Bài huấn dụ của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong buổi đọc Kinh Truyền Tin, sáng Chúa nhật ngày 05/09/2021, tại quảng trường thánh Phêrô. Trong bài huấn dụ hôm nay, ĐTC nhắn nhủ mọi người nên học biết lắng nghe: "mỗi ngày thinh lặng một chút và lắng nghe một chút, bớt những lời vô dụng và nghe lời Chúa nhiều hơn". Với suy tư đó, cách đặc biệt ngài nhắn nhủ các linh mục "phải biết lắng nghe giáo dân, đừng vội vàng, nhưng hãy lắng nghe, xem thử mình có thể giúp được gì sau khi lắng nghe".
Anh chị em thân mến
Bài Tin mừng của Phụng vụ hôm nay trình bày việc Chúa Giêsu chữa lành một người câm điếc. Trình thuật cho thấy cách mà Chúa Giêsu thực hiện dấu hiệu phi thường này thật ấn tượng. Và Ngài làm như thế này: kéo người câm điếc sang một bên, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: "Ephata", nghĩa là: hãy mở ra! (x. Mc 7,33-34). Trong những lần chữa bệnh khác, đối với người bệnh nặng, chẳng hạn như bị bại liệt hoặc phong cùi, Chúa Giêsu không làm nhiều cử chỉ như vậy. Tại sao bây giờ Ngài làm tất cả những điều này, mặc dù họ chỉ xin được đặt tay lên người bệnh (x. c 32)? Tại sao Ngài lại làm cử chỉ này? Có lẽ vì tình trạng của người đó có một giá trị biểu tượng riêng biệt. Bị câm điếc là một căn bệnh, nhưng cũng là một biểu tượng. Và biểu tượng này nói cho tất cả chúng ta về điều gì đó. Nó nói về cái gì? Đó là bệnh điếc. Con người đó không thể nói bởi vì anh ta không thể nghe. Vì vậy, để chữa lành nguyên nhân gây bệnh tật, trước hết Chúa Giêsu đặt ngón tay vào tai của anh ta, rồi đến miệng, nhưng trước hết là tai của anh ta.
Tất cả chúng ta đều có tai, nhưng đôi lần chúng ta không thể nghe. Tại sao vậy? Thật vậy, thưa anh chị em, vì có chứng điếc nội tâm mà hôm nay chúng ta có thể xin Chúa Giêsu chạm vào để chữa lành. Bệnh điếc nội tâm còn tệ hại hơn căn bệnh về thể lý, bởi vì đó là sự điếc lác của con tim. Chúng ta bị lôi kéo bởi sự vội vàng, cả nghìn thứ phải nói và phải làm, chúng ta không có giờ dừng lại để lắng nghe ai đó nói với chúng ta. Chúng ta có nguy cơ trở thành người trơ trơ trước mọi thứ và không thể dành chỗ cho người cần lắng nghe. Tôi đang nghĩ đến các trẻ em, thanh niên, người già, là những người không thực cần nhiều lời, không cần bài giảng mà cần được lắng nghe. Chúng ta có thể tự hỏi: tôi đã lắng nghe như thế nào? Tôi có biết xúc động trước đời sống của dân chúng, tôi có biết dành thời gian cho người thân thiết của tôi để lắng nghe không? Điều này liên quan đến tất cả chúng ta, nhưng cách đặc biệt là các anh em linh mục. Linh mục phải biết lắng nghe giáo dân, đừng vội vàng, nhưng hãy lắng nghe, xem thử mình có thể giúp được gì sau khi lắng nghe. Tất cả chúng ta: hãy nghe trước rồi trả lời sau. Chúng ta hãy nghĩ đến cuộc sống gia đình: biết bao lần chúng ta nói mà không chịu nghe trước, rồi nhai đi nhai lại những điệp khúc như nhau! Không có khả năng lắng nghe, chúng ta luôn nói mọi thứ theo thói quen hay chúng ta không để cho người khác nói xong, phát biểu xong, đằng này chúng ta lại cắt lời họ. Khởi đầu một cuộc đối thoại, thường xảy ra không phải bằng lời nói nhưng từ sự thinh lặng, không cố chấp, bằng cách kiên nhẫn bắt đầu lại để lắng nghe người khác, lắng nghe những khó nhọc của họ, những gì mà họ đang mang trong người. Chữa lành tâm hồn bắt đầu từ việc lắng nghe. Hãy lắng nghe. Điều này chữa lành tâm hồn. “Nhưng thưa cha, thật là chán vì có người luôn nói chỉ một điều”. Hãy lắng nghe họ, và rồi khi họ nói xong thì hãy nói lời của bạn, nhưng hãy lắng nghe tất cả.
Và điều này cũng đúng với Chúa. Chúng ta làm những việc tốt để đáp ứng những đòi hỏi của Chúa, nhưng tốt hơn hết chúng ta nên lắng nghe Chúa trước. Chúa Giêsu đòi hỏi điều đó. Trong Tin mừng, dân chúng hỏi Ngài giới răn đầu tiên là gì, Chúa đáp: “Nghe đây, hỡi Israel”. Sau đó Ngài nói đến giới răn thứ nhất : “Hãy kính mến Thiên Chúa là Thiên Chúa ngươi, trọn cả tâm hồn […] và yêu tha nhân như chính mình” (Mc 12, 28-31). Nhưng trước hết : “Nghe đây hỡi Israel”. Nghe này, bạn! Chúng ta có nhớ đặt mình lắng nghe Chúa không? Chúng ta là những người tín hữu, nhưng có lẽ, trong hàng vạn lời nói chúng ta nghe hằng ngày, chúng ta không tìm ra được một giây phút nào đó để làm cho lời của Tin mừng vang vọng trong chúng ta. Chúa Giêsu là Lời: nếu chúng ta không dừng lại để lắng nghe Ngài, thì Ngài sẽ đi qua nơi khác. Thánh Augustinô nói: “Tôi sợ rằng Chúa đi ngang qua tôi mà tôi không hay biết”. Và nỗi sợ đó là để cho Ngài đi qua mà không nghe được tiếng Ngài. Nhưng nếu chúng ta dành thời gian cho Tin mừng, chúng ta sẽ thấy được một bí quyết cho đời sống thiêng liêng của chúng ta. Đó là liều thuốc: mỗi ngày thinh lặng một chút và lắng nghe một chút, bớt những lời vô dụng và nghe lời Chúa nhiều hơn. Luôn mang theo cuốn Tin mừng trong túi, nó giúp ta rất nhiều. Chúng ta nghe lại lời của Chúa Giêsu nói với chúng ta ngày hôm nay, như trong ngày được Rửa tội: “Ephata, hãy mở ra!” Hãy mở đôi tai của các bạn. Lạy Chúa Giêsu, con muốn mở lòng đón nhận lời Chúa; Lạy Chúa Giêsu, xin hãy mở tai con để lắng nghe Chúa; Lạy Chúa Giêsu, xin chữa lành tâm hồn con khỏi sự khép kín, chữa lành tâm hồn con tránh khỏi vội vàng, chữa lành tâm hồn con khỏi tính nôn nóng.
Xin Đức Trinh nữ Maria, người đã mở lòng để lắng nghe Lời Chúa, để cho Lời trở thành xác phàm nơi Mẹ, giúp chúng ta mỗi ngày biết lắng nghe Con của Mẹ trong Tin mừng và lắng nghe anh chị em của chúng ta với con tim ngoan ngùy, với tâm hồn kiên nhẫn và ân cần.
------
Sau khi đọc Kinh Truyền tin, nhắc đến những người Afganistan trong những ngày loạn lạc này, ĐTC nói: “Trong những thời điểm khó khăn, khi chứng kiến những người Afganistan tìm nơi ẩn náu, tôi cầu nguyện cho những người dễ bị tổn thương nhất trong số họ. Tôi mong sao có nhiều quốc gia chào đón và bảo vệ những ai đang tìm kiếm một cuộc sống mới. Tôi cũng cầu nguyện cho những người phải di tản trong nước có thể nhận được sự trợ giúp và bảo vệ cần thiết. Cầu mong cho những người trẻ Afganistan được học hành, một điều cần thiết để phát triển con người. Và xin cho tất cả người dân Afganistan, dù đang ở quê nhà, đang quá cảnh, đang ở các quốc gia tiếp nhận, biết sống với nhân phẩm, trong hòa bình và huynh đệ với những người thân cận của họ.
G. Võ Tá Hoàng