Chủ nghĩa giáo sĩ: Những vấn đề của quá khứ, hiện tại và tương lai

Chủ nghĩa giáo sĩ: Những vấn đề của quá khứ, hiện tại và tương lai

Gregorio Võ Trần Nhựt




Tôi là một phó tế vĩnh viễn, đã kết hôn và có con cái; đồng thời đang phục vụ tại giáo xứ của mình. Khi mới vừa chịu chức, tôi thường đùa rằng mình là kẻ “chân giẫm hai thuyền”, vì có vẻ như tôi vừa là giáo dân vừa là người có chức thánh. Nhưng thực ra, tất cả chúng ta, dù là giáo dân hay đã được truyền chức, đều ở chung “thuyền”, khi cùng nhau thờ phượng và hoạt động với tư cách là những người theo đuổi ơn cứu độ. Tuy vậy, trong 35 năm kể từ khi tốt nghiệp chủng viện, tôi đã đi qua vài giáo phận khác nhau cùng một loạt các giáo xứ; và tôi để ý thấy có một xu hướng đáng lo ngại – một cuộc trỗi dậy tân thời của “chủ nghĩa giáo sĩ”. Dĩ nhiên, tôi không phải là người duy nhất nhận ra việc này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần nhắc đến, ngài gọi nó là “một điều thực kinh khủng; một phiên bản mới của sự dữ xưa” (Bài giảng tại nhà trọ Thánh Marta, 13/12/2016).

Vậy, chủ nghĩa giáo sĩ là gì, nảy sinh ra sao, gây ra những nguy hiểm nào, và ngày nay điều gì khiến chủ nghĩa giáo sĩ trở thành một “phiên bản mới”?

Giám mục Thomas Zinkula đã đưa ra một định nghĩa đơn giản về chủ nghĩa giáo sĩ trong một bài viết trên trang The Catholic Messenger: “Chủ nghĩa giáo sĩ là việc phóng đại vai trò hàng giáo sĩ gây phương hại đến giáo dân. Trong nền văn hóa chủ nghĩa giáo sĩ, các giáo sĩ được đặt trên bệ còn giáo dân thì tôn kính và phục tùng họ cách thái quá”.[1] (Sẽ thiếu sót nếu tôi không chỉ ra rằng, trong định nghĩa này, ngài đề cập đến cả các giám mục và phó tế khi nói về các giáo sĩ)

Ngài tiếp tục lưu ý rằng, như Đức Thánh Cha Phanxicô vạch rõ, “chủ nghĩa giáo sĩ không những được dung dưỡng bởi các linh mục, mà còn được thúc đẩy thêm bởi người giáo dân”. Thêm nữa, Zinkula nói rằng chủ nghĩa giáo sĩ cũng có khả năng ảnh hưởng đến “những người đang chuẩn bị lãnh nhận thừa tác vụ, cũng như những người đang phục vụ trong tư cách là các thừa tác viên giáo dân”. Cha Donald Cozzens ở Đại học John Carroll mô tả chủ nghĩa giáo sĩ như là “một thái độ được thấy nơi nhiều giáo sĩ, những người đặt cương vị là linh mục và giám mục lên trên cương vị là những những môn đệ chịu phép rửa của Đức Giêsu Kitô. Khi làm như vậy, cảm thức đặc quyền đặc lợi nảy ra trong tâm lý cá nhân và tập thể của họ. Đến lượt nó, điều này sản sinh ra một nhóm tầng lớp tinh hoa của Giáo hội, những người nghĩ rằng mình không giống với các tín hữu còn lại”.[2]

Vậy đâu là mầm mống của chủ nghĩa giáo sĩ trong Giáo hội của chúng ta ngày nay? Để trả lời, chúng ta cần quay trở lại lịch sử của Giáo hội. Trong cuốn Chủ nghĩa giáo sĩ: Sự kết liễu của chức tư tế, linh mục George Wilson lưu ý trước hết về một sự phân biệt giữa hai thuật ngữ tư tế và giáo sĩ, cái trước là một thuật ngữ tôn giáo “hướng chúng ta đến… chiều kích thánh thiêng của sự sống, đến sự thánh thiện”, và cái sau là “một thuật ngữ xã hội học để định danh cho việc một hội đoàn công nhận vài người trong số các thành viên của mình, những người ấy có những đặc trưng được thừa nhận giúp phân biệt họ với phần còn lại của hội đoàn”.[3]

Vào thời Tân ước, toàn bộ cộng đoàn những kẻ tin được xem là hàng tư tế thánh nhờ phép rửa. Cộng đoàn này bao gồm các cá nhân với những đặc sủng khác nhau để phục vụ cho nhau và cho thế giới xung quanh. Không hề tồn tại cơ cấu phẩm trật như trong Giáo hội ngày nay. Chắc chắn là có những cá nhân (bắt nguồn từ các tông đồ) hoạt động trong vai trò là những người giám quản cộng đoàn. Linh mục Michael Papesh, trong cuốn Văn hóa giáo sĩ: Mâu thuẫn và biến đổi, mô tả về cách mà những người giám quản này (tiền thân của các giám mục đương đại) có xung quanh mình một nhóm người hỗ trợ được gọi là các kỳ mục [tiền thân của linh mục]. Ngài lưu ý rằng những kỳ mục này “có địa vị vì họ trưởng thành hơn trong đức tin và được xem là những người thánh thiện”, và vai trò của họ “không phải là một chức vụ ở giữa cộng đoàn cho bằng một địa vị nhận được do lối sống của họ”.[4] Các trưởng lão này chủ yếu cố vấn cho vị giám quản, phân xử một số vấn đề của cộng đoàn, và làm thành nhóm ứng cử viên để vị giám quản chọn lựa.

Giáo hội phát triển cách nhanh chóng qua vài thế kỷ tiếp theo, đặc biệt sau khi trở thành quốc giáo của Đế quốc Rôma vào thế kỷ thứ tư. Khi các giám quản trở thành giám mục, họ nắm giữ một số trách nhiệm và những chồng lấn trong việc phục vụ cho nền dân sự Rôma đang lụi tàn. Xuất phát từ các chức vụ của đế quốc mà họ nắm giữ, họ bắt đầu sử dụng mẫu y phục đặc biệt, chẳng hạn như khăn choàng vai, để làm dấu hiệu cho chức vụ của mình. Họ cũng bắt đầu gửi các kỳ mục từ các thành phố đến các giáo hội đang lớn mạnh nhanh chóng tại các vùng nông thôn để làm đại diện cho mình và để thực hiện chức năng trong vai trò chủ tọa Bí tích Thánh thể, vì các giám mục không thể làm việc này cho toàn bộ đoàn chiên.

Đây là khởi đầu của xu thế tiến tới chức tư tế tế lễ, tách biệt với chức tư tế cộng đồng của mọi người. Hơn nữa, với việc khuếch trương nhanh chóng của giáo đường, Tiệc Thánh thể chuyển từ khung cảnh giống như một bữa ăn trong các cộng đoàn giáo hội tại gia sang một hình thức được nghi lễ hóa hơn tại các vương cung thánh đường mà chính quyền Rôma đã dâng tặng cho Giáo hội. Như Papesh lưu ý, “phụng vụ ở các vương cung thánh đường, một cách tự nhiên chú trọng đến tác vụ của vị giáo sĩ đứng ở viên điện (cung thánh), làm gia tăng cách biệt giữa các giáo sĩ và giáo dân đến mức, vào thế kỷ thứ năm, các giáo sĩ được xem như thiết yếu trong vai trò tế lễ của họ”.[5]

Khi Giáo hội bước vào thời Trung cổ, cách biệt này lại tăng thêm. Khi các tư tế trong Giáo hội tiếp tục sử dụng tiếng Latinh trong phụng vụ, những người tham dự vẫn nói tiếng bản xứ và càng bị đẩy ra xa khỏi nhận thức thấu đáo về Thánh lễ. Khi xã hội phân chia thành các tầng lớp giai cấp (vua chúa, quý tộc, hiệp sĩ, nông dân), Giáo hội cũng phản ánh xu hướng này (giáo hoàng, giám mục/viện phụ, linh mục, giáo dân) – đặc biệt là từ khi nhiều giám mục đồng thời cũng là những lãnh chúa có quyền lực thế tục. Khi Đức Kitô được liên tưởng với một Đức Kitô Vua nhiều hơn, hay như một Thẩm phán nghiêm khắc (thường được khắc họa như vậy trên các mặt hồi của thánh đường thời trung cổ) xa cách với họ, người giáo dân hướng về các vị trung gian – Đức Maria và các thánh, sự sùng kính dành cho các vị nở rộ suốt thời kỳ này.

Như Papesh đã lưu ý, “chức tư tế gần như chỉ được dành riêng để định nghĩa về quyền hạn thuộc phẩm trật: quyền cử hành bí tích để dâng hy tế Thánh thể, quyền tha tội và quyền tài phán để nhận trách nhiệm trên số bổng lộc… Chức tư tế của người được thụ phong trở nên một chức tư tế thiên về địa vị và chức vụ được liên kết với Bí tích Thánh thể, chứ không phải một chức tư tế của sự phục vụ được liên kết với một cộng đoàn đức tin cụ thể”.[6] Với những biến chuyển này, “Thánh lễ ngày một trở nên xa cách với mọi người hơn, đến mức mà vị tư tế được xem như là người tham dự thiết yếu duy nhất…”.[7] Quả thực, “giáo dân không còn được hiểu là thừa tác viên [người phục vụ]. Thay vào đó họ được phục vụ bởi người được lãnh chức thánh. Bởi thế, ngôn ngữ của phụng tự và thần học, cũng như trách nhiệm về việc phục vụ của Kitô hữu, tất cả càng ngày càng xa rời giáo dân…”.[8]

Vào thời phong trào Cải cách, Giáo hội đưa ra phản ứng qua Công đồng Trentô bằng cách làm sáng tỏ các đạo lý về Giáo hội và thông qua một số cải tổ. Nhưng thần học của Công đồng vẫn đặt trọng tâm vào việc Thánh lễ như là lễ tế, và do đó, vai trò của vị tư tế như là thừa tác viên tế lễ vẫn được duy trì. “Nhấn mạnh vào việc thực hiện các nghi lễ chính xác dẫn đến việc cử hành một cách khá máy móc cùng với khuynh hướng đối tượng hóa các bí tích”.[9] Vai trò của giáo dân thậm chí càng bị loại bỏ khi vai trò của vị tư tế trở nên tối quan trọng.

Tuy nhiên, Vatican II đã kêu gọi một sự tái thẩm định đối với khái niệm về chức tư tế, và hướng trở lại thời Giáo hội sơ khai cùng ý tưởng về chức tư tế cộng đồng. Thay vì hầu như chỉ tập trung vào Bí tích Thánh thể như là yếu tố xác định cho chức tư tế giống Trentô, theo Richard Gaillardetz, trong một bài viết trên tạp chí National Catholic Reporter, Công đồng Vatican II tập chú vào sứ vụ của Giáo hội, “nhấn mạnh sự ưu tiên của phép rửa Kitô giáo và khẳng định căn tính đầu tiên của chúng ta là Christi fideles, là Kitô hữu”.[10]

Bước biến chuyển này trong việc nhìn nhận về chức tư tế cũng làm dịch chuyển trọng tâm của việc truyền chức. Bởi vì tất cả những ai được rửa tội đều được kêu gọi thể thi hành sứ vụ tư tế, vai trò của người được truyền chức là cổ võ và hỗ trợ giáo dân trong sứ vụ của họ đối với thế giới. Có một bước biến chuyển từ việc nhấn mạnh tế lễ sang mục vụ. Thay vì giống như những vị thời trung cổ được tách riêng ra khỏi mọi người, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng một tư tế cần là một mục tử-tôi tớ được đặt ở trung tâm của cộng đoàn. Vai trò như là người lãnh đạo-tôi tớ này đã được hàng tư tế đón nhận cách rộng rãi theo nghiên cứu của James Davidson và Dean Hoge, được trình bày chi tiết trong bài viết “Coi chừng hụt chân: Sự trở lại của việc chia tách giáo dân-giáo sĩ”. Hai vị này lưu ý rằng một tư tế của thời hậu Vatican II cần tự coi mình “như một người hướng dẫn tâm linh cộng tác làm việc với người giáo dân…”.[11] Nhìn chung, quan điểm này đã được giáo dân đón nhận khi họ tái khám phá lại ơn gọi của mình đối với chức tư tế cộng đồng và việc tham dự tích cực vào đời sống Giáo hội.

Tuy nhiên, như có thể thấy ở phần đề phụ trong bài viết của Davidson và Hoge, thời gian gần đây có một sự gia tăng dễ nhận ra và đáng báo động về việc giáo sĩ hóa nơi hàng tư tế. Trong số các dấu hiệu, Gaillardetz lưu ý rằng nhiều người bày tỏ với ông “sự thất vọng về thế hệ các linh mục trẻ, quá nhiều người trong số họ có vẻ quan tâm đến mũ barét, áo dòng và các đặc quyền giáo sĩ hơn là sự phục vụ khiêm nhường dành cho dân Chúa”, và rằng họ “bị tổn thương bởi các mục tử xem các ơn dành cho giáo dân như là mối đe dọa đối với quyền hành của giáo sĩ”.[12]

Điều này được phản ánh rõ nét trong kinh nghiệm của Linh mục Daniel Horan khi ngài cho biết nhiều người đã than phiền với ngài về “tính cách khó gần hoặc kiêu căng của rất nhiều tân chức. Những vị này tỏ ra quá quan tâm đến chức tước, phẩm phục giáo sĩ, các loại áo lễ đẹp mắt, giữ khoảng cách giữa họ với các tín hữu trong giáo xứ, và chú trọng vào điều khiến giúp họ nên đặc biệt, hơn là vào ơn gọi để cúi xuống rửa chân cho người khác (Ga 13,14-17), để hướng dẫn với sự khiêm nhường và để tỏ hiện khuôn mặt thương xót của Thiên Chúa cho tất cả mọi người”.[13]

Việc tái xuất hiện chủ nghĩa giáo sĩ này thật đáng lo ngại, nhưng không hề gây ngạc nhiên theo Davidson và Hoge, những người chỉ ra rằng, mặc dù sau Vatican II, hàng giáo sĩ và giáo dân đã tương đối hợp nhất trong nhãn quan về chức tư tế như là người lãnh đạo-tôi tớ trong sứ vụ cộng tác với các thành viên khác của Thân thể Đức Kitô, nhận thức chung này đã không tồn tại lâu. Hai vị lưu ý rằng Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, cũng như một số các nhân vật chính thức khác của Giáo hội, “đã thể hiện sự ưu tiên đối với kiểu mẫu truyền thống hơn của tương quan giáo dân-giáo sĩ, điều đó khiến cho sự khác biệt về mặt thẩm quyền giữa người được truyền chức và không được truyền chức trở nên nổi bật. Kết quả là, phần nhiều trong số họ, những người đồng tình với quan điểm trên, đã gia nhập các chủng viện và đã được truyền chức”.

Đồng thời, các tác giả cũng chỉ ra giáo dân Công giáo tại Hoa Kỳ “được cam kết cho giữ nhiều thêm vai trò tích cực trong nhà thờ”. Các nhà nghiên cứu, viết vào năm 2007, lưu ý vào những năm sắp đến, sự tách đoạn giữa giáo dân và các tân chức sẽ dẫn đến những khó khăn trong các giáo xứ Công giáo vì các khác biệt giữa “những giáo dân trẻ, những người mong đợi hàng giáo sĩ chào đón sự tham dự của họ và các linh mục trẻ, những người tin rằng việc đưa ra các quyết định liên quan đến giáo xứ là trách nhiệm của mình”.[14] Theo kinh nghiệm của tôi, dự đoán này đã xảy đến, dù tôi không hạn chế những giáo dân đang bày tỏ sự không hài lòng vào thế hệ những người trẻ.

Rõ ràng chủ nghĩa giáo sĩ không phải là điều gì mới mẽ - nó đã tồn tại trong Giáo hội kể từ khi xảy ra những phân biệt đầu tiên giữa giáo sĩ được truyền chức và giáo dân. Chắc hẳn không phải tất cả các giáo sĩ bị tiêm nhiễm chủ nghĩa giáo sĩ. Nhưng những nguy hại của chủ nghĩa này là có thực, ngay cả với những liều lượng nhỏ. Có những ghi nhận cho thấy đây là nhân tố chính trong các vụ bê bối lạm dụng tình dục. Nó có thể gây bất lợi cho sứ vụ loan báo Tin mừng của giáo dân trong tư cách là những thành viên của chức tư tế cộng đồng, bởi cả sự thiếu sót của linh mục trong việc khuyến khích sứ vụ của họ hay sự đồng ý ngầm của họ với tư tưởng “hãy để Cha làm điều đó”. Điều này gây khó khăn cho hàng giáo sĩ trong việc kết nối một cách có ý nghĩa với đoàn chiên của mình, đây có thể là tác hại lớn nhất do chủ nghĩa giáo sĩ gây ra theo lưu ý của Linh mục Cozzens.[15] Nó cũng tạo ra khoảng cách giữa mọi người và kinh nghiệm của họ về Thiên Chúa trong các bí tích, đặc biệt là Thánh lễ.

Phương diện vừa nói thường được tăng cường bởi các rào cản thể lý và các nghi thức. Tại một nhà thờ tôi từng viếng thăm, vị mục tử (dù không hỏi ý kiến ai) đã lắp đặt lại rào chắn quanh bàn thờ, gây nhiều ngạc nhiên cho phần lớn cộng đoàn. Điều này không chỉ tạo ra một rào cản thể lý, nhưng còn về cả tâm lý, khi gây nên sự phân tách giữa giáo dân trong cộng đoàn với vị linh mục và Bí tích Thánh thể trên bàn thờ. Lập luận rằng điều này được thực hiện vì sự tôn kính nghe có vẻ kém thuyết phục khi xem xét phụng vụ của giáo hội tại gia thời Giáo hội sơ khởi. Thêm nữa, kiểu cách quá mức cũng có thể tạo ra khoảng cách như vậy. Như Wilson lưu ý, khi “hàng giáo sĩ được truyền chức trở nên giáo sĩ hóa, có một sự gia tăng các nghi thức mang tính hình thức… Càng gia tăng những nghi thức hào nhoáng, càng có nguy cơ lớn hơn tình trạng người được truyền chức không có kinh nghiệm như những tôi tớ, nhưng theo một bình diện khác, họ bị cắt rời khỏi thân thể của hàng tư tế [giáo dân] mà họ được kêu gọi để phục vụ”.[16]

Vậy, nếu chủ nghĩa giáo sĩ là một vấn đề đang tái xuất hiện, chúng ta có thể làm được gì? Trước hết, chúng ta phải thừa nhận đó là một vấn đề dành cho toàn thể Giáo hội, cả người được phong chức lẫn giáo dân. Cần phải chung tay giải quyết vấn đề ấy để cả hai nhóm đều có thể thực hiện sứ vụ làm triển nở vương quốc Thiên Chúa. Bước đầu tiên để giải quyết vấn đề là thừa nhận, chào đón và phát huy căn tính chung của chúng ta qua phép rửa. Như Wilson chỉ ra, căn tính của chúng ta “đặt trọng tâm vào phép rửa và sự chia sẻ chức tư tế cộng đồng. Tuy nhiên, những khái niệm này sẽ mãi là những từ ngữ hấp dẫn nhưng trống rỗng, trừ khi chúng ta giữ được kỷ luật cá nhân đầy khó khăn liên quan đến việc thay đổi những quan niệm và thái độ ẩn sâu, là những thứ duy trì tư cách công dân hạng nhất và hạng nhì trong Giáo hội”.[17] Nếu chúng ta có thể thành tâm thừa nhận mục tiêu chung trong việc loan báo Tin mừng và đón nhận sự hợp tác bình đẳng trong hoạt động của Giáo hội, đây sẽ là một bước tiến dài để trừ bỏ đi tình trạng giáo sĩ hóa.

Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, với thân phận con người của chúng ta, điều này không hề dễ dàng. Một mặt, nhiều người được truyền chức sẽ không muốn từ bỏ các đặc quyền đến từ giới giáo sĩ đã bị giáo sĩ hóa: uy thế, bổng lộc, thẩm quyền, một thứ quyền lực và địa vị chắc chắn. Mặt khác, giáo dân sẽ phải gánh vác thêm công việc và trách nhiệm mà hiện tại họ thường giao phó cho hàng giáo sĩ. Trông đợi một sự tham gia tích cực hơn vào đời sống Giáo hội đòi hỏi thời gian và nỗ lực. Điều đó cũng đòi hỏi giáo dân lên tiếng và làm cho tiếng nói của họ được lắng nghe: “giáo dân có quyền và bổn phận thể hiện ý kiến của mình theo chỉ dẫn của Giáo hội”[18] – điều không luôn dễ dàng trong một Giáo hội, như một phần lịch sử của mình, từng ngăn chặn tiếng nói của “nhóm người phổ thông”.



Nhiều thành viên trong hàng giáo phẩm của Giáo hội gần đây đã đồng thuận với những phê phán của Đức Giáo hoàng Phanxicô dành cho chủ nghĩa giáo sĩ và sự cấp thiết trong việc tẩy trừ sự hiện diện của nó ra khỏi Giáo hội. Trong một bài viết vào tháng 12/2017 trên tạp chí National Catholic Reporter, Giám mục Vinhsơn Nguyễn Văn Long đã lưu ý Giáo hội cần phải loại bỏ mô hình kim tự tháp mà ngài cảm thấy “cổ xúy cho tính ưu việt của người được truyền chức và vai trò quá mức của hàng giáo sĩ gây tổn hại đến người không được truyền chức”. Ngài tiếp tục nói rằng chúng ta cần có “can đảm để chết đi cho những lề thói cũ nơi Giáo hội, điều khiến không thể truyền bá cách hiệu quả thông điệp của Tin mừng cho nền văn hóa nơi chúng ta sống”.[19]

Trong bài viết của mình trên tạp chí Chicago Catholic ngày 10/7/2019, liên quan đến chủ nghĩa giáo sĩ, Hồng y Cupich đã nói rằng “dù chủ nghĩa tinh hoa không dành cho Giáo hội, nhưng khi nó tiêm nhiễm vào hàng tư tế, sẽ có những hậu quả riêng biệt gây hại cho đời sống của cộng đoàn Giáo hội, mang đến cách thế làm xói mòn chính cốt lõi của Tin mừng và ý nghĩa của phép rửa”.[20] Và như Giám mục Zinkula phát biểu trong bài viết được trích dẫn ở trên, “Để khắc phục chủ nghĩa giáo sĩ, chúng ta cần phục hồi lại chức tư tế cộng đồng của người tín hữu. Như thánh Phaolô dạy chúng ta (1Cr 12,12-31), chúng ta cùng nhau làm nên thân thể Đức Kitô – với ơn gọi riêng dành cho mỗi người, từng ơn gọi đều cần thiết để cho thân thể hoạt động khỏe mạnh. Chúng ta không nên đánh đồng các vai trò có tính phân biệt với sự khác biệt về giá trị, phẩm giá hay sự thánh thiện. Như Đức Giáo hoàng Phanxicô chủ trương, hãy chung tay xây dựng nên một nền văn hóa mới và canh tân Giáo hội”.


Tác giả: Jerome Buhman 


[1] Giám mục Thomas Zinkula, “Một Giám mục nói về vấn đề chủ nghĩa giáo sĩ”The Catholic Messenger, http://www.catholicmessenger.net/2018/09/bishop-addresses-issue-of-clericalism/ 

[2] Donald Cozzens, Đừng đặt các linh mục trên bệ, Tạp chí US Catholic, số tháng 10/2015, 33–35.

[3] George B. Wilson, Chủ nghĩa giáo sĩ: Sự kết liễu của chức tư tế, Liturgical Press, Collegeville, Minnesota, 2008, xv. 

[4] Michael L. Papesh, Văn hóa giáo sĩ: Mâu thuẫn và biến đổi, Liturgical Press, Collegeville, Minnesota, 2004, 24.

[5] Ibid., 26.

[6] Ibid., 36.

[7] Ibid., 30.

[8] Ibid., 37.

[9] Ibid., 41.

[10] Richard Gaillardetz, Chúng ta có những cột trụ, nhưng công trình vẫn chưa hoàn thànhNational Catholic Reporter, 11/10/2012, 49.

[11] James D. Davidson và Dean R. Hoge, Coi chừng hụt chân: Sự trở lại của việc chia tách giáo dân-giáo sĩ, Commonweal, 23/11/2007, 18.

[12] Gaillardetz, Ibid., 48.

[13] Daniel P. Horan, Đừng để chúng ta sa vào chủ nghĩa giáo sĩ, America, 21/10/2013, 33.

[14] Davidson and Hoge, Ibid., 19.

[15] Cozzens, Ibid., 34.

[16] Wilson, Ibid., 55.

[17] Ibid., 107.

[18] Papesh, Ibid., 44. 

[19] Peter Feuerherd, Giám mục Úc hối thúc việc chấm dứt chủ nghĩa giáo sĩ, National Catholic Reporter, 15–28/12/2017, 9. 

[20] Hồng y Blasé Cupich, Chủ nghĩa giáo sĩ: Sự tiêm nhiễm có thể được chữa trị, Chicago Catholic, www.chicagocatholic.com/cardinal-blase-j.-cupich/-/article/2019/07/10/clericalism-an-infection-that-can-be-cured

Mới hơn Cũ hơn