa con đang lớn lên của mình: “Bà đã mang trong bụng một bầy chim ưng non nằm bất động đơn giản chỉ vì nằm trong tổ, bồn chồn chờ đợi thời khắc khi những đôi cánh đủ mạnh để mang chúng vượt qua những đỉnh núi xa xăm nhất? … Chúng sẽ mang lấy những mạch máu từ tận đáy trái tim bà khi chúng bay đi, thậm chí chúng không hề biết điều đó” (Kristin Lavransdatter, III: The Cross, 154).
Cho đến khi chúng trở về, nỗi u buồn sâu thẳm ắt sẽ là một phần trong của lễ dâng và là lý do cho sự nương tựa của chúng ta vào “Chúa Cha của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Chúa Cha của lòng thương xót, và là Thiên Chúa của mọi sự an ủi” (2 Cr 1,3). Các cha mẹ phải luôn phấn đấu để nên thánh thiện và hy vọng tìm thấy nó nơi con cái mình, nhưng sự can thiệp và mẫu gương chân thật sẽ mãi là những vốn quý nhất để đưa dẫn con cái trên con đường về quê trời. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể nói trong tim của những tâm hồn, kêu gọi mỗi người trung thành. “Điều này có nghĩa là chúng ta cần phải cầu xin Thiên Chúa hành động trong tâm hồn họ, tại những nơi mà chính chúng ta không thể đến được” (Đức Phanxicô, Amoris Laetitia, số 287).
---------------------
[1] Có lời Đức Chúa phán với tôi rằng: Sao các ngươi cứ truyền cho nhau câu ngạn ngữ này trong khắp đất Ítraen: Đời cha ăn nho xanh, đời con phải ê răng. Ta lấy mạng sống Ta mà thề - sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng -, các ngươi sẽ không còn truyền cho nhau câu ngạn ngữ đó trong Ítraen nữa. Này, mạng sống nào cũng thuộc về Ta; mạng sống của cha cũng như mạng sống của con đều thuộc về Ta. Ai phạm tội, kẻ ấy phải chết…. Ai phạm tội, kẻ ấy phải chết; con không mang lấy tội của cha; cha cũng không mang lấy tội của con. Sự công chính của người công chính ở với người công chính. Còn điều dữ của kẻ gian ác ở với kẻ gian ác.
[2] Chính Đức Khôn Ngoan đã giữ gìn tổ phụ của thế giới, đó là con người được hình thành đầu tiên, và lúc được tạo dựng, mới chỉ có một mình. Rồi khi ông sa ngã, cũng chính Đức Khôn Ngoan đã giải cứu ông, ban cho ông sức mạnh mà thống trị muôn vật muôn loài. Nhưng trong cơn giận, đứa ác nhân lìa xa Đức Khôn Ngoan, nó đã tự hại mình khi bừng bừng sát khí giết em.
[3] Các ông Sêm và Sết được người đời ca tụng; nhưng trong số sinh linh được tạo thành, ông Ađam chiếm chỗ ưu việt.
[4] Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ cầu chúc cho nhau được phúc như dòng dõi ngươi, chính bởi vì ngươi đã vâng lời Ta
[5] Xem bức bích họa The Harrowing of Hell của Fra Angelico và những tranh thánh khác về Phục Sinh.
[6] Xem Alan Cooperman, “One-in-Five U.S. Adults Were Raised in Interfaith Homes,” Pew Research Center (October 26, 2016), www.pewforum.org/2016/10/26/.
[7] Gioan Phaolô II, Familiaris Consortio, 13.
[8] Quả thế, như mọi người vì liên đới với Ađam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống
[9] Gioan Phaolô II, Christifideles Laici, 62
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ