Khi cầu nguyện với Chúa, lời cầu nguyện của tôi diễn ra như thế nào!

Trong bài huấn dụ sáng Chúa nhật tuần 30 Thường niên, 24/10/2021, tại Vatican, khi suy tư về hình ảnh của người mù Bartimê được thuật lại trong Tin mừng Marcô, Đức Thánh cha cho biết rằng Bartimê là tấm gương cho chúng ta về cầu nguyện. Ông không xin Chúa tiền bạc, nhưng xin Chúa, Đấng có thể ban mọi thứ, xin mọi điều với một niềm tin kiên định và can đảm, không sợ gõ cửa con tim của Thiên Chúa, dù có bị hiểu lầm và bị trách móc.



Anh chị em thân mến,

Tin mừng của Phụng vụ hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu gặp một người mù đang ăn xin trên đường tên là Bartimê, khi ra khỏi thành Giêricô (x. Mc.10,46-52). Đây là một cuộc gặp gỡ quan trọng, cuộc gặp cuối cùng trước khi Chúa lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Bartimê bị mù nhưng không bị câm! Cho nên, khi nghe nói Chúa Giêsu đi ngang qua, anh bắt đầu la lên “Lạy ông Giêsu con vua Đavít, xin thương xót tôi!” (c 47). Và ông cứ vậy la lên. Các môn đệ và đám đông cảm thấy khó chịu vì tiếng kêu gào của anh ta và họ bắt anh phải im lặng. Nhưng anh càng la to hơn: “Lạy con vua Đavít, xin thương xót tôi!” (c.48). Chúa Giêsu nghe được và ngay lập tức Ngài dừng lại. Thiên Chúa luôn luôn lắng nghe tiếng kêu của người nghèo, và Ngài không bị tiếng kêu của Bartimê làm khó chịu, trái lại, Ngài nhận ra nơi đó một niềm tin tràn đầy, một niềm tin không sợ nài nỉ, không sợ gõ cửa con tim của Thiên Chúa, dù có bị hiểu lầm và bị trách móc. Và đây chính là gốc rễ của phép lạ. Thật vậy, Chúa Giêsu nói với anh : “Niềm tin của anh đã cứu chữa anh” (c. 52).

Đức tin của Bartimê thể hiện xuyên qua lời cầu nguyện của anh. Không phải là một lời cầu nguyện rụt rè, có lệ. Trước hết, anh gọi Chúa là “Con vua Đavít”: tức là anh nhận ra Ngài là Mêsia, vị Vua đến giữa thế gian. Sau đó anh gọi đích danh, một cách tự tin: “Giêsu”. Anh không sợ Ngài, không giữ kẽ. Và như thế, từ trong lòng anh kêu lên Chúa : “Xin thương xót tôi!”. Chỉ bằng lời cầu nguyện như vậy : “Xin thương xót tôi!”. Anh không xin Chúa tiền bạc giống như đã xin những người đồng hương. Không, anh xin với Đấng có thể làm mọi thứ và xin mọi thứ. Anh xin người ta tiền bạc, nhưng xin Chúa Đấng có thể ban mọi thứ, có thể xin mọi điều: “Xin thương xót tôi, xin thương xót tất cả những gì tôi đang có”. Anh không xin ơn huệ, nhưng trình bày về chính bản thân: xin Chúa thương xót con người của anh, cuộc sống của anh. Đó không phải là lời thỉnh cầu tầm thường, nhưng là lời cầu thật cao đẹp, bởi vì anh khẩn cầu lòng từ bi, trắc ẩn, lòng thương xót của Thiên Chúa, sự hiền dịu của Ngài.

Bartimê không dùng nhiều lời. Anh nói những điều cần thiết và tín thác vào tình yêu của Thiên Chúa, Đấng có thể làm cho cuộc sống của anh nở hoa bằng cách thực hiện những điều mà con người không thể làm được. Vì vậy, anh không xin Chúa bố thí, mà trình bày tất cả, chứng mù lòa và nỗi đau của anh còn hơn cả việc không thể nhìn thấy. Mùa lòa là phần nổi của tảng băng, nhưng trong lòng anh vẫn còn có những vết thương, những tủi nhục, những giấc mơ tan vỡ, lỗi lầm và những hối hận. Anh đã cầu xin với cả tấm lòng. Còn chúng ta thì sao? Khi chúng ta xin Chúa ban ơn, chúng ta có đặt những vết thương, tủi nhục, những giấc mơ tan vỡ, lỗi lầm và những hối hận cũng như lịch sử đời mình trong lời cầu nguyện không?


“Lạy ông Giêsu, con vua Đavít, xin thương xót tôi”. Hôm nay chúng ta hãy thực hành việc cầu nguyện này. Mỗi người tự đặt cho mình câu hỏi: “Lời cầu nguyện của tôi diễn ra thế nào?”. Có can đảm không, có sự khẩn nài kiên định của người mù Bartimê không, có biết “nắm lấy” Chúa khi Ngài đi qua không, hay là bằng lòng với việc thỉnh thoảng chào hỏi Ngài khi nào tôi chợt nhớ? Những lời cầu nguyện nhạt nhẽo chả đem lại ích lợi gì. Và rồi: lời cầu nguyện của tôi có “chân thật” không, nó có lột trần tâm hồn tôi trước mặt Chúa không? Tôi có đem câu chuyện và kinh nghiệm sống của mình kể Ngài nghe không? Hay là những lời nguyện mệt mỏi, hời hợt, tạo ra từ những nghi thức, không có tác động và không có trọng tâm? Khi đức tin sống thì lời cầu nguyện cũng sẽ nên chân thành: không khất xin tiền bạc, không để mình bị giảm xuống với những nhu cầu nhất thời. Hãy xin Chúa Giêsu, Đấng có thể ban phát mọi thứ, có thể cầu xin được mọi điều. Anh chị em đừng quên điều này. Trước Chúa Giêsu, chúng ta hãy khẩn cầu liên lỉ, Đấng có thể làm được mọi thứ cầu xin được mọi điều. Ngài không chờ đợi để tuôn đổ ân sủng và niềm vui của Ngài cho tâm hồn chúng ta, nhưng đáng tiếc chúng ta thường giữ kẽ, có lẽ vì rụt rè, biếng nhác hoặc thiếu tin tưởng.

Nhiều người trong chúng ta khi cầu nguyện, không tin rằng Chúa có thể làm phép lạ. Tôi nhớ lại câu chuyện mà tôi đã gặp. Đó là câu chuyện về một người cha mà các bác sĩ đã nói rằng đứa con gái chín tuổi của ông thông thể qua khỏi đêm nay; lúc đó cô bé đang ở trong bệnh viện. Ông ấy lập tức đón xe bus đi 70 Km để đến đền thánh Đức Bà. Nhưng đền thánh đóng cửa, và ông ôm lấy cánh cổng, cầu nguyện suốt đêm: “Lạy Chúa, xin cứu cô bé! Lạy Chúa xin cho nó sống”. Suốt đêm ông cầu nguyện với Đức Mẹ, ông khóc với Chúa, khóc từ trong tim. Và sáng hôm sau, quay lại bệnh viện, ông thấy vợ đang khóc. Ông nghĩ: “con gái của ông đã chết rồi”. Nhưng người vợ nói: “không thể hiểu được, không hiểu được, các bác sĩ nói rằng đó là một điều kỳ lạ, con gái dường như được chữa lành rồi”. Chúa đã nghe thấy lời cầu khẩn của người cha, ông đã xin Chúa mọi điều. Đây không phải là một câu chuyện: đây là điều tôi đã gặp trong một giáo phận nọ. Chúng ta có sự can đảm này trong cầu nguyện không? Chúng ta hãy cầu xin với Đấng có thể ban cho chúng ta mọi thứ, cầu xin được mọi điều, như người mù Bartimê, một ông thầy vĩ đại về cầu nguyện. Bartimê là một tấm gương cho chúng ta bằng chính niềm tin cụ thể, kiên trì và can đảm.

Và chúng ta hãy xin Đức Mẹ, Trinh nữ của cầu nguyện, dạy chúng ta biết hướng về Chúa với trọn cả tâm hồn, trong niềm tin rằng Ngài sẽ lắng nghe cách cẩn thận mọi lời cầu nguyện của chúng ta.

G. Võ Tá Hoàng
Mới hơn Cũ hơn