Lc 20, 27-40
Khi ấy, có mấy người thuộc phái Sađốc, là những người chối không tin có sự sống lại, đến gần Chúa Giêsu hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, Môsê đã viết cho chúng tôi: nếu ai có một người anh cưới vợ, rồi chết đi mà không có con, thì người em phải cưới người vợ đó để anh mình có kẻ nối dòng. Vậy có bảy anh em: người thứ nhất cưới vợ, rồi chết mà không có con. Người kế tiếp cưới vợ goá đó, rồi cũng chết không con. Người thứ ba cũng cưới người vợ goá đó. Và tất cả bảy người đều cưới như vậy và đều chết mà không để lại người con nào. Sau cùng người thiếu phụ đó cũng chết. Vậy đến ngày sống lại, người đàn bà đó sẽ là vợ ai trong các người ấy, vì tất cả bảy người đều lấy người ấy làm vợ?"
Chúa Giêsu trả lời rằng: "Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng; họ sẽ không thể chết nữa, vì họ giống như thiên thần, họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại. Về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môsê trong đoạn nói về Bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, và Thiên Chúa Giacóp. Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống, vì mọi người đều sống cho Chúa".
Bấy giờ có mấy luật sĩ lên tiếng thưa Người rằng: "Lạy thầy, Thầy dậy đúng lắm". Và họ không dám hỏi Người điều gì nữa.
***
Bài đọc 1 sách Macabê cho chúng ta thấy hình ảnh của vua Antiôkô, một vị vua trần gian chết trong “nỗi buồn tối tăm” của một tên bạo chúa, tham lam, áp bức, kinh thường luật Chúa và không thờ phượng Ngài. Khi hối hận nhìn lại cuộc đời mình thì đã muộn.
Hôm nay Tin mừng Luca 20,27-40 thuật lại việc Chúa Giêsu lên Giêrusalem để mừng lễ vượt qua, ở đây có những người thuộc các nhóm biệt phái, Pharisiêu đã gặp Chúa Giêsu và đưa ra cho Ngài những câu hỏi gây tranh cãi. Hôm nay nhóm người Sađốc, không tin thân xác sống lại đã cài bẫy Chúa bằng câu chuyện giả tưởng về một người đàn bà cưới bảy đời chồng, tất cả 7 người đều là anh em ruột, người sau cùng cũng đã chết, thì trong ngày sống lại bà sẽ là vợ của ai?. Nếu Chúa Giêsu bảo vệ ý niệm về sự sống lại phần xác thì người Sađốc sẽ tức giận; nếu ngài phủ nhận nó thì những người Pharisiêu sẽ nổi giận. Chọn nhóm này sẽ làm mất lòng nhóm kia.
Tuy nhiên, Chúa Giêsu không bị sa vào bẫy và Ngài đối lại rằng những người “sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa” (Lc 20, 35-36). Qua câu trả lời này Chúa Giêsu mời những người Sađốc và Pharisiêu, và cả chúng ta, đừng xem chốn trần gian đầy biến động như một thực tại duy nhất, mà còn có một thực tại khác không còn lệ thuộc vào cái chết, ở đó con người không thể chết nữa.
Những lời Chúa Giêsu nói đem lại niềm an ủi và hy vọng lớn lao cho chúng ta, rõ ràng có sự sống sau cái chết, là điều chúng ta vẫn thường xác tín trong Kinh Tin Kính đọc mỗi ngày Chúa nhật: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại và sự sống đời sau”. Xác tín của Chúa Giêsu về sự sống lại hoàn toàn dựa trên lòng trung thành đối với Thiên Chúa, là Chúa của sự sống.
Thật vậy, đằng sau câu hỏi của những người biệt phái, còn ẩn giấu một vấn đề sâu sắc hơn: không phải chỉ là chuyện người đàn bà góa bảy đời chồng sẽ là vợ ai, nhưng cả cuộc đời của bà sẽ là của ai. Vấn đề này chạm đến con người mọi thời và cho cả chúng ta hôm nay: sau cuộc lữ hành trần thế này, cuộc sống của chúng ta sẽ ra sao? Chúng ta sẽ thuộc về hư vô, hay thuộc về sự chết?
Chúa Giêsu trả lời rằng cuộc sống thuộc về Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta và quan tâm đến chúng ta rất nhiều, đến mức gắn kết tên của Ngài với chúng ta: Ngài là “Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac và Thiên Chúa của Giacóp. Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng của những kẻ sống; vì tất cả mọi người đều sống cho Ngài” (c. 37-38). Sự sống hiện hữu nơi có sự liên kết, hiệp thông, huynh đệ; sự sống sẽ mạnh hơn sự chết khi nó được xây dựng dựa trên mối tương quan và liên đới thực sự của lòng trung thành. Trái lại, sự sống không ở nơi mà người ta ước muốn nó chỉ thuộc về mình và sống như ốc đảo: sự chết sẽ lấn át nơi những người có thái độ này. Đó là ích kỷ. Nếu tôi chỉ sống cho tôi, tức là tôi đang gieo trồng sự chết trong tâm hồn mình (ĐTC Phanxicô).
Hai bài đọc hôm nay như chuẩn bị cho Chúa nhật ngày mai, Lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ. Khác với vị vua trần gian chọn một ốc đảo cho riêng mình để rồi phải chết trong đớn đau. Chúa Kitô là vị Vua đã đánh bại cái chết bằng sự phục sinh của mình qua con đường thương xót, yêu thương, vâng phục, khiêm nhường, trung thành chọn theo thánh ý của Cha, mở ra cho chúng ta một niềm hy vọng mới về cõi đời đời. Con đường dẫn đến sự sống của chúng ta cũng chính là con đường của Chúa Giêsu, được xây dựng trên lòng trung thành, tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân.
Với niềm tin vào sự sống lại, thật hợp lý để hôm nay chúng ta cầu nguyện cho ông bà cha mẹ, anh chị em, người thân của chúng ta đã qua đời. Chúng ta không cầu xin điều gì khác hơn ngoài sự sống đời đời cho họ mà chính Thiên Chúa đã mạc khải cho chúng ta.
Sau cùng, xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn biết hướng về thực tại vĩnh cửu trên trời, để mỗi ngày trong đời sống chúng ta biết chuẩn bị cho mình, không phải bằng những thước đo của trần gian, như vua Antiôkô trong bài đọc 1, hoặc như cách suy nghĩ của người Sađốc xưa, nhưng bằng tiêu chuẩn mà Thiên Chúa hằng ước muốn cho mỗi người chúng ta.
G. Võ Tá Hoàng