Nhiều tiền để làm gì (Lc 16, 1-8)
Suy niệm ngày thứ Sáu
Tuần 31 Thường niên
“Đức Giêsu còn nói với các môn đệ rằng: "Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: "Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!” (Lc 16, 1-8).
Có nhiều điều để suy gẫm và nhiều bài học trong dụ ngôn của Tin mừng hôm nay. Trước hết, người giàu có nên hiểu là Chúa và bạn là người quản lý. Đây là bài học quan trọng đầu tiên vì nó cho chúng ta biết rằng, khi nói đến vật chất trên thế gian này, Thiên Chúa là ông chủ thật sự của tất cả mọi thứ - chúng ta chỉ là những người quản lý. Hãy suy nghĩ về điều đó cách cẩn thận. Khi nghĩ đến tất cả những gì bạn sở hữu như tiền bạc, tài sản, mọi thứ khác, liệu bạn có nắm giữ nó với tư cách là chủ sở hữu hoàn toàn của những thứ đó suốt đời không? Có lẽ hầu hết mọi người đều nghĩ như vậy. Con người có thể làm việc cách chăm chỉ để nuôi sống, tiết kiệm, sắm sửa thứ này thứ kia, gửi ngân hàng, gắn bó cả đời với nó, và rồi coi vật chất là “của tôi” hơn là “của Chúa”. Cho nên, điều đầu tiên mà chúng ta nên xem xét đó là tất cả những gì chúng ta “sở hữu” thực ra đều là của Chúa. Ngài cho phép chúng ta dùng như người quản lý của thế giới này. Bạn có tin điều đó không?
Là người quản lý, chúng ta phải cam kết chỉ sử dụng sự giàu có của mình theo cách mà Chúa muốn. Trong dụ ngôn này, người quản gia bị tố cáo vì “đã phung phí tài sản” của chủ. Cuộc sống thường ngày, chúng ta cũng dễ mắc phải điều này khi sử dụng không đúng mục đích tiền của mà mình có được. Đây là xu hướng đặc biệt phổ biến đối với những người sở hữu nhiều tiền. Một đại gia nổi tiếng giàu có nhờ cà phê đã nói : “Nhiều tiền để làm gì?”; để tiêu xài hoang phí, mua quan tiến chức, sai khiến người khác, đi đây đi đó, mua sắm những gì mình thích…? Thật vậy, càng có nhiều tiền, chúng ta càng bị cám dỗ sử dụng nó cách hoang phí, nghĩa là sử dụng nó cho những mục đích ích kỷ của mình hơn là làm cho Danh Chúa được vinh hiển. Cam kết chỉ sử dụng sự giàu có của mình theo cách mà Chúa muốn, đây là một giáo huấn khó có thể chấp nhận và sống được. Nhưng sự thật này đã được mạc khải cho chúng ta qua dụ ngôn hôm nay.
Những lời ông phú hộ nói “công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi”, là những lời mà có lẽ một ngày nào đó chúng ta cũng sẽ được nghe. Nếu “ngày nào đó” chính là hôm nay thì toàn bộ những tài sản mình có sẽ như thế nào? Bạn đã làm việc chăm chỉ vì tư lợi, ích kỷ? Hay bạn đã làm việc chăm chỉ như một hành động có trách nhiệm đối với những gì mà Thiên Chúa đã giao phó cho bạn?
Tiếp tục dụ ngôn, chúng ta thấy rằng người quản lý đã hành động cách “thận trọng”. Anh ta đã nghĩ ra một kế hoạch để bảo đảm đáp ứng được nhu cầu vật chất sau khi bị mất chức quản gia. Tuy nhiên, trong đoạn này, Tin mừng cho chúng ta thấy được sự khôn ngoan của thế gian mà người quản gia là đại diện, ở đây có một tính toán đầy khéo léo, “thận trọng”, bao gồm cả ước muốn đầy lươn lẹo. Đó là cách sống của con người.
“Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: "Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy? Người ấy đáp: "Một trăm thùng dầu ô-liu. Anh ta bảo: "Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi. Rồi anh ta hỏi người khác: "Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy? Người ấy đáp: "Một ngàn giạ lúa. Anh ta bảo: "Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi” (Lc 16, 5-7).
Mặc dù siêng năng làm việc và chăm chỉ trong cuộc sống là điều tốt, nhưng điều này thường được thực hiện với mục đích ích kỷ. Nếu mọi người chăm chỉ làm việc để được giàu có lại càng nỗ lực hơn nữa vào việc xây dựng Nước Chúa thì quý giá biết bao. Thế giới này sẽ khác đi rất nhiều!
Hôm nay Tin mừng mời gọi chúng ta ý thức hơn về cuộc sống của chính mình: những gì tôi đang có tất cả đều do Chúa ban cho, chúng ta là những người quản lý của Chúa.
Thiên Chúa muốn chúng ta thoát khỏi sự ràng buộc về của cải để được tự do hơn và đồng thời dùng những gì mình có với mục đích vinh danh Chúa, phù hợp với ý định của Ngài. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn phải bỏ hết tài sản của mình cho việc từ thiện. Thay vào đó, bạn có thể dâng tất cả những gì mình có bằng cách sử dụng nó phù hợp với ý muốn của Ngài. Điều đó cũng có nghĩa là bạn càng nhận nhiều thì càng biết cho đi nhiều hơn; biết sống một cuộc sống giản đơn và thánh thiện không lệ thuộc hoàn toàn vào của cải. Tiền bạc không thể mua được hạnh phúc. Thiên Chúa mới là hạnh phúc tuyệt đối. Bởi có biết bao nhiêu người đã dành cả cuộc đời để chỉ tìm kiếm, tích góp của cải vật chất và danh vọng, đến lúc nhắm mắt xuôi tay cũng chỉ còn hai bàn tay trắng. Chúa Giêsu cũng đã từng quở trách người phú hộ trong Tin mừng Luca chương 12 : “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”
Lạy Chúa, mọi sự trên thế gian chỉ là phù vân, chỉ có Chúa là tồn tại muôn đời. Chúa là ông chủ của tất cả muôn vật của đã tạo nên. Tất cả những gì chúng con đang có là của Chúa. Xin cho con biết kiếm tìm và sử dụng những gì Chúa ban cho trong cuộc sống thường ngày không theo ước muốn đầy ích kỷ của con, nhưng cho Danh Chúa được vinh hiển.
Lạy Chúa, con tín thác vào Chúa.
G. Võ Tá Hoàng
CÂU CHUYỆN SUY TƯ
Ngày xửa ngày xưa, có một nhà buôn có một con ngựa và một con lừa. Một hôm, anh ta phải đem một số lượng hàng hóa lớn đến một thành phố khác. Vì thế, anh ta chất đầy hàng lên con lừa rồi cưỡi ngựa rồi lên đường.
Đó là một ngày nóng bức. Vì phải chở quá nhiều đồ nên chú lừa đã nhanh chóng bị kiệt sức. Chú hỏi con ngựa rằng, có thể chở giúp nó một ít đồ không, nhưng con ngựa nói rằng đó không phải việc của mình.
Chẳng bao lâu, con lừa không thể chịu nổi nên đã ngã quỵ ở giữa đường. Người đàn ông thì vẫn muốn tiếp tục hành trình để không bị chậm trễ. Vì thế, anh ta đã chuyển toàn bộ số hàng hóa trên lưng lừa sang lưng ngựa, và rồi họ lại tiếp tục lên đường.
Lúc này, khi phải cõng thêm số hàng hóa nặng như vậy trên lưng, ngựa mới thầm nghĩ, "Giá mà lúc trước mình đã giúp lừa", nhưng đã muộn.
Bài học cuộc sống: Con người rất nhỏ bé trước thế giới này. Không ai biết ngày mai chuyện gì sẽ xảy ra.
(St)